“Sáu nhơn, bảy mạng”
Chúng tôi về xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, cảm nhận không khí tang thương ở miền quê nghèo này sau khi 6 người dân địa phương vừa bị đuối nước thương tâm trên dòng Vu Gia. Với đôi mắt đỏ, hốc mắt sâu đượm buồn, ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường kể về vụ việc: Khoảng 16h ngày 25-2, 10 người dân thôn Khương Mỹ, xã Đại Cường trong 3 gia đình (gồm 4 nam, 6 nữ) đi sản xuất từ bãi đất màu Mỹ Thuận, giáp ranh giữa xã Đại Cường và Đại Nghĩa, về thôn Khương Mỹ trên một chiếc ghe. Khi đến đoạn giữa sông Vu Gia thì xảy ra lật ghe, khiến 10 người rơi xuống sông.
Phát hiện sự việc, người dân gần đó đã đến ứng cứu, vớt được 4 người đưa đi cấp cứu, 6 người còn lại mất tích giữa dòng. Trong tối 25-2, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, huy động lực lượng hàng trăm người tổ chức tìm kiếm 6 nạn nhân còn lại. Đến 22h45 cùng ngày, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm kiếm được 6 thi thể và bàn giao cho gia đình.
6 nạn nhân là người trong 2 gia đình ở làng Phúc Khương, thôn Khương Mỹ, gồm ông Nguyễn Đình Ba (SN 1963); Nguyễn Đình Hoàn (SN 1995, con ông Ba); Lê Thị Kim Huệ (SN 1993, con dâu ông Ba); Nguyễn Thị Ái (SN 1986); Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên (SN 2014, con chị Ái); Nguyễn Hoàng Ánh Viên (SN 2015, con chị Ái).
Trên con đường bê tông nhỏ hẹp ở làng Phúc Khương, cách nhau chưa đầy 100m là nơi làm lễ đại tang cho các nạn nhân. Tại nhà chị Ái, người dân địa phương và các đoàn thể xã hội đang tất bật giúp đỡ lo hậu sự cho 3 mẹ con chị.
|
Các chiến sĩ Công an nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong đêm.
|
Ông Nguyễn Anh Xuân, bố của chị Ái, dường như không còn nước mắt để khóc thương cho đứa con gái và 2 đứa cháu ngoại xấu số của mình. Người đàn ông đã bước qua tuổi “thất tuần” thẫn thờ nhìn mọi người rồi ngước nhìn lên trời cao như vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra với con gái và cháu ngoại. Ông lầm lũi bước đi, cúi gằm mặt xuống.
Còn anh Nguyễn Hữu Việt, chồng chị Nguyễn Thị Ái và cha của hai cháu Nguyễn Hoàng Ánh Nguyên và Nguyễn Hoàng Ánh Viên, ngồi thẫn thờ, khóc liên tục không thốt nên lời. Vụ chìm ghe đã cướp mất đi người vợ hiền và 2 đứa con ngoan của anh.
Trong nỗi đau thương, anh Việt bật khóc thành lời: “Đau đớn quá! Chiều hôm đó khi tôi đang làm việc ở thị trấn Ái Nghĩa thì nghe bà con gọi báo vợ và hai con bị mất tích trên sông Vu Gia, tôi bàng hoàng lắm. Đến giờ này tôi vẫn không tin rằng vợ con tôi đã mất”.
Cách nhà chị Ái vài bước chân, bà con hàng xóm cùng các cơ quan đoàn thể cũng đang lo hậu sự cho ông Nguyễn Đình Ba và hai người con. Bà Võ Thị Thương, người thôn Khương Mỹ đau lòng kể lại rằng chiều tối 25-2, khi bà đang ở trong nhà để chuẩn bị bữa tối cho chồng con thì nghe hàng xóm hô hoán nói lật ghe trên sông Vu Gia, bà liền chạy ra bờ sông thì có rất đông người dân, cơ quan chức năng đưa phương tiện đến tổ chức tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
“Gia đình anh Nguyễn Đình Đoàn có 3 người gặp nạn gồm ông Nguyễn Đình Ba, Nguyễn Đình Hoàn và Lê Thị Kim Huệ. Từ nhỏ đến lớn, đến giờ tôi mới chứng kiến cảnh tang thương, đau lòng này”, bà Thương buồn bã nói.
Một người dân khác ở thôn Khương Mỹ chia sẻ thêm rằng gia đình ông Nguyễn Đình Ba có dựng một chòi nhỏ bên bãi bồi ven sông Vu Gia để làm đồng áng quanh năm. Hôm xảy ra vụ chìm ghe, ông làm mâm cúng bãi và nhổ đậu phộng nên có đưa bà con bên vợ qua chơi. Tuy nhiên, lúc trên đường trở về lại thôn Khương Mỹ thì gặp nạn, còn vợ ông Ba ở lại trên chòi bên bãi bồi không lên ghe, khi bà nghe tin thì ngất lịm ở bãi.
Anh Nguyễn Đình Đoàn như vẫn chưa hết bàng hoàng, đứng lặng người liên tục đưa ánh mắt về 3 chiếc quan tài đang để thi thể của vợ mình là chị Huệ, Hoàn (em trai) và cha mình - ông Ba. “Tôi đang làm việc ở TP Đà Nẵng thì nghe bà con hàng xóm điện báo ba, em trai và vợ mình bị lật ghe mất tích trên sông Vu Gia. Tôi liền xin nghỉ, điều khiển xe máy chạy về nhà ngay trong đêm. Khi về tới nhà, nhìn thấy mẹ tôi liên tục gào khóc, tôi hiểu rằng 3 người thân đã bỏ tôi ra đi rồi”, anh Đoàn đau xót nói.
Mọi người càng đau buồn hơn khi biết rằng chị Huệ gặp nạn khi đang mang bầu tháng thứ ba. “Xót xa quá. Huệ nó đang mang bầu nữa. Như vậy là 6 nhơn chết nhưng có tới 7 mạng người”, tiếng một người phụ nữ trạc tuổi trung niên đứng trước nhà ông Ba nói trong tiếng trống, chiêng ngày đại tang.
Vượt qua nỗi đau
Sau khi xảy ra vụ chìm ghe khiến 6 người mất tích, trong tối 25-2, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đã trực tiếp có mặt tại hiện trường huy động lực lượng hàng trăm người tổ chức tìm kiếm 6 nạn nhân mất tích. Để công tác tìm kiếm các nạn nhân được thuận lợi, ông Lê Trí Thanh đã yêu cầu các thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia ngừng xả nước.
Công an tỉnh Quảng Nam đã huy động hơn 50 cán bộ chiến sĩ thuộc các Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cảnh sát đường thủy, Công an huyện Đại Lộc cùng nhiều phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh và Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác tìm kiếm các nạn nhân mất tích.
|
Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng cho rằng đây là vụ tai nạn thương tâm, gây thiệt hại lớn về nhân mạng. Cùng với các lực lượng khác, lực lượng công an đã nỗ lực để sớm tìm được các nạn nhân mất tích, nhiều cán bộ chiến sĩ phải dầm mình trong nước nhiều giờ liền giữa đêm lạnh với mục tiêu cao nhất là sớm tìm được thi thể các nạn nhân.
Đại tá Nguyễn Giới, Trưởng Công an huyện Đại Lộc, chia sẻ thêm rằng khi biết tin vụ chìm ghe, ông đã lập tức báo cáo vụ việc với Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, đồng thời cử ngay lực lượng cảnh sát giao thông công an huyện phối hợp với các đội nghiệp vụ khẩn trương cùng ông đến hiện trường để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân. Chỉ trong thời gian ngắn, hàng chục cán bộ chiến sĩ công an có mặt tại hiện trường vụ chìm ghe để đảm bảo an toàn và tham gia, hỗ trợ cho công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích. Sau nhiều nỗ lực, đến 22h45 ngày 25-2, tức sau khoảng 7 giờ đồng hồ xảy ra vụ chìm ghe, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tìm kiếm được 6 thi thể các nạn nhân.
Đại tá Nguyễn Giới cho rằng Đại Lộc là vùng “rốn lũ” của tỉnh Quảng Nam, nơi có 2 con sông lớn chảy ra là Vu Gia và Thu Bồn. Do đó, nhiều gia đình ở địa phương đều có một chiếc ghe nhỏ để phục vụ công tác phòng chống lũ lụt và di chuyển trên sông nước. Thời gian qua, Công an huyện Đại Lộc thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các bến đò ngang, đò dọc; tuyên truyền người dân đảm bảo an toàn khi tham gia đường thủy nội địa trên địa bàn. Riêng khu vực xảy ra vụ chìm ghe không phải là bến đò ngang, đò dọc mà chỉ là bến thông thường, người dân tự phát dùng ghe qua lại để sản xuất, canh tác nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Về nguyên nhân vụ chìm ghe, Công an huyện Đại Lộc đang tiếp tục phối hợp cơ quan chức năng để điều tra, có kết luận cuối cùng. Bước đầu qua lời khai của các nhân chứng thì xác định người điều khiển ghe hôm xảy ra vụ tai nạn là ông Nguyễn Đình Ba, một trong số các nạn nhân.
Ngày 27-2, chúng tôi trở lại làng Phúc Khương, ghi nhận nhiều tổ chức, cá nhân đã đến viếng, chia sẻ nỗi đau với thân nhân các nạn nhân. Đại tá Nguyễn Giới cũng đã dẫn đầu đoàn Công an huyện Đại Lộc đến viếng, chia buồn và cho biết đơn vị đã kêu gọi toàn thể cán bộ chiến sĩ Công an huyện đóng góp để kịp thời sẻ chia nỗi đau, động viên thân nhân các nạn nhân sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Ông Nguyễn Đình Kính, người thân ông Nguyễn Đình Ba, thay mặt gia đình bày tỏ lòng cảm ơn chân thành đến các cơ quan Trung ương, của tỉnh Quảng Nam, huyện Đại Lộc và chính quyền địa phương đã quan tâm chia sẻ, động viên gia đình ông trong lúc tang gia bối rối này. “Sự mất mát lần này quá lớn. Nhưng nhờ sự chia sẻ của mọi người, nỗi đau dường như đã phần nào được vơi bớt”, ông Kính tâm sự.
|
Xóm nhỏ Phúc Khương, thôn Khương Mỹ chìm trong không khí đau buồn của những ngày đại tang.
|
Có mặt tại đám tang ba mẹ con chị Ái, anh Nguyễn Thành (trú xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, bà con của chị Ái) chia sẻ, chị Ái quê ở xã Đại Hưng, là giáo viên mầm non. Sau khi lấy chồng, chị chuyển công tác về xã Đại Cường và sinh sống ở nhà chồng. Chiều hôm xảy ra vụ chìm ghe, khi hay tin, anh Thành cùng hàng chục người thân, hàng xóm bên xã Đại Hưng đã qua xã Đại Cường để cùng lực lượng chức năng tìm kiếm ba mẹ con chị Ái.
“Khi vớt được cả ba mẹ con bé Ái, chúng tôi đều như chết lặng.”, ông Thành nói, nước mắt cứ lăn dài trên gò má sạm đen, hốc hác. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đại Lộc, cho biết trước mắt huyện sẽ trích ngân sách hỗ trợ mỗi nạn nhân tử vong 6 triệu đồng và 3 triệu đồng đối với người bị thương để phần nào xoa dịu nỗi đau mà gia đình các nạn nhân phải gánh chịu. Đồng thời, chính quyền huyện Đại Lộc cũng đã chỉ đạo xã Đại Cường tham gia giúp đỡ, động viên, lo hậu sự cho người xấu số.
Trước đó, khuya 25-2, sau khi vụ chìm ghe xảy ra, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, từ Hà Nội vào, đã đến kiểm tra hiện trường vụ lật đò khiến 6 người tử vong cùng lãnh đạo địa phương. Đến sáng 26-2, ông Khuất Việt Hùng đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc liên quan đến vụ chìm ghe khiến 6 người tử vong này.
Sau khi nghe các đơn vị liên quan có ý kiến, ông Khuất Việt Hùng đánh giá cao những nỗ lực của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc trong việc tham gia cứu hộ, cứu nạn các nạn nhân vụ chìm ghe.
Ông Khuất Việt Hùng cho rằng theo quy định thì người ngồi trên phương tiện đường thủy đều phải mặc áo phao và trên phương tiện bắt buộc có đầy đủ các thiết bị cứu nạn khi cần thiết. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt chưa mạnh nên chưa đủ sức răn đe, người dân còn chủ quan trong việc đi lại tự phát trên sông. Thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm khi tham gia phương tiện đường thủy, qua đó nhằm nâng cao ý thức của người dân...
Sau buổi làm việc, ông Khuất Việt Hùng cùng lãnh đạo địa phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ chìm ghe. Tại những nơi đến thăm, ông Khuất Việt Hùng đã trao tặng tiền hỗ trợ của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho gia đình các nạn nhân; lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, lãnh đạo huyện Đại Lộc cũng đã thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ lo hậu sự cho các nạn nhân.
Ngọc Thi