02:44 EDT Thứ bảy, 27/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4948

Máy chủ tìm kiếm : 39

Khách viếng thăm : 4909


Hôm nayHôm nay : 174608

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3776151

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55930040

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG TỈNH

CAND

Tắc trách, thiếu hiểu biết hay vô tâm trong việc chi trả chế độ chính sách cho thân nhân liệt sỹ

Thứ ba - 18/07/2023 21:19
Từ nhiều năm nay, vấn đề thực hiện chế độ chính sách đối với thân nhân các liệt sỹ, người có công với cách mạng ở khắp nơi trong cả nước đã và đang xảy ra tình trạng chi trả thiếu minh bạch, thậm chí là sai phạm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với chính quyền và đặc biệt là sự bức xúc của thân nhân gia đình liệt sĩ - họ không cần sự ban ơn, cái họ cần là sự minh bạch, rõ ràng và đúng quy định.
          Thân nhân, người thờ cúng liệt sỹ không cần sự ban ơn
Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, có địa chỉ tại số nhà 11, tổ 3, phường Nam Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ có anh trai Nguyễn Văn Dần là liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ năm 1972, được an táng tại nghĩa trang Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Năm 2021, gia đình ông đã hoàn tất thủ tục và di chuyển mộ phần liệt sỹ về an táng tại Nghĩa trang xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ nhiều năm nay, cứ mỗi dịp Lễ, Tết, ngày giỗ hay ngày Thương binh liệt sỹ hàng năm, gia đình ông đều đến nghĩa trang thăm viếng anh trai và chăm sóc mộ phần. Ông chia sẻ: “Đối với các gia đình thương binh liệt sĩ, đã tham gia thực hiện nhiệm vụ giành độc lập cho đất nước thì đều không mong mỏi là đòi hỏi chế độ gì. Nhưng khi có chế độ hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sỹ đối với người thờ cúng liệt sỹ thì mong rằng chế độ đó được thực hiện một cách rõ ràng, minh bạch và theo đúng quy định”
Cũng giống rất nhiều gia đình chính sách khác trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mặc dù ông Hùng là cán bộ hưu trí, hiện đang sinh sống ở ngay trung tâm Thành phố Điện Biên Phủ, hàng năm gia đình ông vẫn được phòng LĐTB&XH Thành phố Điện Biên Phủ chi trả tiền trợ cấp thờ cúng liệt sỹ nhưng ông chưa bao giờ được bất cứ ai tuyên truyền, phổ biến quy định về việc ông được quyền lợi hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn khi đi thăm viếng mộ liệt sỹ. Câu chuyện chỉ bắt đầu từ năm 2021, sau khi gia đình ông tiến hành việc di chuyển mộ phần liệt sỹ từ Bình Định về Thái Bình thì mới được biết. Khi di chuyển hài cốt liệt sĩ từ Bình Định về Thái Bình, ông được Phòng LĐTB&XH huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thanh toán tiền di chuyển hài cốt liệt sỹ; được Phòng LĐTB&XH huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thanh toán tiền xây mộ liệt sỹ. Dịp 27/7/2022, sau khi ông về Hưng Hà thăm mộ liệt sỹ, ông có qua Phòng LĐTB&XH Thành phố đề nghị hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho việc thăm viếng thì được trả lời là chỉ được thanh toán một lượt đi hoặc về. Không đồng ý với câu trả lời này bởi trước đó ông đã nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và hiểu rằng mức chi hỗ trợ cho việc thăm viếng mộ liệt sỹ đối với người thờ cúng liệt sỹ là 3.000đ/km/người cho cả chiều đi và chiều về. Quan điểm của ông cũng giống rất nhiều thân nhân, người thờ cúng liệt sỹ khác: Họ chưa và không bao giờ đòi hỏi được đáp đền hay hỗ trợ gì. Với họ và người thân, được đóng góp sức người, sức của cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc là hạnh phúc; được sống trong tự do, ấm no là điều tuyệt vời. Có điều, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, khi Đảng, Chính phủ, Nhà nước đặc biệt quan tâm với nhiều chủ trương, chính sách đối với thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công trong điều kiện tốt nhất có thể như hiện nay thì họ mong chế độ chính sách đó đến được với người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi, rõ ràng, minh bạch, đúng và đủ chứ không phải là sự ban ơn.
 
      
Phóng viên An ninh Điện Biên trao đổi với ông Nguyễn Văn Hùng, số nhà 11, tổ 3, phường Nam Thanh, Thành phố Điện Biên Phủ
 
Các địa phương đã thực hiện chế độ chính sách cho gia đình người có công thế nào?
Tại sao lại có chuyện thân nhân, người thờ cúng liệt sỹ chỉ yêu cầu một điều tưởng chừng không có gì phải lăn tăn hay thắc mắc như vậy?
Chị Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng, Phòng lao động và xã hội thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Căn cứ vào các điều khoản quy định tại Điều 9, Nghị định 75/2021/NĐ-CP thì phòng LĐTBXH Thành phố Điện Biên Phủ không có căn cứ để tính số km từ “nơi cư trú” của thân nhân liệt sỹ đến nơi có “mộ liệt sỹ” và Phòng LĐTBXH Thành phố Điện Biên Phủ cũng không hiểu rõ việc hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ có bao gồm cả lượt đi và lượt về hay chỉ hỗ một lượt đi hoặc về???
Tại công văn số 513/SLĐTBXH-NCC ngày 08/3/2023 do ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc sở ký về việc xin ý kiến Cục Người có công thuộc Bộ LĐTBXH về giải quyết chế độ thăm viếng mộ liệt sỹ có nêu câu hỏi: Với những quy định tại điểm 1, 2 điều 9, Nghị định 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 quy định “Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng có bao gồm cả tiền ăn, lượt đi và lượt về khi thăm viếng mộ liệt sĩ, hay chỉ tính một lượt (lượt đi hoặc lượt về)?
Trao đổi với cán bộ công tác tại Sở LĐTB&XH một số địa phương như Quảng Ninh, Nghệ An, Bắc Kạn, Hà Nội chúng tôi được biết: các địa phương này cũng đều áp dụng thanh toán hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho việc thăm viếng mộ liệt sĩ mỗi năm một lần được tính là 01 lượt đi hoặc về theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ.
Khoản 4, điều 5, Thông tư số 44/2022/TT-BTC Quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý và điều 9, Nghị định 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng quy định: “Hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn cho thân nhân liệt sĩ (tối đa 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ mỗi năm một lần khi đi thăm viếng một liệt sĩ. Mức hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ: 3.000 đồng/01 km/01 người”. Khoản 1, điều 156, Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: “Hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ: tiền đi lại và tiền ăn theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ mỗi năm một lần đối với 01 mộ liệt sĩ.”
Như vậy, những văn bản pháp lý hiện hành quy định cụ thể, chi tiết về chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân đã khá rõ ràng. Thế nhưng, thay vì việc tích cực tuyên truyền, phổ biến quy định và nhanh chóng thanh toán, hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện thì các cơ quan công quyền lại loay hoay trong việc thực hiện chi trả chế độ chính sách?
Phòng LĐTB&XH Thành phố Điện Biên Phủ còn cần gì để có thể  “Có căn cứ để tính số km từ “nơi cư trú” của thân nhân liệt sỹ đến nơi có “mộ liệt sỹ”? Phòng LĐTB&XH Thành phố Điện Biên Phủ, Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên còn cần gì thì mới hỗ trợ thân nhân và người thờ cúng liệt sĩ tiền đi lại và tiền ăn khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ mỗi năm một lần bao gồm cả 2 chiều đi và về mà vẫn còn phải hỏi là Hỗ trợ 02 lượt (cả đi và về) hoặc chỉ hỗ trợ 01 lượt (lượt đi hoặc lượt về)?.
Khoản 1, Điều 12, Thông tư 101/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành LĐTB&XH quản lý quy định: “Thân nhân liệt sĩ (không quá ba người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được cơ quan LĐTBXH cấp giấy giới thiệu đi thăm viếng mộ liệt sĩ trong nước được hỗ trợ một lần tiền tàu xe và tiền ăn (bao gồm cả lượt đi và về), mỗi năm một lần đối với một liệt sĩ. Mức hỗ trợ theo đơn giá 2.000 đồng/km nhân với khoảng cách từ nơi cấp giấy giới thiệu đến nghĩa trang có mộ liệt sĩ hoặc địa phương nơi liệt sĩ hy sinh nhưng tối đa không quá 2.400.000 đồng/người”. Theo Nghị định 75 năm 2021, mức hỗ trợ này đã được nâng lên là 3.000đ/km/người và không quy định mức hỗ trợ tối đa. Điểm khác biệt giữa khoản 1 của 2 văn bản này chỉ đơn giản là thay từ “tiền tầu xe và tiền ăn (bao gồm cả lượt đi và về)” bằng “tiền đi lại và tiền ăn”. Nội hàm của 2 chữ “đi lại” đã bao hàm nghĩa là lượt đi và lượt về. Chưa kể, trước sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Nhà nước đối với người có công và gia đình chính sách thì rõ ràng văn bản pháp lý sau bao giờ cũng kế thừa văn bản trước để giải quyết, hỗ trợ về mặt chính sách cho các gia đình có công cũng như thực hiện chế độ an sinh xã hội ngày càng tốt hơn.
 
      
Phóng viên An ninh Điện Biên trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng    phòng, Phòng lao động và xã hội thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên
 
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đào Mạnh Ngân (76 tuổi), hiện cư trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội, ông có em trai Đào Mạnh Diêm là liệt sĩ hy sinh tại Mặt trận phía Nam năm 1972. Sau 47 năm miệt mài tìm kiếm, sau khi thực hiện biện pháp giám định gen ADN năm 2019 gia đình ông Ngân đã được Cục người có công Bộ LĐTBXH xác định mộ phần liệt sĩ Đào Mạnh Diêm hy sinh tại điểm cao 1800, an táng tại Nghĩa trang 1516 (hang Toa Tàu), Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào) và đã được di chuyển về an táng tại Nghĩa trang quốc tế Việt - Lào, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Từ đó tới nay, năm nào gia đình ông Ngân cũng ít nhất 01 lần đến Nghĩa trang quốc tế Việt Lào, Anh Sơn, Nghệ An để thăm viếng mộ phần. Mỗi lần trở lại với ông và gia đình đều trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào bởi tấm chân tình mà các đồng chí trong Ban quản lý nghĩa trang và những người mà gia đình ông quen biết ở nơi này dành cho ông, gia đình và cho anh linh người đã mất. Ông nói: Ngay sau khi gia đình ông đón nhận tin vui vào năm 2019, ông cùng gia đình đã vào thăm viếng mộ em trai mình tại Nghĩa trang quốc tế Việt Lào, Anh Sơn, Nghệ An. Tại đây, ông được chào đón như người thân trong gia đình, được bố trí chỗ ăn, nghỉ, được thanh toán tiền đi lại từ Hà Nội vào Anh Sơn, Nghệ An và ngược lại. Ông Ngân chia sẻ: Gia đình ông chuyển từ Điện Biên về Hà Nội từ cuối năm 2010. Từ đó tới giờ, đều đặn hàng năm ông và gia đình đều được Phòng LĐTB&XH Thành phố Hà Nội hỗ trợ tiền thờ cúng mỗi năm. Khi Nghị định 75/2021/NĐ-CP mới được ban hành, ông được thông báo tại cuộc họp tổ dân phố và cả bằng văn bản của phòng LĐTBXH Thành phố gửi về tận nhà nêu rõ về sự điều chỉnh đơn giá hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ từ mức 2.000đ/km/người (theo Thông tư 101/2018/TT-BTC) lên mức 3.000đ/km/người (theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP). Tuy nhiên, từ khi áp dụng Nghị định 75/2021/NĐ-CP thì mức hỗ trợ thăm viếng mộ liệt sĩ không còn được như trước nữa. Mặc dù là quy định tăng mức hỗ trợ từ 2.000đ/km/người lên 3.000đ/km/người theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ nhưng ở quy định mới thân nhân liệt sĩ hoặc người thờ cúng liệt sĩ lại chỉ được hỗ trợ một lượt đi hoặc về. Ông làm phép tính đơn giản: Ví dụ khoảng cách từ nơi ông cư trú là Hà Nội đến nơi có mộ liệt sĩ ở Anh Sơn, Nghệ An là 600km. Áp dụng Thông tư 101/2018/TT-BTC thì cách tính sẽ là: 600km   x 2.000đ  x 02 lượt = 2.400.000đ. Áp dụng theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP thì cách tính sẽ là: 600km  x  3.000đ  x 01 lượt = 1.800.000đ. Vậy nghĩa là Chính phủ điều chỉnh tăng về mặt hình thức những lại giảm về mặt chất. Thế thì chính sách an sinh xã hội của Nhà nước là đang bị thụt lùi chứ không phải là được nâng lên như hàng ngày các cơ quan báo, đài vẫn nói…
Mang thắc mắc này chia sẻ với chị Hưng - Trưởng phòng Hồ sơ Thông tin liệt sĩ, Cục Người có công thuộc Bộ LĐTBXH qua số điện thoại 098xxx319, chúng tôi được chị trao đổi: Các văn bản này chỉ quy định mức hỗ trợ chứ không phải thanh toán hoàn toàn và không hồi tố các văn bản quy phạm pháp luật trước đây mà chỉ cần áp dụng văn bản hiện thời. Mức hỗ trợ sẽ chỉ là 01 lượt chứ không phải 02 lượt như trước đây bởi vì mức hỗ trợ theo văn bản cũ là 2.000đ/km/người, còn bây giờ đã nâng lên là 3.000đ/km/người. Tất nhiên là chúng tôi không đồng tình với quan điểm này của chị bởi đồng quan điểm với đa số người dân, chúng tôi cũng hiểu nội hàm 2 chữ “đi lại” trong Nghị định 75/2021/NĐ-CP là bao hàm cả lượt đi và lượt về. Khi chúng tôi hỏi: Như vậy là theo quy định mới là tăng nhưng thực chất là giảm phải không”? thì được chị trả lời “tùy từng thời điểm, tùy từng điều kiện kinh tế... nên đây chỉ là hỗ trợ thôi”. Chúng tôi thực sự không hiểu là theo chị thì hiện nay, thời điểm này, điều kiện kinh tế của nước ta đang không được như trước hay thế nào mà mức hỗ trợ chính sách cho gia đình người có công lại có chiều hướng giảm đi như vậy? Trong cuộc điện thoại trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trưởng phòng Hồ sơ Thông tin liệt sĩ, Cục Người có công liên tục nhắc đi nhắc lại rằng: “Đây là mức hỗ trợ chứ không phải thanh toán toàn hoàn”. Thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công và người thờ cúng liệt sĩ đâu có đòi hỏi được thanh toán hoàn toàn chi phí nào. Kể cả không có họ cũng không đề xuất, nhưng Đảng, Chính phủ, Nhà nước quan tâm thì họ cần được hưởng đúng, đủ quyền lợi của mình. Có như thế nào thì họ cần có một sự giải thích rõ ràng, hợp tình, hợp lý theo đúng văn bản hướng dẫn thi hành. Chị trưởng phòng nói “đừng hồi tố văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực” (Khi chúng tôi nhắc lại về quy định mức hỗ trợ tại điều 12 Thông tư 101/2018/TT-BTC) nhưng chính chị lại viện dẫn ví dụ về mức hỗ trợ từ 1.500đ lên 2.000đ rồi bây giờ là 3.000đ (theo Nghị định 75/2021/NĐ-CP. Chị cho như thế là thân nhân, gia đình chính sách đã được quan tâm phải không ạ? Vậy đã bao giờ các chị thử làm phép tính so sánh về mức thực lĩnh của các gia đình chính sách khi áp dụng cách tính nhân với một lượt đi hoặc về để thấy sự bất cập hay chưa? Không đề cập đến chuyện mức hỗ trợ là bao nhiêu theo khoảng cách quy định, vấn đề là với nội dung văn bản quy định là “hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn” thì sự hỗ trợ này cần phải rõ ràng hơn: cả lượt đi và lượt về hay chỉ một lượt đi hoặc lượt về??? Xin nhắc lại: Gia đình người có công chưa và không bao giờ đòi hỏi sự đáp đền hay hỗ trợ gì. Cái mà họ cần là sự quan tâm, chia sẻ, đúng và trúng. Thế thôi.
 

An ninh Điện Biên trao đổi qua điện thoại với Trưởng phòng Hồ sơ thông tin liệt sỹ, Cục người có công, Bộ LĐTBXH
 
 Tại công văn số 505/NCC-KHTC ngày 13/4/2023 do đồng chí Đào Trọng Lợi Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐTB&XH ký gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên trả lời về việc xin ý kiến giải quyết chế độ thăm viếng mộ  liệt sĩ thì lại trích nguyên văn điều 9, Nghị định 75/2021/NĐ-Cp ngày 24/7/2021 của Chính phủ và kết luận: “Như vậy, theo quy định thì kinh phí hỗ trợ tiền đi lại và tiền ăn được tính theo khoảng cách từ nơi cư trú đến nơi có mộ liệt sĩ với mức hỗ trợ là 3.000đ/01km/01 người”. Điều mà Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên hỏi cũng trùng khớp với nhiều địa phương khác là: có bao gồm cả tiền ăn, lượt đi và lượt về khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ, hay chỉ tính một lượt (hoặc lượt đi và lượt về) chứ không phải là mức hỗ trợ bao nhiêu và khoảng cách từ đâu đến đâu.
Bài viết này, chúng tôi không đề cập đến chuyện số tiền chi trả cho thân nhân người có công khi đi thăm viếng và chăm sóc mộ phần tại các nghĩa trang liệt sĩ chỉ được chi trả ½ theo quy định (chỉ được trả một lượt đi hoặc về) đi đâu,về đâu? được xử lý như thế nào? Ở đây chúng tôi chỉ muốn nói về sự tắc trách trong khâu ban hành văn bản, trình độ nhận thức, áp dụng văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế, thiếu tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong công tác này mà thôi. Từ Nghị định đến Thông tư thực hiện đều ghi giống nhau, đến khi người thụ hưởng (thân nhân người có công, người thờ cúng liệt sĩ) thắc mắc về quyền lợi thì cơ quan đại diện lại trả lời chung chung mà không viện dẫn được văn bản hướng dẫn cụ thể nào. Thử hỏi, chính sách an dân nằm ở đâu khi mà đại diện các cơ quan công quyền tiếp xúc và giải quyết quyền lợi cho Nhân dân (chưa nói đến việc người dân ở đây là thân nhân liệt sĩ, người có công) lại vô cảm đến vậy?
Tri ân, tưởng nhớ công lao những anh hùng liệt sĩ
Hơn 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua biết bao cuộc chiến đấu trường kỳ, gian khổ chống quân xâm lược, phải chịu đựng biết bao hy sinh, mất mát, hàng vạn người là cha ông ta, các thế hệ đi trước đã phải hy sinh xương máu trên mỗi tấc giang sơn của Tổ quốc để Việt Nam có được hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 3.). Thực hiện lời di huấn của Người, trong những năm qua Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền đã có nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn, sự tôn vinh và lòng tôn kính; đồng thời góp phần quan trọng trong công tác giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau đối với người có công và thân nhân gia đình thương binh liệt sĩ. Coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên, đồng thời sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách nghiên cứu thực hiện việc nâng mức trợ cấp xã hội phù hợp và chăm lo để đời sống vật chất tinh thần của người có công ngày càng đầy đủ tốt đẹp hơn.
Chiến tranh đã lùi xa, và những nỗi đau do chiến tranh khó lòng có thể hàn gắn hết, nhất là đối với những gia đình có người anh dũng hy sinh, mãi mãi nằm đâu đó trong lòng đất Mẹ. Đúng như lời Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong Chương trình gặp mặt Thương binh liệt sĩ ngày 6/7 vừa qua: Đảng, Nhà nước và Nhân dân không bao giờ quên và luôn dành cho những người có công với cách mạng, gia đình thương binh liệt sĩ, thương binh, bệnh binh những tình cảm cao đẹp, trân trọng nhất. Tuy nhiên, mọi sự đền đáp cũng không bao giờ xứng đáng được với những hi sinh của các anh, các chị, nhất là những người mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại quê hương với người thân trong gia đình.
Vậy mà, từ khâu soạn thảo văn bản, đến cách tiếp cận, hiểu và áp dụng văn bản quy định về chế độ chính sách cho gia đình người có công hiện nay đã và đang khiến cho chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề này trở nên méo mó, làm cho gia đình, thân nhân người có công không những không được hưởng đúng, đủ chế độ chính sách theo quy định mà còn bị tổn thương về mặt tinh thần và gây bức xúc trong xã hội. Lẽ nào đây là cách mà cơ quan Thương binh xã hội thực hiện chính sách An dân???./.

Tác giả bài viết: Hương Giang, Thành Trung, Trường Long

Nguồn tin: congan.dienbien.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp