Trước khi chiến tranh kết thúc, những sĩ quan này đã tìm một lối thoát bí mật ra khỏi Đức dẫn đến Nam Mỹ và Trung Đông, những nơi họ hy vọng sẽ nuôi dưỡng những hạt giống của Đế chế Đức Quốc xã, sau đó sẽ tiếp tục chiến tranh. Bormann đặt tên cho nhóm mới này là “The Odessa” (có thể được dịch đại khái là “Tổ chức các cựu thành viên SS”.
Một trong những thành viên quan trọng nhất của Odessa - và cũng là một nhân vật sau này đóng vai trò quan trọng trong Liên minh tình báo CIA (Cục Tình báo trung ương Mỹ) và Đức - là Reinhard Gehlen, một sĩ quan tình báo hàng đầu Đức Quốc xã.
Con đường thăng tiến của Reinhard Gehlen và thỏa thuận với quân đội đồng minh
Vài năm trước, nhờ Đạo luật Thông tin Tự do (FOIA), CIA buộc phải giải mật các hồ sơ Chiến tranh Lạnh đã đóng trước đó về Reinhard Gehlen và các hoạt động sau chiến tranh của người này với CIA.
Sau đó, “Đạo luật công bố tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã” bắt buộc tiết lộ mối quan hệ chặt chẽ của “Tổ chức Gehlen”, bao gồm nhiều tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã, và sự tham gia của họ sau chiến tranh với cộng đồng tình báo Mỹ. Reinhard Gehlen đã dành phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình để phục vụ Đệ tam Quốc xã. Gehlen gia nhập quân đội năm 1920 và trong thập niên 1930 có được một vị trí trong Bộ Tổng tham mưu Quân đội.
Năm 1940, Gehlen được thăng cấp thiếu tá và trở thành sĩ quan liên lạc cho Tổng tư lệnh quân đội - Nguyên soái Walther von Brauchitsch. Cuối năm đó, Gehlen gia nhập đoàn tùy tùng của Tổng tham mưu trưởng quân đội Franz Halder.
Tháng 7-1941, Gehlen được thăng cấp trung tá. Khi tham gia Mặt trận phía đông đẫm máu, Gehlen tiếp tục được thăng cấp sĩ quan tình báo cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu Đức liên quan đến mặt trận Nga. Đến tháng 12-1944, Gehlen chịu trách nhiệm thu thập thông tin về Quân đội Liên Xô và nghiên cứu chiến thuật chiến trường của họ.
|
Reinhard Gehlen. |
Tháng 4-1945, khi quân đội Nga và Mỹ hội tụ tại Berlin, Đệ tam Quốc xã chìm trong biển lửa. Một số lượng lớn các sĩ quan quân đội hàng đầu của Đức, bao gồm Gehlen, quyết định đã đến lúc thực hiện các thỏa thuận của riêng họ với quân Đồng minh. Món hàng quý giá nhất mà Gehlen phải cung cấp là khối lượng tài liệu tình báo khổng lồ thu thập được ở Đông Âu và Liên Xô nói riêng.
Tài liệu mật được giấu trong dãy núi Alps của Bavaria, chôn trong những chiếc ống thép. Gehlen biết rõ một khi chiến tranh kết thúc, Mỹ sẽ hướng sự chú ý không phải đến một nước Đức bị đánh bại mà là một nước Liên Xô ngày càng hùng mạnh. Do đó, Gehlen quyết định tìm kiếm các tập tin tình báo của mình để trao đổi tự do với quân Đồng minh. Để đạt được điều đó, Gehlen đã đầu hàng Quân đoàn phản gián quân đội Mỹ (CIC) tại Bavaria vào ngày 22-5-1945.
Lúc đầu, Gehlen không được người Mỹ nhận ra. Sĩ quan đầu tiên nhận ra “nhân vật quan trọng” họ đang giam giữ là Tướng Edwin Sibert thuộc G-2 (Tình báo quân đội) thuộc Quân đoàn thứ 12 của Mỹ ở Đức. Gehlen đã trao đổi với Sibert nhiều thông tin quan trọng. Tướng Edwin Sibert – người giúp thành lập “Tổ chức Gehlen” (Gehlen Org) sau này - ấn tượng nhất với kiến thức của Gehlen về các điều kiện chính trị của Liên Xô. Gehlen còn cung cấp bản phác thảo tiểu sử của nhiều nhà lãnh đạo hàng đầu ở Moscow.
Gehlen đã tạo ra một thỏa thuận, theo đó sẽ chuyển tất cả các tài liệu tình báo Nga của mình cho người Mỹ để đổi lấy sự tự do bản thân và của một số sĩ quan Đức Quốc xã khác. Cuối cùng, William Donovan - người đứng đầu Cục Tình báo Chiến lược (OSS); Allan Dulles - trưởng trạm OSS ở Bern; và những người khác trong Bộ Chiến tranh đều đồng ý sử dụng Gehlen. Vào ngày 20-9-1945, Gehlen và 3 người trợ giúp đáng tin cậy nhất bí mật bay từ Đức đến Washington D.C. trên một chiếc máy bay do Mỹ cung cấp.
Sự ra đời của Mạng lưới tình báo hỗn hợp Mỹ-Đức và “Tổ chức Gehlen”
Đến Mỹ, Gehlen được đưa đến căn cứ quân sự Hunt bang Virginia, nơi đặt trụ sở mạng lưới tình báo hỗn hợp Mỹ-Đức mới được thành lập. Thời gian sau đó, Gehlen sử dụng nguồn lực tình báo đáng kể của mình chống lại Liên Xô. Thỏa thuận pháo đài Hunt giữa Gehlen và Mỹ đã dẫn đến sự ra đời một tổ chức tình báo bí mật của Đức – gọi là “Tổ chức Gehlen” - được thành lập để do thám Liên Xô.
Mọi thông tin thu thập sẽ được chia sẻ với CIA. Cơ quan gián điệp mới sẽ không chịu sự kiểm soát của Mỹ mà sẽ hành động độc lập. Tuy nhiên, Mỹ sẽ tài trợ cho đến khi một quốc gia Đức độc lập mới ra đời. Vào thời điểm đó, “Tổ chức Gehlen” sẽ quay về với chính phủ Đức và ưu tiên giải quyết các chính sách đối ngoại của một nước Đức mới.
Vào tháng 7-1946, Gehlen cùng với 350 cựu nhân viên tình báo Đức Quốc xã do ông chọn lên đường đến Munich và bắt đầu làm nhân viên cho “Tổ chức Gehlen”. Gehlen sử dụng một tập đoàn bình phong gọi là “Tổ chức Phát triển Công nghiệp Nam Đức” để điều hành đơn vị gián điệp của mình.
Thời gian trôi qua, Gehlen lãnh đạo tổ chức với hơn 4.000 điệp viên bí mật để gián điệp các quốc gia trong Khối Xôviết. Mạng lưới gián điệp này trở thành “con mắt của CIA trên mặt đất” ở những khu vực mà không người Mỹ nào có thể xâm nhập. Tổ chức Gehlen” cũng tuyển dụng hàng ngàn cựu thành viên Đức Quốc xã bao gồm các sĩ quan Gestapo (Mật vụ Đức Quốc xã) và sĩ quan SS.
|
Các cựu thành viên Đức Quốc xã trong “Tổ chức Gehlen".
|
Trong số những người thuộc quyền sử dụng của Mỹ có Alois Brunner (trợ lý trung thành của trung tá Mật vụ SS - Adolf Eichmann); tướng SS Emil Augsburg (người giám sát vụ giết hàng trăm người Nga) và Klaus Barbie (được biết đến là “Đồ tể thành Lyon” nước Pháp). Một tên phát xít khác được Gehlen sử dụng là Franz Six - kẻ tiêu diệt hàng trăm người Do Thái ở Smolensk Ghetto.
“Tổ chức Gehlen” cung cấp thông tin tình báo quan trọng về sự phát triển bên trong các quốc gia Hiệp ước Warsaw. Ngoài ra, các gián điệp Gehlen cũng bí mật tiến sâu vào Đông Âu để hoạt động.
Gehlen trở thành lãnh đạo BND
Đến năm 1946, khi Gehlen tiến hành các hoạt động nghe lén đằng sau các đường dây của Nga, CIA bắt đầu những nỗ lực bí mật của riêng mình để thâm nhập Liên Xô – trong đó một sứ mạng được gọi là “Chiến dịch Mặt trời mọc” với khoảng 5.000 người gốc Đông Âu và Nga đã được huấn luyện gián điệp tại một trại tên là Oberammergau.
Các điệp viên từ nhiệm vụ này sớm xâm nhập vào Ukraine, nơi không hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Một nhiệm vụ khác do “Tổ chức Gehlen” điều hành - được đặt tên là “Chiến dịch Han gỉ” (Operation Rusty) hoàn toàn là một nỗ lực thu thập thông tin tình báo nhằm vào nhiều tổ chức Đức bất đồng chính kiến ở châu Âu.
Một khía cạnh khác của “Tổ chức Gehlen” là theo dõi quy mô của hạm đội tên lửa Nga, vốn là mối quan tâm ngày càng tăng của các đồng minh phương Tây. Hầu hết các nhiệm vụ xâm nhập trong “Chiến dịch Han gỉ” bị thất bại.
Theo thời gian, Liên Xô đã có thể cài gián điệp của họ vào “Tổ chức Gehlen” để đánh cắp thông tin về bất cứ khi nào một nhiệm vụ được lên kế hoạch.
Một người khác đã cung cấp thông tin trước cho người Nga vào cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 về các cuộc tấn công của CIA là Adrian “Kim” Philby – nhân vật liên lạc tình báo của Anh với CIA. Philby từng là một điệp viên bí mật cho Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần 2 và vẫn ở vị trí đó khi chiến tranh kết thúc.
“Tổ chức Gehlen” bắt liên lạc với WIN (chiến thắng), một nhóm ngầm của Ba Lan cung cấp cho phương Tây thông tin quân sự về các phong trào của quân đội Liên Xô. Mạng lưới điệp viên CIA cung cấp thông tin tình báo cũng như vật tư quân sự cho các thành viên WIN để thực hiện các cuộc tấn công bên trong Ba Lan. Đến năm 1952, hoạt động của WIN không mấy hiệu quả và những thông tin ít ỏi trở lại phương Tây ít được sử dụng.
Cuối cùng, phương Tây phát hiện tình báo Liên Xô đã tạo ra WIN ngay từ đầu! Gehlen đã lợi dụng nỗi sợ hãi của người Mỹ về một cuộc xâm lược bất ngờ của Liên Xô vào Tây Đức để tạo lợi thế cho mình.
Để chứng tỏ năng lực tình báo của mình với quân Đồng minh, trong nhiều trường hợp, Gehlen sử dụng thông tin giả để thuyết phục CIA rằng người Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công sắp xảy ra chống lại phương Tây. Mặc dù nhiều thất bại, “Tổ chức Gehlen” cũng ghi được một số thành công về tình báo. Ví dụ, mạng lưới gián điệp của Gehlen phát hiện đơn vị ám sát bí mật của Nga có tên SMERSH.
Một khía cạnh quan trọng và đáng ghê tởm của “Tổ chức Gehlen” là tiến hành chiến dịch bí mật giúp các cựu quan chức quân đội Đức Quốc xã trốn thoát đến Nam Mỹ và các nơi khác trên toàn cầu.
Chiến dịch được gọi là “Ratline” (Chiếc thang dây), trong đó các cựu sĩ quan SS sử dụng tài liệu giả mạo được cung cấp bởi Gehlen và CIA. Gehlen không bao giờ nói với các đồng nghiệp người Mỹ về những chuyến đi bất hợp pháp của những cựu sĩ quan SS này bởi vì nhiều người trong số họ bị truy nã vì tội ác chiến tranh.
Trong số những người lợi dụng “Ratline” là Klaus Barbie, người đã trốn sang Bolivia và sống nhiều năm dưới tên giả là “Klaus Altman”.
Nhiều thập niên sau đó, Klaus Barbie bị bắt đưa về Pháp để ra tòa vì tội ác của hắn khi nước này bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Vào tháng 4-1956, “Tổ chức Gehlen” được chuyển giao lại cho chính phủ mới của Tây Đức và được gọi là Bundesnachrichtendienst, hay BND (Cơ quan Tình báo liên bang Đức). Gehlen giữ vị trí là người đứng đầu BND cho đến tháng 4-1956, khi ông bị buộc thôi việc vì một vụ bê bối chính trị trong hàng ngũ. Gehlen nghỉ hưu năm 1968 và mất năm 1979.
Đạo luật công bố tội ác chiến tranh của Đức quốc xã
Năm 1998, Quốc hội Mỹ thông qua “Đạo luật công bố tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã” buộc tiết lộ hàng ngàn tài liệu được phân loại “tuyệt mật” trước đây do CIA nắm giữ liên quan đến mối quan hệ bí mật kéo dài hàng thập niên của cơ quan với Reinhard Gehlen và “Tổ chức Gehlen”.
Nhà văn Carl Oglesby đã sử dụng “Đạo luật Tự do Thông tin” (FOIA) để tiếp cận với bộ hồ sơ mật khổng lồ (tổng cộng 18.000 trang).
Một phần của bản công bố FOIA là lịch sử CIA gồm hai tập có tên “Gia cố mối quan hệ đối tác tình báo: CIA và Nguồn gốc của BND” giai đoạn 1945-1949. Trong một tài liệu, CIA đề cập về tính cách và đặc điểm cá nhân của Reinhard Gehlen: “Người theo chủ nghĩa lý tưởng, thích thức ăn ngon và rượu vang, tâm trí không được đánh giá cao…”. Các quan sát khác không quá lạc quan về Gehlen.
Eli Rosenbaum, giám đốc Cục Điều tra Đặc biệt (OSI) của Bộ Tư pháp Mỹ (JOD), đánh giá “những người chiến thắng thực sự trong Chiến tranh Lạnh là tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã, nhiều người trong số họ có thể thoát khỏi công lý vì phương Đông và phương Tây đã nhanh chóng tập trung thách thức lẫn nhau sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới lần 2”.
Bình luận về việc công bố báo cáo Gehlen, tác giả Christopher Simpson – tác giả cuốn sách “Thổi ngược: Báo cáo đầy đủ về việc tuyển dụng thành viên Đức Quốc xã của Mỹ và Những tác động thảm họa của nó đối với chính sách trong nước và đối ngoại của chúng ta” - được một nguồn tin CIA giấu tên kể lại: “CIA thích Gehlen bởi vì ông ta cung cấp cho chúng tôi những gì mà chúng tôi muốn nghe. Chúng tôi sử dụng thông tin của ông ta liên tục, và chúng tôi chuyển giao đến cho mọi người khác trong Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và báo chí. Họ cũng thích nó”.
Bất kể giá trị của mối liên kết Gehlen-CIA là gì, các hồ sơ mật mới được công bố cho chúng ta hiểu rõ hơn về các lực lượng bí mật nổi lên trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Trang Thuần (tổng hợp)