Những gã trai bên rìa xã hội
Rất hiếm khi có thể tìm thấy những chàng cao bồi thực sự trên màn bạc, những người dành nhiều thời gian để thực hiện công việc tẻ nhạt: chăn thả gia súc, vốn đã là tên nghề nghiệp của họ.
Người phương Tây vốn mặc định một niềm tin rằng cao bồi là những người đàn ông cưỡi ngựa đeo súng, không bị ràng buộc bởi nền văn minh và theo ngôn từ của tổng thống thứ 26 của Hoa Kỳ, Teddy Roosevelt, thì cao bồi thể hiện "một mẫu người cứng rắn và tự lực, những người hội tụ đầy đủ các phẩm chất của người đàn ông có ích cho đất nước".
Nhưng những chàng cao bồi thật sự (những người quanh năm tất bật chăn thả gia súc tại những nơi hẻo lánh như hoang mạc Texas) thì hầu hết là sống cuộc đời tẻ nhạt, đặt bên rìa xã hội. Họ từng là cựu nô lệ, tá điền nghèo khổ và cả những người Anh-Điêng (Indians - người da đỏ bản địa) bị áp bức. Họ chỉ được hưởng chút ít quyền tự chủ.
Và ở Hollywood, và những quý ông như Roosevelt, đã minh oan cho các chàng cao bồi và nâng họ lên thành một thế giới thu nhỏ của tự do cá nhân, lòng can đảm tuyệt vời và sự độc lập.
Suốt nhiều thế kỷ, cho dù là ở quần đảo Anh, bán đảo Iberia hay châu Mỹ, những người chăn thả gia súc bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thành quả làm ra trở thành thịt ngon trên bàn người thành thị giàu có, và tiền bạc mà họ kiếm được lại rơi vào túi của các chủ gia súc nông thôn.
Thuật ngữ xưa "những con đường nhỏ giọt" chính là một mạng lưới chăn nuôi gia súc nằm len lỏi ở các vùng nông thôn nước Anh và thuộc địa Mỹ, kết nối các cộng đồng địa phương đến các trung tâm đô thị và tạo ra hàng triệu đô la thị giá thương mại.
Mặc dù đã có công biến gia súc thành tiền vốn cho các chủ gia súc, nhưng bản chất tiền kiếm được của những người chăn thả vẫn bị xem là nghề có địa vị thấp trong xã hội. Tại miền Nam Appalachia (khu vực ở miền Đông Hoa Kỳ) trong suốt 2 thế kỷ 18, 19, "những người giữ bò" đã dùng roi và chó để kiểm soát đàn gia súc, và vì thế mà thuật ngữ "người chăn bò" (cowboy) đã được sử dụng như một cách gọi miệt thị.
Trong cùng thời kỳ đó, ở Mexico, nghề của người chăn thả gia súc tương đương với nghề Vaqueros, đó là một nhóm địa vị thấp, đa chủng tộc, họ biến những cái nghề lặt vặt của khách bộ hành thành một nghệ thuật cưỡi ngựa. Lazo của họ (sợi dây chão với nút thắt) biến thành Lasso, và sombrero trở thành chiếc mũ lưỡi trai. Bởi vì các Vaqueros phần lớn là hậu duệ của người bản địa nên có thể nói thẳng rằng những chàng cao bồi ở thời kỳ đầu thực chất là "người Anh-Điêng".
Vào giữa thế kỷ 19, tại Texas, hàng triệu gia súc đã được chăn thả trên những cánh đồng mở, và nhiều người Texas thích làm giàu từ nuôi bò, chúng nhân đôi mỗi năm, tích lũy thêm nhiều của cải. Nhưng chăn thả và kiếm tiền từ nuôi gia súc vẫn bị xem là nghề hạ lưu, bị các tầng lớp trên nhìn bằng ánh mắt kỳ thị.
Những người chăn thả gia súc thường đi lang thang dưới các bụi rậm, các thảo nguyên ven biển và các vùng đất đầy cây cọ ở miền Đông Texas để bắt và thuần dưỡng bất kỳ loài vật nào mà họ tìm thấy, hiếm khi quan tâm tới việc xác định quyền tài sản của mình trước khi mang chúng ra chợ.
Người khai sinh hình ảnh cao bồi hiện đại
Tình hình thay đổi sau thời nội chiến Mỹ khi người Texas bắt đầu vận chuyển những xe chở gia súc vượt hàng trăm dặm đường tiến về phía đường sắt Kansas, trở thành cuộc di cư gia súc dài nhất và lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Tại Texas, một người chăn thả gia súc bán 1 con bò chỉ với vài đô la; nhưng nếu gia súc đến được Kansas và sau đó đến Chicago thì 1 con bò có thể mang lại 30 USD đến 40 USD. Những người Texas sở hữu các kỹ năng chăn thả đáp ứng nhu cầu của các chủ doanh nghiệp của “thời vàng son” đã kiếm được bộn tiền.
Một số cao bồi Texas thành công trong số này đã trở thành những biểu tượng hàng đầu trong huyền thoại phương Tây mới. Charles Goodnight đã một phát leo lên danh vọng khi ông quan hệ với người chăn thả gia súc nổi tiếng Oliver Loving, họ đã vận chuyển một đàn gia súc lớn vượt qua hoang mạc Tây Texas sang New Mexico và đích đến là phía Bắc Denver, tại đó họ bán mỗi con gia súc với giá 60 USD rồi quay về lại Texas với 12.000 USD vàng.
Tuy nhiên có một điều hiển nhiên rằng chăn thả gia súc không có chỗ cho những người suy nghĩ bất cần hay thích gì làm đó. Giống như bất kỳ doanh nghiệp nào khác của thời kỳ công nghiệp, chăn nuôi gia súc phải được dựa trên các nguyên tắc căn bản của kiểm soát tập trung, đi theo một hướng và lực lượng lao động có kỷ luật.
"Nó phải được đặt hàng có hệ thống", Charles Goodnight chắc nịch. Chở 2.000 hay 3.000 con gia súc vượt chặng đường 1.000 dặm đòi hỏi phải có một tá hoặc nhiều hơn đó số cao bồi, mỗi người cần từ 4 đến 6 ngựa và làm việc từ 3 đến 6 tiếng đồng hồ.
Chủ gia súc thường là người quản lý nông trang với nhiều kinh nghiệm, họ phải đi trước đàn gia súc để kiểm soát tốc độ và hướng di chuyển, cũng như chế ngự những con gia súc ngang bướng hoặc công nhân lề mề.
Các cao bồi nhận đơn hàng và làm việc cho các đoàn xe chở gia súc với số tiền nhận được ít hơn mức lương nhà máy trả cho công nhân có tay nghề. Mỗi người chăn gia súc thường có một vị trí nhất định trong đàn, và mỗi vị trí có một mức thù lao khác nhau.
Theo hồi ký của tay cao bồi Edward Charles "Teddy Blue" Abbott (người tiểu bang Montana), cao bồi thường hẩm hiu. Họ chịu trách nhiệm mang theo những con vật yếu ớt hay bị thương, và kết thúc ngày làm việc với bụi bám đầy mũ và trên lông mày.
Tệ hơn nữa là bụi bay vào phổi của họ khiến họ ho ra máu sau nhiều tháng đi lại vất vả. Hầu hết cao bồi áp tải các xe gia súc đều là con trai của các nông dân thất nghiệp, một số người mới 12 tuổi, họ nhìn thấy việc áp tải xe gia súc là một cơ hội kiếm tiền mà ít vất vả.
Các cao bồi người Mỹ gốc Phi thường kiếm ít hơn và làm những việc nguy hiểm hơn. Các Vaqueros cũng làm việc với đàn gia súc. Giới chủ thừa biết họ cưỡi ngựa điêu luyện và buộc chão, nhưng trả lương rẻ bèo so với cao bồi da trắng. Có vài phụ nữ đi theo đoàn xe, chủ yếu họ là vợ của đám đàn ông trong đoàn chăn gia súc. Có phụ nữ trong đoàn sẽ giúp cho chặng đường bớt phần tẻ nhạt.
Đời thực trái ngược điện ảnh
Theo nhà báo Henry King (người tiểu bang Kansas sống vào thế kỷ 19), ông đã từng phỏng vấn nhiều cao bồi áp tải xe gia súc khi họ đến thành phố Dodge (quận Ford, tiểu bang Kansas), thì chính những lời khen ngợi đã khiến các chàng cao bồi trở nên bớt chán hơn với công việc buồn tẻ của mình. Ngay cả thực phẩm cũng chán nốt: Đậu và bánh quy luôn thường trực.
|
Áp phích một bộ phim cao bồi của điện ảnh Hollywood. |
Trong khi đám cao bồi được vây bọc bởi "đàn ong" (cách họ gọi đàn gia súc) thì việc ăn vào tài sản (thịt gia súc) của chủ đàn vốn không được khuyến khích.
Theo ông Joe McCoy (người mua gia súc ở Kansas vào thế kỷ 19) thì việc ăn uống không lành mạnh cùng với không có lều bạt, chăn mền và cả nước sạch đã khiến các chàng cao bồi kém sức sống thấy rõ.
Rõ ràng cuộc sống ngoài đời thực của các chàng cao bồi không hề lung linh như trên màn ảnh của Hollywood. Lâu lâu bầu không khí cô quạnh bị xé toạc bởi tiếng rống đinh tai của lũ bò sừng dài. Lũ bò này sung mãnh vô cùng, mỗi khi chúng nổi cơn có thể giẫm đạp người chăn thả như thường.
Gia súc đi lạc cũng khiến các chàng cao bồi rượt theo bở hơi tai. Hồi ký của lão cao bồi Teddy Blue Abbott viết: "Vào những lúc nhọc nhằn, uể oải, uống cà phê chả thấm vào đâu. Cách duy nhất để lấy lại sự tỉnh táo là thoa nước thuốc lá vào mắt".
Đối với một số cao bồi, những thời khắc khó khăn nhất dọc theo đường áp tải là tình trạng bê con bị giết hại hàng ngày. Phần lớn đàn gia súc thường chỉ là bò non thiến (hầu hết là bò đực) được mang ra chợ, nhưng cũng có những đàn bò có đủ đực, cái bao gồm cả bò mang thai. Bê sơ sinh bị bỏ lại phía sau vì chúng làm chậm lại đàn gia súc.
Theo người viết tiểu sử của Charles Goodnight thì: "Bất đắc dĩ lắm chúng tôi mới phải giết hàng trăm bê con. Tôi không muốn giết những sinh linh ngây thơ, nhưng vì chúng không được mang cùng bò trưởng thành ra chợ bán nên không lo về tiền bạc từ chúng".
Vào mỗi sáng, nhiệm vụ giết bê được chủ đàn giao cho một cao bồi nhỏ tuổi hoặc một người Mỹ gốc Phi. Branch Isbell, một trong những "đồ sát bê" vì ghê tởm với việc mình làm đã thề suốt đời không đụng đến súng.
Bất chấp sự phổ biến của vũ khí gây chết người và những trận đấu của người Anh-Điêng trên màn bạc phương Tây, vẫn không có nhiều bằng chứng về một đoàn xe gia súc thực sự. Nhiều chủ đàn gia súc yêu cầu công nhân giữ súng lục trong toa xe để tránh tiếng súng nổ kích động bầy gia súc "nổi loạn". Mặt khác, việc mang súng lục ở nơi công cộng bị xem là bất hợp pháp tại các khu định cư ở Texas và các thành phố gia súc ở Kansas ngay cuối đường xe gia súc.
Đường mòn Chisholm băng qua Lãnh thổ Anh-Điêng (giờ đây là Oklahoma và một số tiểu quốc bản địa đáng chú ý là Creeks, Cherokees và Chickasaws) thường thu một khoản tiền phí khi các đoàn xe gia súc đi qua lãnh thổ của họ. Và một số thương buôn gia súc Texas tuyên bố rằng họ đã chiến đấu với người bản địa để mở đường máu đến Kansas. Tuy nhiên, các nghiệp chủ gia súc thường thuê cao bồi Anh Điêng để giúp đàn gia súc vượt sông hoặc tìm cách tránh chúng giẫm đạp.
Trái với những trận đấu súng ác liệt trên phim ảnh, các chuyến áp tải gia súc thường diễn ra theo chiều hướng hợp tác hữu hảo hơn xung đột. Có một thực tế mà hiếm khi được điện ảnh nhắc đến: trước khi đến Kansas, các cao bồi thường tắm gội và cạo râu sạch sẽ, và họ cũng buôn bán quần áo do họ từ làm: mũ rơm hoặc mũ nỉ, áo planel, quần bò mà họ tếu táo gọi là "đồ bảo hộ" của các chàng cao bồi, và dĩ nhiên có bán cả súng lục.
Để kỷ niệm các chuyến đến Kansas, các cao bồi sẽ đi gặp nhiếp ảnh gia, họ tạo dáng để chụp ảnh rồi các bức ảnh đó xuất hiện trên báo chí, phòng trưng bày và trong các kho lưu trữ trên khắp Hoa Kỳ. Di sản hình ảnh đã trở thành một ấn tượng khó phai mờ, làm thu hút giới trẻ thời hiện đại.
Thông qua văn hóa đại chúng, những chàng cao bồi hư cấu đã trở thành thuốc giải độc cho tiến trình đô thị hóa xô bồ cùng công nghiệp hóa bóp nghẹt suy nghĩ mà người Mỹ sống trong Thời Vàng Son hết sức cần. Và chàng cao bồi Buck Taylor đã làm mê hoặc khán giả điện ảnh phương Đông.
Cao ráo, mảnh khảnh và đẹp trai, Buck Taylor nhanh chóng trở thành "Vua cao bồi" và là một hình mẫu trong nhiều cuốn tiểu thuyết hồi thập niên 1880, các cuốn sách được viết vèo vèo trong vòng chưa đầy 24 tiếng đồng hồ và bán cho hàng triệu độc giả phương Đông tỏ ra háo hức - những người muốn thoát khỏi thế giới các thành phố và công xưởng ồn ã.
Những cuốn tiểu thuyết mà sau này đi vào điện ảnh Hollywood đã tạo nên khái niệm về các chàng cao bồi như những người chuộng lối sống cá nhân và phiêu lưu súng đạn. Họ không hề buồn tẻ và tối mặt bận chăn thả gia súc vốn là cuộc sống thực sự của các cao bồi.
Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)