07:21 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4167

Máy chủ tìm kiếm : 30

Khách viếng thăm : 4137


Hôm nayHôm nay : 221605

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2678998

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49624496

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Buồn thay "văn hóa xài chùa"...

Chủ nhật - 20/06/2021 21:28

Những ngày qua, vụ việc ca sĩ Văn Mai Hương cover ca khúc “Always Remember Us This Way” của Lady Gaga gây tranh cãi cộng đồng mạng. Song điều khiến fans của Lady Gaga bất bình hơn cả là việc Văn Mai Hương sử dụng ca khúc này ở nhiều chương trình, sự kiện khác nhau, bao gồm đêm nhạc bán vé và video cover phát hành trên kênh YouTube cá nhân. Trong khi nữ chủ nhân của ca khúc này - Lady Gaga lại chưa từng hát live Always Remember Us This Way.

Thậm chí, khi tìm kiếm trên kênh YouTube, có thể thấy video cover của giọng ca họ Văn luôn song hành cùng video của Lady Gaga. Điều này khiến nhiều người hoang mang, không biết “Always Remember Us This Way” là ca khúc của Văn Mai Hương hay của Lady Gaga.

Sự việc trở nên ồn ào, Văn Mai Hương lên tiếng giải thích rằng, cô đã xin được cấp phép biểu diễn và trả tiền cho Cục Bản quyền tác giả. Song, theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thông tin, Văn Mai Hương mới xin cấp phép biểu diễn còn quyền sao chép và phát hành cần xem xét lại(?).

Tư tưởng “thích ăn sẵn”

Văn Mai Hương không phải là nghệ sĩ Việt đầu tiên bị lên án khi sử dụng những “đứa con tinh thần” của người khác một cách vô tội vạ.

Năm 2018, Noo Phước Thịnh vướng lùm xùm kiện cáo khi cho ra mắt MV “Chạm khẽ tim anh chút thôi”. Theo đó, ca khúc này sau khi lên sóng lập tức bị gỡ khỏi các trang mạng vì vấn đề vi phạm bản quyền. Nguyên nhân là do trong MV, Noo Phước Thịnh đã sử dụng tác phẩm “The Way” - được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan của nhạc sĩ Zack Hemsey để làm nhạc nền cho phân cảnh tai nạn xe hơi.

Ca sĩ Văn Mai Hương vướng lùm xùm “xài chùa” ca khúc của Lady Gaga.

Dù cố gắng hòa giải, song trước sự quyết liệt từ phía nhạc sĩ Zack Hemsey, Noo Phước Thịnh đành chấp nhận bồi thường số tiền gần 1 tỷ đồng cho “thói làm liều” của mình.

Ngoài ra, trào lưu cover - hình thức hát lại một ca khúc - cũng khiến nhiều nghệ sĩ, ngôi sao rơi vào tình huống dễ vi phạm bản quyền.

Còn nhớ, năm 2018 Hoa Vinh từng làm điên đảo giới yêu nhạc với bản cover ca khúc “Ngắm hoa lệ rơi”.

Ca khúc này thuộc sở hữu của ca sĩ Châu Khải Phong. Tuy nhiên, khi qua tay Hoa Vinh, “Ngắm hoa lệ rơi” bỗng trở nên nổi tiếng tới mức tới Châu Khải Phong cũng phải thừa nhận ca khúc này “hot” trở lại là nhờ Hoa Vinh.

Thời điểm đó, Hoa Vinh cũng “bỏ túi” bài này đi khắp các sân khấu lớn nhỏ biểu diễn dù chưa mở lời mua bài. Thậm chí, khi phát hành bản audio chính thức và đăng tải trên các trang nhạc trực tuyến, Hoa Vinh không để lại bất cứ dòng chữ "cover" hay xác nhận bản quyền nào. Trước hành động của Hoa Vinh, Châu Khải Phong vô cùng bất bình và đòi kiện nam ca sĩ về vấn đề bản quyền.

Live Concert Quang Hà “Trăm năm không quên” diễn ra ngày 23-7-2017 tại Nhà hát Hòa Bình (TP Hồ Chí Minh) cũng bị khởi kiện vì xâm phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn.

Cũng chính Hoa Vinh từng khiến Tuấn Hưng “nổi đóa” tới mức phải lên tiếng dằn mặt vì không những cover ca khúc “Độc thoại” không xin phép mà còn chế lời tục tĩu gây khó chịu.

Sau Hoa Vinh, “thánh cover” Hương Ly cũng từng bị Khắc Việt cấm hát, kinh doanh và gỡ bỏ video cover ca khúc “Bước qua đời nhau” vì cô hát không xin phép.

Là “cha đẻ” của ca khúc này, Khắc Việt tỏ ra bức xúc khi Hương Ly mang “Bước qua đời nhau” đi biểu diễn mà không thông qua anh một lời, không giới thiệu tác giả

“Trên kênh của bạn cũng không ghi tên tác giả trong các video cover mà nghiễm nhiên mang đi biểu diễn khắp các tụ điểm để nhận cát-xê. Là do bạn không biết tác giả là ai?", Khắc Việt gay gắt.

“Ăn trộm” nhưng không bị xử lý, ai sợ?

Lẽ thông thường, trước khi biểu diễn, cover..., các ca sĩ phải xin phép chủ nhân ca khúc để có được “giấy thông hành”, giúp nghệ sĩ tránh những ồn ào không hay. Và hơn hết là thể hiện sự tôn trọng với tác giả của ca khúc đó.

Liveshow “Câu chuyện Bằng Kiều” diễn ra ngày 18 và 19-8-2018 tại Cung Hữu nghị (Hà Nội) bị liệt vào danh sách chương trình xâm phạm quyền tác giả ở lĩnh vực biểu diễn.

Tuy nhiên, quy trình quan trọng này dường như bị bỏ quên và chỉ tới khi xảy ra lùm xùm bản quyền với cha đẻ của những sản phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ mới lên tiếng xin lỗi như một cách bao biện cho việc làm của mình.

Phải nói rằng, việc cover trong âm nhạc hay sử dụng ca khúc... không xấu, thậm chí nó còn giúp bài hát được biết đến rộng rãi hơn, “hot” hơn. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể thoải mái làm kể cả không nhằm mục đích thương mại.

Năm 2018, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung từng gửi đơn tới Trung tâm Bảo vệ quyền tác phẩm âm nhạc, nhờ vào cuộc vì “con cưng” “Nhật ký của mẹ” xuất hiện trong phim truyền hình “Quỳnh búp bê” mà “người thai nghén” như anh không được thông qua.

Trong đơn khiếu nại, nam nhạc sĩ viết: "Tôi phát hiện thấy bộ phim truyền hình “Quỳnh búp bê” tập 19 đang phát trên VTV3 có sử dụng bài hát “Nhật ký của mẹ” do tôi sáng tác cả phần nhạc và phần lời. Tôi kính mong quý trung tâm xem xét và yêu cầu đơn vị sản xuất thực thi nghiêm túc quyền tác giả".

Chỉ ít ngày khi ồn ào nổ ra, Nguyễn Văn Chung tiết lộ anh đã nhận được lời xin lỗi từ phía VTV về sự việc này. “Mình rất vui khi có đại diện VTV gọi điện chân thành xin lỗi và rút kinh nghiệm ngay sáng nay! Mình xin ghi nhận và trân trọng cuộc gọi này!".

Gần đây nhất, nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” bị tố sử dụng bất hợp pháp hai ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong là “Đường cong” và “Taxi”.

Dù phía nhà sản xuất “Ngôi nhà bươm bướm” đưa phương án gỡ hai ca khúc này khỏi bộ phim để khắc phục hậu quả”, song nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh, không bao giờ có chỗ cho việc xâm phạm tài sản trí tuệ của người khác và khi bị phát hiện thì chỉ việc gỡ bỏ là xong chuyện.

“Quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng cần được bảo vệ tuyệt đối, đó không chỉ là quyền được pháp luật quy định mà còn là tâm huyết, lẽ sống và mồ hôi, công sức của những người làm nghệ thuật chân chính”, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong trả lời.

Lỗ hỗng pháp lý trong vấn đề bản quyền

Thực tế, tại Việt Nam việc xử lý những nghệ sĩ vi phạm tác quyền âm nhạc hầu hết đều giải quyết theo phương diện tình cảm.

Nếu một ca sĩ nào đó lỡ phản ứng khi người khác cover, sử dụng ca khúc của mình không xin phép, lập tức sẽ trở thành “miếng mồi béo” cho những chỉ trích trên mạng xã hội. Những ca sĩ này bị mắng là người ích kỷ, cản trở sự nghiệp của người khác, ghen tị với đàn em nếu những bản cover có lượng view cao hơn bản gốc... Thậm chí, bị dư luận chỉ trích làm mình làm mẩy và hơn hết là bị đào xới lại những câu chuyện trong quá khứ...

Trao đổi với chúng tôi về vấn nạn vi phạm tác quyền âm nhạc ở Việt Nam hiện nay, luật sư Trần Minh Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Gia đình (TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Tình trạng vi phạm tác quyền của âm nhạc của Việt Nam hiện nay khá phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ các ứng dụng, MV ca nhạc, trên website thông thường cho đến các buổi hòa nhạc nhỏ hay buổi biểu diễn lớn. Các hành vi vi phạm chủ yếu thường là sử dụng tác phẩm mà không xin phép chủ sở hữu quyền tác giả, tự ý sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến tác giả, sử dụng tác phẩm nhưng không có sự thỏa thuận hay nhuận bút, trả thù lao...”.

Luật sư Trần Minh Hùng.

Theo luật sư Trần Minh Hùng, tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm là do hệ thống pháp luật Việt Nam quy định chưa chặt chẽ về phương thức xử lý vi phạm.

“Hệ thống pháp luật Việt Nam quy định chưa chặt chẽ về phương thức xử lý vi phạm. Đồng thời, việc thực thi pháp luật về bảo vệ quyền tác giả còn chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng xâm phạm tác quyền, đặc biệt là trên môi trường internet còn phổ biến.

Luật pháp về bảo vệ quyền tác giả chưa quy định rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian (như các công ty cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ mạng xã hội) trong việc bảo vệ quyền tác giả trên môi trường internet”.

Trước câu hỏi về biện pháp xử lý để chấm dứt tình trạng xài "chùa" chất xám này, luật sư Trần Minh Hùng nêu rõ quan điểm: “Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền để việc thực thi pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan dần đi vào đời sống. Đồng thời, quy định rõ cách nhận biết hành vi vi phạm và phương thức xử lý vi phạm.

Ngoài ra, cần tuyên truyền pháp luật về tác quyền cũng như chế tài nặng hơn đối với lĩnh vực này”.

Đoàn Huyền

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp