01:27 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3526

Máy chủ tìm kiếm : 110

Khách viếng thăm : 3416


Hôm nayHôm nay : 118732

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4611212

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51556710

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » HOẠT ĐỘNG CAND

CAND

Tình báo và công nghệ trong cuộc chiến chống COVID-19

Thứ tư - 25/03/2020 21:41

Trong khi đó, các nhà khoa học thế giới cũng có thêm động lực để đưa những sáng chế công nghệ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào thử nghiệm để phục vụ cộng đồng tốt hơn trước dịch bệnh.

Hiện nhiệm vụ hàng đầu của các cơ quan tình báo Mỹ là theo dõi sự lây lan của COVID-19 đồng thời đánh giá cách thức chính phủ các nước trên thế giới đối phó với dịch bệnh. Một nguồn tin giấu tên tiết lộ với báo giới rằng các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng nhiều công cụ tình báo khác nhau, từ những người báo tin mật đến nghe lén thiết bị điện tử, để lần theo tác động của virus này.

Các cơ quan tình báo Mỹ thường gửi báo cáo lên Ủy ban Tình báo Hạ viện về tình hình dịch bệnh. Một quan chức giấu tên thuộc ủy ban này tiết lộ: "Hàng ngày, ủy ban nhận được báo cáo từ cộng đồng tình báo về virus Corona chủng mới và liên tục nhận được thông tin cập nhật về vấn đề này".

Đồng thời, các nhà khoa học đang sử dụng công nghệ để dự báo và theo dõi sự phát tán của virus, dựa trên những hình ảnh bản đồ thời gian thực có tính tương tác hoặc những thuật toán dự báo tinh vi.

Tình báo Mỹ “vào cuộc”

Cộng đồng tình báo Mỹ đang sử dụng những khả năng của mình để giám sát các nước khác nhằm "lần theo" sự phát tán của đại dịch COVID-19, đồng thời xác định liệu các nước có thành thật về quy mô bùng phát dịch bệnh hay không.

Tình báo Mỹ và giới khoa học “vào cuộc” chống COVID-19.

Theo hai nguồn tin giấu tên từ Quốc hội Mỹ, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ đang cung cấp thông tin tình báo ổn định dưới dạng các báo cáo hàng ngày và thông tin cập nhật về sự phát tán của virus cho các ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện.

Những thông tin này chủ yếu về tổng số người thiệt mạng và liệu số liệu này có khớp với những gì được công khai trên truyền thông hay không. Các tài liệu báo cáo nhanh lên Quốc hội Mỹ được tờ Politico của Mỹ đưa tin đầu tiên.

Theo đó, giới chức Mỹ đã công khai nghi ngờ về tính chính xác của con số mà các nước đưa ra, nhất là Trung Quốc, Iran… Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia James Clapper nói: "Cộng đồng tình báo Mỹ đã theo dõi chặt chẽ tình hình ở Trung Quốc trong thời gian đầu... Đó là một vai trò quan trọng khi chính phủ các nước tỏ ra chưa sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh".

Ai đang thu thập tình báo?

Theo ông Clapper, phần lớn thông tin về cuộc khủng hoảng y tế hiện nay do cộng đồng tình báo Mỹ cung cấp xuất phát từ một tổ chức ít được biết đến của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) gọi là Trung tâm Tình báo Y tế Quốc gia (NCIM).

NCIM là một "công cụ độc nhất vô nhị" khi cơ quan này vừa có năng lực chuyên sâu về y tế hiện đại về nhiều lĩnh vực vừa có khả năng thu thập và đánh giá thông tin tình báo. Đánh giá về trung tâm này, ông Clapper thừa nhận đây là một nguồn cung cấp thông tin tình báo y tế chính thức cho chính phủ liên bang. "Chắc chắn là đây là thời điểm bận bịu nhất của họ".

Những hình ảnh vệ tinh của Maxar Technologies cho thấy những hố chôn mới tại nghĩa trang ở thành phố Qom, Iran, đầu tháng 3/2020.

Để có được bức tranh chính xác nhất về việc chủng mới của virus Corona đang ảnh hưởng đến một quốc gia như thế nào, các chuyên gia phân tích tình báo sử dụng rất nhiều công cụ khác nhau, nổi bật trong số đó vẫn là tình báo con người, tình báo tín hiệu và hình ảnh vệ tinh. Tùy loại hình tiếp cận nào mà các cơ quan tình báo và điệp viên có được ở một quốc gia sẽ chi phối hình thức phối hợp sử dụng các công cụ nói trên.

Những đánh giá của cộng đồng tình báo cũng được đưa vào tài liệu báo cáo hàng ngày gửi Tổng thống Mỹ Donald Trump và có thể "phó tướng" của Trump là Mike Pence cũng nhận được thông tin tình báo này vì ông đứng đầu một nhóm đặc trách đối phó với COVID-19.

Ví dụ, những hình ảnh vệ tinh hôm 12/3 cho thấy hai đường hào dài đang được đào trong một nghĩa trang tại thành phố Qom linh thiêng của Iran, nơi đầu tiên bùng phát dịch bệnh COVID-19 ở Iran vốn nằm trong số những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất song lại ít được tin cậy nhất về công tác báo cáo số ca lây nhiễm.

Những đoạn hình ảnh này được tờ New York Times công bố và đưa tin đầu tiên. Tờ Washington Post thì phân tích những hình ảnh này cùng với những hình ảnh vệ tinh do công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies cung cấp.

Jeffery Lewis, chuyên gia phân tích tại Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury, giải thích: "Đoạn hình ảnh cho thấy những nhân viên trong bộ đồ bảo vệ mà bạn sẽ cho là vì các nạn nhân COVID-19. Những gì mà hình ảnh vệ tinh cho phép chúng ta làm là thẩm định tính chân thực của đoạn hình ảnh nói trên, không chỉ nói lên rằng đoạn hình ảnh đó được ghi lại ở đây mà còn nói lên được thời điểm nó được ghi hình. Vì vậy, chúng ta biết được đoạn băng hình đó không phải những hình ảnh cũ mà hình ảnh ghi lại từ đại dịch".

Nhận định trên tờ Washington Post, một chuyên gia phân tích khác của Maxar nói rằng những hố lớn nói trên được đào một cách mau lẹ, vốn khác thường so với những thông lệ tại nghĩa trang này. Một đống vôi lớn cũng được nhìn thấy, vốn là thứ mà giới chức Iran từng sử dụng khi chôn cất những nạn nhân thiệt mạng do nhiễm virus.

Ở những nước mà công tác thu thập thông tin tình báo bằng con người gặp nhiều khó khăn hơn, các cơ quan tình báo Mỹ sẽ dựa nhiều hơn vào các công cụ khác, như tình báo tín hiệu. Điều cốt yếu để hiểu được một nước đối phó với cuộc khủng hoảng y tế này như thế nào là khai thác nội dung các cuộc hội thoại của họ, một nhiệm vụ thường do Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ đảm nhiệm.

Sự thịnh hành của mạng xã hội đã biến nó trở thành một công cụ quan trọng đối với phân tích tình báo khi họ sử dụng tập hợp những luồng dữ liệu để dựng lên một bức tranh đầy đủ hơn. Ông Clapper nói: "Hình thức nghệ thuật ở đây là tổng hợp nhiều nguồn tin khác nhau thành một bản đánh giá vốn sẽ có nội dung khác nhau với mỗi nước khác nhau".

Kín tiếng

Đa phần kín tiếng cho dù bất kỳ điều gì đang xảy ra, các cơ quan tình báo đã không hề "hé răng" bất kỳ điều gì trước công chúng về công việc của họ nhằm hỗ trợ những nỗ lực của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống virus. Một trong số ít cách mà họ thông báo với người dân về những ưu tiên và phân tích của họ là thông qua một báo cáo công khai được công bố thường niên được gọi là Đánh giá Đe dọa Toàn cầu.

Hồi tháng 1/2019, tài liệu này cảnh báo: "Mỹ và thế giới sẽ vẫn dễ bị tác động bởi một đại dịch cúm tiếp theo hoặc sự bùng phát quy mô lớn một loại bệnh truyền nhiễm vốn có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong lớn và tình trạng bất ổn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, làm cạn kiệt các nguồn lực quốc tế đồng thời tăng cường kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ".

Giờ đây, với đại dịch COVID-19 đang làm chao đảo toàn cầu, phiên bản 2020 của báo cáo này chưa được công bố. Thế nhưng, cộng đồng tình báo Mỹ lại không muốn tổ chức những phiên điều trần công khai vốn thường đi kèm việc công bố báo cáo trước các ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện.

Sau phiên điều trần hồi năm 2019 khiến Tổng thống Donald Trump nổi giận và ông đã bình luận trên mạng xã hội Twitter rằng các lãnh đạo tình báo của mình nên "học lại", giới chức tình báo Mỹ đã không còn muốn làm bất kỳ điều gì vốn có thể khiến họ và công việc của họ trở thành mục tiêu chỉ trích của Tổng thống.

Tình báo hợp lực

Cựu Giám đốc tình báo Mỹ đã kêu gọi các cơ quan tình báo Mỹ và Australia khẩn trương phối hợp để định hình và dự đoán xu hướng lây lan và phát tán trong tương lai của chủng virus mới này.

Ông Jim Clapper cho rằng các cơ quan tình báo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 và mối quan hệ gần gũi giữa cộng đồng tình báo Mỹ và Australia phù hợp với sứ mệnh như vậy. Trong bài phỏng vấn độc quyền của tờ The Weekend Australian, ông đã nhấn mạnh vai trò này khi viện dẫn cộng đồng tình báo hai nước đã đối phó với cuộc khủng hoảng dịch Ebola như thế nào.

Ví dụ, các cơ quan tình báo Mỹ-Australia đã thực hiện công tác dự báo sự lây lan của dịch bệnh này ở Tây Phi, dựa trên hiểu biết về các kênh giao tiếp, các hình thức đi lại mang tính lịch sử. Ngoài ra, ông Clapper cũng cho rằng việc hợp tác hai bên này còn giúp xác định được nước nào đang nói thật về tình hình lây nhiễm của COVID-19.

Trí tuệ nhân tạo vào cuộc

Công nghệ và đặc biệt AI có thể được áp dụng đối với công tác ứng phó y tế khẩn cấp với việc sử dụng các thuật toán để dự báo sự phát tán của một bệnh nào đó, theo dõi bệnh nhân và các hoạt động trong phòng cấp cứu.

Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ chăm sóc y tế khẩn cấp.

Các nhà khoa học trên thế giới có thể sử dụng các thuật toán để phân loại và tập hợp thông tin, nghiên cứu Internet và diễn giải ngôn ngữ liên quan căn bệnh đang được theo dõi, phân tích hình ảnh và sử dụng robot trong những nhiệm vụ y tế mà bác sĩ cảm thấy không an toàn khi thực hiện.

Trong một báo cáo, hai nhà nghiên cứu y dược từ Pakistan và Oman thừa nhận: "AI có thể giúp ích cho y tế khẩn cấp thông qua khả năng số hóa và lưu trữ thông tin".

Một số công ty và tổ chức đã kết hợp các công cụ để theo dõi COVID-19. Giới khoa học nói rằng việc sử dụng kết hợp các nền tảng quản lý dữ liệu và các biện pháp sử dụng AI có thể giúp phân tích quy mô lớn các bệnh truyền nhiễm rồi sau đó có thể hỗ trợ quá trình ra quyết định của chính phủ.

Hệ thống giám sát sức khỏe cộng đồng có tích hợp công nghệ AI mang tên HealthMap do Trường Y Harvard phát triển đã thu thập được những dấu hiệu ban đầu của sự lây lan COVID-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc, từ hồi tháng 12-2019. Một số quốc gia châu Á như Singapore và Trung Quốc cũng huy động công nghệ tích hợp AI vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Những robot biết nói, thiết bị bay không người lái hoặc những thiết bị công nghệ AI có thể quét hàng nghìn hình ảnh y tế chỉ trong giây lát,... chỉ là một vài minh chứng cho việc công nghệ tích hợp AI đang giúp theo dõi sự bùng phát dịch bệnh, lau chùi bệnh viện, phân phát nhu yếu phẩm và phát triển vắc-xin.

Jonathan Tanner, nhà tham vấn kỹ thuật số tại Viện Phát triển Nước ngoài, cơ quan nghiên cứu độc lập về vấn đề nhân đạo và phát triển quốc tế, nhận định: "Khi đối mặt với thách thức như việc đối phó với sự bùng phát COVID-19 thì có những động lực mạnh mẽ để giới nghiên cứu vượt qua những hạn chế như về vốn và cơ sở hạ tầng một cách nhanh chóng để thử nghiệm công nghệ mới".

Tuy nhiên, việc sử dụng AI trong chăm sóc và cảnh báo y tế cũng đặt ra những thách thức đối với giới khoa học trong bối cảnh những tiêu chuẩn dữ liệu toàn cầu chưa được phát triển.

Theo Giáo sư Brownstein, thách thức lớn nhất là tạo ra được một bộ dữ liệu toàn cầu đáng tin cậy và thuyết phục về loại virus này và sự lây lan của nó vốn dựa trên những bộ dữ liệu khác nhau của từng quốc gia với những thông số khác nhau.

Hà Ngọc (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp