13:59 EDT Thứ sáu, 26/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 2338

Máy chủ tìm kiếm : 139

Khách viếng thăm : 2199


Hôm nayHôm nay : 94764

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3608508

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55762397

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » HOẠT ĐỘNG CAND

CAND

Các trường đại học có được "giải phóng năng lượng" khi thực hiện tự chủ?

Chủ nhật - 12/01/2020 22:42


Trong Luật và Nghị định lần này đã thể hiện điểm sáng về tự chủ đại học, mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ cho các trường. Trên thực tế, cơ chế tự chủ đã phát huy giúp nhiều trường đại học thay đổi mạnh, thậm chí đột phá. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, để các trường đại học được tự chủ một cách tối đa thì những rào cản ẩn sâu trong cơ chế quản lý cần phải được "gỡ bỏ" triệt để.

Tự chủ mang lại những thành quả ngoạn mục

Trong số các trường đại học được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77 của Chính phủ ban hành đổi mới cơ chế hoạt động các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014-2017, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có những thay đổi ngoạn mục, và trở thành hình mẫu tự chủ trong hệ thống giáo dục đại học công lập cả nước.

Đến nay đã có khoảng hơn 1.000 trường, trong đó có 300 đại học trong và ngoài nước đến tham quan, học tập kinh nghiệm tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng như: Đại Quốc gia Hà Nội, Đại học Việt - Nhật, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Huế, Đại học Qui Nhơn, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ. Hơn 700 trường phổ thông trung học cũng đã đến thăm và học tập mô hình tự chủ ở cơ sở giáo dục này.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là trường công lập nhưng "không nhận hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước và từ Tổng liên đoàn lao động Việt Nam". Nhà trường đã được lựa chọn báo cáo điển hình trước Hội nghị giao ban của Chính phủ về những thành công của mô hình trường đại học công lập tự chủ, hoàn toàn không sử dụng ngân sách nhà nước.

"Cơ chế tự chủ tài chính buộc nhà trường một mặt phải tìm mọi cách để tự tồn tại và phát triển bền vững để tồn tại; không thể ỷ lại vào đâu, vào nguồn nào. Cơ chế tự chủ buộc chúng tôi phải thành công, vì thất bại có nghĩa là phá sản và phải đóng cửa", ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng chia sẻ.

Đến bây giờ, khi các trường mới bắt đầu được tự chủ một cách đại trà thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát triển nhanh chóng và đạt được những thành quả ngoài mong đợi, với tốc độ tăng trưởng khoa học - công nghệ trong 6 năm qua hầu như theo cấp số nhân, giúp nhà trường dẫn đầu hệ thống giáo dục đại học về năng suất khoa học - công nghệ; số lượng bài báo quốc tế ISI của nhà trường vượt trội so với nhiều trường đại học khác.

Không chỉ Trường Đại học Tôn Đức Thắng thành công với cơ chế tự chủ, nhiều trường đại học khác cũng đang thay đổi cơ chế hoạt động, năng động hơn, bớt lệ thuộc vào ngân sách Nhà nước.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thay đổi quan trọng nhất trực tiếp từ việc thực hiện cơ chế tự chủ đó là sự thay đổi về hệ thống quản trị của nhà trường và sự đổi mới nhận thức trong tập thể lãnh đạo, giảng viên và cán bộ viên chức, tăng tính chủ động và trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân.

Nhà trường cũng đã được chủ động hơn rất nhiều trong việc tuyển dụng cán bộ, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, phát triển chương trình đào tạo, hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các đối tác quốc tế và doanh nghiệp. Uy tín và chất lượng đào tạo của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục được giữ vững và nâng cao, bằng việc nhà trường đã viết tên lên nhiều bảng xếp hạng, trong đó có Bảng xếp hạng đại học châu Á năm 2019.

Sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng được nghiên cứu trong một thư viện điện tử hiện đại kết nối với cơ sở dữ liệu của 9.000 thư viện lớn nhất trên thế giới.

Vẫn còn tình trạng "luật đá luật"

Rõ ràng, tự chủ là xu hướng không thể "cưỡng" lại được của giáo dục đại học trong thời hội nhập, nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thì "Tự chủ đại học gần như là đường một chiều, là con đường chúng ta phải đi. Không có tự chủ đại học sẽ không có những trường đại học mạnh, không có đại học mạnh thì không có lực lượng nhân lực tốt, đất nước sẽ không phát triển được". Vậy theo Nghị định 99, các trường đại học sẽ được tự chủ như thế nào?

Theo TS. Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD ĐT), Nghị định hướng dẫn các trường đại học được "quyền tự chủ về hoạt động chuyên môn", trong đó nổi bật là các cơ sở giáo dục đại học được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật; được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tự quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo; được tự thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật.

Mặt khác, các trường được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo trình độ đại học; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ ngành phù hợp; khi đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ thì được tự chủ mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ ngành phù hợp, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, quốc phòng, an ninh.

Nghị định 99 còn quy định rõ "Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự", được quyết định về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự (nhưng không được làm tăng số lượng người làm việc hưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp). Ngoài ra, các nhà trường còn được "quyền tự chủ về tài chính và tài sản"…

Cơ chế tự chủ sẽ mở ra nhiều cơ hội mới về đào tạo, nghiên cứu và hợp tác quốc tế cho các trường đại học.

Nhận xét về cơ chế tự chủ đang được đề cập trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Nghị định 99, ông Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh cho rằng cơ chế tự chủ chắc chắn sẽ giúp việc phân vai hợp lý, giảm sự chồng chéo, cơ sở chịu trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về hoạt động tuyển sinh, tổ chức bộ máy, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật.

Ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng băn khoăn: "Luật Giáo dục đại học sửa đổi có nhiều điểm tiến bộ nhưng sắp tới chúng ta sẽ đối mặt với tình trạng luật lệ không đồng bộ; các văn bản dưới luật như thông tư, nghị định không đồng bộ.

Nghị quyết 19 của Ban chấp hành TW quy định rất chặt chẽ về tự chủ, nhưng hiện mới sửa được Luật Giáo dục đại học, sửa Luật Viên chức và Luật Lao động (Luật Lao động đến tháng 7-2021 mới có hiệu lực), trong khi những quyền liên quan trực tiếp nhất tới tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học về tài chính, tài sản, cách đầu tư, trang bị phải theo Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý tài sản công nhưng đến nay, những luật này vẫn chưa được sửa".

Ông Vinh nêu ví dụ trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi, nội dung quản lý sử dụng tài chính tài sản của đơn vị sự nghiệp công lập quy định: Với đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ 100% chi thường xuyên thì đơn vị đó được quyền tự chủ hoàn toàn, được quyền đầu tư, mua sắm trang thiết bị bằng nguồn thu của mình, được tự quyết và tự chịu trách nhiệm.

Riêng đối với những dự án, những trang thiết bị mua sắm bằng nguồn năng suất thì phải được quản lý theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Quản lý tài sản công, nhưng hai luật này lại chưa sửa cho tương thích với Luật Giáo dục đại học sửa đổi, nên xảy ra tình trạng song trùng.

Cơ sở giáo dục đại học có quyền áp dụng theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi vì không dính đến ngân sách Nhà nước, nhưng vì Luật Đầu tư công và Luật Quản lý tài sản công chưa sửa đổi nên những đơn vị nào có chữ "công" thì phải áp dụng theo những luật này.

Tình trạng này dẫn đến rủi ro là nếu nhà quản lý, cơ quan chủ quản ủng hộ, thì họ sẽ lấy Luật Giáo dục đại học ra để soi chiếu thì đơn vị làm đúng; còn nếu cơ quan chủ quản không ủng hộ thì sẽ lấy chữ "công" yêu cầu phải áp dụng theo các Luật Đầu tư công và Luật Quản lý tài sản công, thì trường đó làm chưa đúng. Như vậy, sẽ có cơ sở giáo dục bị kẹt vì "mâu thuẫn song trùng", và mâu thuẫn này hiện khá phổ biến trong hệ thống giáo dục đại học.

Đồng quan điểm với ông Lê Vinh Danh, một Phó Hiệu trưởng một cơ sở đại học phía Bắc dự báo, chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng "luật đá luật", sẽ tiếp tục "bó chân" các cơ sở đại học tự chủ.

Nghị định 99 đã rất cố gắng để hạn chế vướng luật. Ngay lĩnh vực tài chính, tài sản và tổ chức nhân sự thì Luật và Nghị định chỉ giải quyết được phần nội dung mà Chính phủ khoanh vùng cho hai văn bản pháp lý này được phép giải quyết. Chính vì thế, mong muốn của nhiều hiệu trưởng là để được tự chủ triệt để, thì không thể lấy một hành lang pháp lý lạc hậu để điều chỉnh những chủ thể mới, tự chủ. Do đó, phải sửa những luật liên quan trực tiếp cho đồng bộ, giúp các trường đại học tự chủ một cách hanh thông…

Sáng 6-1, Bộ GD ĐT đã tổ chức hội nghị trực trực tuyến nhằm hướng dẫn thi hành Nghị định 99 của Chính phủ. Ở hội nghị này vấn đề tự chủ đại học cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi nhằm đề ra các giải pháp tháo gỡ những rào cản vướng mắc giúp cho cơ chế tự chủ phát huy được tối đa tác dụng, đưa giáo dục đại học thay đổi hẳn về chất, hướng tới xây dựng nhiều cơ sở đại học vươn tầm khu vực và thế giới...
Thu Phương

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp