Mossad
Mossad là cục tình báo quốc gia của Israel. Có 3 chi nhánh thuộc cộng đồng tình báo Israel, trong đó 2 đơn vị thuộc về Shin Bet và Aman, chuyên xử lý tình báo quân sự và an ninh nội bộ. Mossad chủ yếu giải quyết tình báo hải ngoại, thu thập thông tin về các phát triển ở nước ngoài mà có nguy cơ đe dọa an ninh và các mối quan tâm của Israel.
Mossad có cả đơn vị chống khủng bố riêng gọi là Kidon. Có ý kiến cho rằng Kidon gồm các nhân sự là những "sát thủ" khét tiếng. Mossad có các liên hệ hợp tác với nhiều nước Trung Đông, chủ đề chính là chương trình hạt nhân của Iran. Mossad cũng hợp tác với CIA và Cánh nghiên cứu và phân tích (RAW, cơ quan tình báo nước ngoài của Ấn Độ).
Cục tình báo mật (SIS hoặc MI6)
SIS là cơ quan tình báo nước ngoài của Anh, hay còn có tên gọi khác là MI6, nó nổi tiếng trong seri phim James Bond đình đám. MI6 chủ yếu giải quyết các vấn đề đối ngoại, và các vấn đề nội bộ cho MI5 xử lý. MI6 chuyên thu thập và phân tích thông tin chuyển về từ nước ngoài, như khủng bố, vũ khí hạt nhân, buôn lậu thuốc / ma túy, tội phạm có tổ chức và các hoạt động khác có thể đe dọa những mối quan tâm và an ninh quốc gia của Anh.
MI6 cũng liên kết chặt chẽ với CIA. Được thành lập cách đây hơn 100 năm, MI6 là một trong những cục tình báo lâu đời nhất thế giới. Trong những năm gần đây, MI6 còn liên quan đến các tranh cãi về cách thức tiến hành các chiến dịch của cơ quan này. Đáng sợ nhất là các báo cáo cho thấy cơ quan này áp dụng thủ đoạn tra tấn.
Cục tình báo đối ngoại (SVR)
SVR là cơ quan tình báo nước ngoài dân sự của Liên bang Nga. Cơ quan này kế thừa từ Ban giám đốc chính đầu tiên của KGB và làm việc chặt chẽ với Cục tình báo chính (MID) là cục tình báo nước ngoài quân sự của Nga. Chức năng chính của SVR là thu thập tin tức tình báo ngoài lãnh thổ Nga.
SVR được giao nhiệm vụ điều hành nhiều hình thức gián điệp khác nhau bao gồm gián điệp kinh tế và quân sự, và tiến hành trinh sát điện tử các quốc gia hải ngoại. Tổng hành dinh của SVR đặt tại quận Yasenevo (thủ đô Moscow), cơ quan này cũng dính líu đến các hoạt động ám sát ở nước ngoài và gây nhiễu loạn tin tức mạng. Nguồn tin mật cho thấy SVR thường xuyên hợp tác với các cơ quan tình báo Trung Quốc.
Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA)
CIA là cơ quan tình báo hải ngoại của Hoa Kỳ, chuyên thu thập thông tin từ các xứ hải ngoại, và lượng thông tin tối thiểu trong nước. CIA là cơ quan tình báo nổi tiếng và dễ nhận biết nhất thế giới chủ yếu do hay xuất hiện trong các bộ phim Hollywood. CIA được thành lập năm 1947, cũng là một trong những cơ quan tình báo có thâm niên nhất trong danh sách này.
CIA được trao nhiệm vụ theo dõi các phát triển ở nước ngoài có thể đe dọa tới Mỹ, đặc biệt là liên quan đến khủng bố, vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. CIA cũng xử lý các vấn đề phản gián và chiến tranh mạng. Ngoài việc thu thập thông tin, CIA còn điều hành các hoạt động bán quân sự bí mật. Cơ quan này dính líu đến nhiều vụ bê bối và gây tranh cãi trong thời gian qua.
Cục tình báo liên bang (BND)
BND là cơ quan tình báo hải ngoại của Đức. Nó được thành lập vào năm 1956 và trực tiếp báo cáo cho Thủ tướng Đức. Là cơ quan tình báo nước ngoài duy nhất tại Đức nên BND chịu trách nhiệm thu thập tin tức cả tình báo quân sự và dân sự. BND được trao nhiệm vụ phải phát hiện mọi mối đe dọa khả thi cho các lợi ích và an ninh quốc gia Đức từ hải ngoại.
BND chuyên trách thu thập thông tin về khủng bố, vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy và buôn lậu người, di cư lậu. BND thường hay nghe lén và gián điệp điện tử để thu thập thông tin. Phần lớn các hoạt động của BND đều được phân loại. Cơ quan này cũng có nhiều tai, mắt trên mọi tuyến liên lạc chính, ghi âm các cuộc đàm thoại mà không đếm xỉa đến quyền riêng tư.
Cơ quan nghiên cứu và phân tích (RAW)
Người ngoài cứ ngỡ nó là một tổ chức phi chính phủ, song RAW lại là một trong những đơn vị tình báo giàu khả năng nhất trên thế giới. Được thành lập năm 1968 nhằm đối phó với tình báo quốc tế, RAW đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ Ấn Độ chống lại các cuộc tấn công khủng bố và giám sát sự phát triển của các quốc gia trên thế giới mà có ảnh hưởng trực tiếp đến Ấn Độ.
RAW cũng hoạt động cực kỳ bí mật. Cơ quan này thường điều phối với các cơ quan tình báo và các viên chức tình báo nằm vùng hoạt động khắp thế giới. Cụ thể thì RAW thường liên lạc với CIA và Mossad nhằm giám sát chương trình hạt nhân của Pakistan.
Tổng cục anh ninh đối ngoại (DGSE)
Hoạt động dưới trướng của Bộ Quốc phòng Pháp, Tổng cục Tình báo đối ngoại (DGSE) có quy mô hoạt động tương đương với CIA. Cơ quan này chủ yếu liên quan đến các vấn đề và tình báo hải ngoại, trong khi đó Tổng cục An ninh nội bộ lại chuyên xử lý các vấn đề trong nước. DGSE tiến hành hàng loạt hoạt động và chiến dịch liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm điều hành các hoạt động tình báo và các chiến dịch tình báo tín hiệu. Không mấy người biết các chiến dịch trong quá khứ và đang diễn ra của DGSE. Cơ quan này đóng một vai trò đáng kể trong cuộc nội chiến Rwanda hồi thập niên 1990. DGSE cũng nhúng tay vào chiến tranh Kosovo giữa Cộng hòa liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư và quân đội giải phóng Kosovo.
Cục Dịch vụ tình báo an ninh Canada (CSIS)
Canada là một trong những quốc gia an toàn nhất thế giới. Có được bộ mặt đó là nhờ công sức của Cục Dịch vụ tình báo an ninh Canada (CSIS): cơ quan tình báo chính của Canada. CSIS giải quyết mọi thứ liên quan đến an ninh quốc gia của Canada. Các nhiệm vụ chính bao gồm thu thập tình báo, các chiến dịch mật, tư vấn chính phủ về các mối đe dọa an ninh tiềm năng. CSIS cũng là một đại diện của Ngũ Nhãn (một liên minh tình báo giữa Mỹ, Anh, Canada, Australia và New Zealand). Đặt trụ sở chính ở Ottawa (tỉnh Ontario), CSIS thu thập tin tức từ khắp thế giới và gắp ra những gì bị cho là đe dọa cho Canada và người dân.
Cơ quan tình báo bí mật Australia (ASIS)
Đặt tổng hành dinh ở Canberra, ASIS có quy mô hoạt động tương đương CIA. Cơ quan này chủ yếu xử lý các hoạt động tình báo quốc tế hoặc nước ngoài, và chủ yếu điều phối với các cơ quan tình báo tương tự trên toàn thế giới. ASIS được thành lập năm 1952, nhưng mãi đến năm 1972 thì người Australia mới biết đến sự tồn tại của nó khi tờ báo "lá cải" The Daily Telegraph bóc trần ASIS. ASIS cũng nhúng chàm vào một số sự cố trong quá khứ, một trong số đó là vụ ở Papua New Guinea từ 3 thập niên trước khi ASIS bí mật tham gia vào việc đàn áp các phong trào tại nước này. Tháng 9 năm 1973, ASIS bị cáo buộc có nhúng tay vào sự kiện đảo chính ở Chile.
Bộ quốc an (MSS)
Thành lập năm 1983, Bộ Quốc an (MSS) là một cơ quan kiêm an ninh và tình báo của Trung Quốc. MSS đặt trụ sở chính ở Bắc Kinh, nó gồm 17 phòng ban, đáng chú ý là phòng phản gián và phòng nghiên cứu xã hội. MSS đóng vai trò trung tâm trong việc kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc và cho phép chính phủ kiểm soát các ảnh hưởng đến người dân nước này.
MSS tham gia đắc lực vào hoạt động gián điệp kinh tế, nó kết hợp với Huawei để thu thập tình báo khắp thế giới. Với hơn 100.000 nhân viên tình báo cả trong và ngoài nước, MSS đóng vai trò hiệu quả trong việc bảo đảm an ninh quốc gia.
Thanh Hải (Tổng hợp)