20:09 EDT Thứ năm, 18/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1192

Máy chủ tìm kiếm : 20

Khách viếng thăm : 1172


Hôm nayHôm nay : 161015

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2965449

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55119338

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

2020 có thật là năm bỏ đi?

Thứ hai - 28/12/2020 20:30

Nhưng, phần lớn những người đang sống hôm nay chưa từng chứng kiến điều gì như thế. Bạn phải hơn 100 tuổi thì mới nhớ được sự tàn phá của Thế chiến I hay dịch cúm năm 1918; bạn phải khoảng 90 tuổi mới cảm nhận được sự kiệt quệ kinh tế của thời Đại khủng hoảng và bạn phải ở tuổi 80 thì mới có ký ức về Thế chiến II và những nỗi kinh hoàng của nó”.

Kể từ thời phát xít Hitler những năm 30-40, thế giới chưa từng trải qua những chuỗi sự kiện kỳ quái đến thế. Từ một loài virus ủ bệnh trong những khu chợ Vũ Hán phát tán ra khắp thế giới, dịch bệnh COVID-19 rất giống với sự trỗi dậy của Adolf Hitler, ở chỗ nó nằm ngoài mọi sự phán đoán, tiên tri hay dự đoán, và mới đầu, người ta đều nhìn nó bằng nửa con mắt, coi nó chỉ là chuyện giỡn và đến khi nhận ra sự thật thì nó đã quá lớn mạnh để có thể lật đổ.

Tấm bìa ấn tượng của Tạp chí Time tổng kết năm 2020 (bên trái) và biếm họa của một hãng sổ tay về năm 2020: chấm 1 sao và khuyên bạn không nên dùng.

Hình ảnh Berlin vẫn đang mơ màng trong khi con sóng phát xít gõ sầm sập ngoài cửa mà cố văn sĩ Christopher Isherwood từng mô tả trong tập truyện ngắn “Từ biệt Berlin” tương thích gần như hoàn hào với hầu khắp các quốc gia trên thế giới với hàng tỷ người hoàn toàn thờ ơ trong giai đoạn đầu vốn là thời điểm hoàn hảo để dập tắt thứ virus quái quỷ này.

Và ừ thì, lịch sử có thể có nhiều năm tồi tệ hơn 2020 rất nhiều nhưng ít ra vào thời ấy con người chưa cập nhật thông tin nhanh như bây giờ. Chưa từng có thời điểm nào trong lịch sử mà chúng ta có thể chỉ mất không đến 5 giây để cập nhật chính xác số lượng ca bệnh mới, số ca bệnh qua đời, tỉ lệ tử vong theo từng giây từng phút ở từng đất nước, như thời đại này. Trong một quãng thời gian dài, câu cửa miệng của chúng ta trong những cuộc trò chuyện là ở Trung Quốc đã tám mươi ngàn người rồi đó, Hàn Quốc đã mấy chục ngàn người rồi, châu Âu mấy triệu người rồi...

Bởi vậy, tuy rằng như tờ National Geographic đã chỉ ra, xu hướng tin vào sự suy thoái của nền văn minh đã bám chặt vào tâm trí con ngươi từ thuở xa lắc, như người Athen cổ đã phàn nàn “nền dân chủ của chúng ta không còn được như xưa” từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên nhưng chưa bao giờ chúng ta lại dễ dàng cảm thấy mất niềm tin như thời đại thông tin. Ta biết nhiều hơn thì ta bớt hạnh phúc hơn.

Nói tóm lại, một năm bản lề của thập niên mới đã mở đầu và kết thúc trong tồi tệ. Nhưng, có thật là 2020 tồi tệ đến mức ấy hay không?

Đúng là COVID-19 đã lây nhiễm cho 80 triệu người, cướp đi 1,67 triệu sinh mạng và kinh khủng hơn, làm gián đoạn toàn bộ nền kinh tế trên thế giới, tạo nên một cơn bão càn quét nền kinh tế và không tha cho bất cứ gã khổng lồ nào. Những nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính dịch bệnh sẽ làm tổn thất đến 28 ngàn tỷ USD trong vòng 5 năm, biến nó trở thành thảm họa tốn kém nhất trong hàng ngàn năm qua.

Nhưng, cũng chính COVID-19 đã cho nhiều triệu người ở nhiều nơi trên thế giới lần đầu biết thế nào là hít thở một bầu không khí trong lành. So sánh những bức ảnh đo lường mức độ khí NO2 vào tháng 1-2019 và 1-2020 do vệ tinh NASA chụp được về hình ảnh Vũ Hán, nơi đã trải qua 76 ngày phong thành trong quý I, ta sẽ thấy một sự tương phản mạnh mẽ: nếu như hình ảnh của năm 2019, màu vàng thẫm bao phủ toàn bộ khu vực, nhiều nơi tạo thành những vùng xoáy thẫm đen, thì ở hình ảnh năm 2020, vùng ô nhiễm teo nhỏ, gần như biến mất.

Kỳ vĩ nhất có lẽ là bức ảnh chụp ở Punjab, Ấn Độ: đằng sau những khu công nghiệp và đô thị, ở phía xa xa, bóng rặng Himalaya phủ tuyết ẩn hiện giữa nền trời xanh thăm thẳm. “Đó là lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua, ta có thể nhìn rõ Himalaya, nhờ chính sách phong tỏa của Ấn Độ đã làm sạch bụi ô nhiễm”, một tài khoản mạng xã hội từ Ấn Độ chia sẻ tấm ảnh và bày tỏ niềm vui thích trước cảnh tượng choáng ngợp ấy.

Nhờ các chính sách phong tỏa, lượng khí thải và bụi đã giảm đến mức cư dân có thể nhìn rõ rặng Himalaya từ thành phố Punjab (Ấn Độ) cách 100 dặm.

Tấm hình cũng gói gọn phút đốn ngộ của con người giữa nghịch cảnh, rằng tự nhiên vẫn luôn ở đó, sừng sững, vĩnh viễn, bình thản trước những nguy nan mà con người tự chuốc lấy cho mình. Những công trình nhân tạo thật nhỏ mọn và hèn kém, mong manh và yếu ớt khi so cùng sức sống muôn đời mãnh liệt của thiên nhiên.

Không phải là COVID-19 hoàn toàn mang tới những tác động tích cực cho môi trường. Khi tất cả đều quan tâm đến COVID-19, thì tất cả những phóng sự đều dồn vào COVID-19. Chúng ta đâu có biết, rằng ở Brazil, tốc độ phá rừng tăng lên 50%? Chúng ta đâu có biết, rằng ở Nam Phi, giá ngà voi và sừng tê giác tăng vọt? Chúng ta đâu có biết, suy thoái kinh tế khiến nguồn vốn đầu tư vào công nghệ xanh giảm mạnh? Đó là những thông tin bị bỏ qua trong khi COVID-19 lan tràn trên mặt báo.

Nhưng, kể cả không COVID-19, đó cũng là những thông tin bị coi nhẹ. Và dẫu sao, chẳng phải sự đốn ngộ mà ta đã nói ở trên là điều quan trọng nhất? Chúng ta lười biếng đấu tranh cho môi trường, vì chúng ta đã quên đi mình từng được sống trong một Trái đất xanh hơn, giờ thì hoàn cảnh dịch bệnh nhắc nhớ chúng ta thứ chúng đánh mất và chúng ta đã biết nếu chúng ta hành động, chúng ta sẽ đạt được những gì.

2020 cũng tồi tệ không chỉ vì dịch bệnh. Giữa tháng 5, một đoạn video lan tỏa chóng mặt trên mạng xã hội. Nội dung của nó từa tựa như biến thể từ một phân cảnh trong vở kịch phi lý kinh điển “Đợi Godot” của Samuel Beckett khi nhân vật Pozzo sai khiến, nô lệ hóa và hành hạ một người đàn ông tên Lucky, dắt anh ta bằng một sợi dây như dắt một con chó. Vở kịch đời thực còn kinh dị hơn gấp nhiều lần, khi một vị cảnh sát da trắng đè nghiến lên người một người đàn ông da đen, dùng đầu gối siết cổ anh ta đến chết.

Đoạn phim ấy khiến ta bàng hoàng, khiến ta nghẹn ngào và khiến ta phẫn uất. Nó đơn giản là sự thật trần trụi về một thế giới bị chia cắt, một thế giới mà sau hơn 50 năm kể từ ngày Martin Luther King đứng trước 250.000 người tại Nhà tưởng niệm Lincoln kêu gọi hòa bình và tự do, cất cao giọng rằng “Tôi có một giấc mơ” thì giấc mơ của King vẫn là giấc mơ.

Ngày đó, King mơ rằng “một ngày nào đó ở Alabama, những cậu bé và cô bé da đen sẽ tay trong tay cùng những cậu bé và cô bé da trắng như những người anh chị em”, rằng “trên những triền đồi đỏ của Georgia, con trai những người từng là nô lệ và con trai những chủ nô xưa sẽ cùng ngồi xuống bàn ăn trong tình huynh đệ”, rằng “ngay cả ở Mississipi, một tiểu bang ngột ngạt với hơi nóng của sự bất công, sức nóng của áp bức, sẽ chuyển hóa thành một ốc đảo của tự do và công lý”.

King mơ về một miền Nam đổi mới nhưng vụ việc George Floyd đã không xảy ra ở những tiểu bang miền Nam, nó xảy ra ngay ở Minnesota, một bang miền Bắc. Vậy đó, thậm chí giấc mơ to lớn của King vẫn là chưa đủ cho hiện thực khắc nghiệt này.

Thế nhưng, nếu không có bi kịch của George Floyd thì liệu phong trào Black Lives Matter (Mạng người da đen quan trọng) có ra đời mạnh mẽ như vậy, có gây rúng động trái tim hàng triệu người có lương tri, có thúc đẩy những thay đổi ngoạn mục trong tâm thức của nhân loại? Ở Mỹ, nửa triệu người xuống đường biểu tình chỉ trong một ngày.

Và khắp nơi, từ Toronto đến Seoul, từ Paris đến Auckland, tất cả mọi nơi đều hô vang khẩu hiệu chống phân biệt chủng tộc. Thậm chí, cả ở một đất nước ít liên quan như Việt Nam, những người trẻ cũng cảm nhận được rõ ràng những thông điệp đổi thay qua phim ảnh, âm nhạc, văn chương hay thể thao.

Có lẽ cũng chính sự phẫn uất mà cái chết của George Floyd tạo ra là một phần khiến cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2020 chưa bao giờ thu hút số lượng cử tri đông đảo đến vậy và thu hút sự quan tâm của công luân toàn thế giới đến vậy. Người ta ngóng chờ kết quả như ngóng chờ kết quả một trận chung kết World Cup. Và kết quả tự nó đã nói lên con người đặt niềm tin vào đâu, khi ông Biden chiến thắng cùng phó tướng của mình, Kamala Harris, một phụ nữ da màu.

Chúng ta không biết tương lai sẽ càng đen tối hơn hay cuối đường hầm là ánh sáng. Nhưng, bất chấp tất cả, ai nói 2020 là năm bỏ đi?

Hiền Trang

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp