09:18 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1232

Máy chủ tìm kiếm : 39

Khách viếng thăm : 1193


Hôm nayHôm nay : 63241

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3490447

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55644336

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Hãy nói về cái nghèo

Thứ ba - 27/07/2021 19:48


Nghèo trong sương mù

Năm 2015, Ngân hàng Thế giới thực hiện một nghiên cứu táo bạo và dũng cảm công bố nó. Cơ quan này hỏi các nhân viên của mình rằng liệu họ dự đoán rằng sẽ có bao nhiêu % số người nghèo và người giàu ở 3 quốc gia nói “đồng ý” với tuyên bố dạng: “Điều gì xảy ra với tôi trong tương lai chủ yếu phụ thuộc vào tôi”.

Sự duy ý chí của số liệu

Nhân viên Ngân hàng dự đoán rằng sẽ có khoảng 20% người nghèo đồng ý với mệnh đề trên. Thực tế thì sao? Hơn 80% người nghèo đã trả lời rằng những gì xảy ra với họ trong tương lai phụ thuộc vào nỗ lực của chính họ, nhiều gấp 4 lần so với dự đoán của nhân viên Ngân hàng Thế giới và tương đương tỉ lệ nhóm giàu hơn trả lời “có”. Chúng ta có một sự thật phũ phàng ở đây: nhân viên ở một trong những cơ quan phát triển hàng đầu trên thế giới đã nhầm lẫn hoàn toàn về đối tượng trên thực tế.

Những sai lầm nhận thức này có hậu quả, ví dụ như sự thịnh hành của các chương trình “trao quyền”. Liên hệ với mệnh đề ở đầu bài thì chúng dường như chỉ có ý nghĩa nếu đa số mọi người cảm thấy rằng họ không có khả năng tự chủ với số phận của chính mình. Nếu nhân viên Ngân hàng Thế giới làm việc theo số liệu duy ý chí rằng chỉ có 20% người nghèo cảm thấy họ có quyền kiểm soát tương lai của mình thì các cơ quan viện trợ có thể có lý khi cố gắng điều hành các chương trình trao lại quyền cho họ.

Nhưng, với con số 80%, các tổ chức viện trợ có thể bỏ qua bước này để tập trung vào những thứ hữu ích hơn, như giáo dục, điện khí hóa, cung cấp nước sạch v.v... Các yếu tố này cho phép ý thức tự chủ của cá nhân phát triển đầy đủ. Và, chỉ có những khảo sát mới có thể cho bạn biết được nên hành động như thế nào.

Nhưng, ví dụ nhỏ này cho thấy một thực tế: rất thiếu các nghiên cứu định lượng về thái độ của mọi người trong các tổ chức từ thiện nói riêng lẫn thống kê nhà nước nói chung. Những dữ liệu về việc mọi người thật sự cảm thấy gì là một khoảng trống lớn.

Trong đợt bình xét hộ nghèo cuối năm ngoái, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) có 18 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Trước đó, năm 2019, cũng có 7 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây xin thoát nghèo. Đó là nơi mà theo Báo Quảng Bình mô tả thì “nằm trong top những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Minh Hóa”.

Nếu ai đó còn nghi ngờ về chuyện người nghèo mong thoát nghèo thì có thể nhìn gương cụ bà Đỗ Thị Mơ ở Thanh Hóa 2 năm liền viết đơn, đạp xe lên UBND xin thoát khỏi hộ nghèo. Năm ngoái, cụ còn ủng hộ xã 2 triệu để chống dịch COVID-19. Cụ bảo xin thoát nghèo vì lòng tự trọng. Với nhiều người, họ không nghĩ mình nghèo, dù Chính phủ bảo vậy.

Nhưng năm 2013, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định từng ngỡ ngàng khi có người phụ nữ lặn lội 10 cây số đường núi chỉ để gặp ông xin... trở lại hộ nghèo. Tính theo chuẩn nghèo thời đó là 400 ngàn/khẩu thì nhà chị không còn nghèo nữa thật. Nhưng, có một thực tế là địa phương có rất nhiều hộ thu nhập là... 410 ngàn/khẩu và thật ra nói rằng họ thoát nghèo rồi chỉ là một sự áp dụng vô cảm của các con số.

Cần những khảo sát mới

Không có thống kê nào tìm hiểu xem liệu có bao nhiêu người như họ, những người đã từ chối mình nghèo/không nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều hiện tại. Khi nêu ra ví dụ, tôi cũng không có ý định nói về chuyện đúng sai ở đây: các cơ quan, ban, ngành đã đề ra những con số chuẩn nghèo từ các công thức được cân nhắc, như là chuyện tính theo số kcal nạp vào người một ngày chẳng hạn.

Nhưng, nhắc lại chuyện Ngân hàng Thế giới để thấy rằng việc xác định xem thế nào là nghèo cần những thống kê với một bộ câu hỏi định lượng về thái độ của người dân xung quanh khái niệm ấy, rằng thống kê có thể biết được thật sự chúng ta nghĩ gì và các chính sách hay con số có thể điều chỉnh theo một “sự thật” sát sườn hơn.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê thì mức sống tối thiểu năm 2020 là 2 triệu đồng/người/tháng đối với thành thị và 1,5 triệu đồng/người/tháng với nông thôn. Con số này là cơ sở cho chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2021-2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 15-3-2021 và được cho là giúp người dân không chỉ ăn no mà phải ăn ngon hơn, chất lượng hơn, an toàn hơn, nâng chất lượng cuộc sống.

Tôi không biết cơ sở của con số này nhưng nếu bạn sống ở các đô thị và phải đi chợ hằng ngày, không biết bạn sẽ nói gì nếu “chẳng may” được khảo sát về số tiền 2 triệu cho 30 ngày này, chỉ riêng cho việc ăn uống, chưa kể các chi phí không tên khác. Hay đơn giản thôi, nếu vợ chồng bạn có con và cần một ngôi nhà tuềnh toàng ở đô thị, có lẽ bạn chẳng biết làm gì với từng ấy tiền.

Có thể là các nhà làm luật và thống kê vẫn nghĩ rằng đấy là con số hoàn hảo, theo đầy đủ các thước đo đa chiều đã được cân nhắc. Nhưng, nhiều khả năng là vẫn còn nhiều điều chưa được biết đến và các số liệu kiểu khác có thể cho chúng ta biết. Việc xác định một người như thế nào là nghèo có lẽ không chỉ còn là câu chuyện của những thống kê đơn giản mà cần những khảo sát sâu sắc hơn về việc thực sự thì người dân đang cảm thấy tình trạng của họ là như thế nào.

Còn giờ thì tôi không đủ dữ kiện để nói rằng chuẩn nghèo hiện tại là không đúng. Nhưng, có lẽ nhiều người có thể cảm thấy sai sai khi nhìn vào những con số đang dán nhãn lên chúng ta lúc này.

Phạm An

Những người ốm yếu

Trên chuyến xe muộn, người lái taxi tâm sự rằng anh vừa mua được một căn chung cư ở rìa thành phố. Dự án chưa đủ pháp lý, chưa có kế hoạch được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ). Không mấy ai dám mua, nên nó có giá rẻ “giật mình”: 1,5 tỷ đồng một căn hộ 90 mét vuông, 3 phòng ngủ cho một vị trí cách hồ Tây 5 km.

Người lái taxi, năm nay đã 43 tuổi, công chứng hợp đồng mua bán chỉ dựa trên một tờ A4 quyết định phân căn hộ cho cán bộ của chủ đầu tư. Hỏi đến môi giới ai cũng cản, thực tế mức giá cũng chứng minh tâm lý sợ hãi của thị trường và cái triển vọng “sổ đỏ” mờ mịt của dự án kỳ khôi này. Nhưng, anh nghĩ, nếu không phải pháp lý như thế thì chẳng đến lượt mình. Anh quyết mua, bởi một lý do quan trọng hơn tất cả: “Đi thuê nhà khổ quá rồi”.

Đi thuê nhà khổ. Vì đó là một chuỗi những mô thức cơ bản mà hàng triệu người Việt Nam nhập cư đô thị đều hiểu: hợp đồng chỉ ký ngắn hạn, thỉnh thoảng chủ nhà sẽ tìm cách tăng giá hoặc ngừng cho thuê để bán nhà. Bao nhiêu năm đi thuê nhà có thể là bấy nhiêu năm tìm nhà và chuyển nhà (tức là có thể đến gần 10% cuộc đời bạn dành cho việc đó). “Nhà có trẻ con, đồ đạc nó lích kích, mỗi lần chuyển khổ thực sự luôn”, anh rên rỉ.

Bạn có thể tìm thấy các dự án dành cho người liều mạng đó trên các sàn giao dịch. Và, anh lái taxi, tất nhiên không thể vay ngân hàng vì dự án không có sổ đỏ và không cách nào chứng minh thu nhập, tâm sự rằng anh đã giật gấu vá vai cách nào đó để vay họ hàng phần lớn giá trị căn hộ này.

Cứ 1.000 người sống tại TP Hồ Chí Minh thì có 200 người nhập cư. Một nửa trong số này phải đi mướn nhà.

Thực tế, có đến 43% tổng số dân nhập cư đô thị Việt Nam phải đi mướn nhà. Nhưng, tình hình đáng chú ý hơn ở các đô thị đặc biệt, vì mật độ người nhập cư cao và giá nhà cũng cao.

Nếu căn cứ vào mức lương trung bình và giá nhà trung bình tại Hà Nội, một người đi làm, nếu để dành được 50% thu nhập hằng năm thì anh ta sẽ mất 35 năm để sở hữu một căn hộ 75 mét vuông. Nếu hai vợ chồng cùng đi làm, vẫn bóp mồm bóp miệng trả nợ một nửa, họ sẽ mất khoảng 18 năm. Các con số này đều chưa tính lãi vay.

Giá nhà Việt Nam thuộc top 20 thế giới. Tỷ lệ khoản trả góp nhà trên thu nhập trung bình của Việt Nam - theo xếp hạng của Numbeo - là 223%, đứng thứ 18 toàn cầu. Tức là một người cần 2 tháng lương trung bình để trả góp một căn hộ trung bình. Tức là ngay cả thu nhập của bạn có cao gấp 4 lần mặt bằng chung của xã hội, bạn cũng vẫn phải “bóp mồm bóp miệng” mới mua được nhà sau gần 2 thập niên trả ngân hàng và đừng quá trông chờ vào việc duy trì chất lượng sống theo chuẩn thế giới. Hay nói nôm na, tỷ lệ này gọi là “đừng hòng”.

Những bài toán kiểu “đừng hòng” này thực tế rất quen thuộc với người Việt Nam. Việc sở hữu một căn hộ tại các đô thị lớn, giấc mơ an cư lạc nghiệp với dân nhập cư là mơ ước đời người, thậm chí là mơ ước duy nhất trong đời người (vì 20 năm thì cũng sắp hết tuổi lao động).

Và, đó chỉ là nơi câu chuyện bắt đầu. Hàng triệu người thậm chí không dám bắt đầu mơ giấc mơ xa xỉ này và họ phải đi thuê nhà.

Ở đây, họ bước chân vào một vùng xám của pháp luật. Gần như toàn bộ thị trường cho thuê nhà Việt Nam được vận hành bởi kinh tế hộ gia đình, cá thể - nếu có vai trò của doanh nghiệp thì cũng chỉ trong vai môi giới và nếu chủ nhà đã không thích cho thuê nữa thì ông môi giới cũng chịu. Một hạ tầng gánh chất lượng sống của hàng triệu lao động được điều chỉnh bằng các hợp đồng viết tay, thỏa thuận dân sự và các thông lệ văn hóa đề cao sự tạm bợ.

Anh lái taxi vì không chịu nổi việc phải đi thuê nhà nên đành bước lên một vùng tối khác. Ở vùng tối mới này, anh cũng chẳng được sở hữu cái nhà mình đang ở, vì có được làm sổ đỏ đâu. Nhưng, ít ra bớt được nỗi lo người ta đuổi đi bất ngờ.

Ở một thế giới khác, cũng có đến gần một nửa lao động trẻ tại Berlin không sở hữu nhà. Tỷ lệ sở hữu nhà ở nhiều quốc gia châu Âu ngày càng giảm. Nhưng, lý do thì không giống Việt Nam: ở đó đi thuê nhà khỏe re, luật pháp có khi bảo vệ được một hợp đồng thuê nhà cả thập niên, thì cứ thuê mà sống, tội gì.

Khi mà mọi thứ được vận hành bằng mấy tờ giấy thỏa thuận có tính pháp lý đáng ngờ thì ngay cả người cho thuê cũng chẳng được bảo vệ. Ai chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra với tài sản của họ. Thôi tốt nhất cứ duy trì cái văn hóa tạm bợ, tâm lý tạm bợ từ hai phía này.

WHO định nghĩa sức khỏe gồm 3 khía cạnh: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần và sức khỏe xã hội. Nếu liệt kê ra những vấn đề về chỗ ở của lao động di cư tại Việt Nam thì thấy rằng sức khỏe xã hội và có thể là cả sức khỏe tinh thần của họ chắc chắn có vấn đề. Họ là người ốm. Hàng triệu người đang ốm.

Và khi một con người trưởng thành được mặc định là phải có vấn đề về “sức khỏe xã hội”, các triệu chứng của anh ta có thể rất đa dạng. Ví dụ, anh ta sẽ phải liên tục nghĩ cách “tìm cửa gì đó” để có đôi tỷ, để thoát khỏi mức thu nhập lương thiện của mình mà đi mua nhà? Kiếm tiền nhanh trở thành một ám ảnh bệnh lý của nhiều lao động và họ có thể tìm cách vượt qua các rào cản hoang đường của nhà ở bằng những hành xử hoang đường.

Đó là một sự không lành mạnh có tính mặc định. Từ vấn đề nhà ở của hàng triệu lao động di cư, xã hội sẽ cư xử không lành mạnh một cách có quy luật.

Và, đó vẫn luôn là một vấn đề có thể điều chỉnh. Nhà nước có thể khó điều chỉnh giá nhà, vì đó là luật lệ của thị trường tự do. Nhưng, nếu tồn tại một loại giao dịch kinh tế mà ai cũng thấy khổ, không ai thấy an toàn, gần như nằm ngoài vòng điều chỉnh của pháp luật và nó ảnh hưởng lên chất lượng sống của cả chục triệu người thì đó là một bài toán cần giải.

Đức Hoàng

Đi tìm hạnh phúc chung

“Đại ca, em hỏi cái này hơi tế nhị chút. Đại ca có thể cho em mượn 500 ngàn được không. Khách sạn còn nợ lương tụi em, có hứa là ngày 7-10 tới sẽ trả, bữa đó em sẽ chuyển trả anh ạ”. Tôi nhận được tin nhắn ấy trong hộp thư Facebook của mình, từ một độc giả quen mà chưa bao giờ tôi gặp mặt, mới chỉ chuyện trò trên mạng. 500 ngàn không phải là số tiền lớn. Nhưng, ở trạng huống này, nhiều người sẽ suy nghĩ chung rằng “nhỡ nó lừa mình thì sao”. Người ta không tiếc khoản tiền. Người ta tiếc niềm tin đổ vỡ.

Tôi chẳng dư dả gì. Đã thế lại đang nằm viện điều trị sau phẫu thuật. Tôi hoàn toàn có thể tảng lờ lời nhờ vả kia. Nhưng, tôi bị ám ảnh. 20 năm trước, vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, tôi đã từng đói. Tôi hiểu cái cùng quẫn nó như thế nào khi con người ta không có chỗ dựa nào. Và tôi biết, cậu trai kia cũng là một lao động nhập cư, từ một tỉnh nghèo. Không đắn đo thêm, tôi chuyển tiền cho cậu mà không kèm theo bất kỳ nhắn nhủ nào. Cậu bé cảm ơn, xin số tài khoản để sẽ trả lại đúng ngày. Tôi lặng im. Tôi tin cậu có tự trọng nhưng tôi không muốn nhận lại khoản tiền ấy. Tôi muốn giúp cậu thôi, một chút ít.

Ảnh: L.G

Câu chuyện mới xảy với tôi khiến nỗi ám ảnh về những người lao động nhập cư nói riêng và những người lao động trẻ nói chung ở đô thị hôm nay. Sự từng trải dù chưa nhiều nhưng thời gian có lẽ cũng đủ để tôi nhận diện đời sống này khó khăn nhường nào. Điều gì sẽ chờ đợi một thanh niên mới tốt nghiệp đại học và lăn lộn mưu sinh ở các đô thị lớn hôm nay khi gia đình họ không cho họ một điểm tựa tài chính vững chắc? Tôi phải nói thẳng: họ rất khó dám mơ tới việc xây dựng một gia đình.

Người ta nói về khái niệm siêu hình là tình yêu với rất nhiều ngôn ngữ đẹp nhưng không ai có thể phủ nhận được tình yêu nào cũng ít nhất phải đi từ những manh chiếu hẹp. Bạn muốn xây dựng gia đình với một ai đó, điều đầu tiên bạn phải nghĩ tới là thu nhập của mình. Có đủ nuôi một gia đình lý tưởng tối thiểu hai vợ chồng một đứa con hay không? Rồi sẽ sống ở đâu nếu như không muốn ở nhờ bố mẹ? Tất cả các bài toán hằng tháng dồn dập kéo đến đủ khiến nhiều người trẻ cảm thấy sợ. Nhưng, bước ra ngoài xã hội, họ sẽ được nhìn nhận như thế nào? Chắc chắn, không ai gọi họ là người nghèo.

Cái bẫy “không nghèo” này mới đáng sợ. Mức chi phí, sinh hoạt ở đô thị hiện nay là đắt đỏ vô cùng so với thu nhập bình quân đầu người. Không thể phủ nhận rằng, đang có một sự cố gắng lý tưởng hóa rằng lương cơ bản đủ nuôi sống một người. Và, chính từ sự lý tưởng hóa ấy, cái chuẩn nghèo nó cũng phi lý. 2 triệu cho đô thị là bao nhiêu tiền cho một ngày? 70 ngàn đồng. Một người chạy xe ôm (không công nghệ) có thể kiếm được khoản tiền hơn thế mỗi ngày. Và không ai có thể phủ nhận rằng đa số những người chạy xe ôm đều nghèo.

Mới đây, một anh bạn kể tôi nghe chuyện ở đơn vị của anh. Các đồng nghiệp tranh cãi rất nhiều về chuyện đóng thuế thu nhập. Anh bảo: “Họ còn được tranh cãi là còn may chú ạ. Còn anh, muốn có thu nhập đủ được vào diện đóng thuế cũng khó”. Câu chuyện mở ra sâu hơn để rồi chính anh tiết lộ với tôi rằng “Nếu vợ anh mà không buôn bán, chạy chợ, lương anh chẳng đủ cữ ăn sáng cho cả nhà”.

Những người như anh bạn tôi còn may mắn có vợ tảo tần. Điều gì sẽ xảy ra nếu vợ anh cũng chỉ là một nhân viên “cà là èng” ba cọc ba đồng và một nách hai con? Họ chính là người nghèo đấy thôi. Nhưng, cái khác là họ không được coi là người nghèo theo quy định chính sách. Và, số người như họ rất đông trong mọi đô thị sầm uất của Việt Nam hôm nay. Đó là những người đứng bên rìa thực sự. Vì chí ít, nếu họ được liệt vào diện hộ nghèo, họ còn được sự lưu tâm (dù chẳng đáng là bao) của chính quyền. Trong tương quan so sánh, thậm chí họ còn bị liệt vào diện trung lưu mới nghiệt.

Chắc chắn sẽ có những lập luận kiểu “Nhưng mà họ vẫn sống đấy thôi” để bác bỏ câu chuyện những người “không-được-nghèo” hiện nay. Đúng, thời nay làm gì còn ai chết đói nữa đâu. Xã hội mở ra nhiều cơ hội để con người ta xoay xở. Nhưng, đó là cái tạm bợ không đủ để tin vào một tương lai khác, có đường hướng rõ ràng. Họ vẫn sống nhưng khổ sở. Đấy mới là một sự thật của những người rơi vào cái bẫy “không nghèo”.

Người nghèo luôn cần hỗ trợ. Cái hỗ trợ họ cần hơn cả là chính sách chứ không phải những trợ cấp đơn thuần. Nhưng, vấn đề lớn là xác định thế nào mới là nghèo đúng với tương quan so sánh tiêu chuẩn sống. Người nghèo ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng chắc chắn sẽ khác với người nghèo ở các tỉnh lỵ khác. Mỗi địa phương có một mức sống riêng và việc áp một cái chuẩn toàn quốc cho các địa phương có hoàn cảnh kinh tế xã hội khác biệt nhau bản thân đã là khiên cưỡng rồi.

Và trong cái lõi cơ bản của việc xác lập thế nào là tầng lớp nghèo, chính sách lương cần được xem xét lại. Một cử nhân ra trường nhận lương hệ số, phụ cấp mà chỉ tròm trèm 3 triệu thì anh ta chắc chắn sẽ không làm được gì nên hồn. Đơn giản, khi trong đầu quanh đi quẩn lại chỉ nghĩ đến sinh tồn, con người ta khó lòng nói đến những thứ to tát như sáng tạo, phát triển, nghiên cứu v.v...

Muốn quan tâm đến người nghèo, phải quan tâm đến sự nghèo trước đã. Và chừng nào mà những người nghèo thực tế nhưng lại không được coi là nghèo theo quy định chính sách vẫn còn chiếm đa số, sự quan tâm có thể coi là chưa tồn tại.

Bây giờ, điều tôi băn khoăn duy nhất chỉ là khoản tiền đã gửi cho cậu bé kia. Giữa TP Hồ Chí Minh, 500 ngàn, nó cầm cự được mấy ngày?

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp