Tuy nhiên, lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, các đối tượng đã tìm mọi cách đánh cắp các cổ vật mang đi tiêu thụ.
Báo động tình trạng mất trộm cổ vật
Đình làng Hiền Sỹ ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế có lịch sử gần 700 năm, mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và vùng đất Thuận Hóa. Năm 2015, đình làng Hiền Sỹ được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế công nhận là di tích Lịch sử - văn hóa.
Nơi đây đang lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật quý hiếm từ thời triều Nguyễn. Mới đây, đình làng này bị kẻ gian đục tường, phá khóa lẻn vào lấy trộm 2 cổ vật quý giá gồm một lục bình và một ché cổ từ thời vua Tự Đức.
|
Cổ vật chuông đồng được đúc vào thời vua Tự Đức năm 1877. |
Cả hai cổ vật này làm bằng sứ, tráng men màu đất, trắng và xanh; cao khoảng 60cm, đường kính khoảng 40cm và 80cm. Ông Lê Ngọc Biên, Trưởng Ban trị sự đình làng Hiền Sỹ cho biết, thường vào những dịp lễ quan trọng của làng thì những cổ vật này mới được đưa ra trưng bày. Còn ngày thường, 2 cổ vật này và 5 bộ lư đồng, 1 chiếc chiêng đồng được bảo quản tại án thờ của đình. Bọn trộm chỉ lấy đi 2 cổ vật.
"Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã trình báo sự việc đến chính quyền địa phương và cơ quan công an với hy vọng sớm bắt được thủ phạm và tìm lại được cổ vật cho làng", ông Biên bày tỏ tiếc nuối khi đình làng mất trộm cổ vật quý giá.
Gần đây nhất, tối 9/2, kẻ gian đã đột nhập vào phủ thờ Quốc Uy Công hay còn gọi là phủ thờ Tôn Thất Thuyết tọa lạc tại làng Vân Thê, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế để lấy cắp chiếc chuông cổ (đại hồng chung) được đúc vào thời vua Tự Đức năm 1877.
Ông Tôn Thất Biên, Trưởng phòng Ban Quản trị phòng Quốc Uy Công, hệ 5 Nguyễn Phước tộc cho biết, phủ thờ được đại danh tướng Tôn Thất Thuyết (1839-1913) xây dựng vào năm Tự Đức thứ 19 (1866) để tưởng nhớ ngài Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần. Sau ngày Tôn Thất Thuyết mất, dòng họ lấy phủ này làm nơi thờ ông và phủ được Nhà nước công nhận là di tích Lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994.
Hiện phủ thờ này do con cháu Nguyễn Phước tộc coi quản, bên trong phủ có nhiều hiện vật quý giá, trong đó có chiếc chuông cổ nói trên. Theo ông Biên, chuông cổ nặng 88,5kg, cao 1,15m; đường kính 0,5m, đỉnh chuông có hình rồng, xung quanh thân chuông chạm khắc chữ Hán với nhiều hoa văn tinh xảo, là cổ vật vô cùng quý giá và đã được lưu giữ ở phủ suốt gần 150 năm qua.
Trước đó, đình làng Xuân Hòa cổ kính nằm bên bờ sông Hương tọa lạc tại địa chỉ 86 đường Nguyễn Phúc Nguyên, phường Hương Long, TP Huế cũng bị mất trộm nhiều hiện vật quý giá. Ngôi đình có niên đại hàng trăm năm tuổi này không những là nơi dân làng thờ phụng ngài khai canh lập làng, các vị tiền nhân mà còn là địa điểm lưu giữ nhiều cổ vật, đồ tự khí, hương hỏa, tam bảo quý hiếm và có giá trị.
Cuối năm 2019, ngôi đình bị lấy trộm 10 bức liễn gỗ quý treo trong đình, cơ quan công an giám định trị giá 70 triệu đồng. Sau khi nhận được tin báo, Công an TP Huế đã vào cuộc truy xét, làm rõ và bắt giữ được Nguyễn Viết Tuấn (sinh năm 1989, trú tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) là đối tượng đã thực hiện vụ trộm tại đình làng Xuân Hòa.
Những năm gần đây, do nhu cầu sưu tầm cổ vật ngày càng cao dẫn đến tình trạng mất cắp cổ vật ở các địa phương trên toàn quốc nói chung, địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng trở nên báo động.
Là một trong những nhà sưu tầm cổ vật có tên tuổi ở Huế, ông Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, tình trạng mất trộm cổ vật ở các đình thờ, đình chùa, nhà thờ họ tộc, phủ đệ diễn ra phổ biến do công tác quản lý, coi sóc còn lỏng lẻo. Do am hiểu về cổ vật nên ông Hoàng không ít lần được nhiều nhà thờ, họ tộc nhờ đi tìm lại những cổ vật bị đánh cắp.
Ông Hoàng kể, vào năm 2008, nhà thờ họ Nguyễn phái thứ 3 ở làng Dương Nỗ (huyện Phú Vang) bị mất trộm một cặp liễn bằng gỗ khảm trai vô cùng quý giá. Qua nhiều đầu mối, cuối cùng ông Hoàng cũng đã tìm được dấu tích của cặp liễn này qua một người sưu tầm cổ vật khác và được người này cho biết đã mua lại cặp liễn từ một nhóm thanh niên. Với những thông tin từ ông Hoàng cung cấp, nhà thờ họ Nguyễn phái thứ 3 đã đến xin chuộc lại cặp liễn này.
Tuy nhiên, không phải vụ mất trộm tài sản nào ở đình làng, đình chùa, phủ thờ cũng được điều tra làm rõ nhanh chóng do phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trộm cắp rất tinh vi, cơ quan công an phải mất nhiều thời gian để xác minh, điều tra.
Và trước đó, ở địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã xảy ra một số vụ trộm cắp cổ vật tương tự. Điển hình như các vụ mất trộm cổ vật ở điện Hòa Khiêm (lăng Tự Đức), lăng Thiệu Trị, lăng Khải Định. Tại nhiều ngôi cổ tự như Thánh Duyên, Giác Lâm, Quốc Ân… cũng bị kẻ gian tìm đến "cuỗm" đi nhiều bức tượng Phật cổ quý hiếm; Quốc tự Diệu Đế nằm bên sông Đông Ba, TP Huế cũng bị lấy cắp bức tượng quý Nữ Long Bồ Tát; chùa Ba Đồn, phường An Tây, TP Huế bị trộm 2 chuông đồng quý hiếm…
Truy tìm chuông cổ thời vua Tự Đức
Trong khi nhiều hiện vật, cổ vật được lưu giữ tại các phủ thờ, đình làng, đình chùa bị mất cắp không tìm thấy tung tích thì vào chiều 11/3 mới đây, Công an thị xã Hương Thủy đã tiến hành trao trả chiếc chuông cổ cho phủ thờ Quốc Uy Công trong sự vui mừng của con cháu Nguyễn Phước tộc và đông đảo người dân địa phương.
|
Công an thị xã Hương Thủy trao trả cổ vật chuông đồng cho phủ thờ Quốc Uy Công. |
Đại úy Lê Văn Hữu, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an thị xã Hương Thủy, người trực tiếp tham gia chuyên án cho biết, sau khi nhận tin báo phủ thờ Quốc Uy Công bị mất chuông cổ, xác định các đối tượng gây án với thủ đoạn chuyên nghiệp, tương tự như các vụ mất trộm xảy ra tại các đình làng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế nên Công an thị xã Hương Thủy xác lập chuyên án đấu tranh.
Theo Đại úy Hữu, quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Ban chuyên án xác định 2 đối tượng Trần Hữu Chí (sinh năm 1985) và Lê Viết Tửu (sinh năm 1989, cùng trú tại xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) là thủ phạm vụ trộm trên.
Sau khi lấy trộm cổ vật chuông đồng, 2 đối tượng này đã mang bán cho một người tên Giang ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Tiếp đó, cổ vật này được bán qua tay cho nhiều người khác ở tỉnh Nam Định và TP Hà Nội. "Chỉ trong vài ngày, chiếc chuông cổ đã được các đối tượng bán qua nhiều tỉnh thành khác nhau khiến công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Tuy nhiên với quyết tâm tìm bằng được chuông cổ nên tôi và đồng đội đã lần theo những thông tin thu thập được, sau đó ra TP Hà Nội truy tìm và tiến hành thu hồi cổ vật đưa về Huế", Đại úy Hữu kể lại.
Theo các điều tra viên, quá trình điều tra, truy tìm chiếc chuông cổ gặp nhiều khó khăn do đối tượng Chí vốn là thợ cơ khí, rất am hiểu về các loại cổ vật bằng đồng. Chí có 2 tiền án về tội "trộm cắp tài sản" và "cố ý gây thương tích" nên sau khi thực hiện các vụ trộm, Chí liền tìm cách tiêu thụ tài sản ngay trong đêm.
Bên cạnh đó, các đối tượng thường giao dịch, mua bán các cổ vật, đồ thờ tự có giá trị trên mạng xã hội như Facebook, Zalo. Gây án xong, chúng liền xóa các nội dung này để tránh bị cơ quan Công an phát hiện.
Mở rộng công tác điều tra liên quan đến vụ án đánh cắp cổ vật chuông đồng, Công an thị xã Hương Thủy làm rõ 2 đối tượng Chí và Tửu còn thực hiện 12 vụ đột nhập đình làng, đình chùa, phủ thờ ở các huyện, thị xã Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang thuộc địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế để lấy cắp đồ thờ tự bán lấy tiền tiêu xài.
Trong đó, tối 17/1, Chí điều khiển xe máy BKS 75K8-0449 chở Tửu về xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy rồi đột nhập vào đình làng Thanh Thủy Chánh lấy trộm 2 lục bình bằng sứ để trên bàn thờ cùng 4 lư đồng trong đình làng. Trong đó 1 lục bình làm bằng sứ hoa văn hình rồng, cao 67cm, thân bình rộng 31cm và 1 lục bình bằng sứ hoa văn hình người, cao 68cm, thân bình rộng 32cm.
Sau đó 2 đối tượng này cho số tài sản trộm được vào bao tải rồi đưa ra tỉnh Quảng Trị tiêu thụ. Với thủ đoạn tương tự, các đối tượng cũng đã đột nhập đình làng Dạ Lê, phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy trộm bộ lư đèn bằng đồng. Sáng sớm ngày 11/2, Chí lợi dụng niệm phật đường Lang Xá Bầu, xã Thủy Thanh vắng người rồi đột nhập vào lấy trộm 51,5 triệu đồng được cất giữ trong ngăn tủ sập gỗ.
Liên quan đến vụ án trộm cắp chuông cổ, hiện Công an thị xã Hương Thủy đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 đối tượng Trần Hữu Chí và Lê Viết Tửu về hành vi "trộm cắp tài sản" và đang tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ các đối tượng liên quan; đồng thời tiến hành trao trả cổ vật chuông cổ cho phủ thờ Quốc Uy Công; 2 lục bình gốm sứ cho đình làng Thanh Thủy Chánh. Ngoài ra, cơ quan Công an đang tiếp tục xác minh chủ nhân của một số bộ lư, đèn bằng đồng được đơn vị thu hồi.
Cần có phương án bảo quản tốt cổ vật
Cùng với con cháu Nguyễn Phước tộc đón nhận chiếc chuông cổ gần 150 tuổi được cơ quan Công an trao trả, ông Tôn Thất Biên, Trưởng phòng Ban Quản trị phòng Quốc Uy Công không giấu được sự vui mừng.
|
Đại diện đình làng Thanh Thủy Chánh nhận lại hai lục bình gốm sứ.
|
Ông Biên nói: "Chúng tôi cảm ơn lãnh đạo Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Công an thị xã Hương Thủy và xã Thủy Thanh khi đã quan tâm chỉ đạo, khẩn trương điều tra vụ việc kẻ gian lấy trộm chuông đồng tại phủ thờ. Đặc biệt cảm ơn các điều tra viên đã tận tình, không ngại khó khăn, bất kể ngày đêm để nhanh chóng bắt các đối tượng trộm cắp và kẻ tiếp tay mua bán trái phép, giúp chúng tôi tìm được cổ vật chuông đồng quý giá này".
Thượng tá Đinh Xuân Đại, Trưởng Công an thị xã Hương Thủy khẳng định: "Việc tìm lại được các cổ vật, hiện vật thờ tự quý giá để trao trả cho các phủ thờ, đình chùa, đình làng là rất cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên qua đây, cơ quan Công an cũng khuyến cáo việc trông coi các phủ thờ, đình chùa cần phải cẩn thận hơn nhằm tránh bị kẻ gian lợi dụng sơ hở thực hiện trộm cắp tài sản".
Còn theo TS. Trần Đình Hằng, Trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia tại Huế, hiện nay ngành văn hóa chưa thống kê đánh giá và có phương án bảo tồn, bảo quản phù hợp đối với các cổ vật, đồ tự khí, hương hỏa, tam bảo… mà hoàn toàn tùy thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện của mỗi làng, mỗi gia đình, họ tộc. Đáng lo ngại là, với tình trạng trộm cắp hiện nay thì những di sản này càng có nguy cơ bị mất mát.
"Vấn đề đặt ra hiện nay là khi ngành văn hóa chưa có điều kiện để làm việc này thì tự các gia tộc và làng, xã có thể mời chuyên gia thẩm định sơ bộ, từ đó để thực hiện công tác bảo quản, bảo vệ cổ vật phù hợp hơn. Thậm chí các làng, xã hoàn toàn có thể đăng ký bộ sưu tập với ngành văn hóa để chính thức có sự chứng nhận quyền sở hữu nhằm tránh nguy cơ cổ vật bị trộm cắp", TS Hằng đề xuất.
Anh Khoa