06:02 EDT Thứ bảy, 20/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 2101

Thành viên online : 1

Máy chủ tìm kiếm : 125

Khách viếng thăm : 1975


Hôm nayHôm nay : 63795

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3088406

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55242295

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Khi lời nói biến thành gươm đao!

Thứ tư - 15/04/2020 21:16

Chiến tranh ngôn từ

Trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ tạm chùng xuống sau khi hai bên đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 nhằm giảm bớt căng thẳng thương chiến thì dịch bệnh bất ngờ COVID-19 lại làm bật lên tính mong manh của mối quan hệ này, khi bất cứ một phát ngôn nhạy cảm nào cũng được xem như là sự “tấn công” bên kia.

“Phẫn nộ”, đó là lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng khi đề cập tới một phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Sau khi có bài phát biểu về khả năng Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19, căn bệnh gây nên bởi chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2), Tổng thống Donald Trump tiếp tục lên mạng xã hội Twitter tái khẳng định cam kết hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bằng dòng tweet: “Mỹ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ những ngành công nghiệp như hàng không và một số ngành khác, bị ảnh hưởng bởi virus Trung Quốc. Chúng ta sẽ mạnh hơn cả trước kia”.

Đây là lần đầu tiên ông Trump dùng thuật ngữ “virus Trung Quốc” trong một phát biểu của mình. Trước đây, ông Trump từng gọi virus Corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là một con "virus nước ngoài".

Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: L.G.

Sự thay đổi trong ngôn từ của Tổng thống Mỹ cũng như phản ứng giận dữ của Trung Quốc là một bước leo thang mới trong cuộc chiến ngôn từ giữa hai nước, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc có những dấu hiệu đã được khống chế thì lại có xu hướng bùng nổ ở Mỹ (và nhiều nước khác).

Kể từ khi dịch bệnh này bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, loại virus này đã được gọi là “virus Vũ Hán”, theo tên địa danh nơi nó lần đầu được phát hiện. Lo ngại sẽ “chết tên” một thành phố của Trung Quốc gắn liền với loại virus chết chóc này, Trung Quốc đã gây sức ép để Tổ chức Y tế thế giới WHO nhanh chóng ban hành hướng dẫn, đổi tên dịch bệnh thành “COVID-19”, rồi sau đó đặt tên chính thức là Hội chứng hô hấp cấp tính nặng do virus Corona 2 (SART-CoV-2) để “tránh kỳ thị người Trung Quốc”.

Nhưng có vẻ như Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không đọc kỹ hướng dẫn của WHO. Trong hai ngày liên tiếp hồi đầu tháng 3, khi đề cập đến dịch bệnh đang làm cả thế giới khốn đốn, ông Mike Pompeo đều dùng thuật ngữ “virus Vũ Hán”. Đi xa hơn nữa, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ còn ám chỉ đến sự không minh bạch của Trung Quốc trong giai đoạn đầu của dịch bệnh khi nói rằng thông tin mà thế giới nhận được từ giai đoạn đầu của tiến trình (dịch bệnh) là “không hoàn hảo” và đó là lý do mà thế giới đã “tụt lại phía sau” (trong việc xử lý dịch bệnh).

Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ đã gây nên sự phản ứng dữ dội của Trung Quốc. Khi được đề nghị giải thích về điều này, ông Mike tỉnh bơ giải thích trong chương trình của Fox News rằng “chính Trung Quốc nói rằng Vũ Hán là nơi khởi đầu của virus” và “đâu phải từ ngữ của tôi, từ ngữ của chính Trung Quốc đó”.

“Chuyển lửa khỏi quê nhà!”

Không phải đợi đến khi diễn ra cuộc đấu khẩu giữa hai bên, Trung Quốc mới có những động thái nhằm “chuyển lửa khỏi quê nhà”, dần dần tìm cách xóa bỏ ấn tượng rằng đại dịch COVID-19 có xuất xứ từ Trung Quốc.

Gần như đồng loạt các phương tiện truyền thông, mạng xã hội Trung Quốc đăng các tin bài về “thuyết âm mưu”, cho rằng loại virus gây dịch COVID-19 là được “mang từ bên ngoài vào”, còn những thông tin về nguồn gốc loại virus này là nhằm “bôi nhọ” Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền để biến mình thành nhà lãnh đạo chống dịch chủng Corona mới trên toàn cầu. Theo hướng này, chính những nỗ lực của Trung Quốc phong tỏa nhiều thành phố lớn và tiến hành các biện pháp kiên quyết để chống dịch COVID-19 đã “cầm chân” được đại dịch, hạn chế không cho nó lây lan và giúp cho thế giới có được thời gian để chuẩn bị chống dịch. Thế giới nên cảm ơn Trung Quốc về điều đó!

Nhiều nhà dịch tễ học Trung Quốc được huy động để đưa ra các tuyên bố rằng mặc dù COVID-19 được phát hiện đầu tiên ở Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là nó có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Xuất phát từ một chương trình của kênh truyền hình Mỹ Fox News, khi trên mạng Internet bắt đầu xuất hiện làn sóng “Trung Quốc nợ thế giới một lời xin lỗi” bởi đã giấu dịch trong giai đoạn đầu, Tân Hoa Xã đăng một bài phản bác, nói rằng “Trung Quốc vì chống dịch viêm phổi Corona mới đã hy sinh cực đại. Chúng ta nên thản nhiên khí khái biểu thị rằng: Mỹ nợ Trung Quốc một lời xin lỗi, thế giới nợ Trung Quốc một lời cảm ơn!”.

Đi xa hơn trong “thuyết âm mưu”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên viết trên mạng xã hội Twitter: “Mỹ có bệnh nhân số 0 từ khi nào? Có bao nhiêu người bị nhiễm? Tên của các bệnh viện là gì? Có thể quân đội Mỹ chính là người đã đưa dịch vào Vũ Hán. Hãy minh bạch! Công khai dữ liệu của các anh! Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích!”.

Ông Triệu không đưa ra bất cứ bằng chứng nào cho cáo buộc của mình. Vì mấy dòng tweet này của ông Triệu mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã triệu Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải, để phản bác việc tung ra thuyết âm mưu rằng quân đội Mỹ có thể đã đưa virus SARS-CoV-2 đến thành phố Vũ Hán, nơi khởi phát dịch COVID-19.

Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ. Ảnh: L.G.

Trong một cuộc điện đàm với ông Dương Khiết Trì, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra lời “phản đối mạnh mẽ” đối với những nỗ lực của Trung Quốc “chuyển trách nhiệm về COVID-19 sang cho Mỹ”. Đáp lại, ông Dương, được Đài Truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV dẫn lời, đã "phản đối kịch liệt" các nỗ lực từ phía Mỹ nhằm "vu khống và bôi nhọ" nỗ lực chống dịch tại Trung Quốc. Ông Dương nói những hành động này sẽ "không thành công", nhấn mạnh mọi hành động làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc sẽ bị đáp trả.

Khi ông Trump dùng thuật ngữ “virus Trung Quốc” trên Twitter, Trung Quốc phản ứng cấp kỳ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng cách gọi "virus Trung Quốc" của ông Trump là bôi nhọ Bắc Kinh và rằng trước hết Mỹ nên quan tâm đến các vấn đề của chính mình.

Đáp lại, ông Trump giải thích với CNN rằng sở dĩ ông dùng thuật ngữ đó bởi vì "Trung Quốc đã tung tin sai lệch rằng quân đội chúng tôi mang virus vào nước họ.”

“Thuốc thử” COVID-19

Chưa biết đến bao giờ cuộc đấu khẩu giữa hai bên mới chấm dứt nhưng virus COVID-19 đã là thuốc thử mạnh cho quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt là sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2-2020.

Xét về góc độ lợi ích, bất chấp những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, cả hai phía đều mong muốn thực hiện thỏa thuận này đến cùng, vì những mục tiêu khác nhau.

Theo thỏa thuận này, Trung Quốc cam kết mua thêm 200 tỷ USD giá trị hàng hóa của Mỹ trong vòng 2 năm. Mặc dù phải gồng mình chống COVID-19 nhưng Bắc Kinh vẫn có thể thực hiện được cam kết của mình bởi số lượng giá trị hàng hóa được lên kế hoạch mua trong năm 2020 chỉ vào khoảng 75 tỷ USD.

Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue xác nhận rằng Trung Quốc đang có những bước tiến trong việc thực hiện cam kết mua hàng nông sản của Mỹ, đồng thời nới lỏng những hạn chế thương mại theo thỏa thuận.

Ngay cả nếu tác động của dịch COVID-19 quá nghiêm trọng thì Trung Quốc vẫn hoàn toàn có thể viện dẫn điều khoản bất khả kháng trong thỏa thuận để kéo dài thời gian thực hiện. Chắc chắn Trung Quốc không muốn Mỹ tiếp tục áp đặt các mức thuế quan cao ngất lên hàng hóa Trung Quốc, trong bối cảnh cần có những yếu tố kích thích nền kinh tế Trung Quốc vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19.

Về phía Mỹ, ông Trump cũng sẽ tìm cách duy trì thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, không để nó biến thành một thất bại kinh tế và ngoại giao, trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần.

Tuy nhiên, COVID-19 đã là “thuốc thử” cực mạnh làm bộc lộ những yếu tố mà cả Mỹ cũng như phần còn lại của thế giới phải tính toán, điều chỉnh. Với việc hàng loạt thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa để chống dịch, nhiều công ty, xí nghiệp của Trung Quốc nằm trong chuỗi cung ứng cho thế giới phải đóng cửa đã gây nên sự đứt gãy trong dây chuyền sản xuất, khiến nhiều nước khác bị lao đao, sản xuất đình trệ.

Việc Tân Hoa Xã đăng một bài báo, ngầm đe dọa có thể áp dụng hạn chế xuất khẩu các loại thuốc quan trọng để Mỹ ngập chìm trong “biển virus Corona” đã khiến nhiều quan chức Mỹ lo ngại. Sự phụ thuộc quá lớn của Mỹ vào nguồn cung các loại thuốc của Trung Quốc, kể cả công nghệ cần thiết để có thể sản xuất thuốc chống COVID-19, là một quân bài mà Trung Quốc có thể gây áp lực cực lớn trở lại đối với Mỹ.

Thế nên hiện tại không phải là lúc mà hai bên đổ lỗi cho nhau từ đâu đã làm phát sinh đại dịch mà cần có những nỗ lực để cùng hợp tác chống lại nguy cơ chung là dịch bệnh chết người COVID-19. Nếu để tình trạng bất hòa giữa hai bên kéo dài thì chẳng ai có lợi cả. Trong tình thế khủng hoảng như thế, lời nói cũng có thể biến thành gươm đao!

Yên Ba

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp