14:13 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3699

Máy chủ tìm kiếm : 91

Khách viếng thăm : 3608


Hôm nayHôm nay : 137416

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4629896

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51575394

Trang nhất » TIN TỨC » TIN CÔNG AN ĐIỆN BIÊN

CAND

Gần dân, trọng dân, tin dân để được nhân dân yêu quý, ủng hộ và giúp đỡ - giá trị bài học từ lý luận đến thực tiễn về học tập và làm theo Sáu điều Bác Hồ dạy của Công an tỉnh Điện Biên

Thứ sáu - 24/03/2023 15:22

 
Đại tá Ngô Thanh Bình
UVBTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên

Trong thư gửi đồng chí Giám đốc Công an Khu XII ngày 11/3/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 điều dạy về “Tư cách người Công an cách mệnh”. Sáu điều dạy của Bác đã trở thành di sản tinh thần vô cùng quý báu của lực lượng CAND, là cẩm nang, chuẩn mực đạo đức, tư cách, là mục tiêu rèn luyện, phấn đấu, công tác của mỗi cán bộ, chiến sĩ (CBCS) CAND.
Trong mối quan hệ với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: “Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép”, “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì dù tài tình mấy cũng không làm gì được”. Người khẳng định: “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn. Dân ta rất tốt. Gặp trường hợp nguy hiểm, nếu công an khéo léo thì được dân giúp ngay. Khéo ở đây không phải là cái lối khéo bề ngoài, mà khéo có nghĩa là phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân, Công an phải gần dân, kính trọng và lễ phép với nhân dân”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, trong suốt chặng đường 78 năm qua, dù khó khăn, gian khổ đến mấy hay lúc đứng trước muôn vàn thử thách, hy sinh, lực lượng Công an nhân dân nói chung, Công an tỉnh Điện Biên nói riêng vẫn luôn một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành, hết lòng, hết sức phục vụ lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của Nhân dân. Trong công tác và chiến đấu, có hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ ngày đêm tận tuỵ, âm thầm chấp nhận mọi gian khổ, khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Mỗi một chiến công, mỗi gương người tốt, việc tốt, mỗi sự nỗ lực của các đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an Điện Biên đã góp phần làm cho kỷ cương phép nước được nghiêm minh hơn, tài sản của nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân được bảo vệ tốt hơn, đấu tranh có hiệu quả với các thế lực thù địch và các loại tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Để có kết quả đó, Công an tỉnh Điện Biên xin nêu ra một số  bài học kinh nghiệm như sau:
Bài học kinh nghiệm thứ nhất chính là việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, học tập và thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy CAND trên cơ sở  bài học về “Lấy dân làm gốc” qua lời dạy “Đối với Nhân dân phải kính trọng, lễ phép”.
Trong các yếu tố quyết định mọi thành bại của cách mạng, nhân tố con người là quan trọng hàng đầu. Chính vì vậy, việc quan tâm giáo dục chính trị tư tưởng,  đạo đức lối sống cho cán bộ chiến sĩ luôn được Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh quan tâm chú trọng. Bằng nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo khác nhau, mỗi CBCS luôn được quán triệt toàn diện, đồng bộ về phẩm chất, tư cách, đạo đức, tư tưởng, lối sống, từ thông qua các cuộc sinh hoạt cơ quan định kỳ, đột xuất đến thông qua việc giao việc, kiểm tra, hướng dẫn và giám sát việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao hoặc thông qua các tổ chức đoàn thể như thanh niên, phụ nữ… Đảng ủy - Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, củng cố tổ chức cán bộ, kiện toàn cấp uỷ Đảng các cấp, rà soát tổ chức trong toàn lực lượng; đảm bảo ưu tiên toàn diện cho đơn vị chiến đấu, đơn vị cấp huyện, cấp xã. Chú trọng làm tốt công tác bồi dưỡng đào tạo đội ngũ CBCS, ngoài việc tạo điều kiện cho CBCS đi đào tạo, bồi dưỡng hệ tập trung, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Học viện CSND, ANND… tổ chức các lớp Đại học hệ vừa học vừa làm. Nâng tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học hiện nay toàn Công an tỉnh 68,51%, Tiến sỹ 06 đồng chí (0,35%), Thạc sĩ 191 đồng chí (10,37%). Nhờ vậy, mỗi CBCS Công an Điện Biên luôn xác định tâm thế, tư tưởng, thái độ và trách nhiệm vững vàng, yên tâm công tác, hết lòng hết sức phụng sự Đảng, Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.
Bài học kinh nghiệm thứ hai là việc đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ lực lượng công an, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn với việc tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; kịp thời tuyên truyền, phổ biến, tổ chức quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Kế hoạch hành động “Xây dựng hình ảnh người cán bộ Công an Điện Biên bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ, đẹp trong lòng dân” với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; kết quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến tham nhũng. Qua đó, đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Xác định công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” trong xây dựng Đảng, Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành Nghị quyết về tăng cường lãnh đạo đối với công tác cán bộ trong Công an tỉnh nhằm công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; chủ động phòng, chống, không để xảy ra tiêu cực, chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc chuyển đổi công tác theo Thông tư số 55/2014/TT-BCA ngày 12/11/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, Thông tư số 27/2017/TT-BCA của Bộ Công an quy định về quy tắc ứng xử trong Công an nhân dân và Quy định về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sĩ Công an Điện Biên, tăng cường kiểm tra chấn chỉnh công tác điều lệnh đối với các đơn vị thực thi nhiệm vụ, bộ phận thường xuyên trực tiếp công dân. Bên cạnh đó, Công an tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, tổ chức… Tập trung rà soát, đánh giá các nội dung trọng tâm về công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị trên các lĩnh vực theo quy định của pháp luật và Bộ Công an, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Kết quả tự kiểm tra đã giúp các đơn vị đánh giá đúng thực trạng; chỉ ra ưu điểm, hạn chế trong tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các kế hoạch, chương trình hành động của Bộ Công an và Công an tỉnh về phòng, chống tham nhũng. Từ đó, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; tập trung chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế, thiếu sót; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Qua đó niềm tin của quần chúng nhân dân đối với lực lượng công an được nâng lên rõ rệt. 5 năm gần đây, người dân đã chủ động cung cấp cho lực lượng công an gần 2.000 nguồn tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và xây dựng lực lượng công an Điện Biên ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Bài học kinh nghiệm thứ ba thể hiện sự “kính trọng, lễ phép với Nhân dân” của Công an Điện Biên chính là việc tăng cường vai trò giám sát, phản biện của quần chúng nhân dân. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng: Nhân dân là chủ thể của lịch sử, nhân dân là lực lượng của cách mạng, do đó trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và xem đây là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của dân tộc ta. Thông qua việc quan tâm chú trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở, Công an tỉnh Điện Biên có cơ hội được gần gũi nhiều hơn, chia sẻ kinh nghiệm công tác cũng như học hỏi từ Nhân dân và nhận từ nhân dân những ý kiến phản hồi về cách thức, thái độ và trách nhiệm thực thi công việc. Chủ tịch Hồ Chí minh khi sinh thời đã từng nói: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Hoạt động giám sát của Nhân dân là sự thể hiện cụ thể của việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, của chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Chính vì vậy, để dân tin, dân ủng hộ và giúp đỡ, Công an tỉnh Điện Biên đã quan tâm phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân trên mọi lĩnh vực bảo đảm ANTT cũng như xây dựng lực lượng. Cán bộ chiến sĩ Công an Điện Biên đã tích cực bám dân, bám địa bàn hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác giữ gìn an ninh trật tự, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Tham mưu đẩy mạnh các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, đấu tranh có hiệu quả với các ổ nhóm tội phạm, chuyển hóa các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Đã tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả bảo vệ ANTT của lực lượng Công an xã tỉnh Điện Biên giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng Công an xã, bảo vệ cơ quan doanh nhiệp, bảo vệ dân phố; đã tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức ANTT cho Bí thư, Phó bí thư chi bộ cơ sở, già làng, trưởng bản, người uy tín trên địa bàn toàn tỉnh. Tập trung chỉ đạo xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, điểm sáng về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, như mô hình “Cụm dân cư không có tội phạm”, “Dòng họ bình yên”, “Khu phố bình yên”, “Cụm dân cư, phường xã an toàn về ANTT”, “Bản làng không có tà đạo, đạo lạ”.... Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp xây dựng, củng cố 137 cụm liên kết về ANTT, 1.547 tổ ANND, 45 câu lạc bộ phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, 668 tổ thanh niên xung kích, 62 dòng họ bình yên, 53 phố, bản, xã phường tự quản về ANTT, 1.560 tổ hòa giải, 30 nhóm nòng cốt và 09 câu lạc bộ MTTQ với pháp luật, nhiều mô hình đã phát huy tính hiệu quả, tạo nền móng cho xây dựng thế trận ANND gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, góp phần phát huy vai trò tự giác của nhân dân, trách nhiệm của mỗi cộng đồng và xã hội trong thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Kết quả phân loại phong trào hàng năm: đơn vị đạt chuẩn An toàn về ANTT trên 30%, khá 50% trở lên, 10 năm liên tục từ 2012 - 2021, toàn tỉnh không có cơ sở xã, phường, cơ quan doanh nghiệp yếu kém. Trên lĩnh vực PCCC và CNCH, người dân đã tin tưởng, ủng hộ lực lượng công an  khi chủ động thành lập các mô hình “Tổ liên gia tự quản”, “Tiếng kẻng PCCC”. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hàng trăm mô hình nhằm giữ gìn và bảo đảm công tác PCCC ngay tại cơ sở theo đúng phương châm “4 tại chỗ” an toàn, hiệu quả.
Một trong những chủ trương, giải pháp cơ bản và xuyên suốt, là sợi chỉ đỏ nối dài những chiến công thành tích của lực lượng Công an Điện Biên trong suốt chiều dài tiến trình lịch sử hơn 70 năm qua chính là tiếp tục đổi mới việc ra quân tăng cường CBCS xuống cơ sở, thực hiện ba cùng với nhân dân để giữ vững ANTT, gắn với xây dựng lực lượng Công an Điện Biên luôn trong sạch vững mạnh với phương châm hành động là “Gần dân, tin dân, trọng dân để được Nhân dân yêu quý, ủng hộ và giúp đỡ”. Do có chủ trương đúng, biện pháp tổ chức thực hiện sáng tạo, nên phong trào tăng cường CBCS xuống cơ sở, thực hiện ba cùng với nhân dân của lực lượng Công an Điện Biên trong hơn 20 năm qua đã đạt được những kết quả to lớn, thực sự tạo bước chuyển biến vượt bậc trên các mặt công tác, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an Điện Biên đều thấm nhuần tư tưởng và xác định đi tăng cường là dịp để tự khẳng định mình, rèn luyện thử thách, phát huy được khả năng, năng lực, trải nghiệm với thực tiễn ở cơ sở. Xác định trọng trách cao cả đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ khi nhận nhiệm vụ đã chủ động gần dân, sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình; phát hiện, đấu tranh có hiệu quả âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch; giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp nổi lên ngay tại cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cũng chính là một bài học kinh nghiệm quý giá của Công an Điện Biên trong việc đẩy mạnh học tập và làm theo sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Thực hiện tốt quy chế này tức là chúng ta phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Đảng ủy - Ban giám đốc Công an tỉnh đã quan tâm tập trung đổi mới công tác tăng cường CBCS xuống cơ sở, thực hiện ba cùng với nhân dân, chú trọng các địa bàn trọng điểm, biên giới, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, luôn nắm chắc địa bàn, tình hình hoạt động của các loại đối tượng; phòng ngừa, phát hiện đấu tranh có hiệu quả âm mưu hoạt động của các thế lực thù địch phản động lợi dụng các vấn đề tôn giáo, dân tộc để tuyên truyền đạo trái pháp luật, nhằm lôi kéo quần chúng vô hiệu hoá vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền ở cơ sở. Năm 2017, trước tình trạng di cư tự do và phá rừng tại địa bàn huyện biên giới Mường Nhé diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng ANTT, Công an tỉnh đã chủ động, tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do, chỉ đạo huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành liên quan cùng tham gia, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt. Công an tỉnh đã thành lập 7 tổ công tác, huy động trên 1.000 lượt CBCS xuống cơ sở tập trung ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng và di cư tự do; kết quả, sau 7 tháng triển khai đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý 86 vụ phá rừng, trong đó khởi tố 15 vụ, 16 bị can về hành vi hủy hoại rừng; rà soát, sắp xếp ổn định dân cư, bố trí giao đất, giao rừng cho 776/776 hộ theo đúng quy định, góp phần làm ổn định ANTT tại địa bàn huyện Mường Nhé; đồng thời kết quả này, đã góp phần quan trọng phục vụ hoàn thành xong trước tiến độ về thực hiện Đề án 79 của Chính phủ "Xắp xếp, ổn định dân cư; phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh tại huyện Mường Nhé đến năm 2020". Ngoài ra, thông qua nắm bắt tình hình tư tưởng của quần chúng nhân dân và bám nắm địa bàn, lĩnh vực, đối tượng, Công an tỉnh Điện Biên đã đấu tranh làm tan rã hoạt động lập "Vương quốc Mông" trên địa bàn. ", Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng như: Đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác đấu tranh làm tan rã âm mưu, hoạt động "Vương quốc Mông"; vận động thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn Điện Biên; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, bóc gỡ, cảm hóa, giáo dục kêu gọi đầu thú, do đó số đối tượng hoạt động phỉ, lập "Vương quốc Mông" trên địa bàn đã bị tan rã, mất phương hướng hoạt động, ta đã làm chủ được tình hình, nắm chắc và làm rõ được tổ chức, âm mưu, hoạt động, đồng thời đã quản lý, kiểm soát được số đối tượng cầm đầu, từ đó chủ động phòng ngừa ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động lôi kéo, tụ tập, gây rối của chúng. Nổi bật, đã lập kế hoạch đấu tranh làm tan rã hoạt động của nhóm "6 cánh" và "7 cánh" - tuyên truyền lập "Vương quốc Mông" (năm 2013); qua công tác nghiệp vụ đã phát hiện 2 nhóm đối tượng ở Pá Mì và Mường Toong, Mường Nhé hoạt động phỉ và "Vương quốc Mông", đã triển khai kế hoạch truy bắt đối tượng, quá trình tổ chức bao vây truy bắt nhóm đối tượng đã tìm mọi cách thoát khỏi vòng vây, chạy trốn vào rừng sâu khu vực sát biên giới Trung Quốc. Do bị ta truy đuổi quyết liệt, ngày 15/10/1012 nhóm đối tượng đã sử dụng vũ khí tấn công lực lượng truy bắt, làm 01 đồng chí hy sinh, 04 đồng chí bị thương; ngay sau đó, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với Công an tỉnh Vân Nam - Trung Quốc đấu tranh. Kết quả ngày 19/10/2012 đã bắt 23 đối tượng, trong đó có 7 đối tượng trực tiếp tấn công tổ công tác của ta; đấu tranh khai thác, làm rõ âm mưu của chúng sẽ tấn công các mục tiêu chính trị, quân sự, kinh tế của tỉnh. Việc bắt giữ các nhóm đối tượng trên đã làm tan rã, đẩy lùi hoạt động phỉ, lập "Vương quốc Mông" tại địa bàn tỉnh Điện Biên.
Lực lượng công an tăng cường cho cơ sở đã tham mưu thực hiện tốt các giải pháp quản lý Nhà nước về hoạt động tôn giáo: chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt các điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo; gặp gỡ, giáo dục, hướng lái số đối tượng cầm đầu các điểm nhóm chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động tôn giáo. Nổi bật, đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện tổ chức nhiều Hội nghị gặp mặt trưởng điểm nhóm đạo thống nhất nhận thức về hoạt động tôn giáo, tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại, góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo ANTT từ cơ sở. Đồng thời tập trung răn đe, xử lý nghiêm số đối tượng lợi dụng vấn đề tôn giáo có hoạt động quá khích; Đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn hoạt động nhóm 92 đối tượng ở các tỉnh: Hà Nội, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Nam Định do Lê Thị Bình (SN 1953), trú tại Vân Đình, Ứng Hòa, Hà Nội tự nhận là Trưởng đoàn "Lâm thời Giáo hội Lạc Hồng" đến Điện Biên với ý đồ lợi dụng Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ để phô trương thanh thế, công khai hóa tổ chức... từng bước hạn chế, ngăn chặn hoạt động tôn giáo trái pháp luật, từng bước xóa các tà đạo, không để các thế lực thù địch lợi dụng hoạt động chống phá. Làm tốt công tác bảo vệ An ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh kinh tế, an ninh thông tin, an ninh xã hội. Đã chủ động phối hợp với lãnh đạo các ngành nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải quyết các vụ việc gây mất đoàn kết nội bộ, tham ô, lãng phí; nắm chắc diễn biến, từ đó làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhất là trước diễn biến phức tạp tại Biển Đông, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt để cán bộ, công chức, nhân dân hiểu rõ, hiểu đúng bản chất tình hình, qua đó đã nâng cao nhận thức, tư tưởng, quan điểm đối với mọi tầng lớp trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm ANTT.
Bài học kinh nghiệm thứ tư là: Phát huy vai trò của lực lượng công an các cấp, nhất là cấp xã; đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng công an và chính quyền các địa phương và quần chúng nhân dân, góp phần kiềm chế các loại tội phạm, đảm bảo trật tự kỷ cương xã hội, tạo môi trường an ninh, an toàn, lành mạnh cho nhân dân và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Một trong những kết quả thể hiện rõ nhất sự chuyển biến đó là với vai trò nòng cốt lực lượng công an đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền 2 huyện giải quyết thành công vụ tranh chấp liên quan đến địa giới hành chính giữa bản Hua Sát, xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo) và bản Nậm Chan 3, xã Ngối Cáy (huyện Mường Ảng) đã kéo dài hơn 20 năm nay. Đây là vụ tranh chấp xảy ra từ năm 1994, đã giải quyết nhiều lần nhưng không thành, quá trình tranh chấp đã xảy ra một số sự việc phức tạp, luôn tiềm ẩn phát sinh thành điểm nóng; thậm chí nhiều lần xảy ra xô sát giữa nhân dân hai bên, từ dó dẫn đến bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền luận điệu sai trái. Một minh chứng làm rõ sự chuyển biến về công tác an ninh trật tự trên địa bàn là thông qua tin tố giác của quần chúng, từ năm 2010 đến nay, lực lượng công an tỉnh đã đấu tranh thắng lợi 2.430 vụ, 2.939 đối tượng thu: 508.12 kg hêrôin, 126.25 kg thuốc phiện, gần 800.000 ngàn viên ma tuý tổng hợp, 92 súng quân dụng, 35 xe ô tô, 15 kg vàng, 135 ngàn USD, trên 12 tỷ VNĐ...
Bên cạnh đó, ngoài công tác chuyên môn, cán bộ, chiến sĩ còn sẵn sàng chung tay giúp bà con lao động, sản xuất, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, hướng dẫn cách quây bạt che chắn và chống rét, sản xuất. Nhiều gia đình người Mông, người Dao… nghe theo cán bộ, chiến sĩ mà định cư, định canh, chăm chỉ làm ăn phát triển kinh tế, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào ổn định tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Với trách nhiệm là lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Công an tỉnh đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống dịch, đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị triển khai kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tham mưu Tỉnh ủy, UBND lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách để khoanh vùng, dập dịch; tham mưu xây dựng các phương án phòng, chống dịch theo từng cấp độ.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, với vai trò là đơn vị đi đầu trong thực hiện chủ trương hỗ trợ làm nhà tại Điện Biên, 03 năm qua, Ban Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn các xã, bản của các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ, Điện Biên Đông triển khai thực hiện kế hoạch. Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ - Nhân dân làm nhà” và nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình làm nhà”, Công an tỉnh Điện Biên đã chủ trì tham mưu và trực tiếp phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng, sửa chữa và bàn giao 2.800 ngôi nhà mới bảo đảm theo đúng thiết kế và tiến độ, từ đây người dân nghèo khó đã được sống trong ngôi nhà mơ ước, không phải lúc nào cũng nơm nớp lo sợ không có nơi tránh trú gió mưa, ngôi nhà cũ nát bị dột hay sập xuống khi trời mưa đến… Bằng những việc làm thiết thực và giàu ý nghĩa đó, Công an tỉnh Điện Biên đã, đang và sẽ luôn tạo dựng được ấn tượng tốt đẹp về người chiến sĩ công an nhân dân: không chỉ nghiêm trang, trách nhiệm trong màu áo cảnh phục mà còn mang một trái tim nhân ái, hết lòng vì nước vì dân, để lại trong lòng quần chúng nhiều tình cảm gắn bó “đi dân nhớ ở dân thương”.
Đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế để phát triển trong bối cảnh tình hình thế giới đang thay đổi nhanh, phức tạp và khó lường. Những thành tựu, kinh nghiệm của gần 40 năm đổi mới đã tạo cho đất nước thế và lực lớn hơn nhiều so với trước. Tuy nhiên, nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức đan xen và diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong nội bộ, những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” có những diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn nghiêm trọng. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội đặt ra hết sức nặng nề; đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân phải không ngừng đổi mới về nhận thức, tư duy nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả công tác nắm và dự báo tình hình, nhất là công tác dự báo chiến lược; kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp phát huy mọi tiềm lực, khả năng và sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, các ngành, các cấp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Chủ động có nhiều biện pháp thiết thực vận động nhân dân, thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Cán bộ, chiến sĩ công an phải thấm nhuần lời dạy của Bác: “Làm công an thì phải làm cho dân tin, dân yêu, dân ủng hộ. Có dựa vào nhân dân thì công an mới hoàn thành được tốt nhiệm vụ của mình. Nhân dân có hàng triệu tai mắt thì kẻ địch khó mà che giấu được”(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, t.9, tr 448-449).
Công an nhân dân là lực lượng chuyên chính trọng yếu của Đảng và Nhà nước ta. Trong điều kiện hiện nay, để xứng đáng với vai trò đó, lực lượng CAND phải được xây dựng trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Việc chăm lo giáo dục, rèn luyện cho CBCS về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trước hết là trung thành tuyệt đối với Đảng, Nhà nước và kính trọng, lễ phép với nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Để phẩm chất này, thực sự là một nội dung cốt yếu của tư cách CBCS Công an trong điều kiện hiện nay, Công an tỉnh Điện Biên đề ra một số giải pháp thực hiện như sau:
Thứ nhất, Tiếp tục và thường xuyên quán triệt sâu sắc cho CBCS có quyết tâm chính trị cao trong rèn luyện phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước Việt Nam XHCN. Tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng để mỗi CBCS nhận thức đúng đắn, sâu sắc phẩm chất vì nước quên thân trong điều kiện hiện nay là: Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có sự nhất trí cao, niềm tin sắt đá vào đường lối, nghị quyết và sự lãnh đạo của Đảng…  
Thứ hai, Đề cao tinh thần gương mẫu, sự cần cù, bền bỉ trong công tác, chiến đấu, gắn bó mật thiết với nhân dân, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy. Mỗi CBCS cần xác định động cơ, thái độ  đúng đắn trong học tập, công tác và trong tiếp xúc, quan hệ với nhân dân; chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công của tổ chức; chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn thách thức, nhất là những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, những cám dỗ của vật chất; đặc biệt cảnh giác với những luận điệu phản động và những “viên đạn bọc đường” của các thế lực thù địch, tuyên truyền, giáo dục nhân dân cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn ấy. 
Thứ ba, Thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ cho CBCS. Mỗi CBCS phải có trình độ trí tuệ và phải biết đưa trình độ trí tuệ đó vào hoạt động hằng ngày, thể hiện bằng các hoạt động đạt kết quả cao về thực hiện nhiệm vụ được giao. Đó là, tri thức về  khoa học của Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng; khoa học xã hội - nhân văn, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ chuyên ngành, kinh tế thị trường, luật lệ quốc tế…Đây chính là thước do quan trọng hàng đầu phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, kính trọng, lễ phép với nhân dân của mỗi CBCS CAND.
Thứ tư, Nâng cao hiệu quả hoạt động, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng trong CAND. Các tổ chức đảng, nhất là trong CAND trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao sẽ định hướng đúng đắn sự suy nghĩ và hành động của mỗi CBCS, phân công công việc đúng sở trường, năng lực, thế mạnh của mỗi người; lãnh đạo các tổ chức, đoàn thể ở đơn vị hoạt động có hiệu quả; tổ chức và duy trì các phong trào cách mạng của quần chúng; tạo điều kiện thuận lợi và động viên CBCS tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng…
Thứ năm, Thường xuyên làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; công bằng trong công tác thi đua khen thưởng trong toàn lực lượng. Trong công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào đôn đốc, hướng dẫn để các tập thể, cá nhân trong toàn lực lượng thực hiện theo đúng quy trình, kỷ luật công tác, tuân thủ tuyệt đối theo các quy định về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ của ngành CAND trên cơ sở vì quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân.
Với trách nhiệm cao cả trước vận mệnh của đất nước và dân tộc, tình cảm thiêng liêng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi CBCS CAND các cấp thuộc Công an tỉnh Điện Biên luôn sẵn sàng xác định quyết tâm chính trị cao thực hiện nghiêm túc 6 điều dạy của Người đối với CAND và thực hiện Nghị quyết số 12 - NQ/TW (Hội nghị Trung ương 4, Khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” trở thành nền nếp, có hiệu quả, thể hiện phẩm chất tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, tận tụy, kính trọng và lễ phép với nhân dân; góp phần tích cực cùng toàn dân tộc phấn đấu xây dựng thành công CNXH, đưa đất nước Việt Nam từng bước tiến đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
 
 

Tác giả bài viết: N.T.B

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp