16:51 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3329

Máy chủ tìm kiếm : 140

Khách viếng thăm : 3189


Hôm nayHôm nay : 124443

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4425742

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51371240

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Khi cha mẹ bất chấp thủ đoạn để dọn đường thành công cho trẻ

Thứ năm - 13/08/2020 09:51

Mẹ hổ, cha mẹ “trực thăng”, cha mẹ “cắt cỏ” hay phụ huynh “dọn tuyết” là trào lưu nuôi dạy con thịnh hành trong những năm gần đây tại phương Tây hay các quốc gia phát triển ở châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Hong Kong, Việt Nam...

Theo đó, cha mẹ tập trung mọi nguồn lực: thời gian, tiền bạc, năng lượng và các mối quan hệ nhằm đảm bảo cho con cái nhận được những điều tốt đẹp nhất trong phát triển thể chất cũng như sự nghiệp học hành. Không những vậy, nhiều phụ huynh còn bất chấp mọi thủ đoạn kể cả vi phạm pháp luật để đảm bảo đường đời của đứa trẻ không có vật cản.

Trên một diễn đàn làm cha mẹ nổi tiếng ở Việt Nam, một câu hỏi được đặt ra:” Lịch sinh hoạt của con bạn sau giờ học diễn ra như thế nào?” Rất nhiều bà mẹ sống tại Hà Nội hay TP HCM đã chia sẻ hoạt động của con mình sau giờ học, nhiều người trong số đó có chung một đáp án: “7h30 sáng đến 16h chiều: Học tại trường; 16h đến 16h30: Hoàn thành phiếu bài tập; 17h đến 18h30: Học vẽ, đàn piano, võ Ki Akido hoặc bơi xen kẽ; 19h30 đến 21h: Tự học các chương trình Razkids, Headsprout, New Round Up, Maths (những ứng dụng học tiếng Anh và Toán thịnh hành tại Việt Nam); 21h đến 21h30: Đọc sách và ngủ. Cuối tuần: Lịch học bơi, vẽ, nhạc, võ, đạp xe, trượt patin, dã ngoại, tiếng Anh... xen kẽ”.

Trên một nhóm Facebook “Vén khéo, tiết kiệm, đầu tư”, nhiều gia đình lo lắng tiết lộ họ đã dành 30% đến 50% thu nhập hàng tháng để đóng các khoản chính khoá và ngoại khoá cho con cái. Tất cả những gia đình này đều không có tài khoản tiết kiệm hay quỹ dự phòng khẩn cấp, thậm chí nhiều người không dám ốm vì “tiền tháng nào tiêu hết tháng đó”.

Không chỉ dành thời gian và tiền bạc để đầu tư vào sự nghiệp học hành, nhiều phụ huynh có địa vị còn tận dụng các mối quan hệ để “chạy” cho con vào trường đại học danh tiếng hoặc những chỗ làm kiếm được thu nhập tốt. Lo mua nhà cửa, chi tiền đám cưới, trông nom cháu chắt... cho những đứa con trưởng thành là một truyền thống “thâm căn cố đế” trong xã hội.

Sự hy sinh và những nỗ lực không mệt mỏi trong nuôi dạy con cái tưởng như chỉ tồn tại trong văn hoá Á Đông, nay đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội phương Tây, đặc biệt ở Hoa Kỳ- quốc gia đang chứng kiến tỷ lệ người mẹ dành thời gian đọc sách hoặc kết nối cho trẻ em tăng vọt từ 1 giờ/ tuần (năm 1975) lên tới 6 giờ/ 1 tuần (năm 2019).

Những khoá học khai vấn cuộc đời cho trẻ em từ khi còn là bào thai bùng nổ ở New York hoặc San Francisco, theo đó, bà mẹ được tư vấn dinh dưỡng và tinh thần sao cho đứa trẻ phát triển tốt nhất từ khi nằm trong bào thai. Trẻ em từ 6 tháng tuổi đã được đăng ký tham gia vào các nhóm chơi để phát triển vận động và tương tác xã hội; từ hai tuổi tham gia các lớp học ngoại khoá âm nhạc, tư duy, nghệ thuật, ngôn ngữ...

Bác sỹ Hồ Hải, một Việt kiều sống lâu năm ở Mỹ quan sát: “Có những cha mẹ “trực thăng” giám sát con cái từ trong lớp học khi “canh” thầy giáo có lơ là con mình hay không, trong phòng họp với thầy và hiệu trưởng để kỳ kèo thêm từng điểm, trong phòng khám bệnh để sửa sai từng câu nói con mình khai bệnh, cha mẹ còn giành viết bài luận văn (essay) của con trong lúc con xin vô đại học, ngay cả lúc con phỏng vấn xin việc cũng đi theo thăm dò”.

Năm 2019, nước Mỹ chấn động với scandal nhiều doanh nhân, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng đã chi hàng triệu đô la để “đút lót”, ”chạy” cho con vào những trường đại học danh tiếng nằm trong top Ivy như Yale, Stanford, MIT... Họ đã thuê những công ty giáo dục để viết hộ bài luận, thuê người thi SAT, hoặc làm giả các thành tích thể thao... và mọi thủ đoạn khác miễn sao đạt mục đích là con cái họ bước vào cánh cổng của những trường danh giá.

Tác giả Julie Lythcott-Haims – nguyên Hiệu trưởng Đại học Stanford, sau nhiều năm quan sát đã mô tả trong cuốn sách “Làm sao để nuôi dạy một người lớn”: “Nhiều sinh viên năm thứ nhất không làm nổi một kỹ năng cơ bản như dọn phòng, nấu ăn, đăng ký thẻ thư viện hay thành viên câu lạc bộ. Nhiều cha mẹ liên lạc với một nhân viên hành chính trong trường và giải quyết mọi vấn đề nhân danh con hoặc có phụ huynh thuê nhà gần ký túc xá để đảm bảo có thể liên tục giám sát con trong năm đầu tiên tại trường đại học”.

Hiện tượng cha mẹ “trực thăng” hay phụ huynh “dọn cỏ” còn được báo chí Hong Kong hay Singapore mô tả bằng cụm từ “chiến thắng từ vạch xuất phát”. Theo đó, rất nhiều cha mẹ Hong Kong đã dồn mọi nguồn lực từ thời gian, năng lượng, tiền bạc để đầu tư cho con cái họ trở thành người dẫn đầu ngay từ khi đứa trẻ còn trong bụng mẹ.

Hãy thử hình dung về cuộc đua của một gia đình trung lưu như sau: Ngay khi mang thai, cặp vợ chồng đã thuê nhà tư vấn học đường để lập kế hoạch cuộc đời cho thai nhi trong bụng họ. Bước đầu, những người lớn này sẽ lập ra các bảng tính để phân tích đứa trẻ sắp ra đời nên ghi danh vào trường mẫu giáo, tiểu học, trung học, rồi cuối cùng là đại học nào.

Sau đó, họ sẽ thiết kế các phương pháp, bước đi cho từng chặng đường để đạt được mục tiêu đề ra. Đứa trẻ từ khi ra đời cho đến lúc 2 tuổi, chúng sẽ được gửi vào những nhóm chơi (play group) tốt nhất với giá 150 triệu VND cho 3 buổi 1,5 giờ/tuần để rèn giũa những kỹ năng cho cuộc phỏng vấn đầu tiên vào trường mẫu giáo tinh hoa khi chúng 3 tuổi.

Trong những năm tiểu học và trung học, ngoài thời gian ở trường, những đứa trẻ sẽ được đưa tới các trung tâm gia sư dạy tiếng Anh, Toán, Khoa học... hoặc các lớp học ngoại khóa về nghệ thuật, âm nhạc, võ thuật, hùng biện... Tất cả nhắm đến đích tốt nghiệp những trường đại học uy tín và sau đó họ sẽ có một cuộc đời thành công với danh tiếng lẫn thu nhập cao.

Hiện tượng cha mẹ “lởn vởn” như máy bay trực thăng trên cuộc đời mỗi đứa trẻ được cho là bắt nguồn tự nỗi lo sợ về kinh tế. Theo tờ New York Times, lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, thế hệ sinh ra thập niên 80, 90 của thế kỷ 20 có thu nhập bấp bênh và hèn kém hơn cha mẹ, ông bà.

Không những vậy, họ phải gánh chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt với nguồn chất xám đổ về nước Mỹ từ khắp các quốc gia trên thế giới, đồng thời với những bước đột phá công nghệ đang đe dọa cướp đi hàng triệu việc làm. Chính vì vậy, các gia đình trung lưu của Hoa Kỳ quan niệm không gì tốt hơn việc đầu tư mọi nguồn lực để con cái có thể bứt phá ngay từ vạch xuất phát.

Tương tự, thế hệ trẻ ở Hong Kong hay Singapore cũng đối mặt với cạnh tranh gay gắt về các cơ hội giáo dục, việc làm. Những đứa trẻ được đầu tư từ trong bào thai cũng là để chuẩn bị cho sự khởi đầu tốt nhất nhằm dẫn đầu trong cuộc đua quyền lực, danh vọng, tiền bạc.

Chưa có một nghiên cứu khoa học nào đánh giá toàn diện về việc nuôi dạy con theo kiểu cha mẹ “trực thăng” có mang lại hiệu quả tốt hơn những cách giáo dục khác, nhưng đã có nhiều kết quả phân tích hậu quả của việc cha mẹ dọn dẹp mọi rào cản nhằm dọn ra con đường trơn tru nhất cho con cái.

Như bác sỹ Hải (Việt Kiều Mỹ) phân tích: “Báo Washington Post phỏng vấn Madeline Levin, một tâm lý gia ở California từng nghiên cứu về những trẻ con của các gia đình lợi tức rất cao, từ 120.000 đến 160.000 đô la/năm ở Mỹ. Bà công bố về những trường hợp này trong cuốn sách “Cái giá của sự ưu đãi”, trong đó bà nhận xét rằng các phụ huynh vì can thiệp vào cuộc sống con cái mình nhiều quá và áp lực chúng để chúng trở thành những ngôi sao đã tạo nên một thế hệ ‘cực kỳ thiếu hạnh phúc, tách rời với cuộc sống và thụ động”.

Theo Levin, đây là một loại văn hoá của sự trù phú nặng về chủ nghĩa vật chất, chú trọng về cạnh tranh, ích kỷ hơn là sự cộng tác, yêu thương, trắc ẩn giữa người trẻ. Phụ huynh vì sợ con mình không thành công theo ý muốn nên đã điều khiển và quản lý mọi khía cạnh của cuộc sống làm cho đứa trẻ không có cơ hội để tự tìm hiểu về chính nó và cuộc đời.

Từ đó, chúng không có kinh nghiệm học hỏi từ sai lầm, thất bại để đối phó với những thử thách mới. “Những đứa trẻ này sống trong sự gò ép liên tục, luôn luôn bị stress và cuộc sống luôn luôn bận rộn, ngày sinh hoạt của chúng không khác gì thời khóa biểu của một giám đốc công ty lớn. Sau bề ngoài thành công, chúng có thể rất khổ sở và bị nhiều triệu chứng trầm uất, lo âu và lạm dụng rượu, thuốc” – Ông Hải đánh giá.

Và việc cha mẹ can thiệp quá sâu vào đời sống con cái, bắt ép đứa trẻ sống theo cách họ kỳ vọng sẽ vẫn còn tiếp diễn chừng nào quan niệm về thành công và hạnh phúc của bố mẹ chưa thay đổi.

Như bà Julie Lythcott-Haims – nguyên Hiệu trưởng ĐH Stanford đã chiêm nghiệm trong cuốn sách “Cách nuôi dạy một người lớn”: “Bạn muốn dán nhãn hạnh phúc của đứa trẻ với địa vị, danh tiếng, tiền bạc hay lòng trắc ẩn, trung thực, sự tự chủ và độc lập? Quan niệm của phụ huynh về mục đích sống của đứa trẻ sẽ là mỏ neo dẫn dắt cách họ trở thành kiểu cha mẹ mà mình mong muốn”.

Thu Phương

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp