22:13 EDT Thứ hai, 18/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3926

Máy chủ tìm kiếm : 15

Khách viếng thăm : 3911


Hôm nayHôm nay : 264790

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2576544

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49522042

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Hong Kong thuở ấy

Chủ nhật - 03/01/2021 20:22

Từ Nam Kinh đến Bắc Kinh

Và ngày 19-12-1984, tại Đại lễ đường Nhân dân nước CHDCND Trung Hoa, Bắc Kinh, khi Thủ tướng Anh lúc đó - bà Margaret Thatcher - cùng Thủ tướng Trung Quốc Zhao Ziyang (Triệu Tử Dương) đặt bút ấn định ngày Hong Kong được trao trả cho Trung Quốc (1-7-1997), một trang lịch sử tưởng chừng như đã lật qua - trang sử của những tháng ngày thuộc địa.

Song, hoàn toàn không phải như vậy. Những vết hằn của 156 năm ấy vẫn đã và đang khiến Hong Kong trở thành một điểm nóng sôi sục trong lòng Trung Quốc cho đến tận thời điểm hiện tại, dù Bắc Kinh đã nhân nhượng (trên lý thuyết) chấp nhận để Hong Kong là đặc khu duy nhất được hưởng quy chế: "Một quốc gia, hai chế độ" (One country, two systems), trên toàn lãnh thổ mênh mông của mình.

Cho đến những năm 1800, Hong Kong vẫn chỉ là một hòn đảo dưới sự cai trị của nhà Thanh, với một cộng đồng ngư dân nhỏ sinh sống. Các thương nhân người Anh đến buôn bán thuốc phiện nhập lậu từ Ấn Độ để đổi lấy các mặt hàng Trung Hoa như trà, lụa và đồ sứ, từ đó tạo tiền đề cho những cuộc tranh chấp thương mại dằng dai và căng thẳng. Thuốc phiện trở thành một vấn đế nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Đến năm 1839, Trung Quốc có khoảng 10 triệu người hút thuốc phiện và hơn 2 triệu người nghiện.

Bởi vậy, triều đình Mãn Thanh tìm cách ngăn chặn việc buôn bán thuốc phiện của Anh bằng những phương thức cứng rắn nhất, được thực hiện bởi một cái tên tiêu biểu là Lâm Tắc Từ. Ông đốt cháy những kho hàng thuốc phiện, bắt giữ và trừng phạt bọn buôn lậu. Lợi ích bị xâm phạm, Anh đáp trả bằng cách đưa ra tối hậu thư. Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất nổ ra. Nhà Thanh thương vong 20.000 người, còn phía Anh chỉ mất 520 lính. Sau thất bại toàn diện năm 1839 đó, Thanh triều không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chấp nhận ký vào Hiệp ước Nam Kinh - hiệp ước đầu tiên trong ba hiệp ước bất bình đẳng, tồi tệ và nhục nhã mà Trung Quốc phải ký với Đế quốc Anh.

Theo Hiệp ước Nam Kinh, từ ngày 1-1-1842, Trung Quốc phải nhượng lại Hong Kong vĩnh viễn cho nước Anh. Với tầm nhìn vượt trội của đế quốc thực dân hùng mạnh nhất thế giới thời đó, Luân Đôn gấp rút xúc tiến xây dựng Hong Kong thành một thành phố hiện đại, chỉ một năm sau đó.

Lễ ký kết thỏa thuận trao trả Hong Kong ngày 19-12-1984.

Từ năm 1856 đến năm 1860, Chiến tranh nha phiến lần thứ hai lại nổ ra, giữa một bên là liên quân Anh - Pháp, và bên kia là triều đình nhà Thanh. Đây được xem là cuộc chiến tiếp nối cuộc Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, khi các cam kết của nhà Thanh không được đảm bảo trên thực tế. Cũng như nước Mỹ hiện đại thời tổng thống Donald Trump ở khá nhiều mối quan hệ, nước Anh không hài lòng, và đòi hỏi nhà Thanh tái đàm phán để ký kết lại hiệp ước Nam Kinh, nhằm củng cố và mở rộng quyền lợi của mình.

Họ yêu cầu quy chế tối huệ quốc. Họ muốn được mở cửa toàn bộ thị trường Trung Quốc cho các công ty thương mại của Anh, hợp pháp hóa việc buôn bán thuốc phiện, miễn thuế nhập khẩu nước ngoài, ngăn chặn cướp biển, thiết lập các quy định về buôn bán nô lệ, cho phép một đại sứ Anh cư trú tại Bắc Kinh, và đòi hỏi phiên bản tiếng Anh của tất cả các hiệp ước được ưu tiên hơn tiếng Trung Quốc.

"Sự kiện tàu Arrow" được dựng lên, như một cái cớ để chiến tranh bùng nổ. Nước Pháp nhanh chóng quyết định tham gia với Anh, hòng chia phần lợi ích, và sau đó cả Nga lẫn Mỹ cũng tỏ ý ủng hộ. Mất bốn năm chinh chiến, liên quân phương Tây tiến chiếm được đô thành Bắc Kinh, đuổi vua Hàm Phong của Thanh triều phải bôn tẩu, ép Cung Thân Vương ký xác nhận Hiệp ước Thiên Tân năm 1858, đồng thời cúi đầu ký Điều ước Bắc Kinh (18-10-1860), với vô vàn tủi hận khác.

Với điều ước đó, Đế quốc Anh không chỉ tái xác nhận quyền sở hữu Hong Kong vĩnh viễn, mà còn mua thêm cả phần bán đảo Cửu Long, cũng như vài hòn đảo khác.

Hong Kong những ngày đầu mới thuộc về Anh, sau Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất .

Từ xóm chài đến "con rồng châu Á"

Thất bại toàn diện và những điều khoản nghiệt ngã mà Thanh triều phải chịu đựng đã hoàn toàn bóp nát những ý niệm về "tính Hoa hạ" của Hồng Kông từ ngày đó. Cho đến sau này, kể cả khi Quốc - Cộng phân tranh hay chiến tranh kháng Nhật, tâm trạng ấy vẫn không có gì thay đổi. Xuyên qua những dâu bể, Hong Kong luôn được định vị là một lãnh thổ hải ngoại quan trọng bậc nhất của đế chế Anh, chứ không phải một phần lãnh thổ của Trung Quốc, đối với cộng đồng quốc tế.

Ngược lại, khả năng hoạch định phát triển theo kiểu phương Tây cũng mang đến cho Hong Kong những niềm kiêu hãnh riêng, và hơn thế, những lợi ích thiết thực rất khó có thể hiện hữu, nếu vùng lãnh thổ ấy không hoàn toàn tách biệt với Trung Hoa đại lục. Một trong số đó dĩ nhiên là vai trò cửa ngõ thông thương của thế giới vào Trung Quốc.

Nhưng trước đấy cả thế kỷ, Hong Kong đã là một trong những thương cảng thịnh vượng nhất thế giới. Làn sóng di cư ồ ạt từ Trung Hoa đại lục sang Hong Kong bắt đầu từ năm 1898. Thương mại quốc tế, trường học, ngân hàng và doanh nghiệp theo kiểu Tây phương liên tục được xây dựng, định hình và phát triển. Hong Kong trở thành một cảng tự do, một trung tâm xuất nhập khẩu của đế quốc Anh.

Một đô thị Anh giữa lòng Đông Á.

Đến năm 1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc toàn thắng, đuổi Quốc dân đảng lưu vong sang Đài Loan, Hong Kong nhận được một cơ hội phát triển vượt bậc nữa, khi thu nhận được một nguồn nhân lực tăng vọt từ những dòng người tìm chốn nương thân. Trong thập niên 1950, ngành dệt và chế tạo phát triển chóng mặt nhờ sự gia tăng dân số và giá nhân công thấp. Với tốc độ công nghiệp hóa nhanh, nền kinh tế của Hong Kong được thúc đẩy nhờ xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mức sống tăng ổn định song song với tăng trưởng công nghiệp. Nhưng, tình trạng bất ổn cũng gia tăng do bất bình đẳng thu nhập và điều kiện làm việc thấp của phần đông dân số.

Vấn đề là, nhà cầm quyền Hong Kong biết cách điều chỉnh để xoa dịu những mâu thuẫn ấy. Họ tiến hành cải cách xã hội đầy mạnh mẽ, giải quyết nạn tham nhũng và tăng cường cơ hội tiếp cận giáo dục. Sự bất ổn trở thành động lực để gắn kết một xã hội đa văn hóa. Rồi sau đó, Hong Kong bứt vọt thành một trong "những con rồng châu Á", bên cạnh Nhật Bản, Đài Loan, Singapore và Hàn Quốc. Một sự lột xác hoàn toàn, so với xóm chài còm cõi ngày nào bị triều đình nhà Thanh cũng như tất cả các triều đại phong kiến Trung Quốc khác bỏ ngoài tầm mắt.

Và như vậy, Hong Kong trở thành chính nó trong hiện tại: Một biểu tượng của những giá trị phương Tây ngay trong lòng một nền văn minh 5.000 năm, có tầm ảnh hưởng bao trùm toàn bộ Đông Á. Tính chất song trùng và đối kháng nội tại giữa hai hệ giá trị đó càng được gia tăng khi hơn 1 thế kỷ rưỡi, người Hong Kong không còn ý niệm về "quốc gia tính" hay "dân tộc tính" Trung Hoa nữa, chưa kể những lực đẩy của lợi ích hay mức độ phát triển càng khoét sâu thêm những hố ngăn cách.

Với lịch sử phức tạp này, khó khăn lớn nhất của Bắc Kinh là khơi lại được tự tình dân tộc ở Hong Kong, và san lấp những khoảng cách - điều vẫn đang chỉ là những mơ ước.

Tuy nhiên, cũng nên nhìn nhận thực tế: Trên bản đồ kinh tế Trung Quốc hiện đại, cũng như trên cả toàn cầu, vị trí trung tâm kinh tế - tài chính của Hong Kong cũng chẳng còn vững mạnh như xưa nữa. Trung Quốc đã và đang gấp rút sửa chữa những sai lầm trong quá khứ, bằng việc không tiếc công của đầu tư cho hàng chuỗi trung tâm như thế, hàng chuỗi đô thị quan trọng ven Tây Thái Bình Dương như thế.

Mà nước Anh thì đã thực sự không còn gì để làm (và có thể làm) ở Hong Kong nữa rồi.

* "Thỏa thuận này là một cột mốc đối với cả lịch sử vùng lãnh thổ này, cả trong mối quan hệ Anh - Trung, và trong lịch sử quan hệ ngoại giao quốc tế" - Thủ tướng Anh Margaret Thatcher khẳng định ngày 19-12-1984, sau khi ký thỏa thuận trao trả Hong Kong cho Trung Quốc, chấm dứt thời kỳ thuộc địa của Hong Kong.

* Theo Điều ước Bắc Kinh 1860, Trung Quốc phải bồi thường 8 triệu lượng bạc cho mỗi bên Anh và Pháp. Anh mua lại bán đảo Cửu Long. Việc buôn bán thuốc phiện được hợp pháp hóa, và Kitô hữu được trao quyền dân sự, bao gồm quyền sở hữu tài sản và quyền truyền giáo.

Phi Hồ

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp