11:10 EDT Thứ bảy, 20/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4403

Máy chủ tìm kiếm : 181

Khách viếng thăm : 4222


Hôm nayHôm nay : 116510

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3141121

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55295010

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » HOẠT ĐỘNG CAND

CAND

Cảnh sát cơ động Kỵ binh oai nghiêm và đa dụng

Chủ nhật - 16/08/2020 20:56

Nắng vàng trải đều trên con đường quanh co, hai bên là những vườn chè xanh mướt, rồi vượt cầu ngầm nơi sông Công thơ mộng chảy quanh đồi Bá Vân, cảnh vật hiện lên trước mắt là thảo nguyên xanh yên bình với đàn ngựa đã và đang được những chiến sỹ CSCĐ huấn luyện, thuần phục...

Nghề chọn người, người chọn nghề

Khu huấn luyện ngựa được đóng cọc, khoanh vùng bằng hàng rào gỗ cao tầm mét rưỡi, chia làm hai phần, một bên là ngựa chưa thuần, một bên là số đã được huấn luyện nửa năm nay. Ở góc trái, từng tốp chục chiến sỹ CSCĐ cưỡi ngựa tập di chuyển, phi nước kiệu đều đặn thành hàng, thành khối rất đẹp mắt. Bên phải là nhóm chiến sỹ luyện tập các động tác giơ hai chân trước chào thị uy đám đông, nhặt tang vật...

“Muốn thuần hoá một chú ngựa phải mất khoảng một tuần đến 10 ngày. Có những con bướng bỉnh có thể đến nửa tháng. Đầu tiên, chiến sỹ CSCĐ sẽ quăng dây vào cổ để bắt ngựa, rồi miết dây, ghì xuống, có sự phối hợp của 5-6 người để kéo ngựa đứng lại. Ngựa đã quăng dây được thì bắt đầu vuốt ve để thân hoà”, Đại tá Nguyễn Huy Hạnh, Trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh cho biết.

Khi vuốt ve được thì chiến sỹ sẽ cưỡi thuần phục ngay từ đầu, sau đó dần ép để đóng yên và đóng hàm thiếc, đeo dây cương. Theo anh, động vật nghiệp vụ đều có đặc điểm chung là từ công tác thân hoà để huấn luyện, và từ huấn luyện để hình thành các phản xạ có điều kiện, phục tùng các mệnh lệnh của con người. Tuy nhiên, mỗi con, mỗi loài lại có đặc tính riêng, sử dụng kích thích vật lý khác nhau.

"Chẳng hạn như chó nghiệp vụ, khi mới huấn luyện các cán bộ thường dùng nhiều kích thích như cho thức ăn, vuốt ve, khen thưởng, gọi tên, chải chuốt... để tạo sự thân thiện, gắn bó. Còn ngựa thì phải thuần hoá theo kiểu cưỡng bức, bắt buộc phải phục tùng.

Càng những chú ngựa khó bảo khi mình khuất phục được sẽ càng quý chủ và trung thành”, Trưởng Đoàn CSCĐ Kỵ binh có thâm niên 38 năm gắn bó với công tác quản lý, huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ chia sẻ.

Cũng bởi dạn dày kinh nghiệm trong lĩnh vực này mà khi có ý tưởng về việc thành lập Đoàn CSCĐ Kỵ binh thì cái tên đầu tiên về nhân sự mà Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh CSCĐ chỉ định chính là Đại tá Nguyễn Huy Hạnh.

Đại tá Hạnh cho biết, ban đầu mới nhận nhiệm vụ thì cũng băn khoăn, lo lắng... Thế nhưng các anh đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp cận công việc nhanh, qua 6 tháng đã huấn luyện được số lượng ngựa tương đối, khá thuần thục, có thể phục vụ diễu hành, biểu diễn.

Trời càng về trưa thì nắng càng gắt, toàn bộ thao trường trên triền đồi đầy nắng gió, hầu như không có bóng cây. Thế nhưng những chiến sỹ CSCĐ tiên phong ở đây vẫn miệt mài luyện tập trên lưng ngựa. Mồ hôi sướt mướt, khuôn mặt rám nắng, chiến sỹ Tòng Văn Nhà, quê ở Sơn La cho biết.

“Ngựa khá thông minh, ban đầu khi tiếp xúc nó quan sát, để ý thái độ của mình. Nếu mình e dè thì sẽ khó, nên bí quyết là cần mạnh dạn, lì lợm hơn một tý để dễ tiếp xúc, huấn luyện”, anh nói. Ở đây, anh và gần chục chiến sỹ khác được mệnh danh là những người dũng cảm nhất trong huấn luyện, thuần phục ngựa hoang dã và có kỹ năng khéo léo, được các chuyên gia ngợi khen.

Hiểu rồi sẽ thêm yêu, thêm say mê

“Mới đầu cưỡi ngựa anh em ê ẩm cả người vì thay đổi tư thế vận động, ở trên lưng ngựa chưa quen nhịp, cột sống đau nhức. Khoảng một tuần sau thì mọi thứ mới quen dần. Ngã ngựa hay bị ngựa cắn là chuyện thường ngày nhà báo ạ”, chiến sỹ CSCĐ Tô Văn Thắng, 24 tuổi, quê Bắc Giang tâm sự.

Anh kể, việc về Đoàn CSCĐ Kỵ binh xuất phát từ niềm đam mê, yêu thích động vật. Do nhà từng nuôi ngựa nên anh có hiểu biết cơ bản về loài động vật này, thậm chí còn tìm hiểu thêm qua sách, báo. “Mình huýt sáo gọi, ngựa lắng nghe, rồi tiến đến gần vuốt ve, mọi thứ cứ tự nhiên thôi”, nam chiến sỹ CSCĐ cho rằng, qua tiếp xúc với từng con ngựa mình sẽ phát hiện ra cá tính để có phương pháp thu phục riêng.

Bắt đầu một công việc mới mẻ, lạ lẫm, có khi nào các anh thấy nản chí? – tôi hỏi. Những chiến sỹ trẻ tuổi cười xoà, bởi “khi hiểu rồi thì sẽ thêm yêu, thêm say mê nhà báo ạ”. Có một điều đặc biệt là các cán bộ chiến sỹ (CBCS) CSCĐ về Đoàn Kỵ binh phải đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ, chiều cao từ 1m70 trở lên, có niềm đam mê đối với động vật nghiệp vụ được thể hiện qua một bài test của Bộ Tư lệnh CSCĐ.

CBCS Đoàn CSCĐ Kỵ binh tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài để xây dựng nên bài huấn luyện, nuôi dưỡng, chăm sóc phù hợp đối với đàn ngựa. Hằng ngày, những chú ngựa ở đây được ăn đa dạng các loại cỏ tươi, cỏ khô, có cỏ thường, cỏ dinh dưỡng và cám viên.

Khu chuồng trại luôn có máng nước cho ngựa và phải được giữ sạch, ngày thay nước hai lần vào sáng sớm và chiều tối. Để đáp ứng yêu cầu chăm sóc tốt cho đàn ngựa, Đoàn CSCĐ Kỵ binh phối hợp với 6 chuyên gia, trong đó 1 chuyên gia về dinh dưỡng, 1 chuyên gia thú y và 4 chuyên gia về huấn luyện, thuần hoá. Các chuyên gia sẽ tư vấn về chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn và bắt bệnh cho ngựa...

Khi mới thành lập, Đoàn CSCĐ Kỵ binh có hơn 100 con ngựa, trong đó 70 ngựa đực phục vụ huấn luyện, nhốt riêng từng chuồng. Hơn 30 con còn lại là ngựa giống để sinh sản, chia làm 4 đàn.

Qua 6 tháng chăn nuôi đảm bảo sức khỏe, nhân giống và phát triển đàn ngựa, hiện đã sinh sản được 4 con ngựa có tính biệt đực, trọng lượng sơ sinh từ 23-28kg; Đoàn CSCĐ Kỵ binh đã nhanh chóng thuần hóa, huấn luyện và làm chủ được 70 con ngựa hoang dã, nắm chắc các kỹ năng cơ bản và nâng cao.

Mặt trời đã gần lên đến đỉnh, toả nắng gay gắt xuống đồi Bá Vân, cũng là lúc ngựa được về chuồng, các anh tạm nghỉ ngơi sau một buổi sáng huấn luyện miệt mài. Lưng áo lấm lem, mồ hôi ướt sũng, song ánh mắt ai nấy đều rạng ngời, tự tin về một ngày làm việc hiệu quả...

Phát biểu tại Lễ diễu hành, ra mắt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu Quốc hội tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV của lực lượng CSCĐ Kỵ binh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trước sự manh động, phức tạp của tội phạm cũng như tình hình chống người thi hành công vụ diễn ra trong thời gian gần đây đòi hỏi tổ chức CSCĐ cần phải được hoàn thiện hơn nữa, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quá trình xây dựng lực lượng CAND chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Việc thành lập Đoàn CSCĐ Kỵ binh nhằm từng bước tăng cường năng lực, sức chiến đấu cho lực lượng CSCĐ và đến nay đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ: "Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tin tưởng rằng, với bề dày 46 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng CSCĐ, Đoàn CSCĐ Kỵ binh sẽ vượt qua khó khăn ban đầu, từng bước phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân".

Tác giả bài viết: Quỳnh Vinh – Xuân Trường

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp