05:47 EDT Thứ sáu, 19/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1413

Máy chủ tìm kiếm : 30

Khách viếng thăm : 1383


Hôm nayHôm nay : 57032

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2998311

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55152200

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Cán bộ không phải là "quan cách mạng"

Chủ nhật - 03/05/2020 20:54


Trong tuần qua, người dân cả nước được chứng kiến hai hình ảnh rất buồn lòng, đó là ông Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước đập bàn, chỉ tay quát nạt đội ngũ nhân viên đang tham gia chống dịch COVID – 19, khi họ yêu cầu được đo thân nhiệt ông và tiếp đến là những lời nói thiếu chuẩn mực của bà Phó Chủ tịch phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong xử lý vi phạm người bán hàng rong “Con điên này…”.

Không bức xúc sao được khi những cán bộ có trình độ cao, hiểu biết rộng, làm tới chức Phó Chủ tịch phường và còn cao hơn nữa khi là Chủ tịch cơ quan dân cử quan trọng ở địa phương lại có những hành động, lời lẽ thô thiển không chỉ khi tiếp xúc với người dân mà ngay cả với các đồng chí, đồng đội của mình đang thực thi công vụ.

Phát biểu về công tác lựa chọn cán bộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: cán bộ phải là người hội tụ đủ Đức và Tài.

Có ý kiến cho rằng, do cán bộ này tính tình nỏng nảy, thiếu kiềm chế trước yêu cầu đòi hỏi quá đáng nên thiếu bình tĩnh; cũng có thể do bị dồn nén cảm xúc, không hài lòng với các ứng xử của đối tượng tiếp xúc, từ đó có thái độ, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, không phù hợp với vị thế, tư cách của cán bộ, đảng viên.

Việc một ai đó tức thời có thái độ, hành vi ứng xử nông nổi, thiếu chín chắn trước những tình huống gây khó chịu cho mình, cũng dễ bề cảm thông. Nhưng sự cảm thông này chỉ dành cho những công dân bình thường. Còn đối với cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền, có trình độ và đã trải qua rèn luyện thực tiễn, nhưng lại phát ngôn “văng tục” không đúng lúc, đúng chỗ khiến người dân bị tổn thương, lại là điều rất đáng trách.

Dư luận cũng như người dân rất phấn khởi khi các cơ quan chức năng nhận được sự thông tin của người dân đã vào cuộc rất nhanh chóng và đưa ra hình thức xử lý kịp thời, kiên quyết đối với những hành vi thiếu chuẩn mực của ông Phó Chủ tịch Hội đồng và bà Phó Chủ tịch phường.

Qua sự việc trên, chúng ta đều thấy rằng, một tàn dư phong kiến vẫn đang còn tồn tại dai dẳng trong suy nghĩ, trong cách ứng xử của nhiều cán bộ, công chức cũng như người dân. Đó là tư tưởng địa vị ngôi thứ, đầu óc gia trưởng, tâm lý “tôn quân”, “trọng quan”.

Thực tế đang diễn ra cho thấy, người dân vẫn rất e ngại, sợ sệt khi tiếp xúc với cán bộ, với cơ quan công quyền. Tâm lý này không phải chỉ tồn tại trong nhân dân, mà ngay trong mối quan hệ ở các cơ quan nhà nước, giữa thủ trưởng và nhân viên. Không thiếu nơi, lãnh đạo luôn coi mình là bề trên, coi công chức, viên chức dưới quyền chỉ là kẻ dưới và phải phục tùng. Mặc dù biết “sếp” chuyên quyền, độc đoán, thiếu dân chủ, gia đình trị đấy, nhưng không ai dám hé răng lấy nửa lời, răm rắp làm theo chỉ đạo. Nếu có gan thì cũng chỉ dám kêu ca, nói xấu sau lưng khi ngồi với nhau bên chén trà, ly rượu.

Đối với công chức, viên chức thì lại tự cho mình cái quyền đứng trên nhân dân, coi thường dân, xem dân là những người hiểu biết kém mình, nên mỗi khi tiếp xúc với dân luôn có thái độ trịch thượng, hạch sách, ban ơn, lạnh nhạt. Do cách giao tiếp trên mà người dân dần dần trở nên ngại, sợ, né tránh quan hệ giao tiếp với cán bộ, công chức và tìm đến những cách thức khác để giải quyết công việc. Vì thế, nhiều người dân vẫn phải đi “đường vòng”, đi cửa sau hoặc phải cậy nhờ các mối quan hệ thân quen để được việc.

Còn người dân thì vẫn có tư tưởng “trọng quan”, cứ âm thầm chịu đựng vì tự cho rằng mình là người thấp cổ, bé họng, bị chèn ép đấy, nhưng kêu thì liệu có thấu được lên trên hay không, khi mà tiếng kêu của họ ít khi lay động được những người đã từng gây phiền hà, nhũng nhiễu cho họ.

Chính phủ ban hành Đề án “Văn hóa công vụ” với mục đích xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phục vụ người dân và doanh nghiệp, mà ở đó, mỗi cán bộ, công chức chính là công bộc, là những người phải luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân.

Để mục tiêu sớm trở thành hiện thực, chúng ta cần nhanh chóng phá bỏ tư tưởng địa vị ngôi thứ, đầu óc gia trưởng, tâm lý “tôn quân”, “trọng quan”. Bởi đây là nguyên nhân của việc cầu công danh, địa vị, coi thường, xem nhẹ công tác chuyên môn, để lo tìm mọi cách tiến thân bằng con đường quan chức.

Song song với đó, phải phát huy cao độ vai trò của nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân, để người dân dám nói lên tiếng nói của mình. Các cơ quan chức năng thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin mà nhân dân phản ánh. Qua đó, loại bỏ ra khỏi bộ máy những người cán bộ thoái hóa, biến chất, những người có tư tưởng “làm cán bộ, là để làm quan cách mạng”. Từ đó, mỗi cán bộ, công chức hình thành suy nghĩ: Có nhân dân, mình mới trở thành cán bộ; nhân dân bầu ra mình, trả lương nuôi mình, ủng hộ mình trong mọi công việc; không trọng dân, tức là đã phản bội lại người đã nuôi dưỡng mình, người đã bầu mình. Phản bội lại điều này thì không có đạo đức và pháp luật nào dung thứ.

Cù Tất Dũng

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp