13:34 EDT Thứ ba, 23/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1519

Máy chủ tìm kiếm : 38

Khách viếng thăm : 1481


Hôm nayHôm nay : 78656

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3356388

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55510277

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » HOẠT ĐỘNG CAND

CAND

Những trang vàng truyền thống của lực lượng ANND (bài 2)

Thứ sáu - 09/07/2021 04:30

Trinh sát hoạt động ở vùng địch tạm chiếm đã xây dựng được hàng chục ngàn cơ sở bí mật trong đó có hàng trăm cơ sở thâm nhập vào các cơ quan đầu não của địch ở Trung ương cũng như cơ sở, thu được nhiều tin tình báo giá trị.

Bài 2: Lực lượng An ninh nhân dân trong cuộc kháng chiến thống nhất đất nước (1946 - 1975)

Trinh sát vũ trang phối hợp với lực lượng cách mạng tại chỗ, liên tục tiến hành các chiến dịch phá tề, trừ gian, phá chính quyền cơ sở của địch. Hệ thống chính quyền cơ sở của địch, nhất là ở vùng nông thôn bị phá vỡ từng mảng hoặc trở thành chính quyền “hai mang”; hàng trăm đối tượng cầm đầu gian ác như Trương Đình Tri - Chủ tịch “Hội đồng an dân Bắc Việt”, Nguyễn Văn Sâm - Chủ tịch mặt trận “Quốc gia liên hiệp” tại Nam Kỳ... bị tiêu diệt ngay tại trụ sở làm việc và trên đường phố là những chiến công gây tiếng vang lớn, đẩy bọn tay sai vào tình thế hoang mang.

Tại các vùng tự do, vùng căn cứ kháng chiến, trinh sát bảo vệ chính trị triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống phản cách mạng; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo, căn cứ địa cách mạng và các cơ quan đầu não của kháng chiến. Thực hiện chủ trương hướng về cơ sở, trinh sát địa bàn là lực lượng nòng cốt xây dựng, củng cố phong trào “bảo mật phòng gian”, “ngũ gia liên bảo”, giúp nhân dân vừa sản xuất vừa tích cực phòng gian, trừ gian và chống địch càn quét.

Nhờ vậy đã xây dựng thành công trận địa phòng chống phản cách mạng có bề rộng, có chiều sâu; phát huy được thế mạnh của Nhân dân vào trận địa phòng ngừa và đánh địch. Nhờ tinh thần cảnh giác của nhân dân và cán bộ kháng chiến ở các cơ quan, đơn vị nên đã phát hiện, điều tra hàng trăm tổ chức, ổ nhóm gián điệp, chỉ điểm; trấn áp các tổ chức phản động “Mặt trận dân chúng liên hiệp”, “Mặt trận giải phóng dân tộc” ở Thanh Hóa, vụ bạo loạn ở Sơn Hà, Quảng Ngãi... Những thành tích trong giai đoạn này có ý nghĩa quan trọng, không chỉ phá vỡ thế liên minh giữa giặc ngoại xâm với thế lực nội phản mà còn hỗ trợ đắc lực cho lực lượng vũ trang đánh bại các chiến dịch quân sự của địch; từng bước tạo thế và lực cho kháng chiến đi đến thắng lợi cuối cùng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến thắng lợi vẻ vang.

Lực lượng Công an và dân quân xã Na Ư (Điện Biên) truy tìm dấu vết một toán gián điệp, biệt kích.

Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, đất nước bước vào thời kỳ cách mạng mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam.

Ở miền Bắc, lực lượng An ninh nhân dân phối hợp chặt chẽ với các địa phương, đoàn thể, lực lượng vũ trang, củng cố một bước chính quyền cơ sở, tập trung vào các địa bàn xung yếu, chiến lược, sẵn sàng đối phó với âm mưu mở rộng chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Từ năm 1954 đến năm 1965, đã khám phá, bắt, đẩy đuổi nhiều đối tượng gián điệp dưới dạng kẹt lại, khai quật các kho vũ khí... Từ năm 1960 đến năm 1973 đã tập trung lực lượng, thẩm tra, xác minh hoạt động của các loại đối tượng và tham mưu để chính quyền địa phương đưa toàn bộ số đối tượng gây nguy hại cho an ninh xã hội đi tập trung cải tạo hoặc cải tạo tại chỗ, từng bước xóa bỏ những cơ sở kẻ địch có thể lợi dụng. Nhờ vậy nên khi Mỹ và chính quyền Sài Gòn phát động cuộc chiến tranh gián điệp đối với miền Bắc hòng thực hiện âm mưu xâm lược toàn Đông Dương đã không còn chỗ dựa để ẩn náu và hoạt động. Từ năm 1961 đến năm 1975, quán triệt phương châm “phòng và chống” gián điệp của Đảng, lực lượng An ninh nhân dân triển khai đồng bộ các mặt nghiệp vụ, đánh bại hoàn toàn các cuộc chiến tranh gián điệp, gián điệp biệt kích đối với miền Bắc.

Từ hai chuyên án đầu tiên mang bí số PY27 và BK63, lượng An ninh nhân dân đã đánh đuổi các toán biệt kích xâm nhập bằng đường biển vào các tỉnh duyên hải và xâm nhập qua biên giới Việt - Lào vào các vùng rừng núi phía Bắc, Tây Bắc; đấu tranh thắng lợi hàng chục chuyên án gián điệp do cơ quan đặc biệt Mỹ và một số quốc gia khác tổ chức. Đặc biệt, từ năm 1960 đến năm 1976, lực lượng An ninh nhân dân triển khai thắng lợi kế hoạch M1, M2, thu được hàng chục ngàn tin quý giá phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta; ngăn chặn, làm thất bại chiêu bài tuyên truyền “Chúa đã vào Nam” để cưỡng bức, dụ dỗ đồng bào Công giáo ở miền Bắc di cư vào miền Nam của Mỹ – Diệm.

Những chiến công trên mặt trận đấu tranh phòng chống phản cách mạng cùng với kết quả trên lĩnh vực đấu tranh chống tham ô, lãng phí, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa; đấu tranh chống chiến tranh tâm lý, nâng cao giác ngộ chính trị, tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng và củng cố vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, xứng đáng là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Nhờ dựa vào dân, nắm chắc tình hình, không ngừng củng cố lực lượng nên đã giúp lực lượng An ninh nhân dân tổ chức thắng lợi nhiệm vụ trấn áp phản cách mạng; thu nhiều tin tức quan trọng, khám phá hàng trăm vụ án gián điệp, nội gián, đánh đuổi các toán thám báo, biệt kích; đưa đi cải tạo hàng chục ngàn đối tượng là tay sai chỉ điểm; tổ chức thành công các trận công đồn, tập kích lớn nhỏ, mở rộng vùng giải phóng. Lực lượng An ninh miền Nam tổ chức hàng ngàn trận đánh táo bạo vào những mục tiêu kẻ địch không thể ngờ tới, gây tiếng vang lớn như: nổ mìn ở Tổng Nha cảnh sát, ném lựu đạn vào Hội trường công chức, diệt Nguyễn Văn Bông, Trần Văn Văn,...

Những trận đánh táo bạo, những cuộc trừ diệt ác ôn ngay giữa ban ngày, tại nơi đông đúc diễn ra trên khắp chiến trường miền Nam, ở thành thị cũng như vùng nông thôn không chỉ khích lệ phong trào diệt ác mà đã đẩy các đối tượng ác ôn, tay sai gian ác vào tình thế lo sợ hoặc phải sống lưu vong. Song song với nhiệm vụ phòng chống phản cách mạng, lực lượng An ninh miền Nam còn cung cấp cho lực lượng vũ trang hàng ngàn tin tình báo về các chiến dịch bình định, các chiến dịch càn quét, giúp lực lượng vũ trang chủ động đối phó. Tin tức về trận càn “Đông Dương” vào căn cứ Tây Ninh, trận càn Junction City, chiến dịch Lam Sơn 719 (Đường 9 Nam Lào), chiến dịch “nhổ cỏ U Minh”,... đã góp phần giúp lực lượng vũ trang ta giành thắng lợi to lớn và giảm thiểu thương vong.

Trong các cuộc tổng tiến công và nổi dậy, hàng chục ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân cùng với cơ sở chiến đấu can trường, lập được những chiến công đặc biệt xuất sắc; hàng trăm chiến sỹ an ninh Khu 9 anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968. Tiểu đội An ninh vũ trang T4 ròng rã chiến đấu 3 ngày tại Chợ Thiếc để chặn đánh, kìm chân lực lượng địch đông gấp trăm lần (diệt 50 tên, bắn cháy 10 xe trong đó có 5 xe bọc thép); toàn bộ 12 đồng chí đã hy sinh oanh liệt để bảo vệ tuyệt đối an toàn Bộ Chỉ huy tiền phương 2... là những tấm gương ngời sáng không chỉ của lực lượng An ninh miền Nam trung dũng kiên cường mà còn là biểu tượng sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Trong suốt những năm chống Mỹ, trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo trước đối phương mạnh hơn ta nhiều lần nhưng lực lượng An ninh miền Nam không chỉ đánh thắng địch mà còn khẳng định tài trí của CAND Việt Nam. Từ năm 1961 đến năm 1975, Mỹ tập trung mọi cố gắng, lần lượt triển khai 3 kế hoạch tình báo quy mô lớn và mang tầm chiến lược là “Kế hoạch tình báo đại chúng”, “Kế hoạch P86”, “Kế hoạch Phượng Hoàng” và kỳ vọng mở đường, hỗ trợ cho chiến tranh xâm lược, nhưng cuối cùng đều thất bại thảm hại.

Hơn 20 năm trường đấu mưu, đấu trí, đấu pháp, đấu lực trên mặt trận bí mật trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng An ninh nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước chiến đấu trên chiến trường miền Bắc hay trên chiến trường miền Nam đều tỏ rõ phẩm chất cách mạng trong sáng, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, quyết chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Hàng ngàn đồng chí đã nằm lại trên chiến trường và rất nhiều đồng chí còn đang mang trong mình di chứng, mất mát, hệ lụy từ chiến tranh.

Tác giả bài viết: Xuân Mai

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp