Có trường quyết tâm thực hiện dạy online, có trường rụt rè tiếp cận. Có trường coi đó là phương pháp dạy học lâu dài, có trường cho đây chỉ là biện pháp ứng phó tạm thời trong mùa dịch. Bởi vậy, cho đến thời điểm này, việc dạy trực tuyến vẫn đang diễn ra theo kiểu "mạnh ai nấy làm"…
Trò ở nhà, cô ở trường, vẫn học bình thường
Những ngày này, đến Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), sẽ thấy các lớp học vẫn mở cửa. Trong lớp, tiếng thầy cô giáo giảng bài vẫn vang lên, nhưng học sinh thì vắng bóng.
Thay vì đến lớp, các em ở nhà và tham gia lớp học trực tuyến. Lớp học vắng vẻ, nhưng không khí sôi nổi đang diễn ra trên các lớp học online. Hiện tại, nhà trường đã triển khai dạy trực tuyến cả môn thể dục để đảm bảo việc dạy tất cả các môn học trong những ngày học sinh không đến trường. Đây có lẽ là một trong số ít trường kiên trì thực hiện dạy học trực tuyến theo thời khoá biểu đều đặn hàng ngày.
|
Cô giáo Đỗ Thu Hà - Giáo viên Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành trong giờ dạy trực tuyến. |
Các thầy cô giáo của nhà trường mấy tuần qua đều bận bịu với việc soạn giáo án điện tử và dạy học online. Tổ giáo viên công nghệ thông tin luôn hỗ trợ các giáo viên bộ môn trong suốt quá trình dạy, từ việc soạn giáo án, dạy trực tuyến, chấm chữa bài, phản hồi cho học sinh trên mạng.
Trao đổi với chúng tôi, cô Đỗ Thu Hà - giáo viên môn Ngữ văn cho biết những buổi dạy trực tuyến đều thu hút 100% học sinh tham gia. Sở dĩ nắm bắt được sĩ số học sinh là vì trước mỗi buổi học, giáo viên sẽ điểm danh qua ứng dụng voice chat.
Trong quá trình giảng dạy, giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau. Do đó không khó để giáo viên nắm bắt được việc học của học sinh ở nhà. Thông qua phần mềm trực tuyến mà việc giao nhiệm vụ học tập cho học sinh trước giờ học, chốt kiến thức cuối giờ và ra đề luyện tập cũng diễn ra thuận lợi.
Nếu học sinh chưa hiểu bài, muốn nghe lại bài giảng thì hoàn toàn có thể xem lại bài học. Học sinh cũng có thể hỏi bài các thầy cô và được giải thích, hướng dẫn làm bài cụ thể, chi tiết trên hệ thống ngoài thời gian trên lớp.
Theo cô Hà, hình thức học mới mẻ này đã tạo nên những thay đổi tích cực từ phía phụ huynh và học sinh. Rất nhiều bố mẹ quan sát các con học tại nhà, thậm chí học cùng con, quan tâm đến việc học của con nhiều hơn và có phản hồi tích cực với giáo viên. Nhiều học sinh khi học trên lớp rất nhút nhát nhưng khi học online lại tự tin hơn, mạnh dạn phát biểu ý kiến xây dựng bài.
Ban giám hiệu nhà trường vẫn có thể nắm bắt tình hình học tập của từng lớp qua việc cập nhật sổ đầu bài online. Tổ giáo vụ sẽ giám sát từng tiết học, do đó sẽ biết được tình hình dạy và học của các lớp đang diễn ra như thế nào, nề nếp học ra sao. Cuối mỗi ngày, ban giám hiệu sẽ tổng kết đánh giá trên sổ đầu bài online, lưu ý những điểm giáo viên cần rút kinh nghiệm.
Với sự hỗ trợ của công nghệ…
Những ngày này, sinh viên một số trường đại học trên cả nước thay vì đến giảng đường thì ở nhà để tham gia lớp học trực tuyến đều đặn theo thời khoá biểu. Đây đó ở quán cà phê hay tại nhà riêng, nhiều nhóm được lập ra để cùng học online.
|
Màn hình trực tuyến trong giờ học của sinh viên khoa Luật - Trường Đại học Công đoàn.
|
Hai tuần qua, Trường đại học Công đoàn đã tổ chức dạy trực tuyến cho sinh viên chính quy theo thời khoá biểu.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Huệ - giảng viên khoa Luật của Đại học Công đoàn - người trực tiếp dạy trực tuyến cho chúng tôi biết, sinh viên rất hứng thú với hình thức học trực tuyến nên tham gia hào hứng. Mỗi giờ học có tới 90% số sinh viên tham gia.
Để tiến hành dạy online, trước đó, giảng viên các khoa của nhà trường đã tham gia tập huấn soạn giáo án điện tử và áp dụng phần mềm giảng dạy. Mỗi sinh viên sẽ có một tài khoản đăng nhập để tham gia học online qua máy tính, điện thoại, Ipad kết nối mạng. Một không gian học tập khác với truyền thống, những bài giảng điện tử thay cho bảng đen phấn trắng tạo nhiều hứng thú cho cả người dạy và người học.
Hiện tại, trên cả nước có một số địa phương như Hà Nội, Thanh Hoá, Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang đã bước đầu triển khai dạy học trên sóng truyền hình để đảm bảo học tập của học sinh và phòng, tránh dịch bệnh hiệu quả. Cách làm này cũng nhận được sự ủng hộ của phụ huynh và học sinh.
Trên thực tế, việc dạy trên truyền hình có tính khả thi cao hơn so với dạy trực tuyến vì dựa vào các yếu tố có sẵn như kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án. Tuy nhiên tính tương tác trong giờ học sẽ không phát huy được qua hình thức dạy qua truyền hình do vẫn dừng lại ở việc truyền thụ một chiều.
Và vướng mắc cũng bởi công nghệ
Bên cạnh việc một số trường học, địa phương triển khai học trực tuyến thì ở nhiều nơi, học sinh vẫn nghỉ học, giáo viên vẫn nghỉ dạy kéo dài mà chưa có hình thức dạy và học thay thế. Nguyên nhân được đưa ra là còn vướng mắc ở nhiều khâu.
|
Học sinh ở nhà vẫn có thể học trực tuyến theo thời khoá biểu hàng ngày. |
Thứ nhất, để xây dựng được chương trình dạy và học online thì giáo viên phải am hiểu về công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm áp dụng trong dạy học. Và một thực tế là không phải giáo viên nào cũng có khả năng soạn giáo án điện tử hấp dẫn, khoa học, sinh động để khơi gợi hứng thú cho học sinh, nhất là với giáo viên lớn tuổi.
Cũng không phải trường nào cũng được đầu tư về trang thiết bị, về hạ tầng mạng internet để có thể tổ chức dạy online. Hơn nữa, trước tình hình dịch bệnh diễn ra đột ngột khiến các cơ sở giáo dục không kịp xoay xở để đáp ứng được tình hình.
Xét về người học, ở nhiều địa phương còn khó khăn thì các gia đình chưa thể có điều kiện mua điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy vi tính để con em mình học online. Có chăng, các em chỉ có thể tiếp nhận bài giảng phát trên sóng truyền hình.
Đối với các trường cao đẳng, đại học thì không phải chuyên ngành nào cũng hợp với dạy online. Có những ngành đặc thù như công nghệ dệt may, thiết kế thời trang, mỹ thuật cần sự hướng dẫn trực tiếp sẽ rất khó để học online. Điều đáng nói, hình thức học trực tuyến ở nước ta hiện nay chưa được công nhận và nhìn nhận như việc học trên lớp.
Do thiếu cơ sở pháp lý nên nhiều trường còn chần chừ không tổ chức dạy online. Bởi trường có tổ chức dạy online thì theo quy định khi nào đi học trở lại vẫn phải dạy bù thời gian nghỉ. Cũng do thiếu cơ sở pháp lý mà nhiều trường ngoài công lập không dám dạy online vì không được thu thêm học phí, trong khi kinh phí đầu tư cho hình thức dạy và học này là không nhỏ.
Không ít nhà trường cho rằng, đang trong mùa dịch, việc quan trọng nhất đối với các em học sinh là bảo vệ sức khoẻ. Các em có thể dành thời gian đọc sách, xem lại kiến thức trong sách giáo khoa và làm bài tập bổ trợ, còn nội dung của bài học mới khi nào đi học trở lại các thầy cô sẽ trực tiếp giảng dạy.
Học trực tuyến là một xu thế
Mặc dù việc học trực tuyến đang ở thế "mạnh ai nấy làm" nhưng không thể phủ nhận rằng phương pháp đào tạo này khi được áp dụng bài bản, khoa học đã mang lại những thành công bước đầu, nhận được những phản hồi tích cực của phụ huynh và học sinh.
|
Học sinh Trường THCS Yên Hoà đang học môn tiếng Anh trên sóng của Đài PT-TH Hà Nội. |
Chị Nguyễn Thị Lụa - phụ huynh em Hoàng Hương Giang, học sinh lớp 7A3 Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành cảm thấy yên tâm khi việc học online vừa đảm bảo an toàn cho con trong mùa dịch, vừa tiết kiệm được chi phí và thời gian đi lại.
Con chị hàng ngày vẫn được "đến lớp" và học tập cùng các bạn, tránh được tình trạng cả ngày xem tivi hay chơi game. Theo chị Lụa thì hoàn toàn có thể áp dụng học trực tuyến lâu dài và có hiệu quả. Nhiều phụ huynh cũng đồng tình đây là cách học hữu hiệu nhất trong mùa dịch, kịp thời để ôn luyện để chuẩn bị cho các kì thi vào THPT, thi đại học đang đến gần.
Với em Hoàng Hương Giang, cảm giác thật hào hứng khi học online vì bài giảng có hình ảnh, thậm chí cả clip minh họa sinh động, giúp nắm bắt được nội dung học nhanh chóng. Hơn nữa, các bạn sẽ được cô gọi phát biểu ý kiến trong giờ học, nên luôn tập trung theo dõi bài học nếu không muốn bị ghi và sổ đầu bài online.
Với các em học sinh lớp 12 thì việc làm các đề kiểm tra online rất thú vị, vừa có dạng tự luận vừa có dạng trắc nghiệm. Đặc biệt, thầy cô giáo sẽ phát đề, chấm, chữa bài bằng phần mềm và trả bài cho từng học sinh. Tất cả những thắc mắc, trao đổi ngoài giờ học của học sinh lưu trên phần mềm sẽ được thầy cô giáo tận tình giải đáp.
Đối với sinh viên khoa Luật trường Đại học Công đoàn thì những tiết học thực hành online áp dụng luật để giải quyết tình huống luôn diễn ra sôi nổi và lí thú. Sinh viên Trần Văn Mạnh cho rằng học online vừa cảm thấy thoải mái mà vẫn tập trung và hứng thú.
Năm 1986, khóa học qua mạng đầu tiên diễn ra ở Trường Đại học John F. Kennedy thuộc bang California, Mỹ. Từ đó đến nay, học trực tuyến đã được áp dụng phổ biến ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, dần trở thành xu hướng giáo dục hiện đại.
Ở Việt Nam nhiều năm qua, hoạt động đào tạo cũng đang có chiều hướng tiệm cận đến xu thế học trực tuyến. Bỏ qua những hạn chế cần khắc phục, cũng phải nhìn nhận yếu tố tích cực của dạy - học trực tuyến thời 4.0 là điều cần tính tới.
Tuy nhiên để có thể triển khai rộng rãi việc dạy học trực tuyến thì cần có đầy đủ các văn bản pháp lý để đảm bảo các điều kiện về cơ chế, cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ. Bên cạnh đó, cần có những mô hình điểm về dạy học trực tuyến để nhân rộng trong cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành xác định việc dạy trực tuyến không chỉ là biện pháp ứng phó trong mùa dịch, mà là một hướng triển khai lâu dài xen kẽ với cách daỵ truyền thống.
Không chỉ các thầy cô trẻ mà ngay cả các thầy cô lớn tuổi vẫn nhiệt huyết tìm hiểu và áp dụng công nghệ thời 4.0 trong dạy học. Khi các thầy cô làm chủ được công nghệ và áp dụng vào giảng dạy, ai cũng phấn khởi và say mê. Đó là một thành công lớn của nhà trường. Dù rằng chất lượng bài giảng có thể chưa đồng đều nhưng điều quan trọng là tạo tinh thần đổi mới phương pháp dạy học, làm tiền đề cho những thay đổi tiếp theo.
Dạy và học online đã được một số trường triển khai từ vài năm nay. Đây cũng là xu hướng, sự phát triển tất yếu của xã hội thời công nghệ. Tuy nhiên, vẫn phải khẳng định rằng, chất lượng học online phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người học và nền tảng hạ tầng công nghệ.
Huyền Châm