16:46 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3057

Máy chủ tìm kiếm : 99

Khách viếng thăm : 2958


Hôm nayHôm nay : 161976

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4654456

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51599954

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Cuốn sách tranh giúp người già tránh bẫy lừa đảo qua mạng

Thứ năm - 01/04/2021 07:59


Theo thống kê, cho đến đầu năm 2020, thế giới đã có hơn 4,54 tỉ người sử dụng mạng Internet. Trong đó, có hơn 3,8 tỉ người sử dụng mạng xã hội. Với xu hướng hiện đại hoá và công nghệ hoá như hiện nay, việc sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet và các trang mạng xã hội để liên lạc và giải trí là vô cùng phổ biến. Đi cùng với các lợi ích tốt, sự phát triển chóng mặt của thời đại công nghệ số còn dẫn đến gia tăng mạnh mẽ trong tỉ lệ tội phạm lừa đảo trên mạng.

Riêng từ năm 2016 - 2018, Việt Nam là đất nước có tỉ lệ lừa đảo cao nhất tại Đông Nam Á, với 20% doanh nghiệp đã trải qua lừa đảo công nghệ. Theo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong năm 2020, Bộ Công an đã phát hiện hơn 4.000 vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, với những vụ có tổng thiệt hại lên tới hơn 500 tỷ đồng.

Sách "Hướng dẫn phòng chống lừa đảo qua mạng" do Elderly Tech khởi xướng. Đây là một dự án phi lợi nhuận ở Việt Nam, được đứng đầu và tổ chức bởi các bạn học sinh THPT năng động và nhiệt huyết tại Việt Nam và Hoa Kì.

Giải thích về lý do thực hiện cuốn sách này, Nguyễn Thị Nhật Linh, Trưởng dự án cho biết: "Nhiều lần trò chuyện, bàn luận với những bác cao tuổi xung quanh mình, các thành viên trong nhóm nhận thấy rằng: Khi vấn nạn lừa đảo qua mạng ngày càng tăng cao trong thời đại công nghệ số, tất cả mọi người nói chung, các cụ già nói riêng càng dễ lo sợ khi người lạ nhắn tin hay gọi điện, hoang mang giữa giả và thực, và ngăn cản bản thân có một trải nghiệm công nghệ một cách an toàn, tiện lợi và dễ chịu nhất.

Liệu nhân viên ngân hàng đang nói chuyện với họ có thực sự là nhân viên ngân hàng, hay chỉ là một kẻ xấu đang nhăm nhe chiếm đoạt thông tin và tài sản của người nhẹ dạ, cả tin? Con cháu của các bác cao tuổi vì thế cũng lo lắng cho người thân và gia đình mình, nhưng không biết cách giải thích hay phân tích cho cụ cách nhận biết lừa đảo một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất.

Khi thiệt hại của các vụ chiếm đoạt qua mạng không chỉ dừng lại ở một vài triệu mà lên đến hàng tỉ, vấn nạn này không còn dừng lại chỉ là vấn đề của người cao tuổi, mà sớm trở thành nỗi lo lắng của cả những người đi làm, thanh niên mới vào đời. Vì thế, Elderly Tech nghĩ đây là một vấn đề xã hội nghiêm trọng, nguy hiểm và cần được giải quyết".

Một số trang trong sách "Hướng dẫn phòng chống lừa đảo qua mạng".

Lâu nay, các bài báo, bài cảnh báo về chủ đề ngăn chặn lừa đảo công nghệ không hề thiếu, thậm chí tràn ngập trên các tờ báo lẫn mạng xã hội. Nhưng mỗi một bài viết và video lại nói về một cách thức riêng, không bao hàm tất cả hay sắp xếp các thủ đoạn thành từng thể loại riêng biệt giúp công chúng dễ nhớ và dễ tìm kiếm. Nếu người dùng muốn biết toàn bộ các cách thức lừa đảo đang diễn ra, không lẽ họ phải tìm kiếm và đọc từng bài báo, bái viết về chủ đề này trên Internet?

Các tài liệu viết về chủ đề này thường dài dòng, khô khan, không có tranh ảnh minh họa. Điều này cản trở người cao tuổi, với tầm nhìn đã giảm sút và trí nhớ kém, có thể hiểu, nhớ và áp dụng nội dung được truyền tải. Con cháu của các cụ thấy cha mẹ, ông bà mình tránh xa các thiết bị công nghệ nên lo lắng cho sự an toàn của gia đình, sức khoẻ tinh thần và khả năng hội nhập với thế giới của ông bà, bố mẹ. Nhưng cùng một lúc, họ cũng không biết cách giải thích các phương thức lừa đảo sao cho dễ hiểu, dễ nhớ cho ông bà, cha mẹ mình.

Mang những trăn trở đó, đầu năm 2020, nhóm Elderly Tech đã soạn ra cuốn sách tranh "Hướng dẫn phòng chống lừa đảo qua mạng" với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu nhờ hình minh hoạ có khả năng tương tác cao. Ấn bản tập trung nói về các cách nhận biết hầu hết các thủ đoạn lừa đảo đang hoành hành trên mạng xã hội, email, cuộc gọi và tin nhắn hiện nay.

Sách phân loại và sắp xếp các thủ đoạn lừa đảo thành ba nhóm chính, gồm: Lừa đảo với mục đích ăn cắp thông tin cá nhân; Lừa đảo bằng cách dụ dỗ người dùng ấn vào tệp tin hoặc đường link chứa mã độc; Lừa đảo bằng cách dụ dỗ người dùng cho vay, chuyển khoản tiền cho người lạ.

Cuốn sách đã truyền tải nội dung này một cách ngắn gọn kèm hình ảnh minh họa dễ hiểu với các cuộc đối thoại sống động ví dụ cho từng cách thức lừa đảo. Chẳng hạn, một cụ già nhận được cuộc gọi của một người lạ tự xưng là cán bộ điều tra của Bộ Công an. Họ hù dọa cụ già bằng cách cho hay cụ đang bị nghi ngờ dính líu đến một vụ án mua bán ma túy, toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của cụ cũng đang bị nghi ngờ dính tới vụ án này. Chúng yêu cầu cụ phải chuyển hết tiền vào tài khoản khác mà chúng cho sẵn với lý do để phục vụ công tác điều tra. Nếu gặp người nhẹ dạ và hay lo sợ thì rất dễ chuyển tiền cho bọn tội phạm này. Sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng tự xưng là cán bộ điều tra cũng mất hút theo số tiền của nạn nhân.

Với cuốn sách này, nhóm mong các bậc cao tuổi không còn phải đau đầu, lo lắng khi họ bắt đầu sử dụng thiết bị thông minh để giao tiếp và trở thành con mồi béo bở cho kẻ xấu trên mạng lưới công nghệ. Đồng thời cuốn sách còn giúp đỡ những người cao tuổi sử dụng thiết bị công nghệ một cách an toàn và tiện lợi hơn, qua đó, tạo ra tác động tích cực trên cộng đồng địa phương và thế giới.

Là những người trẻ nhiệt huyết nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm, Nhật Linh thú thật nhóm của mình đã gặp nhiều may mắn trong hành trình thực tế hoá ý tưởng khi nhóm được dẫn dắt bởi các cố vấn và chuyên gia tài năng, kinh nghiệm. Các thành viên được học về cách phát triển trang mạng xã hội cho một dự án, phân loại và tận dụng các tài nguyên có sẵn để chọn lựa và thực hiện sản phẩm khả thi, nhưng có tác động lớn nhất và tiếp cận độc giả mục tiêu của mình một cách hiệu quả nhất.

Trước mắt, nhóm đang thí điểm triển khai cuốn sách dưới định dạng pdf và xuất bản trên mạng để độc giả có thể dễ dàng tải về cho cha mẹ, ông bà của mình. Đây cũng là cách nhóm tương tác và thu nhận ý kiến phản hồi của độc giả. Hầu hết mọi người đều đánh giá cao về phần thiết kế đồ hoạ của cuốn sách bởi nó tăng sự thân thiện với người đọc lớn tuổi.

Tuy vậy, cách xuất bản trên mạng khiến nhóm gặp không ít trở ngại, thách thức. "Khi phát hành bản pdf trên Fanpage của nhóm thì lượt phản hồi góp ý mà chúng em nhận được không được cao từ độc giả. Khi sử dụng Facebook, người dùng có xu hướng "lười" ấn vào các link dẫn ra ngoài bài đăng. Dự án đã cố gắng tăng lượt tương tác của người dùng bằng cách chia sẻ bài đăng tới các nhóm như: Câu lạc bộ của những người cao tuổi; Hội người cao tuổi Việt Nam; Hoạt động ngoại khoá cho các bạn trẻ Việt Nam…" - Nhật Linh cho hay.

Được biết, sau khi tiếp nhận phản hồi, nhóm sẽ cải thiện bản thảo và tiến hành in ấn bản giấy để phát hành rộng rãi cuốn sách tới các viện dưỡng lão ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sách cũng được bổ sung thêm mã QR code để thu hồi ý kiến độc giả nhằm cải thiện cuốn sách trong tương lai xa.

Mai Quỳnh Nga

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp