Khuyến cáo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh về tình trạng nhập xuất cảnh trái phép của công dân Việt Nam
Thứ ba - 13/08/2024 07:03
Những năm qua, thực hiện định hướng chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, chính sách và pháp luật về xuất nhập cảnh của Việt Nam không ngừng được hoàn thiện, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam xuất cảnh. Tuy nhiên, do nhu cầu của công dân ra nước ngoài tìm kiếm việc làm, lao động, đoàn tụ gia đình… rất lớn và đa dạng nên hoạt động xuất cảnh, di cư trái phép của công dân Việt Nam vẫn diễn ra, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của Việt Nam.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý 5.229 trường hợp xuất nhập cảnh trái phép; khởi tố, điều tra 166 vụ án hình sự liên quan đến xuất nhập cảnh trái phép. Riêng Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phát hiện 224 vụ/288 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; khởi tố 03 vụ án hình sự về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài; xác minh, điều tra ban đầu và chuyển Cơ quan điều tra các cấp hơn 60 vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, để tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.
* Những thủ đoạn đưa người xuất cảnh trái phép của các đối tượng phạm tội hiện nay
Hoạt động tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh, di cư trái phép thường diễn ra ở phạm vi rộng, cả ở địa bàn biên giới, khu vực cửa khẩu và trong nội địa, liên quan nhiều tỉnh/thành trong cả nước; hành trình ra nước ngoài của công dân thường trải dài qua nhiều nước, bằng cả đường không, đường bộ, đường biển. Hình thành các đường dây tội phạm với sự cấu kết giữa các đối tượng cả ở trong và ngoài nước, cả người Việt Nam và người nước ngoài tổ chức, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia với phương thức, thủ đoạn ngày càng đa dạng, tinh vi, có nhiều cách thức đối phó với Cơ quan chức năng:
- Các đối tượng thường lợi dụng mạng xã hội để quảng cáo về việc tuyển dụng lao động đi nước ngoài với việc nhẹ, lương cao, thủ tục đơn giản (chỉ cần cung cấp giấy tờ tùy thân, hộ chiếu… không cần chứng minh công việc, tài chính, bằng cấp…), thời gian xuất cảnh nhanh; hứa hẹn bố trí người đón, đưa dẫn theo từng chặng trong hành trình, thu xếp nơi ở, việc làm tại nước đến; chỉ cần nộp trước một khoản tiền đặt cọc, khi nhập cảnh thành công vào nước muốn đến thì mới phải trả đủ tiền; hướng dẫn khách cách thức khai báo để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng khi xuất nhập cảnh hoặc khi bị cơ quan chức năng phát hiện; hứa hẹn sẽ tiếp tục tổ chức cho đi nước ngoài khi bị từ chối nhập cảnh hoặc trục xuất.
- Quá trình liên lạc, thỏa thuận với khách thường sử dụng sim rác, qua tài khoản mạng xã hội ẩn danh, giao dịch chuyển, nhận tiền trực tiếp (không có biên nhận hoặc có văn bản hợp thức thể hiện việc thu tiền để đi xuất khẩu lao động, đặt cọc chống trốn…) hoặc qua tài khoản ngân hàng mang tên người khác, qua các dịch vụ chuyển tiền trung gian…
- Các đường dây hoạt động tinh vi, chia thành nhiều công đoạn, “mắt xích” độc lập trong quá trình tổ chức; trong nhiều vụ việc, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu cư trú ở nước ngoài, các đối tượng trong nước chỉ có vai trò môi giới, gom khách, hướng dẫn về thủ tục. Việc thỏa thuận, liên lạc với khách thực hiện chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok, Whatapps,…) bằng các tài khoản ảo, ẩn danh… nên gây nhiều khó khăn trong thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh triệt để với đường dây.
- Các đối tượng triệt để lợi dụng sự thông thoáng, thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh để tổ chức cho công dân xuất cảnh công khai, hợp pháp, sau đó trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động trái phép hoặc sử dụng thị thực, thẻ cư trú của nước ngoài được làm giả tinh vi, khó phát hiện.
Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã thường xuyên tổng hợp tình hình, cập nhật các phương thức, thủ đoạn đưa người đi nước ngoài trái phép để trao đổi Công an các đơn vị, địa phương phục vụ công tác tuyên truyền, cảnh báo cho người dân; phối hợp các báo, đài đưa tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội; phối hợp với Công an các địa phương có nhiều người xuất cảnh, di cư trái phép tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng, tuyên tuyền, phổ biến pháp luật… để nâng cao nhận thức cho người dân, phòng chống hoạt động xuất nhập cảnh, di cư trái phép.
* Trước tình trạng xuất cảnh, di cư trái phép diễn biến phức tạp thời gian qua, Cục Quản lý xuất nhập cảnh khuyến cáo người dân:
Người dân cần tìm hiểu, nâng cao nhận thức và chấp hành các quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh; có ý thức cảnh giác, nắm và nhận diện được các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, đường dây tổ chức cho người khác xuất cảnh, di cư trái phép, mua bán người và những hậu quả, hệ lụy của việc xuất cảnh, trốn ở lại nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng xấu dụ dỗ, lôi kéo.
Khi có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài, người dân cần liên hệ các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các Công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín, có giấy phép lữ hành quốc tế, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để được tư vấn, hướng dẫn về thủ tục; không nghe và làm theo các đối tượng môi giới, tổ chức.
Đối với những người bị hại cần xóa bỏ tâm lý mặc cảm, sợ bị trả thù, sợ ảnh hưởng đến danh dự nên không khai báo, khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác xác minh, giải quyết vụ việc liên quan.
Không tiếp tay, tham gia các hoạt động môi giới, tổ chức, đưa dẫn, giúp sức, xúi giục người khác xuất nhập cảnh trái phép; kịp thời thông báo, tố giác các đối tượng có hoạt động tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép cho cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, xử lý./.
Nguồn tin: Cục Quản lý Xuất nhập cảnh