Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, ngay từ cuối quý II- 2019, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung đấu tranh với những đối tượng buôn lậu, sản xuất hàng giả…
"Thượng vàng hạ cám" hàng giả, hàng lậu
Thuốc lá điếu, rượu mạnh, mỹ phẩm, đường cát là những mặt hàng chủ yếu mà dân buôn lậu thường tìm cách đưa từ khu vực biên giới Tây Nam về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Điển hình là trường hợp đối tượng Nguyễn Đức Truyền, sinh năm 1988 tại huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp bị bắt quả tang khi đang sử dụng xe ô tô vận chuyển 16.400 bao thuốc lá Jet và Hero từ cửa khẩu Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An về giao cho Thái Trang Phương Thảo, ngụ phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Được biết trước đó, Truyền đã vận chuyển trót lọt 3 chuyến hàng với 45.700 bao thuốc lá các loại mang về cho Thảo và một số đối tượng khác tiêu thụ.
|
Thu giữ tân dược và thực phẩm chức năng giả tại nhà Nguyễn Đình Lạc Thư.
|
Ngoài thuốc lá, hàng lậu còn có đủ loại "thượng vàng hạ cám", từ tân dược, thực phẩm chức năng, thuốc bảo vệ thực vật tới… bao cao su. Cách đây không lâu, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt nhóm chuyên sản xuất… bao cao su giả do Trần Xuân Nam và Trương Chí Thành cùng ngụ quận Gò Vấp cầm đầu.
Tiến hành khám xét 5 địa điểm mà Nam, Thành đặt máy móc thiết bị sản xuất bao cao su giả tại các địa chỉ: 50/40/5 đường số 59, KP 2, phường 14, quận Gò Vấp; 176/18A Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức; 1841/50A Nguyễn Văn Hóa, phường Đông Hưng Thạnh, quận 12; 1372 Lê Đức Thọ, phường 13, quận Gò Vấp và căn nhà không số trên đường Hồ Văn Cống, phường Tương Bình Hiệp, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, trinh sát thu giữ trên 1,5 tấn bao cao su hiệu Durex, 1 máy sản xuất, 02 thiết bị đóng del và nhiều loại tang vật khác có tổng trị giá trên 5,9 tỷ đồng.
Loại hàng khác mà trong thời gian qua, các gian thương thường đẩy mạnh hoạt động vì mang lại siêu lợi nhuận, đó là thuốc tân dược và thực phẩm chức năng giả. Tháng 7-2019, trinh sát Đội 7 Phòng CSĐT tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu đã bắt quả tang Nguyễn Đình Thái Dương, sinh năm 1978, tạm trú huyện Bình Chánh đang nhận 20 thùng (mỗi thùng 200 hộp) thực phẩm chức năng giả nhãn hiệu Bảo Xuân Gold từ xe ôtô do Nguyễn Văn Thanh Tuấn điều khiển để mang vào nhà 64/24Z Hòa Bình, phường 5, quận 11 cất giấu (địa chỉ này được treo biển hộ kinh doanh cá thể do Nguyễn Đình Lạc Thư làm chủ).
Khám xét khẩn cấp địa chỉ này, trinh sát phát hiện có hai công nhân của Thư là Trần Thị Châu Thanh và Thạch Đết đang sản xuất thuốc Bar giả, đồng thời thu giữ 280 thuốc tân dược cùng thực phẩm chức năng giả, 12 bao vỏ chai, 20kg bao bì - nhãn mác, 1 máy đóng nắp thùng có ký hiệu dùng cho sản xuất thuốc Bar và Xitrina.
Ngoài ra còn thu giữ tại nhà Thư 2 thùng carton đựng sổ sách, giấy tờ có liên quan đến xuất nhập các loại thuốc, thực phẩm chức năng giả. Khi tiến hành khám xét nơi ở của các đối tượng là vệ tinh chuyên nhận gia công thuốc, thức phẩm chức năng giả theo yêu cầu của Nguyễn Đình Lạc Thư và thu giữ được nhiều loại tang vật, tài liệu liên quan.
Tại một nhà xưởng của Công ty TNHH Dược phẩm Đông dược Việt ở ấp 4, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, trinh sát bắt quả tang Lê Văn Khối và Nguyễn Thành Xuân đang chỉ đạo cho 4 công nhân thực hiện việc sản xuất thuốc dạng thực phẩm bảo vệ sức khỏe mang nhãn hiệu Bảo Xuân.
Tại thời điểm kiểm tra, trinh sát thu giữ 12 thùng thuốc mang nhãn hiệu Bảo Xuân, một lượng lớn thuốc chưa được đóng thùng nhãn hiệu Omega 3-6-9, hoạt huyết bổ não mang các nhãn hiệu Cardi Plus, Double 35, Majegra 100 và nhiều công cụ, phương tiện, nguyên liệu dùng sản xuất thuốc giả. Tại nơi ở của Khối ở số 40/13/13 Tô Hiệu, phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, trinh sát thu giữ 3 thùng carton loại lớn tài liệu, CPU máy tính có chứa dữ liệu phục vụ cho việc sản xuất thuốc giả.
|
Một đối tượng mua bán thuốc giả bị bắt giữ.
|
Tại nơi ở và làm việc của Dương Văn Toản, sinh năm 1985 (đối tượng tiêu thụ thuốc giả của Thư) nằm ở 58/3Q, đường Đồng Nai, phường 15, quận 10, trinh sát thu giữ 13 thùng carton chứa thành phẩm viên giải rượu MC-21, 12 thùng sâm nhung bổ thận TW3, 1 thùng thuốc Cedipect, 1 thùng cốm Xitrina, 3 thùng Danzymapco, 120 lọ Vitamin B1-APCO, 110 lọ B6-APCO, 190 hộp thuốc viêm khớp Tam Bình cùng nhiều thùng khác chứa các loại thuốc Vitamin B-Complex, VitaminC, Neotrivit 5000…
Cũng trong thời gian này, trinh sát còn thu giữ tại nơi làm việc của Nguyễn Hữu Tịnh ở số 13/12 Gò Gốm Đệm, phường 10, quận Tân Bình 2 máy cán UV dùng để cán dầu bóng lên tem nhãn của sản phẩm thuốc nhãn hiệu Bar và 1 bộ khuôn ép thuốc do Nguyễn Đình Lạc Thư đặt ở một xưởng tại phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.
Trong số hàng lậu bị phát hiện trong thời gian qua, loại hàng gây nguy hại rất lớn cho người tiêu dùng là là thuốc bảo vệ thực vật lậu. Do không được kiểm soát về chất lượng nên thuốc bảo vệ thực vật lậu có thể chứa cả những chất đã bị cấm sử dụng.
Tháng 5-2019, các trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham những, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện 4 đối tượng gồm Nguyễn Văn Được, Hồ Văn Tài, Đào Chí Linh và Nguyễn Hữu Hiệp đang bốc thuốc bảo vệ thực vật từ căn nhà 2/17D, Huỳnh Thị Na, ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn lên xe ô tô.
Tại hiện trường, có 45 thùng carton, bên trong chứa 540 gói thuốc bảo vệ thực vật hiệu ANTRACOL 70W, nhưng những đối tượng này không xuất trình được các hóa đơn chứng từ liên quan thể hiện nguồn gốc xuất xứ. Khám xét khẩn cấp 2 căn nhà 2/17D Huỳnh Thị Na và 23/12C, tổ 17, ấp Xuân Thới Đông 1, huyện Hóc Môn, trinh sát thu giữ nhiều dụng cụ, bao bì cùng lượng lớn nguyên liệu dùng sản xuất thuốc bảo vệ thực vật.
Tại cơ quan Công an, cả 4 đối tượng đều khai nhận do thấy thị trường thuốc bảo vệ thực vật đang hút hàng nên đầu năm 2019, họ góp vốn cùng nhau sản xuất thuốc giả mang xuống thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ và bán cho những người dân trồng rau ở địa bàn các huyện Hóc Môn, Củ Chi. Tùy theo thị hiếu của người nông dân, nếu ưa sử dụng nhãn hiệu thuốc nào thì chúng làm giả loại đó.
Cũng theo lời khai của 4 đối tượng này, thuốc giả mà chúng sản xuất ra đều được sử dụng trong việc phun cho rau quả và nhiều loại hoa màu khác. Đặc biệt với phương pháp sản xuất thủ công, không kiểm soát được thành phần độc tố nên sẽ gây ảnh hưởng không tốt cho con người khi sử dụng các loại rau, quả…
Tập trung đánh mạnh các tụ điểm sản xuất, phân phối hàng giả, hàng lậu
Theo đánh giá của Thượng tá Vũ Như Hà, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu Công an TP Hồ Chí Minh, tuy năm nay buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái được kéo giảm về số vụ, nhưng các đầu nậu lại sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn và nhắm vào những mặt hàng có giá trị cao.
Hơn nữa tình hình kinh tế trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp dẫn đến tình trạng gian lận thương mại tăng cao nên ngay từ những tháng cuối quý II-2019 các đội nghiệp vụ được tung ngay vào cuộc với yêu cầu phải hoàn tất công tác rà soát, đánh giá, xác định rõ tuyến, địa bàn phức tạp, địa bàn trọng điểm.
|
Thu giữ hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm giả tại quận 6, TP. Hồ Chí Minh.
|
Việc nắm chắc tình hình thị trường, kịp thời phát hiện các tổ chức, cá nhân đang có biểu hiện nghi vấn về hoạt động phạm tội, phân loại tội phạm để có phương án đấu tranh. Ngoài ra một số mũi công tác phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan tập trung giám sát chặt chẽ các tuyến đường hàng không, đường biển mà giới buôn lậu thường dùng để tuồn hàng hóa vào trong nước như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng kim khí điện máy đã qua sử dụng và vũ khí vật liệu nổ.
Phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Công an các tỉnh Long An, Tây Ninh để phát hiện, xử lý đối với các đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại các loại, rượu và một số mặt hàng nhập lậu khác về TP Hồ Chí Minh, tiêu thụ. Trường hợp vi phạm có tổ chức hoặc có yếu tố nước ngoài thì xác lập chuyên án, khẩn trương làm rõ và đề nghị xử lý các đối tượng chủ mưu để răn đe đối với các trường hợp khác.
Đức Cương