23:04 EDT Thứ hai, 18/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4862

Máy chủ tìm kiếm : 23

Khách viếng thăm : 4839


Hôm nayHôm nay : 264790

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2588398

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49533896

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Cây ngô đồng - đợi ai, ai đợi!?

Thứ hai - 29/03/2021 21:43


Lại có những câu da diết mà thật chua chát, đau khổ: “Còn gì nay đợi mai trông/ Nhạn kia chắp cánh theo rồng lên mây/ Trách ai làm đó xa đây/ Như con chim phượng xa cây ngô đồng”. Đây là lời của chàng trai thất tình. Người yêu của chàng (nhạn) đã theo người khác (rồng) về vùng đất khác (mây) rồi. “Ai” đã “chia uyên rẽ thúy”, đã không cho “chim phượng” đậu cây “ngô đồng?”.

Cây ngô đồng được khắc trên Cửu Đỉnh (Huế).

Như vậy, ngoài các hình ảnh quen thuộc biểu trưng cho tình yêu thì “chim phượng” và “cây ngô đồng” cũng là một mô tip. Nhưng khác với “thuyền - bến” chẳng hạn, dân giã, bình dị còn “chim phượng – cây ngô đồng” thì có gì đấy kiểu cách, vương giả hơn.

Dân ca Nam Bộ có bài “Lý chiều chiều” thật đặc sắc nhưng lời thì lại thật giản dị: “Chiều chiều ra đứng tây lầu tây, tây lầu tây/ Thấy cô tang tình gánh nước/ Tưới cây, tưới cây ngô đồng/ Xui ai xui ai trong lòng, trong lòng tôi thương/ Thương cô tưới cây ngô đồng”.

Hình ảnh quen thuộc, gần gũi: một anh chàng trai cứ sắp cữ hoàng hôn là ra ngắm cảnh, thấy một cô gái tưới cây ngô đồng mà đem lòng thương mến. Đặc sắc ở chỗ cách phối nhịp hài thanh tạo ra lời hát như ru, như mê, như mời gọi, lại như đánh thức...

Câu đầu 10 chữ thì có 9 thanh bằng, chỉ 1 chữ thanh trắc (đứng) nổi lên giữa câu như tạo ra mô hình hình sin, chữ “đứng” đột ngột cao vút lên nhấn vào hình ảnh trung tâm là chàng trai trẻ đang “đứng” (cũng là “đứng hình” vì hình ảnh cô gái như mê hoặc). Đầu và cuối câu 2 có 3 thanh trắc (thấy, gánh nước) là mô hình giai điệu đảo ngược lại với câu đầu. Câu 3 toàn thanh bằng có tới 10 âm tiết ngân nga. Câu cuối lại trở về với mô hình câu 1 với đỉnh hình sin là thanh trắc (tưới). Toàn bài là sự phối âm tạo ra giai điệu êm mượt, day dứt, da diết nhưng vẫn tập trung vào hành động cô gái tưới cây ngô đồng!

Trong mối liên hệ với mô típ trên thì có thể hiểu thêm chàng trai tưởng tượng cô gái ấy chính là cây ngô đồng, còn mình sẽ là... chim phượng!

Trước khi góp phần đi tìm mã văn hóa cây ngô đồng này, xin được nói rõ rằng, ở nhiều vùng quê khác nhau, có những cây khác nhau cũng được gọi là cây ngô đồng, nhưng trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến 3 loại cây ngô đồng khá phổ biến ở Việt Nam.

Một là cây ngô đồng thân gỗ cao tới 15, 16 mét có tên khoa học là Jatropha podagrica. Ở Việt Nam, cây mọc trong rừng núi đá vôi ở Cao Bằng, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị... nhưng đẹp nhất là ở Huế. Cây cũng có nhiều ở miền Nam Trung Quốc.

Từ xa xưa người ta đã biết đến cây ngô đồng chữa được nhiều bệnh. Kinh nghiệm dân gian dùng lá trị nhọt, làm lành vết thương; dùng hạt để chống viêm, long đờm, chữa đau bao tử; sắc nước từ rễ có tác dụng giảm sưng.

Ngày nay khoa học chiết xuất từ vỏ và lá cây nhiều hợp chất khoa học có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm… Thân gỗ dùng làm đàn (nhất là những loại đàn dân tộc cổ truyền như đàn nguyệt, tam thập lục...) và một số đồ mỹ nghệ. Trong văn chương văn hóa phương Đông hầu như chỉ nói tới cây ngô đồng này!

Hai là cây ngô đồng đỏ, thân gỗ cao nhất tới 20 mét, tên khoa học là Firmiana colorata mọc nhiều ở cù lao Chàm (Hội An, Quảng Nam), ngoài ra rải rác ở Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu. Cây này có hoa màu đỏ cam, đài hình ống. Công dụng chính là tước vỏ để đan võng. Theo các nhà sinh vật học thì cây này còn có ở Ấn Độ và Myanmar...

Ba là cây ngô đồng phong thủy, mới xuất hiện ở Việt Nam, còn được gọi là dầu lai lá sen, dầu lai có củ, có nơi gọi là cây sen lục bình, trồng trong chậu cảnh vừa làm đẹp vừa có chức năng phong thủy.

Xin quay lại với mã văn hóa cây ngô đồng. Lớp nghĩa ban đầu, cây ngô đồng là biểu tượng cho chất liệu quý để kiến tạo công cụ nghệ thuật. Tương truyền vua Phục Hy trông thấy năm vì sao rơi xuống cây ngô đồng, sau đó thì chim phượng hoàng liền bay đến đậu. Nhà vua cho rằng chắc hẳn cây là loài gỗ quí nên sai đẵn xuống ngâm nước 72 ngày đêm. Cây khi sống hấp thụ khí dương thì ngâm nước hấp thụ khí âm. Sau đó vớt lên để khô làm đàn.

Cũng tương truyền cây đàn mà Bá Nha gẩy được làm từ gỗ ngô đồng này. Nhờ thế mà tiếng đàn có hồn hơn, linh diệu hơn nên Chung Tử Kỳ nghe mới thấy rõ như vậy! Đôi bạn nghệ sỹ này để lại cho văn hóa phương Đông khái niệm “tri âm” bất tử. Bá Nha đàn nghĩ đến núi cao, Tử Kỳ nói tiếng đàn hôm nay vời vợi như non xa. Bá Nha đàn nghĩ về biển rộng, Tử Kỳ nói, tiếng đàn như đưa ta đến chốn mênh mang trời nước. Tử Kỳ mất sớm. Chẳng ai hiểu tiếng đàn mình, Bá Nha đập đàn rồi bỏ đi mất...

Có thể đây là “mẫu con” của “mẫu gốc” chim phượng chỉ đậu cây ngô đồng, có nét nghĩa nguyên thủy gần với “tri âm”. Ở trên đời này có biết bao những con chim phượng không tìm được cây ngô đồng để đậu!?

Huyền thoại bay đến không gian triều Nguyễn (Việt Nam), hoàng gia yêu quý cây ngô đồng đến nỗi cho khắc hình lên Cửu Đỉnh vừa để ca ngợi vừa để bất tử hóa, cũng là cách thể hiện “tâm hồn nghệ sỹ”. Thế nên sau này mới có câu thơ kiệt tác của Bích Khê: “Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Cái ngạc nhiên sững sờ này sẽ làm sững sờ ngạc nhiên văn giới nhiều thời nữa!

Nhưng câu này lại chịu ảnh hưởng một ý thơ cổ bên Tàu mà văn nhân phương Đông kim cổ có lẽ ai cũng ngâm nga cảm khái: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu” (Một lá ngô đồng rụng/ Thế là thu đã sang). Cây ngô đồng Trung Quốc rụng lá vào mùa thu. Còn ở ta, tiêu biểu là Huế thì cây trổ hoa vào mùa xuân (tháng 2,3 âm). Khi lá đã rụng hết chỉ để lại những chùm hoa, dưới ánh mặt trời buổi sớm, như được cộng hưởng thêm ánh sáng rực rỡ và khí xuân trong trẻo mà hoa càng đẹp hơn nhiều, lãng mạn mơ mộng đến cổ điển, cũng thật thanh tao, đài các...

Câu thơ Bích Khê thật hay, ở cách dùng toàn thanh bằng, ở cách đưa khẩu ngữ vào hình thức cổ điển thất ngôn (Ô! Hay), ở cách đảo trang đưa trạng ngữ tính từ lên trước để nhấn mạnh (buồn vương cây ngô đồng; Vàng rơi! Thu mênh mông); ở cách tạo ra ảo giác (vàng rơi là gì, lá cây hay ánh chiều?)...

Cây ngô đồng nở hoa trong Thành Nội Huế!

Nói tới ngô đồng là phải nói tới chim phượng. Con chim phượng đã vỗ cánh từ thời tối cổ rồi bay suốt chiều dài lịch sử, đến mỗi đỉnh cao thời đại chim dừng lại để con người chiêm ngưỡng và tô điểm thêm cho nó những sắc màu văn hóa mới.

Đến nay nó vẫn mải miết bay nên không một nhà nghiên cứu nào, dù tài năng đến mấy cũng không “đọc” được hết ý nghĩa, chỉ ra được nó có màu sắc cụ thể nào. Mãi vài ba thiên niên kỷ gần đây nó được “bình dân” hóa bằng cách “cặp đôi” với chim loan làm biểu tượng cho tình yêu mơ mộng và vĩnh cửu. Gần hơn nữa là biểu tượng cho vợ chồng chung thủy...

Huyền thoại phương Đông kể sau khi vị thần Bàn Cổ thoát ra từ “quả trứng” khổng lồ của sự hỗn mang thì đã có bốn linh vật đi theo “phục vụ” là long (rồng), ly (kỳ lân), quy (rùa), phụng (phượng hoàng). Những sinh vật tuyệt vời này, được gọi là Tứ Linh (bốn vị thần linh), đã hợp sức với (thần) Bàn Cổ để tạo ra thế giới.

Ngay từ đó vũ trụ gắn liền với số 5 là vì thế: ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), 5 mùa (xuân, hạ, thu, đông, cuối hạ) 5 vùng (Bắc, Nam, Đông, Tây và trung ương)... Chim phượng hoàng làm chủ lửa (hỏa), mùa hạ và phía Nam. Như vậy ngay từ đầu, chim phượng đã mang vai trò thần thánh. Vì là thần thánh lại ra đời quá sớm nên phải tuyệt đối trong sáng tinh khôi nên huyền hoại để cho nó bay trên vòng hào quang thiên giới, chỉ đậu trên cây ngô đồng và nếu có ăn thì chỉ ăn quả trúc.

“Mẫu gốc” này dần dần “đẻ” ra biểu tượng mới: Hình ảnh phượng hoàng đậu cây ngô đồng là chỉ kẻ hiền tài tìm được nơi cống hiến xứng đáng. Ngày nay ở nội thành Huế còn nhiều cây ngô đồng là từ ý các vua Nguyễn trồng trong nội điện để mong cầu những chim phượng hiền tài! Đây là một tiếp biến văn hóa có từ đời nhà Hán (Trung Hoa) sang đến ta vẫn cùng một ý nghĩa ấy.

Người xưa có câu “trồng cây ngô đồng, dẫn phượng hoàng tới” thì nay lại có câu cùng ý nghĩa: “Dọn tổ cho đại bàng” là cùng mô tip chỉ khác là thay hình tượng. “Dọn tổ” là chuẩn bị cơ sở cả vật chất và tinh thần để đón những nhà đầu tư. Cũng là một ẩn dụ hay!

Nguyễn Thanh Tú

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp