11:12 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1224

Máy chủ tìm kiếm : 74

Khách viếng thăm : 1150


Hôm nayHôm nay : 70159

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3497365

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55651254

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

“Gái già xì tin” Nguyễn Thu Thủy: Từ văn chương đánh đường sang biên kịch

Thứ năm - 30/07/2020 21:14


1. Khoảng giữa thập niên đầu thế kỉ XXI, thị trường sách trong nước chứng kiến cuộc đổ bộ ào ạt từ phương Bắc qua các 8X đời đầu là Vệ Tuệ, Xuân Thụ, Tào Đình v.v… Những tác giả này được dán mác “cô tổ” của văn chương ngôn tình.

Rất nhanh, nhiều cây viết trẻ Việt bị hút theo, công khai “em chọn lối này”, tạo hiệu ứng mạnh với thế hệ độc giả mới, như Trần Thu Trang, Cấn Vân Khánh, Keng, Gào…

Và cũng rất nhanh, sau ồn ào ở rìa văn chương, các tác giả ngôn tình 8X hết vốn, hạ màn, lui vào cánh gà, trao y bát lại cho ngôn tình 9X. Đúng lúc đó một 8X đời đầu khác xuất hiện, là Nguyễn Thu Thủy, với tiểu thuyết “Gái già xì tin”.

Thời điểm đó là năm 2012, cứ ngỡ “Gái già xì tin” sẽ bị lẫn vào biển cao trào ngôn tình chợ chữ lên ngôi. Nhưng không, cuốn sách ghi dấu ấn riêng với vài lần tái bản cùng rình rang xiêm y bìa mới ruột cũ. Nhưng phải đợi đến khi làn sóng ngôn tình 9X tràn qua, tôi mới dẫn “Gái già xì tin” đã qua tay nhiều người từ một hiệu sách cũ về.

Và bất ngờ. Cuốn sách kéo tôi theo đường dây câu chuyện và văn phong lôi cuốn. Với cô gái chuẩn bị bước vào tuổi “băm” bị bủa vây từ những giục giã, thở than của gia đình đến giễu cợt, mai mối của bè bạn. Giữa ma trận ồn ã đó, nữ chính vẫn giữ cho mình tinh thần lạc quan, tin vào ngày mai tươi sáng rạng ngời. Giọng văn tưng tửng hài hước, rổn rảng tiếng cười tràn từ trang trước qua trang sau.

Nhà văn Nguyễn Thu Thủy.

Tôi đọc thêm tiểu thuyết “Hotboy và vòng eo 58” và tập truyện “Mắt híp và môi cuốn lô” của Nguyễn Thu Thủy. Luôn là chuyện tình cảm giữa cô gái không quá xinh đẹp nhưng cá tính, xoay quanh là những trai đẹp, từ nước gỗ đến nước sơn. Vẫn giọng văn tươi trẻ hài hước đặc trưng. Nhưng phải nói thật, bìa các cuốn sách tôi đều không thích được. Tên ba cuốn sách tôi cũng không thích nốt. Từ tên sách đến bìa sách, nhuốm mùi thị trường, ba xu, dù nội dung xứng đáng phải sang hơn. Thật là, y phục không xưng với kì đức.

Đến giờ, truyền thông vẫn xếp sáng tác của Nguyễn Thu Thủy ngồi ở chiếu ngôn tình. Tôi thì không nghĩ vậy. Văn chương Nguyễn Thu Thủy nối dài mạch văn chương tuổi mới lớn ở miền Nam trước 1975. Ở đây, tôi thấy Nguyễn Thu Thủy gần với Dương Thụy. Nếu như Dương Thụy dắt nhân vật ra nước ngoài thì Nguyễn Thu Thủy dẫn các nhân vật đi khắp đất nước.

2. Bẵng đi một thời gian tôi không thấy Nguyễn Thu Thủy ra sách nữa. Dẫu trước đó chị đã kịp tiếp thị cả trên bìa sách và báo chí, rằng tác phẩm tiếp theo là “Chiều vàng bông cúc rối”. Rồi công việc cuốn tôi đi. Cho đến khi về làm việc tại NXB Kim Đồng, lần bơi giữa những chồng sách lưu chiểu, tôi ớ người trước cái tên Nguyễn Thu Thủy ở tập truyện trong tủ sách tuổi mới lớn, “Những lối về miền hoa”.

Té ra cuốn sách đầu tay của Nguyễn Thu Thủy ở NXB Kim Đồng, như nhiều cây viết trẻ trước và sau chị. 10 truyện ngắn trong tập truyện bằng bàn tay này như những đường - chỉ - văn minh định nên Nguyễn Thu Thủy từ sớm, thứ văn có sắc thái riêng và câu chữ, tôi tin là biên tập viên làm việc rất khỏe, ít phải can thiệp.

Cơ mà, khi tôi phát hiện ra tập truyện đầu tay của Nguyễn Thu Thủy cũng là lúc tôi thấy chị lừng lững trong tư thế mới, biên kịch phim truyền hình.

Chị kể, thuở mới lớn cả nhà mong chị thành cô giáo. Cô giáo dạy văn ở quê rồi lấy anh chồng cơm lành canh ngọt là xong. Nhưng Nguyễn Thu Thủy lắc đầu. Chị chọn Trường Khoa học Xã hội Nhân văn. Suất tuyển thẳng đại học nhờ giải học sinh giỏi Quốc gia đưa chị vào Khoa Ngữ văn.

Tôi giật mình khi biết, cầm bằng đại học, Nguyễn Thu Thủy từng về làm biên tập viên NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật. Thảnh thơi đến mức dư thời gian để học xong cao học, tham gia hai khóa học biên kịch điện ảnh, xây dựng ý tưởng phim, viết kịch bản và sản xuất phim. Sau đó chị làm biên kịch, biên tập, sản xuất chương trình cho vài công ty truyền thông trước khi yên vị ở Trung tâm Sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam.

3. Vài năm gần đây, bên cạnh một số phim chính luận được chú ý, theo tôi, chính Nguyễn Thu Thủy cùng ekip đã góp phần không nhỏ kéo khán giả trẻ trở lại với phim truyền hình. Tất nhiên thành công của mỗi bộ phim, bên cạnh kịch bản còn là diễn viên, quay phim, âm thanh ánh sáng, phục trang,… và, trên hết là đạo diễn. Nhưng không bột chẳng thể gột nên hồ. Bột chính là kịch bản.

Có thời gian dài khán giả quay lưng lại với phim truyền hình Việt. Khung giờ phim là cuộc luân phiên của phim cổ trang Trung Quốc, phim bộ Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ v.v… Phim trong nước phập phù như đèn dầu trước gió. Do quá dở. Đường dây câu chuyện chán. Diễn viên và nhân vật không “ăn” với nhau. Diễn viên lắm lời, mà thoại thì ở trên trời. Ai đời nói cứ như văn viết. Tóm lại là cái giả lộ ngay từ những câu thoại. Nên “Tránh phim chẳng xấu mặt nào”.

Nguyễn Thu Thủy cùng ekip biên kịch của chị khiến tôi nhớ về “Phía trước là bầu trời”, bộ phim về hấp dẫn các 7X, 8X gần 20 năm trước. Những người trẻ. Bước thẳng từ ngoài đời vào màn ảnh nhỏ với ngổn ngang bộn bề nhập thế, ở “Lập trình cho trái tim”, “Lời thú tội của một Eva”, “Âm tính”, “Mùa hạ yêu dấu”,… Chị gặt hái liên tiếp những thành công trong vai trò biên kịch, biên tập kịch bản. Những bộ phim quốc dân do giới trẻ phong qua con chữ của chị ngày càng nhiều, từ “Tuổi thanh xuân”, “Ngày ấy mình đã yêu”, “Quỳnh Búp Bê”, “Về nhà đi con”, “Zippo”, “Mù tạt và Em”, “Chạy trốn thanh xuân”, “Hoa hồng trên ngực trái”,… Cũng phải nói là diễn viên diễn xuất ngày càng hay, phim quay đẹp, cộng hưởng truyền thông thời công nghệ v.v… Nhưng, vẫn cứ phải là kịch bản đầu tiên.

Một số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thu Thủy.

4. Văn là người. Ngồi với Nguyễn Thu Thủy tôi nhận ra, kịch bản cũng là người. Dường như những người trẻ trong văn và trong phim của chị ánh xạ từ chị và “đồng bọn” mà ra, không chạy đâu cho thoát.

Nhìn lại khối lượng gần 40 bộ phim Nguyễn Thu Thủy viết riêng, viết chung và biên tập, tôi cảm giác khi nào chị cũng đang trong giai đoạn chạy nước rút. Phim sau gối đầu phim trước. Dự án này đè dự án kia. Chưa kể phim vừa viết vừa quay. Biên kịch nhìn ngó động thái của khán giả để mèo vờn chuột cho gây cấn. Rõ ràng phải là thần kinh thép và chịu nhiệt ghê lắm.

Vậy mà facebook Nguyễn Thu Thủy luôn hiển hiện những dòng trạng thái truyền đi cảm hứng tích cực. Ảnh đi phượt long lanh, những bài báo đẹp, những câu chuyện cười. Và thơ. Thơ chị viết trong lúc chờ trời tạnh mưa, trong cơn buồn ngủ hay giết thời gian do ai đó cho leo cây…

“Phố mềm như hơi thở/ Sau một nụ hôn dài/ Mưa mềm như khóe mắt/ Người qua cuộc trần ai - Ngày trôi xuôi ra biển/ Những mộng mị ban đầu/ Ta đi qua mất mát/ Từ độ biết buồn sâu - Người mỗi ngày mỗi khác/ Phố thêm những hẹn thề/ Ngoảnh mặt vòm hoa ấy/ Đã qua mùa phu thê”, hay “Tay lạnh thì hơ lửa/ Tim lạnh thì hơ đâu/ Cỏ một đêm sầu ướt/ Như người qua tình đầu”. Thơ của Nguyễn Thu Thủy đấy. Có lần tôi xúi, hay chị in tập thơ đi. Chị chỉ cười tít mắt khoe răng, làm ngơ.

Tôi lại thắc mắc, chị từng cộng tác nhiều với các hãng phim trong Nam, sao chị không Nam tiến như số đông? Nguyễn Thu Thủy lại cười, tự thú mình là người hổ báo trên giấy, chứ ngoài đời vẫn chưa cai được gia đình. Mà Sài Gòn thì xa quê nhà Hải Dương quá, không thể muốn thì vèo cái về làm nũng được. Té ra Nguyễn Thu Thủy, miệng luôn cổ vũ lối sống hiện đại, chân luôn hăm hở rong ruổi những cung đường mới, lại hết sức truyền thống với nếp nhà.

5. Không ít tên tuổi biên kịch, biên tập phim đình đám xuất phát từ văn chương, như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Quang Lập, Thùy Linh, Phạm Ngọc Tiến, Nguyễn Thị Thu Huệ,... Và giờ là thế hệ mới, Nguyễn Thu Thủy, Huyền Lê, Nguyễn Quỳnh, Thiên Di… từ văn chương đánh đường sang biên kịch, ngọt ngào và thạo tay.

“Tôi có hơn 10 năm làm nghề để hiểu rằng ta thành công với dự án này không có nghĩa lại tiếp tục thành công với dự án khác. Vì khán giả luôn là biến số thú vị, khó lường. Tôi chỉ sợ mình chưa nỗ lực hết sức cho dự án của mình. Còn lại, những trải nghiệm trong quá trình sáng tác, quá trình đồng hành với đời sống của bộ phim, nếm trải những vui buồn, và đón đợi phản hồi không thể lường trước của khán giả, mới là thứ men say của nghề này.”

Dường như Nguyễn Thu Thủy đang say, đang bắt đúng vỉa mạch phim truyền hình. Nhưng tôi vẫn nhớ về những cuốn sách của chị. Từ bấy đến nay đã qua biết bao buổi chiều, biết bao mùa hoa cúc, nhưng “Chiều vàng bông cúc rối” vẫn đang ngủ đông ở đâu đó.

Tôi chờ sự trở lại với văn chương của Nguyễn Thu Thủy, không chỉ “Chiều vàng bông cúc rối” mà còn những sáng tác khác nữa. Và với phim thì phi vụ điện ảnh nào đó, chứ không chỉ truyền hình. Chính sư phụ chị, nhà văn Nguyễn Quang Lập, hình như cũng kì vọng điều này, và cũng chờ, chị Thủy ạ!

Văn Thành Lê

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp