08:06 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 2966

Máy chủ tìm kiếm : 158

Khách viếng thăm : 2808


Hôm nayHôm nay : 235173

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3836716

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55990605

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Xung quanh việc chấn hưng Quốc phục, Lễ phục

Thứ ba - 04/05/2021 23:03


Sau khi nghe ý kiến đề xuất của đại biểu Quốc hội Hà Nội, cả nghị trường râm ran, không khí trở nên sôi động.

Đến ngày 8-4-2021, đại biểu Phan Thanh Bình và đại biểu Dương Trung Quốc đã ghi dấu ấn mở đầu cho sự hiện diện áo dài nam truyền thống trong phòng họp Diên Hồng, nhà Quốc hội. Cùng với đấy, đại biểu Quốc hội của TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng các tỉnh Đồng Nai, Khánh Hoà, Lào Cai đã đồng tình mặc áo ngũ thân truyền thống (nam, nữ) nhân kỳ họp Quốc hội khoá 14 được diễn ra vừa qua.

Ngay sau đấy, Hội thảo Lễ phục Nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 17-4 tại thành phố Hồ Chí Minh. Một lần nữa, vấn đề về Lễ phục, Quốc phục Nhà nước lại được xới lên vô cùng sôi động.

Áo dài ngũ thân được đưa ra bàn luận tại Quốc hội

Việc khởi động lại mặc áo dài ngũ thân đối với nam giới ở nơi công sở, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế đã “nổ phát súng đầu tiên” - là một hoạt động nằm trong đề án “Huế- kinh đô áo dài” nhằm đẩy mạnh và phát huy giá trị văn hoá truyền thống của bộ “quốc phục” từ bao đời nay. Đơn vị này áp dụng quy định mặc áo dài truyền thống vào ngày thứ hai đầu tuần mỗi tháng nhưng không áp dụng đối với những người thường đi ra ngoài làm việc.Đây là ngày tổ chức lễ chào cờ tập trung kết hợp giao ban đơn vị.

Cũng tại Huế, nhiều chương trình hoạt động liên tục diễn ra để quảng bá áo dài ngũ thân nam. Tháng 3 vừa qua, với chương trình hoạt động “Trải nghiệm áo dài và xích lô Huế”, du khách bắt gặp trên đường những khách du lịch nam mặc áo dài ngũ thân truyền thống di chuyển trên xích lô để thưởng thức nét đẹp của cố đô trầm mặc. Ngày 10 tháng 3 (âm lịch), tại đền thờ trong Làng văn hoá Về Nguồn (Hương Hồ, Thị xã Hương Trà) hàng loạt cán bộ Sở Văn hoá - Thể thao TP Huế trong trang phục áo dài ngũ thân nam dâng hương Quốc Tổ Hùng Vương.
Các đại biểu Quốc hội khóa 14 mặc áo dài ngũ thân truyền thống.

Sau dịp Tết Nguyên đán, ngày 28 tháng 2, Cục trưởng Cục Văn thư và lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng đã đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại TP Đà Lạt để tham dự và cố vấn chỉ đạo chọn sắc màu đồng phục áo dài ngũ thân cho trung tâm. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Giám đốc Trung tâm cho biết: Sau khi có đầy đủ trang phục, trung tâm sẽ có quy định ngày làm việc trong tuần, cán bộ nhân viên Trung tâm sẽ mặc đồng phục là áo dài ngũ thân. Đây là đơn vị hành chính đầu tiên của TP Đà Lạt hưởng ứng và lan toả hình ảnh áo dài ngũ thân mang đậm hồn cốt dân tộc.

Không chỉ có những đơn vị hành chính mà ngay cả cá nhân nhiều người cũng vô cùng trân quý áo dài ngũ thân - áo dài truyền thống của dân tộc. Giáo sư, TSKH Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng đã mặc trang phục này trong nhiều sự kiện gia đình. Nhà sử học Dương Trung Quốc, người ủng hộ lấy trang phục áo dài truyền thống làm Lễ phục, Quốc phục và ông đã mặc áo dài ngũ thân khi tham dự nhiều sự kiện văn hoá.

Quay trở lại quá khứ, hình ảnh trang phục đàn ông Việt là khăn xếp, áo the, chân đi guốc mộc đã đi vào lịch sử. Theo ghi chép trong cuốn “Tam tài đồ hội” vào năm 1744 cải cách về y quan lễ nhạc của chúa Nguyễn Khoát ở Đàng Trong xây dựng một vương quốc độc lập với vương quốc Đàng Ngoài của vua Lê, chúa Trịnh, trong đó có cải cách y phục. Chiếc áo dài năm thân đã gắn liền với 9 chúa, 13 vua thời Nguyễn, ngay cả sau khi vua Bảo Đại thoái vị người ta vẫn thấy bóng dáng của áo dài ngũ thân nam.

Ngày nay, qua các tư liệu ảnh, ta thấy, sau Cách mạng tháng 8 thành công, một số nhà tri thức yêu nước, mang màu sắc nho học đều sử dụng áo dài năm thân như trang phục truyền thống. Điển hình như cụ Huỳnh Thúc Kháng khi được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội tham gia Chính phủ thì bức ảnh lưu lại đến giờ cho thấy khi cụ chụp cùng với các quan chức lúc đó, cụ mặc chiếc áo dài cổ đứng, năm thân. Chiếc áo dài cổ đứng năm thân gắn liền với nhiều quan chức Việt Nam thời cổ. Cụ Ngô Tử Hạ (Chủ tịch Đại hội đồng Quốc hội khóa I), cụ Nguyễn Văn Tố (Trưởng Ban Thường trực Quốc hội) đều mặc áo dài.

Phục hưng Quốc phục chính là chuyện phục hưng một di sản văn hoá truyền thống mà chúng ta đã có, đưa di sản ấy vào cuộc sống đương đại, góp phần khẳng định bản sắc, đặc trưng riêng của người Việt. Vậy nhưng phục hưng áo dài ngũ thân nam là câu chuỵện không hề đơn giản. Câu chuyện này đã được mang ra bàn trong nhiều cuộc hội thảo, ít nhất là từ hai thập kỷ nay, nhưng vẫn chưa có được đáp án.

Mọi chuyện tưởng như bị chìm xuống thì đại biểu thành phố Hà Nội Trần Thị Quốc Khánh đã đầy xúc động phát biểu tại kì họp Quốc hội khoá 14 vừa qua, khi nhắc đến áo dài ngũ thân nam. Theo bà, nhiều cử tri đã thắc mắc với bà là tại sao có quy định, trong lễ tân ngoại giao, hay trong các nghi lễ nhà nước, phụ nữ mặc áo dài truyền thống, còn nam giới lại mặc complet của Tây? Vì vậy, cần thay đổi các quy định để nam giới cũng được mặc áo dài truyền thống (áo ngũ thân) như phụ nữ, bởi vì đó là trang phục dân tộc, kín đáo và rất đẹp.

Tuy nhiên, thay đổi một thói quen trong trang phục, thay đổi cách ăn mặc lại là vấn đề không hề đơn giản. Liệu người Việt chúng ta có thể sớm tìm ra được Quốc phục hay không và rất có thể cùng với chiếc áo dài của nữ giới, áo ngũ thân của nam giới sẽ chính là bộ Quốc phục, Lễ phục đẹp nhất của người Việt.

Với trang phục áo dài nữ thì gần như là đã quen thuộc trong đời sống hằng ngày, nhưng đối với nam giới, quay trở lại với trang phục áo ngũ thân trong những ngày lễ, Tết và các ngày trọng đại trong đời sống lại là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. Liệu công cuộc chấn hưng Quốc phục, Lễ phục trong thời gian tới có thành công không vẫn là một câu hỏi lớn đối với chúng ta.

Nhà nghiên cứu cổ phục Nguyễn Đức Lộc: Y phục xứng kì đức

- Là một nhà nghiên cứu đau đáu với cổ phục, anh thấy áo ngũ thân nam hiện nay được tiếp nhận như thế nào?

+ Tôi cho rằng, tinh hoa Việt Nam không hề thua kém Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vậy mà khi bước chân ra thế giới, đến ngày truyền thống giao lưu văn hoá thì các bạn sinh viên Lào, Campuchia… khoác trang phục truyền thống lộng lẫy và múa hát các điệu múa truyền thống rất đẹp, còn các bạn sinh viên Việt Nam ít khi mặc trang phục truyền thống mà đa phần là mặc trang phục hiện đại, điều đó động đến vấn đề tự tôn dân tộc.

Khi bước chân ra nước ngoài, văn hoá sẽ trả lời cho bạn: Bạn là ai? Bạn đến từ đâu? Và trang phục là ấn tượng đầu tiên khi mọi người nhìn vào. Chúng ta ở trong nước và đôi khi chúng ta bỏ quên điều đó thì chúng ta hãy mở lòng mình ra, mở tầm nhìn của mình ra khu vực và thế giới. Hãy nhìn các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, hay các nước Âu, Mỹ, họ đã làm gì với văn hoá truyền thống của họ, với cổ phục của họ. Họ quảng bá đến mức nào rồi?!

- Anh có thể chia sẻ thêm cho độc giả biết rõ hơn về chiếc áo dài ngũ thân?

+ Áo dài hiện đại ngày nay của chị em được gọi là áo hai tà, có hai thân, một thân trước và một thân sau. Áo tứ thân là được chắp bởi bốn khổ vải. Áo ngũ thân là áo được chắp bởi năm khổ vải, thường có 5 cúc. Một cúc ở cổ, một cúc ở bả vai, ba cúc ở hông và khác với áo dài Trung Hoa, áo Việt Nam cúc sẽ nhiều hơn và vị trí đặt cúc sẽ biến thiên hơn.

Ngoài câu chuyện về kĩ thuật, áo ngũ thân còn có tính triết lí trên bộ cổ phục - áo dài năm thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và một thân là thân con nằm ở phía bên trong. Và bộ cổ phục truyền thống 5 thân còn có thể hiểu theo ngũ thường như: Nhân-Nghĩa-Lễ-Trí-Tín. Hoặc theo ngũ hành Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ. Người ta quan niệm số 5 là số sinh.

- Có nhiều ý kiến cho rằng cổ phục (áo dài ngũ thân nam) có thể là đẹp thật đấy nhưng giá trị sử dụng lại bị hạn chế, ví dụ như sự vướng víu hay các vấn đề về thời tiết?

+ Với một người thường xuyên mặc cổ phục thì tôi thấy hoàn toàn không hề vướng víu một chút nào. Các cụ vẫn nói rằng: “Y phục xứng kì đức”, trang phục cũng như vậy, cổ phục cũng thế. Khi mặc cổ phục của cha ông giữ cho chúng ta luôn luôn có một tâm thế phải trang nghiêm, đường hoàng, đĩnh đạc, chứ không phải là sự vướng víu. Từ tác phong sinh hoạt, ăn mặc cũng phải gọn gàng, nhẹ nhàng, từ tốn, không sẽ làm ảnh hưởng đến trang phục. Chính điều đó tạo nên tác phong.

Vậy thì chúng ta đưa quy định ít nhất một ngày trong tuần hay một tháng trong tuần cũng là một sự nhắc nhở chúng ta nhớ đến tiền nhân, nhớ đền nguồn cội, gốc rễ của mình. Hằng ngày chúng ta có thể xô bồ, suồng sã, nhưng khi ta khoác cổ phục lên thì phải giữ cho mình tâm thế điềm tĩnh, đi đứng khoan thai, cư xử lịch thiệp, lâu dần hình thành nên tác phong và thói quen, đồng thời hình thành nên nhân cách con người. Việc chúng ta sẽ mặc cổ phục ít nhất một tháng vào một lần, hoặc một tuần một lần, quan trọng là chúng ta làm được việc ý nghĩa, chúng ta giữ lại được truyền thống của ông cha không chỉ cho đời chúng ta mà còn cho con cháu mai sau.

PGS - TS Nghệ thuật học Nguyễn Thị Minh Thái: Quay lại áo dài ngũ thân là một chuyện lành mạnh

- Dưới góc độ là một nhà mỹ học, chị cảm nhận về áo dài ngũ thân như thế nào?

+ Áo tứ thân, ngũ thân đều là những chiếc áo truyền thống được sử dụng khá lâu đời ở Việt Nam. Khi thực dân Pháp sang xâm lược, họ đến là để cai trị nên đã áp đặt lối sống phương Tây lên lối sống Việt Nam. Người Tây gọi Việt Nam là Anamite và họ coi nước Việt chúng ta là nước con, còn nước Pháp là nước mẹ. Trong sự xâm lược đấy có xâm lược về văn hoá mặc, người ta quy định những người làm việc cho cơ quan Pháp thì phải ăn mặc như người Pháp, theo chuẩn của phương Tây, phải mặc complê - veston và thắt calavat, quần Tây, áo sơ mi. Dần dần người ta quen với một lối sống khác, không phải lối sống thời phong kiến.

Lối sống ấy đầu tiên diễn ra ở tầng lớp làm việc cho người Pháp như người thông ngôn (người phiên dịch)... sau này lây ra cho đại bộ phận xã hội thời bấy giờ. Vì thế người Việt Nam đã thay thế dần những bộ quần áo cũ kĩ, quê mùa của mình bằng những bộ quần áo của người Pháp, của phương Tây.

Thi sĩ Nguyễn Bính viết một bài thơ về sự thay đổi trang phục ấy là bài “Chân quê”: “Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Bởi vì cô này ra tỉnh thay đổi bộ quần áo miền quê bằng bộ quần áo thành thị. Những lời trách cứ cực kì huê tình, gượng nhẹ của những người nông thôn không nói thẳng, nói thật, nói đốp vào mặt, mà nói gần nói xa. Để nói rằng cô thiếu nữ đã thay toàn bộ, bộ quần áo chân quê ấy bằng một bộ quần áo thị thành, chính là nền văn hoá Pháp, hơi hướng của phương Tây.

- Vấn đề về Lễ phục, Quốc phục lại một lần nữa được xới lên tại kì họp Quốc hội vừa qua, theo bà việc chúng ta quay trở lại với áo dài ngũ thân có hợp lý với thời đại mới không?

+ Người Việt mình nếu muốn quay lại áo dài ngũ thân thì chẳng ai phản đối chuyện đấy cả, bởi vì đấy là một chuyện lành mạnh, rất bình thường, rất tốt. Chúng ta muốn Quốc phục ấy trở về với cội nguồn, với những nét trang phục của áo dài cổ ngày xưa, như chúng ta đã quen với hình ảnh những ông đồ, những nhà tri thức của người Việt trong bộ áo dài truyền thống. Sau đứt gãy về văn hoá, ngày nay chúng ta muốn quay lại bộ trang phục riêng cho nam giới của người Việt và bộ trang phục ấy phải được sống với thời đại mới và phải được mặc vào những dịp Lễ, Tết hay dịp sinh hoạt truyền thống vì mẫu áo ngũ thân rất đẹp.

Việc người đàn ông được may một bộ áo dài và được gọi là Quốc phục thì ta lại phải trả lời câu hỏi tiếp theo cho nó có lí do đích thực để người ta mặc vào lúc này và không mặc vào lúc kia, mặc trong hoàn cảnh nào, trong thời điểm nào, trong không gian nào? Nếu áo ngũ thân là Quốc phục thì sẽ mặc vào những ngày thứ hai đầu tuần hoặc những ngày phải tiếp khách nước ngoài và những ngày mà có những cuộc gặp rất quan trọng.

Ví dụ như người ta quy định Quốc hội họp một tháng thì tất cả thứ hai đầu tuần đề nghị tất cả các đại biểu Quốc hội phải mặc Quốc phục. Chúng ta nên đưa vấn đề này thành quy định, quy chế của Nhà nước. Áo dài nam khác áo dài nữ. Áo Đông khác áo Hè. Mà nếu đã gọi Quốc phục thì nam có, nữ cũng phải có. Đã từng có “Cuộc thi thiết kế áo dài Quốc phục cho nam và nữ”, tiếc thay cuộc thi đấy đã bị thất bại.

Nhà lý luận, phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình (Chủ nhiệm CLB Đình Làng Việt - Thư kí đề án Lễ phục Nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động) - Chọn áo ngũ thân... người già khó khăn, người trẻ ủng hộ

- Là người tham gia vào đề án Lễ phục, Quốc phục do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động, anh có thể nói rõ hơn những khó khăn trong việc thực hiện đề án? Tại sao đề án này đã được khởi động từ năm 2012 mà đến nay vẫn chưa đâu vào đâu?

+ Trước năm 2012, Bộ Văn hoá, Thể Thao Du lịch đã được lãnh đạo nhà nước chỉ định làm Quốc phục, tức là tìm ra một bộ trang phục. Vấn đề ở đây là Việt Nam hội nhập với Asean. Giai đoạn đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ thị cho các cơ quan liên quan là phải có một trang phục của Việt Nam và khi ra nước ngoài, trong những buổi tiệc người ta quy định mặc lễ phục truyền thống, trang phục truyền thống thì chính khách nam Việt Nam rất khó khăn trong việc chọn trang phục nên đòi hỏi phải có một bộ Quốc phục, Lễ phục.

Nhưng Đề án Quốc phục không làm được vì liên quan đến rất nhiều vấn đề, ví dụ như Quốc phục là một bộ trang phục mà được đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam, cái đấy phải được Quốc hội thông qua, hoặc là cơ quan kí ban hành, như một đạo luật. Sau này thấy Quốc phục không khả thi thì mới chuyển sang Lễ phục nhà nước. Thì đây là quy định lớn hơn, định ra một cái quy định chung cho tất cả các cơ quan nhà nước đều có một bộ trang phục mặc vào dịp lễ. Đề án này có từ năm 2012 đến năm 2014 thì cuộc thi kết thúc, nhưng thất bại. Năm 2017-2018, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nói không tìm được áo dài nam làm Lễ phục.

- Ồ, khó khăn vậy sao?

+ Trong quy định, quy chế để thiết kế của đề án cũng ghi rõ: Trang phục phải thể hiện được bản sắc văn hoá. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư cho một số nhà thiết kế để thiết kế thử nhưng cũng không ăn thua. Đến khi các nhà thiết kế đưa ra các mẫu áo thì chẳng có gì là bản sắc văn hoá Việt Nam ở những mẫu thiết kế đấy cả. Vì vậy không thực hiện được đề án và đề án coi như thất bại.

- Không tìm ra được bộ Quốc phục cho đàn ông là do năng lực của người thiết kế? Tôi thấy Việt Nam đâu có thiếu nhân tài?

+ Đông đảo các nhà thiết kế cũng tụ vào để làm, nhưng cuối cùng thất bại. Bởi vì bản thân các nhà thiết kế, là nhà sáng tác, họ muốn có cái gì đấy riêng của họ, không muốn làm đúng truyền thống. Ở đây, cách tân phải phù hợp với bản sắc văn hoá người Việt. Áo dài ngày xưa xuôi vai để tạo ra sự thật thà, khiêm cung với người đối diện, thì cách tân bằng cách áp dụng ngay việc may theo kiểu châu Âu vào trang phục là ghép vai thì hai kiểu kĩ thuật đấy hoàn toàn khác nhau. Cái liền vai tạo độ cử động dễ dàng, thoải mái, may theo kiểu châu Âu không cử động được. Complê cũng đẹp nhưng tạo ra ứng xử khác, áo xuôi vai tạo ra ứng xử khác. Chính vì vậy, năm 2017, đại sứ Phạm Sanh Châu mặc áo dài truyền thống đã nói: “Tôi mặc áo dài, tôi thấy tôi sống thật hơn, tử tế hơn”. Chính trang phục tạo ra đặc điểm về ứng xử, nhưng các nhà thiết kế không biết, có một số nhà thiết kế trẻ còn không biết áo ngũ thân là gì?

Rồi ngay cả Ban tổ chức chưa có tâm thế chọn trang phục áo dài ngũ thân truyền thống của nam giới làm Lễ phục Nhà nước. Họ muốn chọn bộ trang phục hoàn toàn mới, khác đi. Trong khi đấy áo dài Việt Nam may đúng truyền thống đã rất đẹp, không cần phải tổ chức thi, không cần phải tốn kém gì, lấy nguyên mẫu như thế và để quy chuẩn nó thì lại không làm.

- Là một người nghiên cứu sâu về áo dài truyền thống nam và anh đã đi theo đề án về Lễ phục, anh thấy hiện nay, xã hội phản ứng như thế nào về vấn đề này?

+ Cứ tưởng khi bàn về áo dài ngũ thân, áo truyền thống, thế hệ già sẽ dễ dàng chấp nhận nhưng sự thực là vô cùng khó khăn. Thế hệ 7X có người thích, người không thích, đang ở giữa hai luồng. Nhưng đặc biệt thế hệ 6X, 5X, 4X trở về trước và nhiều người lớn tuổi có học thức cũng không thích. Trong khi đó, thế hệ trẻ, 9X, 2000 tưởng không thích mà ngược lại giới trẻ rất thích truyền thống, muốn quay về với truyền thống. Bởi vì khi giao lưu quốc tế, chính nhu cầu tìm về truyền thống bản ngã ở đâu thì mới cần để phân biệt được với các dân tộc khác trên thế giới. Những người già đang tự tin và họ nghĩ họ có nhiều truyền thống trong người và họ có quyền đẩy trang phục cổ này đi. Tất nhiên lịch sử của áo dài có một giai đoạn bị đứt gãy từ hồi Pháp sang xâm lược, từ khi phong trào âu hoá mạnh, áo dài truyền thống nam đã dần biến mất trong đời sống xã hội. Đặc biệt người ta sai lầm khi nghĩ áo dài nam là đặc trưng biểu tượng của chế độ xã hội phong kiến cổ hủ lạc hậu. Áo dài nữ do cách tân cho nên vẫn phát triển.

Cá nhân tôi rất ủng hộ trang phục áo dài ngũ thân cho nam giới và cùng với đó là áo dài nữ. Nếu cả hai được chọn làm Lễ phục, Quốc phục thì tôi ủng hộ nhiệt liệt.

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp