Vinh dự nhận danh hiệu cao quý từ Thủ tướng, anh xúc động trải lòng về những dấu ấn công tác trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Tuổi thanh xuân với những kỷ niệm truy quét FULRO
Tốt nghiệp cấp 3, Bùi Tiến Cam theo học khoá học đặc biệt lần đầu tiên đào tạo hạ sỹ quan Cảnh sát bảo vệ (CSBV) ở Xuân Mai, Hà Nội. Khi ra trường (tháng 12-1981), một nửa khoá học được điều động đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia thì anh cùng một nửa học viên còn lại được tăng cường cho Tiểu đoàn 1, E29, Cục CSBV, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) làm nhiệm vụ truy quét FULRO ở Lâm Đồng.
Thời gian này, địa hình hết sức phức tạp, điều kiện khí hậu ở đây khắc nghiệt, bệnh sốt rét hoành hành, địa bàn xa lạ, bất đồng ngôn ngữ, hầu hết các đơn vị phải ở nhờ nhà thờ và dựng nhà tạm làm doanh trại đóng quân. Rồi các đơn vị đóng quân xa nhau hàng chục kilomet, liên lạc chỉ huy Tiểu đoàn xuống các đại đội, các chốt rất khó khăn…
Bản thân anh đóng quân ở Klong, huyện Đức Trọng – một trong những địa bàn phức tạp của Lâm Đồng. Tuy nhiên anh và đồng đội luôn động viên nhau cố gắng vượt qua gian khổ để làm tốt công tác nắm tình hình, phát động quần chúng và vận động hàng trăm tên FULRO là chồng, con, em trở về làm ăn lương thiện; phát hiện, tố giác số FULRO nằm vùng giúp bóc gỡ, đấu tranh làm tan rã hàng chục khung chính quyền cấp xã, ấp của FULRO.
|
Thiếu tướng Bùi Tiến Cam tại Lễ đón nhận danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”.
|
Song song với nhiệm vụ truy quét bọn phản động FULRO, CBCS Tiểu đoàn còn làm tốt công tác dân vận, tuyên truyền để đồng bào hiểu rõ hơn các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước thấy được bản chất xấu xa của bọn phản động FULRO, không nghe, không tiếp tế và không đi theo chúng để chống phá chính quyền, giết hại nhân dân. Đơn vị đã tích cực phối hợp với Công an tỉnh Lâm Đồng tổ chức lực lượng truy quét và đánh hàng chục trận, tiêu diệt, bắt sống và gọi hàng hàng trăm tên FULRO ra đầu hàng; điển hình là tiêu diệt tên đầu sỏ Trung tá Klong Hazumi…
Quá trình công tác và chiến đấu đã có hàng trăm đồng chí thuộc Tiểu đoàn bị sốt rét rừng hành hạ, hàng chục đồng chí là thương binh và 12 đồng chí hy sinh. Giọng anh chùng xuống bởi nỗi xót xa về sự hy sinh, mất mát của đồng đội vẫn gợi lại trong tiềm thức.
“Gian khổ là vậy, nhưng chúng tôi vẫn lạc quan, bám trụ địa bàn để công tác và chiến đấu, góp phần cùng Công an tỉnh Lâm Đồng giải quyết cơ bản hoạt động của Fulro, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh”, Thiếu tướng Bùi Tiến Cam tâm sự. Tiểu đoàn 1 cũng là đơn vị 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Quá trình làm nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 1, đồng chí Bùi Tiến Cam là một trong những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc, được kết nạp Đảng giai đoạn này và 4 năm sau (năm 1990) anh được cử ra Bắc học tiếp Cao đẳng CSBV, khoá đầu tiên của ngành Công an đào tạo sỹ quan chỉ huy.
Tốt nghiệp ra trường, anh được phân công về Phòng Xây dựng lực lượng, Cục CSBV. Từ đây, với sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, anh lần lượt được tổ chức bổ nhiệm các chức danh phó trưởng phòng, trưởng phòng, phó cục trưởng, cục trưởng, luân chuyển vào miền Nam…
Người chỉ huy ghi dấu ở sự kiện Mường Nhé
Khi thành lập Bộ Tư lệnh CSCĐ, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tư lệnh. Cuộc đời anh gắn liền với rất nhiều chuyên án, sự kiện đặc biệt, trong đó ấn tượng nhất là lần tham gia giải quyết vụ tập trung đông người, phá rối an ninh, trật tự (ANTT) tại xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tháng 4-2011, xuất hiện nhóm đối tượng tuyên truyền lôi kéo hơn 3.000 người Mông ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai và các tỉnh Tây Nguyên bỏ nhà cửa kéo về tập trung tại xã Nậm Kè để tham gia vào tổ chức “Vương quốc Mông”.
Các gia đình đã dựng lều, lán, đem lương thực tá túc lâu dài. Nhóm đối tượng cầm đầu đã ngang nhiên bắt giữ cán bộ cơ sở xã Mường Toong, tình hình ANTT hết sức phức tạp. Được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ, Thiếu tướng Bùi Tiến Cam đã trực tiếp chỉ huy lực lượng, xuống tận huyện Mường Nhé phối hợp với các lực lượng của Bộ và Công an tỉnh Điện Biên đề xuất phương án, thành lập các mũi tác chiến và kíp chiến đấu, tiến thẳng vào khu vực mất ANTT, bắt giữ các phần tử quá khích cầm đầu.
“Còn nhớ, khi nhận nhiệm vụ thì tôi điều động lực lượng CSĐN lên Điện Biên trước để nắm tình hình, sau đó mới huy động lực lượng CSCĐ lên để phối hợp cùng Công an tỉnh. Để đảm bảo công tác nghiệp vụ, ngày 9-5-2011, chúng tôi có mặt tại Điện Biên lúc 1h sáng, trời tối nên đường đi rất khó khăn, đi suốt mấy tiếng mới vào được đến Mường Nhé”, anh kể.
Đúng 9h cùng ngày, đoàn công tác của các bộ, ngành tiến vào khu vực tập trung đông người Mông để tuyên truyền, giải thích và vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân. Thực hiện phương án tác chiến, chiến sỹ CSĐN tinh nhuệ đã bắt giữ nhiều đối tượng, thu giữ 1 quả lựu đạn, 6 kíp nổ, hàng trăm kilogam thuốc nổ, cung, nỏ, dao, kiếm, đảm bảo an toàn cho doàn công tác và hàng ngàn người dân trên địa bàn.
Thiếu tướng Bùi Tiến Cam cho rằng, tham gia sự kiện này anh em CSCĐ phải “nếm mật nằm gai”, ở nhà bạt, ăn cơm rừng, thấm thía mưa rừng, làm bạn với muỗi vắt… Nhưng bấy nhiêu khó khăn chỉ giúp trui rèn ý chí của CBCS, tác chiến địa bàn rừng núi hiểm trở càng giúp họ tăng cường phối hợp các tình huống, thuần thục các phương án. “Bí quyết ở đây có lẽ là việc lựa chọn và bố trí lực lượng trinh sát, cao điểm địa bàn, đưa CBCS nằm vùng và có phương án tác chiến thích hợp, chọn thời điểm phát động các mũi tấn công”, anh chia sẻ.
Thiếu tướng Bùi Tiến Cam đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 3 lần liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng CAND”; đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc”; 1 Huân chương Chiến công hạng Ba; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba; 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 8 Bằng khen của Bộ Công an…
|