11:46 EDT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3473

Máy chủ tìm kiếm : 297

Khách viếng thăm : 3176


Hôm nayHôm nay : 179719

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4481018

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51426516

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

1001 câu chuyện nơi tâm dịch

Thứ ba - 27/07/2021 19:50


Sống trong vùng phong tỏa

Chung cư Ehome 3 (P. An Lạc, Q. Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) những ngày bị phong tỏa, luôn có một đội “đi chợ giúp” duy trì thường xuyên, liên tục, đảm bảo cung cấp thực phẩm đầy đủ cho cư dân. Đội đi chợ, hỗ trợ vận chuyển với gần 20 người do anh Đặng Hoàng Vương làm tổ trưởng, hoạt động từ khoảng 8h đến 21h mới kết thúc. Hằng ngày, đội chia ra thành 2 nhóm, một nhóm tiếp nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm của người dân được giao đến chốt phong tỏa ở đường Phú Định rồi di chuyển gần 2km vào chung cư Ehome 3. Tại chung cư, nhóm khác của đội có mặc đồ bảo hộ chống dịch sẽ chuyển hàng đến các hộ dân đang thực hiện cách ly tại nhà.

Anh Nguyễn Văn Thắng (25 tuổi, ngụ P. Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP Thủ Đức) đã làm việc hết công suất từ sáng sớm tới đêm khuya vẫn không vận chuyển hết các đơn hàng. Thu nhập của Thắng có ngày được 1 triệu đồng. Tuy nhiên, shipper hiện đang là nghề nguy hiểm giữa thời dịch. Sáng 14-7, Thắng ra khỏi phòng trọ từ rất sớm để nhận các đơn hàng đi giao tại các quận và TP Thủ Đức. 12 giờ trưa, Thắng đang ở Q.4 thì nhận được cuộc gọi của bạn chung phòng thông báo dãy trọ đã bị phong tỏa. Trên tay Thắng vẫn còn 5 đơn hàng nữa chưa giao cho khách nên không thể trở về. Thắng quyết định sẽ đi giao hết rồi ghé nhà trọ của cô em gái ở Q.8 ở ké để hôm sau tiếp tục làm việc.

Sau cơn mưa chiều, Thắng mệt mỏi chạy tới con hẻm trên đường Dương Bá Trạc gọi em gái ra đón mình. Khi Thắng vừa dựng xe xuống thì bà chủ nhà trọ tiến tới hỏi thăm, biết Thắng từ Q.9 lên, bà chủ bốc máy điện thoại gọi cho ai đó rồi quay sang quát vào mặt Thắng: “Không về mà cách ly đi còn tới đây trốn tránh à”. Những người trong dãy trọ nhìn Thắng bằng ánh mắt “dao găm”. Thắng luống cuống quay đầu xe, nổ máy lao nhanh ra đường mà không dám quay đầu nhìn lại.

Cư dân Chung cư Ehome 3 đặt sẵn rổ trước cửa để nhận lương thực từ đội “đi chợ giúp”.

Thắng nghĩ mình vẫn chưa nhiễm bệnh vì mới xét nghiệm cho kết quả âm tính cách đây 2 ngày, nên muốn duy trì công việc shipper đang cho thu nhập tốt. Nhưng, anh không còn nơi nào nương tựa, bây giờ thấy người lạ vào trong xóm là bà con nghi ngờ báo chính quyền ngay. Thắng buồn bã, tha thẩn các con phố đến quá 21 giờ đêm mới trở về phòng trọ, nơi đã bị rào chắn, giăng dây từ 12 giờ trưa. Lệnh phong tỏa ban ra đột ngột nên cả phòng chưa kịp chuẩn bị được đồ ăn thức uống. Biết hoàn cảnh của 2 chàng trai độc thân, chủ nhà trọ vui vẻ chia sẻ cho 5kg gạo và bó rau muống.

Bà Lê Thị Thanh Nhàn (50 tuổi, P. Long Trường, TP Thủ Đức) đi siêu thị mua đồ chưa tới 1 tiếng trở về đã thấy trước cửa nhà mình bị giăng dây, chặn lối ra vào. Nhanh chóng hiểu chuyện, bà Nhàn thở phào nhẹ nhõm vì đã kịp mua lương thực đủ dùng trong vòng 1 tuần. Vừa lọt vào khu phong tỏa, bà Nhàn bắt gặp ngay ánh mắt buồn khổ của vợ chồng ông Năm Sáng. Ông Sáng cho biết, ở quê đang gửi một thùng lương thực vào tiếp tế nhưng bị phong tỏa, xe không vào được, shipper cũng không nhận. Đồ ăn tươi sống để lâu quá sẽ bị hư hỏng. Bà Nhàn bày cho ông Sáng một cách, là nhờ người quen ở gần đó lấy rồi ăn giúp, sau đó họ sẽ gửi tiền lại. Ông Sáng có thể dùng tiền đó mua hàng online rồi gửi tới chốt kiểm soát ngay đầu hẻm.

Một câu chuyện cười ra nước mắt khác đó là gặp shipper F0. Ngày 18-7, một cư dân Block D Chung cư Phú Gia (Phú Xuân, Nhà Bè) trở thành F0 sau khi tiếp xúc với shipper nhiễm COVID-19. Ngay sau đó, thang máy Block D bị khóa để thực hiện phong tỏa. Toàn bộ cư dân trong Block D tự cách ly tại nhà, chờ y tế lấy mẫu xét nghiệm. Sự việc diễn ra bất ngờ, đột ngột khiến nhiều người không kịp trở tay. Cư dân đặt hàng online đã rất lo lắng vì không thể di chuyển xuống sảnh chung cư nhận hàng, một số người vừa ra ngoài mua thực phẩm cũng vội vã trở về thực hiện cách ly.

Những người trợ giúp cho hàng ngàn dân đang bị cách ly.

Rút kinh nghiệm qua các vụ giao hàng gặp rủi ro từ phía shipper, bà Nguyễn Thuận Tình (chung cư Hoàng Anh Thanh Bình, Q.7) mua hàng online nhưng khi shipper gọi điện xuống nhận, bà Tình yêu cầu để hàng cách 5m, sau đó bà đặt tiền xuống đất, chẹn hòn đá lên để người giao hàng tới nhận. Vẫn chưa yên tâm, bà Tình mang sẵn bình khử khuẩn và tiến hành phun khắp món hàng, ngồi chờ 10 phút sau mới mang lên nhà, trước khi xuống đường, bà luôn mặc bộ đồ bảo hộ kín bưng. Bà Tình giãi bày: “Dịch bệnh lây lan nhanh chóng, mọi sự cẩn thận đều cần thiết trong lúc này. Mình làm thế cũng là để giữ an toàn cho mọi người”.

Thực phẩm trở nên khan hiếm, đắt đỏ, đối với bà con trong khu phong tỏa, một mớ rau, củ gừng, hay đơn giản chỉ là một nhánh hành, cũng vô cùng quý giá. Chị Lê Thị Bích (P. Long Trường, TP Thủ Đức) vừa nhận được một thùng rau, củ, quả từ quê nhà Bình Phước gửi tiếp viện. Chị chia cho mỗi phòng trọ 1 củ gừng, 3 cây sả, 1 trái chanh. Theo hướng dẫn của bác sĩ, để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch nên nấu nước chanh, sả, gừng để uống. Bởi vậy, mặt hàng này hiện đang khan hiếm và đắt đỏ ở TP. Hồ Chí Minh. “Có thể người ta sẽ mang ơn nhau chỉ bằng một củ gừng hoặc cây sả. Tình người đôi khi chỉ đơn giản như vậy thôi”, chị Bích bộc bạch.

Đổ xô mua máy trợ thở, đo nồng độ oxy

Những ngày này, ngoài việc quay cuồng tìm kiếm thực phẩm dự trữ, một bộ phận người dân nháo nhào đi mua bình oxy về nhà để tự... chữa bệnh. Trên các trang bán hàng online, liên tục quảng cáo giới thiệu về mặt hàng này với các mức giá “nhảy múa” khác nhau. Tại một cửa hàng điện máy ở Q. Tân Phú rao bán máy tạo oxy có giá từ 8-25 triệu đồng tùy mẫu mã, thương hiệu.

Máy đo nồng độ oxy trong máu kiêm đo nhịp tim đang được mọi người săn lùng.

Mặt hàng này trở nên “sốt” ngay khi TP. Hồ Chí Minh được phê duyệt thí điểm cách ly một số trường hợp F1 và F0. Bà Đặng Thị Minh (Q. Gò Vấp) đã nhanh tay đặt được một chiếc máy thở (tạo oxy y tế) với giá 18 triệu đồng. Bà đang mong chờ ngày đại lý giao hàng để yên tâm. Bà Minh cho biết, gia đình có mẹ già 80 tuổi, lại mắc bệnh nền nên phải có máy hỗ trợ. Mặt khác, bệnh viện điều trị COVID-19 hiện nay đang quá tải, phòng trường hợp xấu thì bà sẽ cho mẹ thở oxy duy trì sức khỏe trước khi tới bệnh viện.

Nghe theo lời khuyên của chị gái, anh Đặng Văn Cương (Q.12) cũng cố gắng góp được 15 triệu đồng mua chiếc máy tạo oxy để trong nhà. Mặc dù, gia đình anh chỉ có 2 vợ chồng trẻ. Anh Cương giải thích, mục đích sắm máy trợ thở là muốn giảm áp lực cho ngành y tế. Chẳng may anh bị nhiễm COVID-19 thì đã có sẵn “bảo bối” này và chỉ cần ở nhà cũng sẽ vượt qua được.

Máy oxy y tế loại 10 lít của Mỹ có giá ngàn USD cũng không còn hàng để bán.

Ngoài máy tạo oxy, mặt hàng máy đo nồng độ oxy cũng đang vào cuộc đua cạnh tranh khốc liệt. Một số tiệm thuốc Tây có bán máy đo nồng độ oxy nhưng mấy ngày nay do nhu cầu người dân cao quá nên đã hết hàng. Chị Lê Thị Nữ, nhân viên tiệm thuốc trên đường Hoàng Diệu (Q.4) cho biết, từ 2 ngày nay người dân đến tiệm thuốc Tây hỏi mua loại máy này rất nhiều, tiệm báo hết hàng thì bà con sẵn sàng chờ và đặt tiền trước “xí phần”.

So với máy tạo oxy, máy đo nồng độ oxy rẻ hơn rất nhiều, bất cứ gia đình nào cũng có thể sắm được với giá dao động từ 600.000-900.000/máy. Cách sử dụng của máy đo nồng độ oxy cũng rất đơn giản, chỉ đưa ngón tay phải vào vị trí đo, nếu nồng độ oxy và nhịp tim vượt quá giới hạn quy định thì máy sẽ nhấp nháy màn hình thông báo. Ngược lại, không thấy thông báo gì là hô hấp khỏe mạnh bình thường.

Trước tình trạng người dân đổ xô mua máy tạo oxy, ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân không nên làm điều này, bởi các bệnh nhân mắc COVID-19 cần được điều trị chuyên biệt và không đơn thuần điều trị tại nhà với oxy y tế. Ông khẳng định, các bệnh viện đảm bảo không thiếu oxy, máy thở trong điều trị COVID-19. Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với các đơn vị cung ứng oxy từ sớm theo nhiều tình huống.

Bác sĩ CK2 Trương Thế Hiệp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy giải thích cặn kẽ: Oxy chỉ dùng trị liệu trong những trường hợp cần thiết như, điều trị các bệnh lý cấp tính nguy kịch; điều trị trong các trường hợp cần tăng oxy máu quá mức; điều chỉnh hạ máu nhằm ngăn ngừa các triệu chứng hoặc biểu hiện của thiếu oxy... Bởi vậy, việc dùng oxy cho người bệnh cần có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Đó là hướng dẫn về liều lượng oxy, cách thở (qua mũi, mặt nạ, liều...), thời gian, tùy từng trường hợp bệnh lý, bệnh nhân cụ thể... Nếu tự ý dùng oxy mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ, nhân viên y tế, sẽ có những nguy cơ xảy ra như, gây ức chế trung tâm hô hấp, làm chậm nhịp thở, giảm thông khí, tăng CO2 máu, giảm hoạt động bạch cầu, khô niêm mạc miệng, mũi họng. Khí, phế quản nếu không được làm ẩm tốt khi cho thở oxy dễ gây viêm phổi, tắc đờm và tạo cảm giác khó chịu cho bệnh nhân. Ngoài ra, nồng độ oxy quá cao có thể tổn thương màng phế nang - mao mạch và phổi.

Đối với máy đo nồng độ oxy không cần thiết, bởi với bệnh nhân COVID-19, việc tụt oxy diễn biến có thể rất nhanh, vì thế, dù chỉ cảm thấy hơi khó thở một chút là phải đến cơ sở y tế ngay, không phải ở nhà chờ khi đo máy nồng độ giảm rồi mới biết thì sẽ rất nguy hiểm.

Ngọc Thiện

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp