13:46 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1632

Máy chủ tìm kiếm : 39

Khách viếng thăm : 1593


Hôm nayHôm nay : 282340

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3887394

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 56041283

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » HOẠT ĐỘNG CAND

CAND

Nước Đức vất vả trong cuộc chiến chống tội phạm rửa tiền

Thứ năm - 20/02/2020 21:56


Theo ước tính của Interpol thì khoảng từ 2% đến 5% GDP thế giới hàng năm đến từ việc rửa tiền, tức là khoảng từ 1.600 tỷ đến 4.000 tỷ USD…

Thiếu công cụ pháp luật đủ mạnh

Thanh tra cảnh sát kỳ cựu này đã từng rạch nát những chiếc lốp xe ô tô để truy tìm ma túy, truy đuổi những kẻ buôn thuốc lá lậu trên đường quốc lộ, tham gia vào những cuộc tập kích vào các kho hàng chứa đầy dược phẩm nhập lậu. Giờ đây ông được giao nhiệm vụ tấn công vào lĩnh vực rửa tiền, chắc chắn đó là nhiệm vụ khó khăn nhất trong suốt chặng đường nghề nghệp của ông.

Chúng ta sẽ gọi viên thanh tra này là Hoffmann, một cái tên tượng trưng. Bởi nếu tên thật được đưa công khai lên báo chắc chắn sẽ đem đến cho ông không ít sự phiền hà. "Nước Đức là một nơi lý tưởng để rửa tiền".

Ông nói với chúng tôi về những chiến dịch rửa những khối lượng cực kỳ lớn tiền bẩn, những cuộc điều tra công phu vẫn không mang lại kết quả bởi không có những công cụ pháp luật đủ mạnh. Kẻ tội phạm vẫn nhởn nhơ không bị trừng phạt nhờ vào những kẽ hở của pháp luật.

Vào giữa tháng 11-2020, theo yêu cầu của Liên minh châu Âu, Nghị viện Liên bang đã phê chuẩn một luật mới của Đức về chống rửa tiền. Đạo luật này sẽ tăng cường sự kiểm soát trong thị trường bất động sản, mở rộng quyền hạn của nhân viên điều tra tài chính gắn với các dịch vụ hải quan.

Các nhà cung cấp dịch vụ tiền điện tử cũng sẽ bắt buộc phải báo cáo về các giao dịch đáng ngờ, mọi công dân có thể tiếp cận với các hồ sơ đăng ký của các công ty với danh sách cổ đông được niêm yết đầy đủ. Nhưng tất cả những biện pháp đó liệu đã là đủ chưa?

Một ngày nọ có một cặp vợ chồng người Ukraina sống ở Đức đã gửi 200.000 euro tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của họ. Chồng làm kỹ sư máy nông nghiệp, vợ làm trợ lý thuế. Thu nhập của họ chắc chắn sẽ không cho phép họ có được một khoản tiền tiết kiệm lớn như vậy.

Theo quy định của pháp luật, ngân hàng phải báo cáo các giao dịch đáng ngờ dạng này cho nhà chức trách. Với Hoffmann, không còn nghi ngờ gì nữa: "Chắc chắn không phải là tiền của họ, họ chỉ làm dịch vụ nhận tiền của người khác với khoản tiền hoa hồng ước chừng 5%".

Một trong những mánh khóe thường được áp dụng đó là lập một thỏa thuận vay mượn giữa chủ tài khoản và lũ tội phạm. Số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản rồi từ đó chuyển sang trương mục của một công ty Đức có chi nhánh tại một lãnh thổ hải ngoại của Anh như quần đảo British Virgin hay tại Panama. Số tiền này sẽ nhanh chóng được hòa vào dòng tiền sạch.

Hoffmann thẩm vấn hai vợ chồng. Cả hai đều im lặng bởi họ có quyền như vậy. Sau đó, Hoffmann gửi yêu cầu đến nhà chức trách Ukraina đề nghị họ chuyển cho ông tờ khai thuế của họ. Đã không có bất cứ phản hồi nào, chuyện này đôi khi cũng xảy ra, ngay cả trong nội bộ Liên minh châu Âu.

Kết quả: cơ quan công tố ra quyết định khép lại cuộc điều tra bởi Hoffmann đã không thể chứng minh được rằng số tiền này đến từ những hoạt động phạm pháp, điều kiện tiên quyết để mở một cuộc điều tra về hoạt động rửa tiền.

Vấn đề đau đầu đối với các nhà điều tra là hầu hết các hoạt động bất hợp pháp lại không diễn ra ở Đức. Thông thường Đức chỉ là điểm đến của dòng tiền bẩn, chúng được dùng để đầu tư vào bất động sản, mua hàng hóa hoặc cổ phiếu của các công ty. Nhưng nếu đó là số tiền có được của một kẻ tống tiền, một quan chức ở nước khác nhận hối lộ thì chính quyền Đức nói chung sẽ không thể biết được.

Hoffmann mong muốn được vận dụng thường xuyên hơn nữa điều 76a của Bộ luật Hình sự (mới thông qua vào năm 2017). Nếu một thẩm phán được thuyết phục rằng một món tiền nào đó là nguồn thu bất hợp pháp, ông ta có quyền ra lệnh tịch thu chúng. Khi đó các bị cáo là người phải có trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số tiền đó.

"Nếu chúng tôi tiến hành thu giữ tài sản thường xuyên hơn, chắc chắn việc điều tra sẽ có nhiều tiến triển hơn", Hoffmann nói. Ý kiến này cũng nhận được sự đồng thuận của Sebastian Fiedler, Chủ tịch Cơ quan điều tra tội phạm Đức: "Chúng tôi đã tranh đấu trong hai mươi năm để có được đạo luật này, bây giờ thực sự cần sử dụng đến nó, vì thế chúng tôi cần thêm nhân viên được đào tạo bài bản".

Dùng tiền mặt để mua xe sang rồi đem ra nước ngoài để bán, một thủ đoạn rửa tiền ưa thích của giới tội phạm ở Đức.

Thói quen thích tiền mặt của người Đức

Grote, một thanh tra khác, khi chuyển sang điều tra các vụ án kinh tế - tài chính đã phải học lại cách bấm chuông cửa. Trước đây khi điều tra những vụ giết người, mạng lưới khiêu dâm trẻ em hay buôn bán ma túy, anh chỉ đơn giản là phá cửa, xông vào căn hộ và chặn lối vào nhà vệ sinh để không ai có thể trốn thoát.

Giờ đây khi điều tra tội phạm tài chính, anh sẽ phải từ tốn bấm chuông cửa, lặng lẽ vào văn phòng và yêu cầu cung cấp các tập tin hoặc máy tính mong muốn. Đôi khi anh còn được mời một tách cà phê.

Tuy nhiên, hai thế giới này lại gắn bó chặt chẽ với nhau, vì buôn bán ma túy sẽ tạo ra một lượng tiền bẩn khổng lồ. Mua xe hơi là một phương pháp rửa tiền thường được ưa thích vì rất kín đáo.

Grote biết khá nhiều điều về nó: một ngày nọ, một người chỉ điểm kể cho anh nghe về một mạng lưới buôn xe ô tô ở Đức bằng tiền bẩn kiếm được ở nước ngoài. Nhưng cuộc điều tra nhanh chóng kết thúc bởi không thể lần ra các dấu vết.

Lý do: tất cả các giao dịch mua bán đã được thanh toán bằng tiền mặt. Những chiếc xe hơi sau đó được đưa lên những con tàu đi đến châu Phi để bán ở đó. Và đây là cách tiền ma túy trở thành một nguồn thu nhập sạch và hợp pháp.

Rất khó để chấm dứt việc rửa tiền ở Đức. Người Đức quá gắn bó với tiền mặt. Với đa số người Đức "tiền mặt là tự do". Tuy nhiên đó lại không phải là ý kiến của những nước khác ở châu Âu. Luật pháp Italia giới hạn 2.999,99 euro cho mỗi thanh toán bằng tiền mặt. Ở Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và hầu hết các nước châu Âu khác cũng có những giới hạn tương tự. Nhưng không phải ở Đức.

Trong những năm gần đây, ở Đức không có lĩnh vực kinh tế nào tăng trưởng nhanh hơn ngành bất động sản. Bộ Tài chính Đức tin rằng lĩnh vực này có nguy cơ cao trở thành nơi "che giấu" cho các hoạt động rửa tiền. Trong báo cáo thường niên năm 2018, Europol cũng đồng quan điểm khi cho rằng bất động sản hạng sang "là một phương pháp hấp dẫn để rửa tiền ẩn danh".

Trong đa số các trường hợp mua bán bất động sản để rửa tiền, thông thường người mua nhà sẽ đề nghị được trả bằng tiền mặt, việc đứng tên trong sổ đăng ký địa chính sẽ là một công ty nào đó có trụ sở ở một trong các đảo hải ngoại của nước Anh, Malta, Cyprus hay Panama.

Lần ngược theo đường đi của dòng tiền, người ta sẽ tìm thấy chủ đầu tư đích thực của phi vụ này. Một nguyên tắc kinh điển của công tác điều tra, lần theo dấu vết và đường đi của dòng tiền, chúng ta sẽ tìm ra thủ phạm của các vụ án.

Bộ Tài chính Đức tin rằng lĩnh vực bất động sản có nguy cơ cao trở thành nơi "che giấu" cho các hoạt động rửa tiền.

Nước Đức đối diện với những thách thức

Phải chăng nước Đức đã quá lơ là hay cẩu thả trong cuộc chiến chống lại nạn rửa tiền? Vài tuần trước, lần đầu tiên Bộ Tài chính Đức đã công bố "Bản Phân tích rủi ro quốc gia" liên quan đến nạn rửa tiền. Trong tài liệu này, cấp độ rủi ro đối với Đức được đánh giá là "trung bình - cao".

Việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và sự hấp dẫn của nước Đức và các doanh nghiệp Đức đang thu hút các mạng lưới tội phạm. Thêm vào đó là những nguyên nhân gây ra bởi "tần suất cao của việc thanh toán tiền mặt trong chu kỳ kinh doanh".

Năm 2020, Nhóm đặc biệt về hành động tài chính (Gafi), một thỏa thuận chung giữa 35 quốc gia để chống tội phạm tài chính và tài trợ cho khủng bố, sẽ tổ chức đánh giá những tiến bộ của Đức trong những lĩnh vực này. Trong bản đánh giá gần đây nhất (năm 2010) nước Đức đã không được đánh giá cao vì tình trạng lỏng lẻo trong kiểm soát đối với hoạt động của các đại lý bất động sản, thợ kim hoàn và sòng bạc. Lần này sẽ là cơ hội để nước Đức trình bày những tiến bộ cụ thể.

Kể từ năm 2010 đến nay, nước Đức đã tìm kiếm nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này bằng cách thành lập một đơn vị đặc nhiệm nằm trong các lực lượng hải quan chuyên trách việc chống rửa tiền qua biên giới; sử dụng chó nghiệp vụ ở các cửa khẩu để dò tìm tiền mặt chuyển lậu; công bố những quy định mới yêu cầu các ngân hàng, công ty bất động sản, nhân viên tư vấn thuế và các doanh nghiệp khi nhận thấy những hiện tượng nghi ngờ rửa tiền sẽ phải báo cáo ngay cho một cơ quan chuyên trách đặt trụ sở tại Cologne, trong trường hợp khẩn cấp hơn có thể báo trực tiếp cho cảnh sát tư pháp ở địa phương.

Dương Thắng (Tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp