23:06 EDT Thứ tư, 17/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1658

Máy chủ tìm kiếm : 30

Khách viếng thăm : 1628


Hôm nayHôm nay : 94492

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2809325

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 54963214

Trang nhất » TIN TỨC » TIN CÔNG AN ĐIỆN BIÊN

CAND

Tuyên truyền về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thứ ba - 10/11/2020 04:14
Vừa qua, Chính phủ đã chấp thuận cho phép Bộ Công an xây dựng dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ và đề xuất trình Quốc hội đưa dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV.
          Công an tỉnh Điện Biên trân trọng gửi tới bạn đọc một số nội dung mới, quan trọng của Dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ như sau:
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT BẢO ĐẢM TTATGT ĐƯỜNG BỘ:
1. Thể chế hóa quan điển, chủ trương của Đảng và cụ thể hóa Hiến pháp
Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, xác định công tác bảo đảm TTATGT là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT; xác định đúng chức năng, nhiệm vụ trong quản lý Nhà nước về TTATGT phù hợp với tổ chức bộ máy hành chính trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, trong đó đề ra yêu cầu: Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT phù hợp với tình hình mới.
Kết luận số 45-KL/TW ngày 01/02/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 trong đó xác định: Công tác bảo đảm TTATGT là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc phân công quản lý nhà nước về TTATGT thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng  khóa XII, một cơ quan thực hiện nhiều việc và một viêc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay.
Nghị quyết số 07/NQ-CP ngày 17/2/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trong đó Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, ban hành trong năm 2020.
Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14/5/2020 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2020, trong đó Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ và giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ xác định rõ hơn những vấn đề cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, thông qua tại kỳ họp thứ 11.
Văn bản số 5699/VBCP-PL ngày 13/7/2020 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về xác định phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, trong đó Thủ tướng cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Công an về việc xác định những chính sách cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ, ký Tờ trình về Đề nghị xây dựng Luật gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để trình Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến đồng thời với dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
- Điều 19 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền sống; tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Điều 20 quy định: Mọi người được pháp luật bảo hộ về sức khỏe. Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định: Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý TTATGT.
 Như vậy, các nội dung nêu trên là chủ trương vững chắc, là yêu cầu cấp thiết làm cơ sở chính trị, pháp lý cho việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, đáp ứng yêu cầu công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
2. Yêu cầu cấp thiết của thực tiễn hiện nay
Sau 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã mang lại nhiều kết quả cho sự phát triển giao thông vận tải và bảo đảm TTATGT, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, từ thực tiễn thực hiện Luật cũng như yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, Luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế thể hiện ở những vấn đề sau:
Thứ nhất, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đồng thời điều chỉnh hai lĩnh vực khác nhau là: TTATGT đường bộ (thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội) chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước và các cá nhân để bảo đảm trạng thái giao thông có trật tự, an toàn, đúng pháp luật; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ (thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật), chủ yếu điều chỉnh mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với các tổ chức, cá nhân khi thiết kế, quy hoạch, xây dựng và chuyển giao các công trình hạ tầng giao thông, kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải. Đây là hai lĩnh vực rất lớn và khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một đạo luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả hai lĩnh vực, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cụ thể như sau:
(1) Quy tắc giao thông chủ yếu là nội luật hóa Công ước viên năm 1968 về Giao thông đường bộ nhưng việc cụ thể hóa các quy định của Công ước này trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa đầy đủ và chưa sát thực tiễn tình hình giao thông tại Việt Nam, như: Quy định phải dừng lại quan sát trước khi nhập từ đường nhánh vào đường chính; dừng, đỗ xe trong đô thị; quy tắc về chuyển hướng, vượt; sử dụng đèn tín hiệu, mở cửa xe... dẫn đến khó khăn về nhận thức, thực hiện và áp dụng pháp luật.
(2) Chưa có các chính sách, kế hoạch cụ thể về phát triển phương tiện để đảm bảo đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam và bảo vệ môi trường; chưa có các chính sách cụ thể để phát triển phương tiện giao thông công cộng và hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; chưa rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc theo dõi, duy trì tình trạng an toàn kỹ thuật phương tiện giữa hai kỳ kiểm định.
(3) Thực tiễn triển khai thực hiện việc cấp, quản lý giấy phép lái xe còn sơ hở, bất cập. Việc quản lý giấy phép lái xe chưa gắn với quản lý vi phạm của người tham gia giao thông. Theo thống kê, nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường bộ do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông chiếm trên 90% số vụ. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, trách nhiệm chủ yếu thuộc về người lái xe gây tai nạn mà chưa gắn trách nhiệm của các cơ quan đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.
(4) Chưa quy định cụ thể và đầy đủ về các biện pháp tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc giao thông; lực lượng Công an hàng ngày làm nhiệm vụ chỉ giải quyết các tình huống ùn tắc giao thông thực tế, nhưng nguyên nhân sâu xa do tổ chức giao thông bất hợp lý thì không có cơ chế cụ thể để cơ quan Công an với cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, khắc phục các bất hợp lý kịp thời. Thực tiễn thời gian qua, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, khảo sát tổ chức giao thông và chỉ huy, điều khiển giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đã chủ động phát hiện nhiều bất hợp lý trong tổ chức giao thông đô thị và trên các tuyến quốc lộ, tuyến cao tốc...., đã có văn bản kiến nghị nhiều lần với ngành giao thông để sửa chữa, khắc phục nhưng chậm được khắc phục.
(5) Chưa quy định cụ thể, đầy đủ, rõ ràng về biện pháp, trách nhiệm giải quyết tai nạn giao thông đường bộ của cơ quan Công an, Y tế, Bảo hiểm, cơ quan khai thác, bảo trì đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân, có liên quan. Trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông, một số quy định trách nhiệm của ngành Y tế, Bảo hiểm.... được quy định trong các thông tư, vì vậy tính pháp lý chưa cao, chưa tập trung, thống nhất.
(6) Chưa có chính sách cụ thể, rõ ràng về quản lý, sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm TTATGT đường bộ, trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông và chưa xác định cơ quan chịu trách nhiệm trong công tác này, dẫn đến đầu tư ứng dụng công nghệ thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Việc xác định cơ quan chịu trách nhiệm chính về TTATGT đường bộ chưa rõ ràng, rành mạch dẫn đến chồng chéo khi tổ chức thực hiện.
Thứ hai, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của nhiều người tham gia giao thông còn rất kém, vi phạm TTATGT, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông diễn biến hết sức phức tạp.
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2009 đến nay, tai nạn giao thông ở Việt Nam đã xảy ra 331.390 vụ, làm chết 100.227 người (trung bình hàng năm gần 10.000 người chết, chủ yếu trong độ tuổi lao động), bị thương 333.435 người (số liệu tính đến hết tháng 06/2020) gây thiệt hại rất lớn về tài sản, so với thế giới, tai nạn giao thông Việt Nam ở mức cao.
Ùn tắc giao thông xảy ra phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, trong khi quy hoạch giao thông, tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, đặc biệt là trên địa bàn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng trở nên phức tạp, thường xuyên, liên tục, có xu hướng lan rộng cả không gian và thời gian; ô nhiễm môi trường từ hoạt động của phương tiện giao thông ngày càng nghiêm trọng, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Đã phát hiện, xử lý 57.683.830 trường hợp vi phạm; vi phạm vẫn có tính phổ biến, nhiều hành vi nguy hiểm như đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, đua xe trái phép, sử dụng ma túy, rượu, bia khi điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, chống người thi hành công vụ... Trong đó, một trong những nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông diễn biến hết sức phức tạp, nhất là các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng giả, hàng lậu...., đã phát hiện, xử lý trên 28.200 vụ phạm pháp hình sự trên tuyến giao thông. Dự báo trong thời gian tới, khủng bố, biểu tình trái pháp luật, lợi dụng hoạt động giao thông để gây rối an ninh, trật tự và phạm tội có nguy cơ thường trực trên các tuyến giao thông đường bộ.
Thứ ba, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện nay theo hướng chuyên sâu hóa để bảo đảm sự phân công rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật (như: Luật Thi hành án hình sự, Luật Đặc xá, Luật Thi hành tạm giam, tạm giữ được tách ra từ Bộ Luật Tố tụng hình sự; Luật Tố cáo, Luật Khiếu nại được tách ra từ Luật Khiếu nại, Tố cáo; Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được tách ra từ Luật Đầu tư cũ...). Thực tiễn thi hành của các Luật được tách ra đã phát huy được hiệu quả, vì có cơ quan chịu trách nhiệm chính, có các biện pháp thực hiện cụ thể, rõ ràng, có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn cho người dân, cơ quan, tổ chức.
Do đó, việc xây dựng 02 đạo luật chuyên sâu, độc lập về lĩnh vực TTATGT đường bộ và đầu tư, xây dựng, khai thác, quản lý, kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ là phù hợp với xu thế hiện nay, bảo đảm cả 02 lĩnh vực quản lý nhà nước được hiệu lực, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.
Thứ tư, trong quá trình xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ, Bộ Công an đã nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều nước trên thế giới, qua đó cho thấy các nước đều có Luật chuyên biệt về TTATGT, tách bạch với quy định về xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ được quy định trong luật về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, luật về vận tải đường bộ.... (Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Nga, Đức, Australia...)
Từ những phân tích trên cho thấy, việc ban hành Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật về TTATGT, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ.
Trong đó, xác định Bộ Công an là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ. Khắc phục tồn tại của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 trong việc quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ chưa phù hợp, dẫn đến trách nhiệm về TTATGT được cho là trách nhiệm chung, không xác định được bộ, ngành nào chịu trách nhiệm chính, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
II. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT BẢO ĐẢM TTATGT ĐƯỜNG BỘ
1. Mục đích
Việc xây dựng Luật nhằm tạo ra bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013; giảm ùn tắc giao thông, gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng văn hóa giao thông văn minh tiệm cận dần đến văn minh giao thông của các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
2. Quan điểm xây dựng Luật
Bảo đảm sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; tham khảo có chọn lọc pháp luật về giao thông đường bộ của một số nước trên thế giới.
Thực hiện xu thế chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật hiện nay để bảo đảm thực hiện đầy đủ và hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành.
Bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên tuyến giao thông.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác, tăng cường tính công khai, minh bạch; góp phần cải cách hành chính tạo thuận lợi cho Nhân dân.
III. NỘI DUNG VÀ NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT BẢO ĐẢM TTATGT ĐƯỜNG BỘ
Dự thảo Luật gồm 08 chương, 84 Điều, cụ thể:
Chương I. Những quy định chung:
Gồm 06 điều, từ Điều 1 đến Điều 6 gồm các nội dung: Giải thích từ ngữ, nguyên tắc bảo đảm TTATGT đường bộ; tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm.
Điểm mới: Bổ sung một số khái niệm, định nghĩa mới như ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông đường bộ....; sửa đổi một số khái niệm, định nghĩa trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 cho chính xác và phù hợp với thực tiễn hơn. Quy định cụ thể về nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT đường bộ, phân công trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong công tác tuyên truyền. Bổ sung hành vi vi phạm bị nghiêm cấm là những hành vi nguy hiểm, có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông hoặc gây mất an ninh, trật tự, như: Điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng; trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn....
Chương II. Hệ thống báo hiệu và quy tắc giao thông đường bộ:
1. Hệ thống báo hiệu đường bộ: Gồm 06 điều, từ Điều 7 đến Điều 12 quy định về hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, tín hiệu đèn giao thông, biển báo hiệu đường bộ, vạch kẻ đường, cọc tiêu, rào chắn, tường bảo vệ và các thiết bị phục vụ an toàn giao thông khác.
Hệ thống này là thông tin tín hiệu an toàn giao thông để thông báo, hướng dẫn hoặc bắt buộc người tham gia giao thông chấp hành để bảo đảm an toàn cho mình và người tham gia giao thông khác (không quy định việc sản xuất, tổ chức lắp đặt, cắm các biển báo hiệu đường bộ), phù hợp với Công ước viên 1968 về Biển báo – Tín hiệu.
2. Quy tắc giao thông đường bộ: Gồm 32 điều, từ Điều 13 đến Điều 44 với các nội dung cơ bản như: Quy tắc về phía đi, phần đường, nhường đường, tránh, vượt, chuyển hướng, lùi xe, vượt xe, dừng xe, đỗ xe, tốc độ, khoảng cách... để bảo đảm an toàn cho mình và cho người tham gia giao thông khác. Đây là những quy tắc an toàn bắt buộc mọi người phải chấp hành, trên cơ sở nội luật hóa quy định trong Công ước viên năm 1968 về Giao thông đường bộ phù hợp với điều kiện Việt Nam, kế thừa những quy định còn hợp lý của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, luật hóa một số quy định ở các văn bản dưới luật, bổ sung một số quy định mới phù hợp với tình hình thực tiễn và phù hợp với nhiều quốc gia trên thế giới.
Điểm mới: Sửa đổi, bổ sung đầy đủ và rõ ràng hơn một số quy tắc giao thông như: Nhường đường cho người đi bộ, người khuyết tật, người già, trẻ em; quy tắc sử dụng làn đường, chuyển hướng, tránh, vượt, dừng, đỗ xe, nhường đường tại nơi đường giao nhau, sử dụng còi, đèn tín hiệu, mở cửa xe...; sửa đổi quy định tốc độ tối đa trong khu vực đông dân cư và ngoài khu vực đông dân cư (trừ đường cao tốc) để bảo đảm an toàn giao thông, phù hợp với điều kiện hạ tầng Việt Nam, không chia quá nhiều mức tốc độ tối đa theo loại phương tiện để người tham gia giao thông dễ nhớ hơn. Bổ sung quy định tốc độ tối đa của một số loại phương tiện có trọng tải lớn trên đường cao tốc để bảo đảm an toàn...
Chương III. Phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
1. Phương tiện tham gia giao thông: Gồm 05 điều, từ Điều 45 đến Điều 49 với các nội dung cơ bản như: Điều kiện tham gia giao thông đường bộ; cấp đăng ký và biển số xe cơ giới; thu hồi đăng ký và biển số xe cơ giới; trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền về cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe; trách nhiệm của chủ xe cơ giới, phù hợp với Công ước viên năm 1968 về Giao thông đường bộ và phù hợp thực tiễn Việt Nam (không quy định về nội dung đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông, điều kiện tham gia giao thông của xe thô sơ, xe máy và các phương tiện xe máy, ô tô chạy bằng năng lượng điện, ô tô tự lái).
Điểm mới: So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đã bổ sung quy định chi tiết nhiều nội dung về công tác đăng ký, cấp biển số xe theo hướng chặt chẽ hơn nhưng vẫn bảo đảm yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ Nhân dân, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
2. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông: Gồm 08 điều, từ Điều 50 đến Điều 57 với các nội dung cơ bản như: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; giấy phép lái xe; tuổi, sức khỏe của người lái xe; đào tạo lái xe; sát hạch lái xe; cấp, cấp lại, cấp đổi, thu hồi giấy phép lái xe; điểm của giấy phép lái xe.
Điểm mới: Trên cơ sở xác định quản lý người lái xe là quản lý hành vi của con người, phù hợp với Công ước viên năm 1968 về Giao thông đường bộ, các điều ước quốc tế Việt Nam là thành viên, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều quốc gia tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, có thể áp dụng phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Chương IV. Tổ chức, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ.
Gồm 05 điều, từ Điều 58 đến Điều 62 quy định cụ thể các nội dung trong tổ chức giao thông; giải quyết những vấn đề bất cập về tổ chức giao thông; chỉ huy, điều khiển giao thông; về nguyên tắc và các biện pháp phân luồng giao thông, nguyên tắc giải quyết ùn tắc giao thông, biện pháp giải quyết ùn tắc giao thông trong các trường hợp cụ thể.
Đây là các nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để lực lượng chức năng có cơ sở pháp lý rõ ràng, đầy đủ khi tổ chức thực hiện.
Chương V. Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ.
Gồm 07 điều, từ Điều 63 đến Điều 69 quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông; trách nhiệm của cơ quan Y tế, trách nhiệm của cơ quan Công an, Quân đội, trách nhiệm của cơ quan bảo trì, khai thác đường bộ, đơn vị kiểm định, trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm, Ủy ban nhân dân các cấp trong giải quyết tai nạn giao thông.
Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để bảo đảm việc giải quyết tai nạn giao thông được kịp thời, khách quan, chính xác, đúng pháp luật; có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức; khắc phục kịp thời hậu quả các vụ tai nạn giao thông; bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan trong vụ tai nạn giao thông.
Chương VI. Thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và trách nhiệm pháp lý.
Gồm 03 điều, từ Điều 70 đến Điều 72 quy định về tuần tra, kiểm soát, phòng ngừa, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác trên tuyến giao thông đường bộ; kiểm soát thông qua các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; tiếp nhận thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm TTATGT do tổ chức, cá nhân cung cấp; tiếp nhận kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp; giám sát việc thực thi pháp luật.
Đây là những nội dung mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm; cải cách căn bản phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, đồng thời nâng cao hiệu lực và tính nghiêm minh của pháp luật.
Chương VII. Quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.
Gồm 10 Điều, từ Điều 73 đến Điều 82 quy định nội dung quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT đường bộ; quy định về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng bộ, ngành, địa phương một cách rõ ràng, rành mạch, đúng quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy.
Điểm mới: Quy định về trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông và cơ sở dữ liệu trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, theo đó trung tâm chỉ huy điều khiển, giám sát giao thông có chức năng giám sát, chỉ huy điều hành giao thông và xử lý vi phạm giao thông; kết nối và xử lý dữ liệu camera từ các cơ quan, tổ chức khác để phục vụ công tác bảo đảm an toàn giao thông gắn với bảo đảm an ninh, trật tự. Cơ sở dữ liệu dùng chung trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ phục vụ công tác quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, công tác bảo đảm an ninh, trật tự và công tác quản lý nhà nước khác có liên quan.
Chương VIII. Điều khoản thi hành:
Gồm 02 Điều, Điều 83 và Điều 84 quy định hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp đối với các loại Giấy pháp lái xe theo quy định mới.
Điểm mới: Giấy phép lái xe hạng B1, B2, C, D , E, FB2, FC, FD, FE được cấp theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 có giá trị tương đương với Giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE theo quy định của Luật này.
IV. KẾT LUẬN
Việc xây dựng Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ với sự điều chỉnh các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông, tách bạch với hoạt động đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và quản lý vận tải đường bộ là xu hướng xây dựng pháp luật hiện đại. Trong đó, điểm mới nổi bật là: Luật hóa đầy đủ và có hệ thống các quy định về TTATGT; ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ hiện đại trong giám sát, chỉ huy, điều hành giao thông, kiểm soát, phát hiện, xử lý vi phạm; xác định rõ cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính và cơ quan có trách nhiệm phối hợp để bảo đảm hiệu quả, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ quản lý.
Do vậy, Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ được ban hành sẽ đủ mạnh để kiểm soát tình hình, tác động đến công tác quản lý Nhà nước tốt hơn, đảm bảo hành lang pháp lý cho các lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ hiệu lực, hiệu quả hơn. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông để làm giảm vi phạm, tai nạn và ùn tắc giao thông, góp phần tạo chuyển biến căn bản về ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hình thành văn hóa giao thông văn minh, tiệm cận với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới./.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp