17:53 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3677

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 3655


Hôm nayHôm nay : 216457

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2673850

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49619348

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Đại gia đình Trống

Thứ hai - 29/03/2021 10:24


Hà Đình Hào là một trong số ít những nghệ sĩ trống được phong danh hiệu NSƯT. Ông có thời gian công tác lâu nhất ở dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Là “của hiếm” trong bộ môn trống, thế nhưng trống lại không phải là sự lựa chọn ban đầu của ông.

Ông vốn dĩ thích thổi kèn nhưng nghe theo sự “phân công” của người anh trai - nhạc sĩ, nghệ sĩ kéo đàn Accordion Hà Đình Hùng, là phải theo nghề đánh trống, bởi trong gia đình đã có hai người em trai (NSƯT Hà Đình Cường và nghệ sĩ Hà Đình Hiệp) rất mê kèn. Chính từ tình yêu gia đình, sự nhường nhịn các em mà ông đã đến với trống như một định mệnh, trở thành nghiệp của mình. Tuy là học “bắt buộc” nhưng ông lại tiếp thu khá nhanh và sớm cùng những anh em trong gia đình tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều hội diễn quan trọng.

Ba cha con NSƯT Hà Đình Hào và cháu nội chung vui trong ngày ông nhận danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Theo nghệ sĩ Hà Đình Hào thì ông được trời cho năng khiếu để đánh trống bởi truyền thống gia đình (có chú là nhạc sĩ Hà Đình Thau, tức nhạc sĩ Từ Linh) là chiếc “cầu nối” đưa ông đến với âm nhạc. Dù không theo học trống chuyên nghiệp nhưng ông đầy tự tin khi đứng trên cùng một sân khấu với những nghệ sĩ trống được đào tạo bài bản ở trong nước và quốc tế. Ông đã đáp ứng được những yêu cầu dù là khắt khe nhất của âm nhạc giao hưởng. Chính bởi vậy khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2012 với ông là một điều hết sức tự hào, hạnh phúc, là một sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của mình.

Trong cuộc đời biểu diễn trống, ông đã giành được nhiều Huy chương Vàng cho phần đệm trống trong các vở kịch múa “Kể chuyện huyền sử chiêng đồng” tại Hội thi Ca múa nhạc dân tộc năm 1992, kịch múa “Huyền thoại mẹ” tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995, kịch múa “Đất nước” tại Liên hoan Kịch múa toàn quốc lần thứ nhất năm 1997, ca khúc “Lá đỏ” do NSND Trung Đức thể hiện tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1980…

Tuy nhiên, có một “giải thưởng” mà ông luôn tự hào, hạnh phúc khi khoe với mọi người là có hai người con trai đều theo nghiệp đánh trống. Chia sẻ về điều này, ông bảo mình không hề động viên, khuyến khích các con theo nghề đánh trống bởi đó là nghề vất vả, làm việc đêm hôm, trong khi thu nhập lại không đáng là bao.

Thực ra ông hướng các con đến với ngành ngoại thương, tài chính… thế nhưng không hiểu sao họ lại cứ mê riết cái nghề đánh trống. Như trường hợp của người con lớn Hà Đình Huy đã từng được Sở Công an Hà Tây (cũ) “mời” về, cho đi học rồi sau ở lại ngành nhưng anh nhất quyết ra ngoài học để theo đuổi đam mê đánh trống.

Nghệ sĩ Hà Đình Huy đã từng là diễn viên phụ trách bộ gõ của Đoàn Ca múa Bộ đội Biên phòng và Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, là thành viên của các ban nhạc Jazz quốc tế. Cách đây 4 năm, Hà Đình Huy cùng ban nhạc Vintage Jazz của mình đã có một đêm nhạc Jazz Pháp French Vintage Jazz tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội gây tiếng vang với công chúng xa gần.

Hà Đình Huy được biết đến là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc xây dựng một phong cách Jazz rất riêng của Hà Nội với những tìm tòi, sáng tạo tạo nên lối chơi mới dựa trên nhịp trống, bộ gõ của phương Tây và những nhịp điệu sẵn có trong kho tàng âm nhạc Việt Nam. Từ những ảnh hưởng ban đầu của nhạc Jazz Pháp, anh và ban nhạc của mình đã phát triển, đưa thêm những nét tinh tế trong tinh thần âm nhạc Á Đông vào các bản nhạc, tạo nên một phong cách Jazz fusion giàu bản sắc.

Hiện nay, cùng với biểu diễn trống, anh còn tham gia dạy học tại Trường quốc tế UNIS, đồng thời anh còn sáng tác nhạc không lời và cũng giống cha là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.

NSƯT Hà Đình Hào.

Chưa dừng ở đó, tình yêu với nghề trống tiếp tục lan đến người em trai của Hà Đình Huy là Hà Huy Hoàng (nghệ danh Hoàng Kẹ). Hoàng từng theo học Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, là thành viên của ban nhạc Đồng Đội đình đám một thời nhưng khi ra trường vì đam mê biểu diễn, anh đã “đầu quân” về Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Hoạt động trong “ngôi nhà chung” với chức năng sưu tầm, bảo tồn và lưu giữ phát triển hiện đại nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc, Hoàng đã có nhiều cơ hội để phát triển năng khiếu, sở trường của bản thân. Với tinh thần ham học hỏi, giàu tính sáng tạo, Hà Huy Hoàng hiện nay cũng đã trở thành “tay” trống có chỗ đứng trong giới và cũng như người anh trai, anh đã khẳng định mình bằng những tấm Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

“Cuộc sống sau ánh đèn sân khấu trong gia đình ông như thế nào?” – tôi tò mò hỏi nghệ sĩ Hà Đình Hào thì được ông trả lời: Rất vui, rất thú vị. Bởi ba cha con có thể cùng ngồi lại với nhau để bàn luận những chuyên môn sâu về âm nhạc nói chung và biểu diễn trống nói riêng, từ đó giúp họ nhìn nhận, đối chiếu và rút ra được những phong cách biểu diễn cho riêng mình. Người cha thì kinh nghiệm hơn hẳn các con nhưng việc cập nhật kiến thức từ bên ngoài thì không thể nhanh nhạy bằng các con nên các buổi trò chuyện, trao đổi cũng là dịp để họ được học hỏi lẫn nhau trong chuyên môn, đồng thời gia tăng tình thân trong gia đình.

Còn về phần vợ của ông, nghệ sĩ Thúy Cần (từng là diễn viên, đạo diễn tại Đoàn Kịch nói Hà Tây) mặc dù than vãn, trách móc những hôm cha con đi làm về khuya nhưng vẫn không giấu được sự tự hào, hạnh phúc khi làm vợ, làm mẹ của nghệ sĩ trống.

Còn trên sân khấu, ba cha con họ cũng đã từng biểu diễn cùng nhau trong nhiều chương trình lớn mang lại sự thú vị cho khán giả. Đó là những lần biểu diễn tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia phục vụ đại biểu Việt kiều từ các nước về họp tại Việt Nam, khi ấy người cha thì đánh trống định âm, người con trai lớn Hà Đình Huy đánh trống nhạc nhẹ còn con trai thứ hai Hà Huy Hoàng lại chơi trống pecusion.

Rồi cũng nhiều lần ba cha con cùng biểu diễn ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam hay ở Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam rất thành công trong tiếng vỗ tay rào rào của khán giả. Tất nhiên khi ấy người hạnh phúc nhất vẫn là nghệ sĩ Hà Đình Hào vì các con đã thực sự trưởng thành và trở thành những người đồng nghiệp của mình.

Nghệ sĩ Hà Đình Hào cũng cho biết, hiện nay các cháu nội của mình nhìn thấy trống là cứ khua loạn lên nhưng thực tâm ông không gò ép mà để các cháu tự lựa chọn con đường đi của riêng mình.

Trong ông cũng đầy tâm tư về nghề, đó là nghề nhiều thiệt thòi như chỉ là đệm cho ca sĩ mà ít có cơ hội được solo hay phải lích kích trong việc vận chuyển nhạc cụ cồng kềnh. Nghệ sĩ trống lúc nào cũng đến sớm để lắp trống và căn chỉnh âm thanh, còn khi kết thúc chương trình thì về sau cùng.

Nếu hợp đồng chơi với ban nhạc nhỏ thì từ nhà đến điểm diễn ông thường tự đi bằng xe máy, tự khuân đồ lên sâu khấu và tự lắp, bởi thế nếu không có sức khỏe tốt thì không thể làm được. Hơn nữa trong khi biểu diễn thì không được ngơi tay, ngoài vấn đề sức khỏe còn về thần kinh vì tứ chi linh động liên tục ngược chiều nhau.

Ngô Khiêm

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp