13:36 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3501

Máy chủ tìm kiếm : 25

Khách viếng thăm : 3476


Hôm nayHôm nay : 170867

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2628260

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49573758

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Họ đỗ làng An Phú

Thứ hai - 14/09/2020 08:13


"Có người ở Chúc ra chơi", câu gọi với lên trên gác của vợ tôi là nói về anh trưởng Toàn. Về tuổi tác thì tôi và anh trưởng Toàn là đồng niên, nhưng trong họ thì anh trưởng Toàn phải gọi tôi là "chú". Bởi thế khi tôi bước xuống đến bậc cầu thang đủ để người ngồi ở dưới tầng một nhận diện người trên gác bước xuống thì anh trưởng Toàn đã vội đứng dậy.

"Con chào ông trẻ ạ".

"Bác Toàn... cứ thưa gửi như vậy…. làm mất đi tình thân".

Tôi nói bằng kiểu như ra vẻ giận, chính là để anh trưởng Toàn thấy thoải mái.

"Không được ạ. Cháu con muôn đời vẫn cứ là cháu con ạ. Con tuy ngang tuổi ông trẻ nhưng không thể vì thế mà cá mè một lứa được ạ. Dạ, thưa ông trẻ Tâm ạ. Hôm nay con tới để thỉnh với ông trẻ một chuyện sắp tới đây của họ nhà mình ạ".

"Đây với Chúc cách nhau hai chục cây số... có gì thì cứ a lô".

"Không được ạ, ông trẻ thương cháu con thì ông trẻ bỏ qua chứ người trong họ dứt khoát không tha ạ".

"Việc gì bác nói tôi xem nào".

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Nét mặt anh trưởng Toàn giãn ra, sự giãn ra đã vẽ lên gương mặt trịnh trọng ấy một tư thế mới.

"Ông trẻ còn nhớ ông Tròn không ạ. Ấy chết, con xin lỗi ạ, ông trẻ còn nhớ cụ Tròn không ạ".

*

Trong trí nhớ của tôi thì ông Tròn là một người rất "đặc biệt". Người thấp, vai bè, lưng dày, da ngăm ngăm. Ông Tròn hiện diện ở làng An Phú, một cái làng nhỏ nằm kề phố thị Chúc Sơn. Quê tôi là vùng bán sơn địa nên chuyện nước nôi cũng nan giải. Nhà nào có đám thì cực nhất là khâu nước dùng. Ông Tròn xuất hiện và là người "giải quyết" cho khâu nan giải đó một cách tự nguyện. Không xin xỏ, không mặc cả, không đòi thêm hay bớt, ông Tròn hì hụi gánh nước và đến đúng bữa làm đủ năm bát cơm chan canh là trở về nơi chốn của mình.

*

"Thưa ông trẻ, cụ Tròn ấy đích thị là người họ Đỗ nhà mình đấy ạ".

Anh trưởng Toàn hơi vươn đầu về phía tôi, giọng thầm thì.

"Chuyện quan trọng này, thưa với ông trẻ là con cũng mới chỉ biết có ba hôm nay. May quá ông trẻ ạ".

Anh trưởng Toàn nói vẻ quan trọng làm tôi phải chú ý. Không biết việc gì mà "may quá"? mà chuyện này sao lại dính dáng tới ông Tròn kia?

"Thời trước nó vậy ạ".

Anh trưởng Toàn bỗng trầm ngâm, đầu cui cúi, giọng bùi ngùi. Tôi chột dạ. Không biết chuyện gì nữa đây? Mới sáng ra anh trưởng Toàn tới nhà? Anh tới nhà và mở đầu cho một ngày mới bằng một câu chuyện không ra ngô và chả ra khoai.

"Cái thời trước cứ phải che phải giấu ông trẻ ạ. Ai ai cũng sợ liên lụy, sợ vạ lây thành thử nhiều chuyện chẳng truyền cho ai hay. Nay biết rồi nếu không nói ra thì mắc lỗi với họ hàng tổ tông ạ".

Anh trưởng Toàn thong thả diễn đạt bằng giọng bùi ngùi cùng điệu bộ ngậm ngùi. Câu chuyện khiến tôi thấy nóng khắp lưng, tôi nhìn sâu vào mắt anh trưởng Toàn và nói.

"Bác cứ loanh quanh. Chuyện hệ trọng hay giản đơn cũng phải nói ra mới tìm cách tháo gỡ được chứ".

"Ông trẻ chắc còn nhớ cụ chi thứ ba họ nhà mình chứ ạ?".

Anh trưởng Toàn hỏi mà giọng run run, thái độ run run làm tôi cũng thấy hồi hộp. Tôi hỏi, giọng dè dặt.

"Cụ….cụ Báu chứ gì? Chi ấy lâu rồi họ nhà mình có nhắc đến nữa đâu. Hồi cha tôi còn sống đã mấy lần ông cụ ứ hự định bảo tôi rồi lại thôi. Cha tôi nói: Họ nhà mình có ba chi nhẽ ra chắc như kiềng ba chân ấy. Nay một chi bị gãy thành ra chân kiềng cũng lung lay. Cha tôi buồn lắm".

"Vâng đúng thế đấy ông trẻ ạ".

*

Trong trí nhớ của tôi thì ba chi của họ nhà tôi thì chi út đúng là lâu rồi không ai nhắc tới. Chuyện dài lắm, và chuyện khó nói lắm. Cụ út trong dòng tộc và là trưởng của chi thứ ba tên là Đỗ Quý Báu. Đó là một câu chuyện "phải biết giữ mồm giữ miệng" mà cha tôi kể cho tôi nghe hồi tôi còn bé tí.

Cụ Báu thấp đậm chứ không cao gày như hai cụ trưởng của hai chi trên chi thứ ba. Nhưng bù lại thì cụ Báu lại là một người có đầu óc. Cụ Báu ít hơn hai người anh của mình những hai chục tuổi.

Cha tôi bảo: Các cụ cách nhau vậy bởi qua sáu cụ con gái mới tới cụ Báu. Các anh cụ Báu lấy vợ sinh con và chi chút làm ăn kiểu nhà quê nhưng cụ Báu thì khác. Hồi hai mươi tuổi cụ Báu rời làng ra Hà Đông rồi lên Hà Nội theo học nghề tây. Cụ Báu học nghề gì thì chẳng ai biết nhưng hơn chục năm sau cụ mới về lại làng. Cụ Báu mở túi tiền ra cho hai người anh của mình nhìn rồi đậy lại. Hai người anh của cụ Báu hãi xanh mắt, họ ngỡ người em út đã làm chuyện gì dại dột ngoài Hà Nội.

Hóa ra không phải thế. Cụ Báu đúng là lên Hà Nội học nghề thật. Cụ theo người đi học nghề buôn vải. Thời trước cách mạng vải vóc may đồ kiểu tây cho cánh đàn ông hay may áo tân thời cho cánh đàn bà lên ngôi nên hàng hóa cứ tuồn tuột thu về tiền lãi. Nhẽ ra cụ Báu cứ ở trên Hà Nội mà buôn vải thì mọi chuyện chắc đã khác. Đằng này khi đã gom được một khoản tiền, cụ bỏ nghề buôn vải, bán nhà trên Hà Nội, về quê một mạch không quay ra nữa.

Phương trưởng thì về quê cho bõ mặt, cụ dẫn về theo một người phụ nữ tuổi sêm sêm cụ nhưng nét óng ả thời son trẻ vẫn đọng lại, cụ nói đấy là vợ mình. Cụ Báu sẵn tiền nên mua nhiều ruộng. Cụ mua ruộng và thuê người làm chứ cụ với người vợ lo làm "hàng xáo", nên nói làm ruộng mà hai cụ có lấm lem bùn đất chút nào đâu.

"Bác Toàn chắc nhớ? Hồi cải cách cụ Báu bị quy thành phần bóc lột. Cụ bị nêu đích danh là địa chủ".

"Con nhớ chứ ông trẻ, hồi bé con với ông trẻ ngày nào mà chẳng mò ăn trộm quả trong vườn nhà cụ Báu. Hì hì... Cái vườn hồi ý mỗi khi vào cứ sợ run lên".

"Nó thành vườn hoang từ sau khi cụ Báu bị "đội" đem đi xử bắn. Tôi nghe cha tôi kể lại đúng một lần".

"Dạ. Con nghe thày con cũng kể đúng một lần ạ. Khiếp …".

Anh trưởng Toàn kiểu như thấy lỡ lời nên im bặt. Tôi cũng im nhưng là cái im lặng cố hình dung chuyện ngày xưa.

"Ông trẻ ơi"

Anh trưởng Toàn run run gọi khe khẽ. Nét mặt lại không biểu lộ sợ hãi hay ngại ngùng.

"Ông trẻ ơi. Đúng là đời có lúc ạ".

"Giờ nói lại sao được nữa. Chuyện cải cách xong rất lâu rồi, người cũng đã mất lâu rồi, những gì quá tả thì Đảng và Nhà nước cũng đã sửa sai rồi, nhắc lại làm gì những chuyện buồn ấy nữa. Nhờ Đảng và Nhà nước ta, cuộc sống của người dân hôm nay đã đổi khác nhiều rồi, hạnh phúc, ấm no và giàu đẹp hơn rồi"

"Vâng, mừng về ông Tròn thôi ạ".

"Ông Tròn? liên quan gì đến cụ Báu mà mừng? Bác Toàn đừng hồ đồ mà hối không kịp. May là bác hôm nay lên nói chuyện với tôi trước, chứ bác nói ở Chúc rồi thì coi như xong".

"Không hề thưa ông trẻ ạ".

Cái mặt của anh Toàn mới thấy khó coi làm sao. Nói chuyện buồn chuyện xưa nay phải giấu kín mà lại hơn hớn. Tôi hơi nghiêm mặt cảnh cáo. Anh Toàn vẫn một giọng bùi ngùi. Tôi nhớ lại cụ Báu dạo ấy vườn rộng, ruộng nhiều, tiền lắm mà chẳng có một mối nối dõi. Sau khi cụ Báu bị "đội" đem xử bắn thì cụ bà cũng trốn đi đâu biệt tăm. Cũng từ đó họ nhà tôi ở Chúc "tự nhiên" quên chuyện họ nhà mình có ba chi.

"Bác Toàn nói kỹ xem nào. Ông Tròn là thế nào?".

"Thưa ông trẻ ạ. Gần đây con mới rõ ạ. Thế ông trẻ còn nhớ ông Tròn về quê mình thế nào không".

"Nhớ chứ.... Ông Tròn…. nhưng quan tâm đến làm gì?".

"Để con nói ông trẻ rõ ạ! Nó là thế này ạ! Thời còn buôn vải ngoài Hà Nội cụ Báu với bà vợ chính thức mãi không sinh con, nghe như lỗi tại cụ bà ạ. Cụ bà là do cụ Báu gặp gỡ trong một lần đi buôn chuyến dưới Hải Phòng ạ. Cụ bà khi ấy là con hát ạ, chẳng biết thế nào mà cụ Báu nhà mình "phải lòng" mới chết chứ. Cụ mê mệt đến nỗi, nổi hứng lên bỏ đống tiền ra chuộc cụ bà ra khỏi tiệm cô đầu. Hai người gá nghĩa làm chồng vợ nhưng sinh con thì không ạ, nhưng cụ Báu đâu có chịu. Cụ vẫn ham đi hát và cũng hám cái món kia lắm ạ. Một cô đầu trẻ trong ngõ chợ Khâm Thiên, hì... hì bị cụ Báu làm cho có chửa ạ. Cô đầu ấy sinh con thì cụ Báu sai vợ đến xin đứa con ấy về nhận làm con nuôi ạ".

"Thế người "con nuôi" đó đâu? Hiện nay sống ở đâu? Bác mới tìm được à?".

"Mãi hôm rồi khi dọn đống giấy tờ để chuẩn bị làm lại cuốn gia phả họ Đỗ nhà mình như ý chỉ đạo của ông trẻ hôm giỗ họ đầu năm. Thưa ông trẻ con mới tìm được ạ. Ông trẻ ơi! Thày con chu tất lắm. Thế mà ngày trước chỉ nghe nói thày con tuy là trưởng tộc nhưng chểnh mảng việc họ ạ. Ông trẻ ạ! Mừng lắm".

Câu nói của anh trưởng Toàn đủ để tôi nghĩ suy. Thì ra bác trưởng Nguyên, bố của anh trưởng Toàn đã thầm kín làm mà không cho ai biết. Cũng tại bởi cái chuyện "địa chủ" của cụ Báu mà phải tránh. Trong nhà hay trong họ có người thuộc thành phần cường hào ác bá nếu không giấu được thì thôi chứ ai dại gì mà đem ra cho thiên hạ người ta chửi cho; đem ra cho "ố" lý lịch, cho ảnh hưởng đến "tương lai" của mình.

"Thế thày bác Toàn đã viết sao?".

"Ông Tròn không ngờ lại chính là người "con nuôi" của cụ Báu năm nào ạ. Vâng ạ, chính thày con đã được cụ Báu bí mật cho hay trong cái đêm mà thày con lẻn sát buồng giam cụ Báu để trao lời tiễn biệt sống với cụ Báu. Cụ Báu đã kịp nói chuyện riêng của mình, vậy nên thày con đã âm thầm lên Hà Nội sau cái hôm Mỹ ném bom ra Hà Nội. Thày tìm bằng được ông Tròn. Thì ra ngày về quê làm ruộng cụ Báu chỉ cho người "con nuôi" về quê vài ba năm rồi lại cho người "con nuôi" đó lên Hà Nội. Thế là họ quên và làng chẳng nhớ. Rồi chiến tranh loạn lạc ạ. Rồi chuyện cụ Báu mất ạ. Chính người "con nuôi" của cụ Báu cũng không dám hoài hương. Dạ. Hồi đó ông Tròn làm chân bảo vệ ở Bộ Công nghiệp nặng. Thày con gặp và được biết người "con nuôi" này biết chuyện cha mình nên tuyệt nhiên không lộ mặt. Lộ mặt chắc họ nhà mình đâu tồn được đến bây giờ?".

"Rồi sao nữa? Bác nói nhanh lên".

"Thày con đã viết trong bản gia phả cũ như thế này. "Người con trưởng của chi thứ ba tức chi cụ Đỗ Quý Báu có tên là Đỗ Quý Đồng. Tôi là Đỗ Mạnh Nguyên tuân lời cha ông tìm người tên là Đỗ Quý Đồng, khuyên về quê lánh bom đạn Mỹ mà giữ giống nòi. Người đó dân làng An Phú gọi là "ông Tròn". Tôi viết lại đây để dòng họ Đỗ khi nào thấy thuận thì công bố cho toàn họ biết. Họ Đỗ làng An Phú cả ba chi đều có con trai nối dõi. Dòng họ Đỗ sẽ mãi phương trưởng". Đấy ạ, thày con đã viết như thế, ông trẻ xem còn phân vân nữa không?".

Im lặng bao trùm. Đĩa thịt gà đồi Lương Sơn mà anh trưởng Toàn mang theo dường như chưa ai động đũa. Chai rượu thì vơi đi hơn nửa, rượu ngấm sâu vào trong gan ruột khiến tâm trạng tôi thấy nôn nao.

"Coi như họ nhà ta đã tìm được cụ Đồng tức "ông Tròn". Nhưng bác Toàn vừa nói là chính thày bác đã viết "dòng họ Đỗ mãi có người nối dõi". Ông Tròn chết đã lâu... À tôi nhớ ra rồi.... Nhưng….".

*

Trong trí nhớ của tôi thì ông Tròn là một người rất "lạ lùng". Ông Tròn sống một mình, chẳng hay tung tích, không rõ tuổi tác. Và sống thui thủi như một cái bóng cho đến một hôm. Quãng đâu như sau ba năm kể từ ngày ông Tròn về làng. Đó là một buổi sáng đầu đông, rét tê tê, từng cơn gió thổi u u nghe buốt lạnh. Lũ trẻ con chúng tôi đã thôi chơi trò búng bi. Chúng tôi chơi đá bóng ngoài mảnh ruộng mới gặt xong, gốc rạ đâm vào gan bàn chân tóe máu.

Chính vì chân bị tóe máu nên tôi mới ngồi bờ cúi mặt sít soa. Bất chợt có tiếng người dậm dịch đi tới. Ông Tròn đi đứng khệ nệ còn khệ nệ hơn người đàn bà bụng chửa to đùng đi đằng sau. Tôi há hốc mồm kinh ngạc. Xưa nay có nghe ai nói ông Tròn có vợ có con đâu, nhưng rõ rành rành kia kìa. Ông Tròn đi trước, người đàn bà bụng chửa đi sau. Sau nữa là một thằng bé chừng ba tuổi vừa đi vừa nhỏ mũi rãi.

"Ông Tròn đưa gái về làng! Ông Tròn đưa gái về làng chúng mày ơi!".

Tôi hét lên rất to, to đến không thể to hơn được nữa. Tiếng hét của tôi làm bộ mặt ông Tròn thuỗn đần, xấu hổ. Một tay xua xua, một tay khều khều về phía sau, ông Tròn nhắc người đàn bàn bụng chửa đi ngang mình. Người đàn bà chửa kia vẻ mặt vô cùng hoảng sợ, da mặt tái mét, toàn thân run lập cập nép sát người ông Tròn lúc đi ngang chỗ chúng tôi.

"Ông trẻ vẫn nhớ chuyện, chứ con không nhớ tẹo nào ạ".

Anh trưởng Toàn thú nhận thật thà. Miệng chai rượu lại nghiêng xuống hai cái chén. Rượu quê có khác, uống vào miệng cứ mềm thun thút.

"Nhưng con nhớ thằng bé đó, ông con mình cứ gọi nó là thằng cu Đen ạ. Hì hì, nó kém mình đến chục tuổi ấy, nó đen còn hơn ông Tròn ạ".

"Làng cũng lạ, ông Tròn vơ bèo gạt tép đâu được cái bà bụng chửa cùng thằng con chẳng ma nào biết ở đâu ra, vậy mà làng cũng đồng ý cho ở lại với ông Tròn".

Thực ra hồi đó cả nước hướng về công cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam nên chẳng ai đoái hoài chuyện tự dưng mọc ở đâu ra mẹ con người đàn bà chửa. Tôi nhớ người làng tôi bỏ qua chuyện đó còn ở nghĩa khác. Đâu như ông Tròn dắt người đàn bà chửa về tới chỗ chái chùa thì người đàn bà ấy lên cơn đau đẻ. Khốn cho ông Tròn, cả đời hình như chưa biết mùi đàn bà nay lại phải làm cái việc đi lo gái đẻ. Ông Tròn loay hoay, lúng túng mãi cuối cùng đành phải gọi toáng lên.

"Người đàn bà ấy chết ngay sau khi sinh. Chết rồi mà ông Tròn còn chưa biết tên là gì, hỏi thằng bé con thì nó chỉ nói tên là U".

Tôi hơi nghèn nghẹn. Câu chuyện làm tôi chợt thấy xúc động cay xè mắt... Những hơn bốn mươi lăm năm rồi còn gì.

"Nhưng mà chuyện này có liên quan gì đến chuyện mình đang nói?".

"Quá liên quan ấy chứ ạ, chuyện ông Tròn ấy, ông trẻ còn nhớ đã như thế nào không?".

"Bác nói đi".

"Thấy ông Tròn bỗng dưng trở thành cha của thằng bé kia cùng với đứa con gái vừa sinh khiến làng động lòng mà bỏ qua. Người ở đời biết trọng cái tình cái nghĩa, đến như ông Tròn còn cưu mang được nữa là làng này không chấp nhận cho hai đứa trẻ thành người làng".

"Biết! Chuyện ấy ai chả biết. Hồi xưa tôi với bác hay lấy vụng cơm nhà cho hai anh em thằng cu Đen ăn".

"Hì hì... Không ngờ thời buổi khó khăn là thế mà ông Tròn lại nuôi được và nuôi hai đứa ấy nên người".

Tôi im lặng để theo đuổi những tình cảm tốt đẹp dành cho ông Tròn. Một người đàn ông "đặc biệt" và "lạ lùng" nhất trong số những người đàn ông mà tôi đã gặp và đã biết. Anh trưởng Toàn im lặng chắc là để lựa câu nói tiếp theo.

"Không có công sinh nhưng công dưỡng dục ạ. Công dưỡng dục còn cao hơn núi đấy ạ, thưa ông trẻ. Chắc ông trẻ đã rõ, ông Tròn tức là cụ Đỗ Quý Đồng".

"Tôi tin chắc rồi".

"Thế ông trẻ có biết người có tên là Đỗ Quý Dũng là ai không ạ? đây mới là chuyện mà con sáng nay lên Hà Nội để báo cáo với ông trẻ đấy ạ".

"Ai?".

"Chính là thằng cu Đen ngày trước đấy ạ. Hì! Ông trẻ xa làng lâu nên quên nhiều người ạ. Mừng quá ông trẻ ơi, làng mình đã từng chấp nhận anh em thằng cu Đen làm người làng. Ông Tròn từng nuôi hai đứa như con, vậy lẽ nào họ Đỗ nhà ta lại không coi đấy là ruột thịt được ạ. Ông trẻ Đỗ Quý Dũng là người họ Đỗ nhà mình ạ. Họ Đỗ nhà mình ngẩng mặt lên được rồi. Họ Đỗ nhà mình đến thì vinh hoa rồi ạ. Đất Chúc quê ta xưa là nơi Đức Lê Lợi đánh trận Chúc Động - Tốt Động nay đã có người làm tướng rồi ạ. Tướng thực sự ạ".

"Bác nói hào hứng quá, nhưng rõ ràng nữa đi".

"Ông trẻ bỏ quá cho ạ, con mừng quá nên tìm lên đây để thưa với ông trẻ ạ. Ông trẻ Đỗ Quý Dũng mới được thăng hàm Thiếu tướng ạ. Con tính họ nhà mình nhân chuyện vui này đón ông trẻ Đỗ Quý Dũng về làng. Vinh quy thì bái tổ chẳng ai trách được ạ. Và nhân đó họ Đỗ nhà mình làm mâm cơm cúng tổ cúng tiên, cúng cụ Đỗ Quý Báu. Khổ thân cụ Báu cụ từ khi mất đến giờ chưa một lần hương khói".

Anh trưởng Toàn mếu máo nói lẫn trong tiếng cười nghẹn ngào. Tôi cay mũi lây theo tiếng khóc của anh trưởng Toàn.

"Ông trẻ là nhà báo, ông ăn nhiều cơm thiên hạ, ông trẻ có thấy họ nhà nào khổ và nhụt khí như họ Đỗ nhà mình không?".

"Bác bình tĩnh, chuyện đúng như vậy à?".

"Dạ chắc chắn ạ, ông trẻ là nhà báo nên việc này ông trẻ chắc thạo ạ. Ý con muốn nói là chuyện họ nhà mình công bố ấy".

"Còn công bố gì nữa?".

"Công bố họ Đỗ nhà mình từ giờ đã có đủ ba chi ạ".

Tôi gật đầu.

Sống mũi cay xè.

Những cảm xúc tiền nhân cứ dội lên trong ngực tôi nhoi nhói. Tôi nâng chén trà nóng, qua làn khói mỏng mảnh ngan ngát thơm, tôi như thấy cụ Báu mỉm cười ở trước mặt tôi.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp