18:08 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 5373

Máy chủ tìm kiếm : 63

Khách viếng thăm : 5310


Hôm nayHôm nay : 176439

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4668919

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51614417

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Để vang mãi tiếng cồng ngày xuân

Thứ năm - 31/12/2020 07:57

Nhịp chiêng mùa xuân

Về Kon Tum những ngày mùa xuân mới, không khó để thấy những đội cồng chiêng của nhiều lứa tuổi trong những buôn làng. Với sự tham gia của các nghệ nhân, thanh thiếu niên trong buôn làng, những bài cồng chiêng vang lên như tiếng náo nức của lòng người trước thềm xuân mới.

Vùng đất nắng gió ân tình giữa mùa xuân của những tiếng cồng chiêng trầm hùng, của tiếng đàn Tơ-rưng, Krông-put dịu ngọt, thiết tha... Ở đó còn có những tiếng chim lảnh lót giữa một màu xanh thẳm của núi rừng rất đỗi bình yên. Tiếng cồng chiêng đánh thức những cánh rừng trỗi mầm vươn dậy sau những ngày tháng ngủ vùi giữa mùa đông giá rét, thôi thúc muông thú cất tiếng gọi bạn dưới ánh nắng ấm áp mùa xuân.

Những lễ hội văn hóa cồng chiêng của các dân tộc ở Kon Tum vẫn được tổ chức tại địa phương này trong nhiều năm qua.

Với những nét độc đáo riêng trong lối trình diễn, trong từng tiết tấu, giai điệu, lúc thong thả, nhịp nhàng mà khoan thai, lúc rộn ràng, sôi nổi hòa cùng với tiếng trống khi trầm khi bổng, các nghệ nhân của đội cồng chiêng đã thổi hồn vào từng giai điệu, truyền nhiệt huyết, sức sống mạnh mẽ vào tâm hồn mỗi người con thôn làng. Không gian văn hóa cồng chiêng lúc này thực sự là món ăn tinh thần đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của người nơi đây.

Tại nhiều buôn làng của huyện Đăk Hà, vào bất cứ mỗi dịp lễ hội nào cũng không thể vắng âm thanh cồng chiêng. Từ lễ đâm trâu, lễ nước giọt, lễ mừng lúa mới, đến những ngày vui hội xuân mới... Và mỗi khi nhạc chiêng vang lên thì cũng là lúc mỗi thành viên trong làng vui vầy sum họp, là lúc cộng đồng xích lại gần nhau hơn.

Các em nhỏ khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống với tâm trạng háo hức chờ đợi thời khắc “khoe” với người lớn về kỹ năng biểu diễn cồng chiêng của mình. Buổi biểu diễn bắt đầu, hòa trong âm vang của cồng chiêng và sự reo hò cổ vũ nhiệt tình của dân làng, tôi cảm nhận được phần nào ý thức nối giữ hồn chiêng ở vùng đồng bào dân tộc nơi đây. Nhìn đôi tay của các em nhỏ gõ chiêng đều đặn, những bước chân nhịp nhàng lúc chậm rãi, lúc gấp gáp rộn ràng theo nhịp điệu cồng chiêng, những già làng cũng thấy lòng mình tràn ngập niềm vui vì ý thức nối giữ hồn chiêng của thế hệ trẻ đã được khơi dậy.

Ở Kon Tum, không gian văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát huy ở nhiều góc độ khác nhau, riêng với ngành GD ĐT, việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong nhà trường là giải pháp đã và đang phát huy hiệu quả. Hằng năm, Sở GD ĐT Kon Tum cũng đưa nội dung giáo dục bảo tồn, phát huy giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thông qua lồng ghép trong các môn học, các hoạt động giáo dục phù hợp, đặc biệt là luyện tập tham gia “Liên hoan cồng chiêng” học sinh dân tộc các cấp.

Học sinh ở các trường này trở thành lực lượng nòng cốt của các đội cồng chiêng - xoang tham gia biểu diễn tại các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa của các địa phương. Hiện nay, các cơ sở giáo dục phổ thông vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú đều có đội cồng chiêng - xoang thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các hoạt động của trường, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ của ngành.

Nghệ nhân nhí biểu diễn cồng chiêng tại cộng đồng.

Giữ cho nhịp cồng chiêng còn mãi

Từ khi được UNESCO vinh danh đến nay, công tác quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng ở Kon Tum đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa đích thực của cồng chiêng nhằm phục vụ đời sống tâm linh và đời sống văn hóa trong các lễ hội của Tây Nguyên.

Theo số liệu từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum thì trong khoảng thời gian từ năm 2007-2015, Sở đã triển khai nghiên cứu, điều tra và thống kê được 776 bộ cồng chiêng của các dân tộc Xê Đăng, Ja Rai, Ba Na, Rơ Măm trên địa bàn các huyện như Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Hà và thành phố Kon Tum. Ngoài ra, bằng nguồn vốn sự nghiệp hằng năm, bảo tàng tỉnh đã sưu tầm được 75 bộ cồng chiêng của 6 dân tộc thiểu số tại chỗ, phục vụ công tác bảo tồn và trưng bày tại bảo tàng tỉnh.

Điển hình như tại huyện Đăk Hà có 80 đội cồng chiêng xoang; trong đó có 38 đội cồng chiêng người lớn, 42 đội cồng chiêng thanh thiếu niên, một số thôn còn có đội cồng chiêng nữ; 34 thôn/47 thôn dân tộc thiểu số có đội cồng chiêng thanh thiếu niên, trong đó 100% thôn dân tộc thiểu số xã Ngọk Réo có đội cồng chiêng thanh thiếu niên.

Ngoài ra, huyện Đăk Hà tổ chức 3 lớp chỉnh chiêng cho các nghệ nhân dân gian tại các xã, mỗi lớp có 15-20 nghệ nhân tham gia; mở 1 lớp chỉnh chiêng cho 10 thanh thiếu niên tại thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà). Đến nay, hầu hết các thôn dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đều có nghệ nhân chỉnh chiêng.

Đặc biệt, có nữ Nghệ nhân ưu tú Y Khar (làng nhỏ Kon Klốc, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, Kon Tum) lâu nay vẫn duy trì được âm vang của cồng chiêng, điệu xoang, cùng tiếng Tơ-rưng, ting ning và những khúc dân ca cùng hòa vọng, lan tỏa đến mọi người. Nghệ nhân A Bying chia sẻ, theo phong tục, việc biểu diễn cồng chiêng rất ít khi được truyền dạy lại cho phụ nữ, nhất là phụ nữ đã có gia đình. Việc các phụ nữ trong các buôn làng tự nguyện cũng như cố gắng tìm hiểu, học hỏi cách đánh chiêng là điều mới mẻ và rất đáng mừng.

Ông A Kây - Phó trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Đăk Hà cho biết: “Vì đa thành phần dân tộc nên cồng chiêng ở Kon Tum cũng rất đa dạng về chủng loại. Mỗi dân tộc, mỗi nhánh có một loại tiêu biểu riêng, trong 1.916 bộ cồng chiêng ở Kon Tum gồm gần 30 loại khác nhau, đó mới chỉ tính những loại cồng chiêng cổ, tiêu biểu của các tộc người”.

Nhiều nghệ nhân ưu tú như ông A Biu ở thành phố Kon Tum vẫn ngày ngày truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho thế hệ sau.

Không chỉ tại huyện Đăk Hà, mà tại xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, Kon Tum), bà Y Kích đang cất giữ bộ cồng chiêng quý, gồm có 6 chiêng, 3 cồng được vợ chồng bà mua trước năm 1975. Biết chiêng quý, có người đến mua với giá vài chục triệu, bà nhất quyết không bán. Cũng theo bà Y Kích, để bảo tồn văn hóa dân tộc phải giữ cẩn thận những bộ cồng chiêng để đời sau khi đánh cồng chiêng nhớ về nguồn cội.

Không riêng gì bà Y Kích, những hộ gia đình khác trong làng cũng sợ bị mất những bộ chiêng cổ nên đem giấu trong rừng hoặc trong nhà đầm, nhà rẫy không dám để ở nhà. Như anh Đinh Nan (thôn 1, làng Kon Túc, xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy, Kon Tum) cũng có một bộ cồng chiêng quý gồm 11 cái, trong đó có 8 chiêng, 3 cồng được bố mẹ cho từ năm 1990. Lúc gia đình khó khăn, rất cần tiền, anh chấp nhận vay ngân hàng, vay bà con để xoay xở chứ không bao giờ bán bộ cồng chiêng mặc dù lúc đó có người trả giá 30 triệu đồng. Anh Đinh Nan cho biết bộ cồng chiêng này là của cha ông để lại cho anh qua nhiều đời, sau này anh sẽ để lại cho con, cho cháu.

Huyện Sa Thầy cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa nhất là công tác bảo tồn cồng chiêng. Theo số liệu thống kê của ngành văn hóa - thông tin huyện Sa Thầy, hiện địa phương này vẫn còn 443 bộ cồng chiêng do các thôn, làng và các hộ dân chủ sở hữu. Trong đó có nhiều bộ cồng chiêng quý trị giá hàng chục con trâu, bò theo quy đổi.

Theo ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, thì trong những năm qua, thực hiện công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng các đề án bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, đề án bảo tồn, phát huy lễ hội văn hóa truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum... Và thường niên tổ chức các hoạt động liên hoan văn hóa cồng chiêng... nhằm khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa của chính đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ.

Ông Phan Văn Hoàng cho biết, trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã khôi phục được 32 lễ hội của các dân tộc tại chỗ; tổ chức được trên 114 lớp truyền dạy cồng chiêng, truyền dạy Hơ mon (Sử thi), nghề thủ công truyền thống, cách chế tác và trình diễn một số nhạc cụ dân gian truyền thống... của các dân tộc tại chỗ.

Đặc biệt, ở nhiều làng, các nghệ nhân am hiểu về cồng chiêng đã tự nguyện truyền dạy lại cho thế hệ thanh thiếu niên nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc. Tiêu biểu như các Nghệ nhân ưu tú: A Vẻ (người Giẻ Triêng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), A Thút (người Ba Na, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy), A Thu (người Xơ Đăng, xã Đăk Trăm, huyện Đăk Tô), A Biu (người Ba Na, xã Ngọc Bay, TP Kon Tum)...

Nhờ những chủ trương đúng đắn này, mà đồng bào các dân tộc ở Kon Tum đã ý thức được việc gìn giữ những giá trị đích thực, vốn có của chính mình. Mặt khác, tính kế thừa trong truyền dạy các giá trị của cồng chiêng vẫn còn hạn chế. Số lượng nghệ nhân lớn tuổi ngày một ít đi, thế hệ trẻ lại chưa được trang bị kiến thức và kỹ năng đầy đủ ở lĩnh vực này, do vậy dần dần cách diễn tấu các bài cồng chiêng cổ và nghệ thuật chỉnh chiêng cũng mai một theo.

Tuy nhiên, việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng tại Kon Tum vẫn gặp một số khó khăn. Do hiện nay, số lượng nghệ nhân chỉnh chiêng ở Kon Tum còn rất ít, có những huyện còn lưu giữ được rất nhiều cồng chiêng nhưng lại không có nghệ nhân chỉnh chiêng, đây là một khó khăn lớn đối với công tác bảo tồn.

Mùa xuân Tây Nguyên, mùa hoa cà phê nở trắng trên khắp các triền đồi, cũng là mùa “ăn năm uống tháng” với những lễ hội truyền thống rộn rã tiếng cồng chiêng. Xuân này, hòa trong âm vang cồng chiêng rộn ràng, bà con các dân tộc ở Kon Tum đang tay trong tay nối chặt vòng xoang, sống hết mình với nghĩa tình, với sinh khí mùa xuân.

Khi ấy, tiếng cồng, tiếng chiêng như hàng ngàn sợi dây âm thanh gắn kết con người với trời đất, với cỏ cây, gắn kết cộng đồng bền chặt. Âm sắc của truyền thống vang vọng vào núi, theo dòng suối lan tỏa khắp những cánh đồng cho cây lúa tốt tươi. Và âm thanh ấy, tiếng chiêng, tiếng cồng mùa xuân ấy sẽ đi theo những người dân nơi đây suốt cả cuộc đời. Và trên khắp buôn làng Kon Tum xanh thẳm lại rộn một âm thanh đã trở thành sức mạnh, niềm tin, vang vọng bài ca đoàn kết trong dựng xây, kiến thiết.

Tiêu Dao – Minh Ngọc

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp