09:23 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1359

Máy chủ tìm kiếm : 35

Khách viếng thăm : 1324


Hôm nayHôm nay : 63645

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3490851

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55644740

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Khi mùa tuyết ngừng rơi

Thứ tư - 07/10/2020 22:13


Cái nắng hiếm hoi cuối tháng ba còn sót lại vài giọt bạc thếch trên đỉnh ngọn tháp căn nhà cổ trước mặt. Gió thừa thãi đến mức quá thể, làm cả hai ông cháu tôi vừa đi vừa so vai rụt cổ vì lạnh.

- Ông nội ơi, con thích đi cho Bồ câu ăn!

Đôi mắt con bé xanh như ngọc, ngước nhìn tôi bảo thế, khiến tôi hết sức ngạc nhiên.

- Con nói sao?

- Con muốn đi cho Bồ câu ăn mà!

Giọng con bé bi bô, khẩn khoản, nghe mà thấy tội nghiệp, nhưng thực tình thì tôi vẫn chưa hiểu ý con bé muốn nói gì. "Sao lại đi cho Bồ câu ăn?". Tôi đã thuộc vào lớp người có tuổi, nhưng cái chuyện đi cho chim bồ câu ăn thì quả thật lạ lẫm. Ở Việt Nam, chỉ có chuyện người ta đi ăn nhậu những món đặc sản được chế biến từ chim Bồ câu, chứ làm gì có chuyện đi cho Bồ câu ăn như con bé vừa nói. Trong câu nói của đứa trẻ không thạo tiếng Việt chắc có gì lộn ý chăng?

Thì cứ thử xem cái đã! Tôi bụng bảo dạ như thế, rồi đưa mắt nhìn con bé.

- Đi cho Bồ câu ăn ở tận đâu hở con?

Con bé chỉ về phía ga tàu, tay kia kéo tôi đi.

- Ông nội cho con đi nhé? Con biết đường mà.

- Được!

Con bé thích chí, cười tít cả mắt.

Hai ông cháu tôi đi ra phía nhà ga. Cái ga tàu điện gần nhà tôi ở chỉ là một ga xép nằm bên rìa thành phố lúc nào cũng vắng heo hút. Con bé dắt tôi tới thang máy băng chuyền để lên tầng hai, rồi đưa tôi tới nơi đặt chiếc máy bán vé tự động.

- Ông nội mua vé đi! Chỉ có một bến là xuống tàu thôi nhé!

Lại thế nữa! Đi cho Bồ câu ăn mà lại phải đi bằng tàu điện? Tôi nhìn chiếc máy bán vé tự động được gắn chìm trong tường, trên bề mặt là những nút bấm có ghi hướng dẫn sử dụng rất đầy đủ. Nhưng thật khổ, tôi nhìn những con chữ viết trên đó thì có khác gì kẻ mù chữ, tất cả các nét đều ngang ngang dọc dọc, dài dài ngắn ngắn như nhau cả, làm sao mà tôi đọc được.

- Nhưng ông nội không biết mua vé đâu con ạ.

- Ông nội bế con!

Con bé giơ hai tay bảo tôi bế nó lên ngang tầm chiếc máy bán vé, rồi chỉ cho tôi từng nút bấm.

- Ông nội cho tiền vào đây này, rồi bấm vào đây này, thế là vé nó rơi ra ở chỗ này này…

Con bé giảng giải xong, lại nhìn tôi.

- Nào! Ông nội cho tiền vào chỗ này đi!

Tôi đặt con bé xuống. Đến nước này, tôi đành phải nói dối là không có tiền vậy. Con bé vừa nghe ông nói không có tiền, quay ngoắt lại, kéo tay tôi nói như ra lệnh.

- Ta về thôi!

Minh hoạ: Doãn Hoàng Kiên.

Chắc lại giận ông rồi, con bé là đứa trẻ rất cá tính mà. Tôi đứng ngây người nhìn nét mặt buồn rầu của con bé. Thực tình thì không phải là tôi không có tiền. Mà cái chính là tôi chưa quen với mọi phương tiện kỹ thuật hiện đại, lại càng không dám leo lên bất cứ một con tàu nào vì sợ bị lạc.

- Ta về thôi ông nội! Con bé lại giục.

- Ừa… ừa…

Tôi vốn rất chiều con bé, vậy mà chỉ mỗi chuyện cỏn con thế cũng để nó phải thất vọng. Trong lúc còn đang bối rối thì may mắn làm sao tôi lại chợt nhớ tới một địa danh có rất nhiều chim mà những buổi chiều đi thể dục tôi đã nhìn thấy. Tôi cả mừng. Vậy là có thể gỡ được cái thế bị kẹt cho mình rồi. Tôi cúi xuống xoa đầu con bé.

- Ông nội biết một chỗ có rất nhiều chim, vừa đẹp, mà lại không phải đi bằng tàu điện nữa cơ. Nếu con thích, ông sẽ cho con tới đó?

- Nhưng ở đâu vậy, ông nội?

Tôi dắt con bé ra khỏi sân ga, tay chỉ về phía trước mặt.

- Ở đằng kia kìa.

- Thế thì ta đi thôi! Con bé mừng rỡ, nói, rồi kéo tay tôi bảo đi về hướng có đàn chim ấy…

*

Tuy là mùa xuân nhưng trời còn rất lạnh, vậy mà ở xứ này đã có khối loài hoa đua nhau nở. Con đường hai ông cháu tôi đi cũng vậy, đủ các sắc màu rực rỡ. Có những loài hoa tôi không hề biết tên tuổi nhưng đẹp vô cùng, đã mang lại cho tôi, và nhất là con bé thật nhiều cảm hứng.

Hai ông cháu tôi dắt nhau đi được một quãng thì gặp một vườn cam ngay bên đường. Những quả cam chín mọng, rụng vàng cả đất. Tôi lấy làm lạ, tại sao người ta trồng cả một vườn cam sai trĩu quả mà lại không thu hoạch? Hay những quả cam kia chỉ được cái mã nhưng lại có vị đắng hoặc chua loét?

Để tìm lời giải đáp, tôi rẽ vào vườn cam, định nhặt vài quả về làm cuộc "xét nghiệm" cho khỏi thắc thỏm. Tôi vừa cúi xuống thì con bé đã gọi giật lại:

- Ông nội không được thế! Không phải của nhà mình thì không được lấy!

Tôi ngượng với con bé chín cả mặt, vội quay ra. Con bé đã nói đúng. Ở Nhật Bản, bắt đầu từ mẫu giáo, các thầy cô đã dạy chúng cách sống như vậy. Tôi muốn giải thích cho con bé hiểu. Nhưng từ góc độ một đứa trẻ như nó thì sự xác định vấn đề chỉ luôn đơn giản thế thôi, làm sao nó hiểu nổi những việc làm phức tạp của người lớn.

- Ông nội hứa cho con đi xem chim cơ mà? Con bé phụng phịu nói.

- Tất nhiên rồi! Nào, ta đi thôi!

Tôi đánh trống lảng rồi dắt con bé đi tiếp. Chỉ một lát, nó đã quên béng cái chuyện tôi vừa định "lấy cắp" những quả cam rụng trong vườn kia. Tôi âu yếm nhìn con bé. Hai bím tóc nhỏ xíu dựng ngược. Chiếc áo rét màu xanh nhạt khoác bên ngoài chiếc váy liền thân màu hồng phơ phất. Đôi bàn chân được ủ trong đôi giày nho nhỏ xinh xinh thẫm màu nước biển, cứ lách chách nhảy trước mặt tôi y như con chim nhỏ vậy.

Hai ông cháu tôi đi thêm một đoạn đường nữa. Đến một con rạch nước trong vắt, có chiếc cầu nho nhỏ bắc qua. Ở bên kia con rạch là thảm cỏ xanh mượt, trồng vô khối cây Anh đào. Vào thời điểm này, Anh đào mới chỉ kịp nhú ra những chiếc nụ nhỏ xíu để chuẩn bị cho mùa lễ hội mới.

Tôi dắt con bé qua cầu và đi tới thảm cỏ ấy. Cũng vừa lúc đàn chim kéo về hội tụ, đậu trên những cành Anh đào, kín đặc, dễ tới cả ngàn vạn con chứ không thể ít hơn. Ở đó còn có vô khối giống chim lạ. Có những con chim mang trên mình bộ lông rực rỡ đủ các sắc màu mà tôi chưa từng bao giờ được nhìn thấy. Tôi thiết thẩm, cũng thật may cho chúng. Cái ngữ này mà sinh ra ở Việt Nam thì cứ gọi là khốn, kiểu gì người ta chẳng tìm đủ mọi cách để vây bắt, rồi cầm tù chúng để thỏa thích cho cái thú chơi riêng. Cả một đời bị "cầm tù" thì còn có gì đáng sợ hơn nữa…

Tôi chỉ vườn chim cho con bé, rồi nói:

- Con nhìn xem, có bao nhiêu là chim đẹp kìa. Con có thích không nào?

Con bé nhìn theo hướng tôi chỉ, vừa reo lên, vừa chạy nhào tới. Hình như cảm hứng đang ngập tràn trái tim bé bỏng của nó. Con bé mở chiếc hộp lấy những miếng bánh đã chuẩn bị sẵn, bẻ nhỏ, rắc xung quanh chỗ nó đứng, rồi ngửa cổ gọi bầy chim bằng một thứ ngôn ngữ gì đó mà tôi không thể hiểu nổi.

Lạ thay, khi con bé vừa dứt lời, cả một bầy chim sà xuống, vây xung quanh nó, tíu tít nhặt từng mẩu bánh nhỏ từ tay con bé rắc trên nền cỏ. Con bé hòa nhập với đàn chim cứ hồn nhiên y như một con chim trong cùng đàn vậy. Những con chim cũng hồn nhiên với nó chẳng khác nào một người bạn. Chúng đậu trên đầu nó, đậu trên vai nó, sà cả vào bàn tay bé bỏng của nó để nhặt những miếng bánh còn chưa kịp rắc xuống đất. Chúng kêu líu ríu. Hình như chúng đang trò chuyện với con bé thì phải. Tôi thấy con bé cười khúc khích, chắc nó hiểu ý bầy chim đang nói gì với nó.

Thật là chuyện lạ đời, cứ huyền huyền ảo ảo, như thực như mơ, như trong chuyện cổ tích vậy. Tôi lại liên tưởng đến quê hương mình, cái giống chim Việt hễ nhìn thấy bóng người thì cứ gọi là hồn xiêu phách lạc. Bỗng chốc, tôi cảm thấy chạnh lòng. Thật khổ cho giống chim Việt ta quá! Đời sống của chúng thật mỏng manh, chẳng biết lúc nào sẽ bị quăng vào chảo mỡ đang sôi sùng sục, hoặc bị băm viên, làm chả, biến thành mồi cho dân bợm nhậu. Hèn chi mà giữa giống chim và con người nước Việt ta lại chẳng có mối thù đời đời kiếp kiếp, không bao giờ có được hồi kết...

*

Tôi còn đang bâng khuâng với biết bao nỗi niềm thì bỗng giật mình nghe tiếng kêu rất quen. Quạ, quạ…

Tôi ngước nhìn về hướng có tiếng kêu ấy. Mấy con chim màu đen, khá lớn, đang sải cánh bay tới rồi đậu trên ngọn cây phía trước. Tôi nhận ra đó là loài chim quạ. Tôi vội gọi con bé:

- Ta về thôi con ơi!

- Sao lại về? Con đang thích lắm ông nội ạ!

Tôi bảo với con bé trời sắp tối rồi. Nhưng thực ra là vì tôi không thích loài chim quạ. Chim quạ đã từng sinh sống ở Việt Nam từ rất lâu đời, bây giờ, chẳng hiểu tại sao tự dưng chúng lại biến mất? Trong ký ức tuổi thơ của mình, hình tượng những cây gạo nở hoa đỏ rực và những con quạ đen thui đậu trên cành, ngó nghiêng ngơ ngác. Lũ trẻ trâu chúng tôi đi nhặt bông gạo rụng đã hè nhau cầm đá ném để xua đuổi chúng…

Cuối cùng thì tôi cũng tìm được lý do để bắt con bé rời khỏi chỗ này...

Đêm hôm ấy, tôi nằm mơ thấy cả một đàn quạ bay đến. Con quạ đầu đàn nói với tôi bằng tiếng người. Cái giọng của nó nghe rất buồn: "Chúng tôi đã từng là đồng hương của các người. Nhưng các người độc ác lắm. Các người đã ghét bỏ, xua đuổi chúng tôi ở khắp mọi nơi chỉ vì một suy nghĩ rất thiển cận, rằng, chúng tôi là hiển hiện của sự chết chóc và rất gở độc đối với các người...".

Tôi nghe con quạ nói thế liền bảo: "Mi chỉ là đồ nói khoác. Đất nước này xa xôi thế, lại phải vượt qua cả ngàn trùng đại dương mênh mông, đến máy bay còn phải rã cánh mới bay tới được huống chi là loài chim các ngươi!". Con quạ nghe nói, đáp lời: "Đúng là như vậy đấy. Để tìm được tự do và hạnh phúc thì dù có gian khổ gấp cả trăm ngàn lần chúng tôi cũng quyết vượt qua bằng được!". Tôi lại hỏi: "Thế cuộc sống của các ngươi ở xứ này thế nào?". Con Quạ đáp: "Tuyệt vời! Con người ở đây không xua đuổi chúng tôi và cũng không tàn sát man rợ họ hàng nhà chim quạ chúng tôi, không coi chúng tôi là loài chim mang lại điềm gở như ở xứ sở của mình!".

Con quạ nói đến thế thì bật khóc. Nó khóc tức tưởi, đến nỗi chính tôi cũng thấy mủi lòng. Tôi còn chưa biết nói sao để an ủi nó thì con quạ đã vụt biến mất và cả đàn quạ cũng vụt biến theo. Tôi bừng tỉnh, ngơ ngác. Quả là một giấc mơ kỳ lạ! Tôi cứ hối tiếc mãi vì chưa kịp nói với nó, ở Tổ quốc mình bây giờ thay đổi nhiều lắm, không phải ai cũng độc ác với loài chim quạ như vậy đâu. Bỗng dưng, tôi thấy lòng mình cứ thê thảm một nỗi buồn…

*

Khi ngoài trời đã đủ nắng để mọi người có thể trút bớt những chiếc áo rét lụ sụ quấn chặt lấy tấm thân trong suốt cả mùa tuyết rụng.

Hôm ấy, cũng vừa đúng vào dịp nghỉ cuối tuần. Gia đình tôi và những người Việt trong đoàn lần lượt bước ra khỏi chiếc xe du lịch đỗ ở cửa ra vào của khu vườn, một trong những địa danh nổi tiếng nhất ở Tokyo được giới chức trách chọn làm nơi tổ chức khai mạc mùa lễ hội hoa Anh Đào.

Con bé thích quá, cứ xăng xái chạy bên tôi.

- Ông nội ơi, ở đó có nhiều chim không ạ?

Nó bị vườn chim nọ mê dụ đến nỗi lúc nào cũng nhắc tới và lại còn tự nhận đó là vườn chim của nó.

- Chắc là có, nhưng không nhiều như trong vườn chim của con đâu!

- Chiều nay ông nội lại cho con đi cho chim ăn nhé!

Con bé vừa nói vừa khoe tôi những miếng bánh đã chuẩn bị sẵn.

- Ông hứa, nhưng phải về sớm thì mới đi được con ạ. Ông nội cũng thích lắm mà!

Tôi đã nói thực lòng với con bé bởi tôi rất thích đứng nhìn con bé vui đùa trò chuyện với đàn chim còn tuyệt diệu hơn cả việc đi ngắm hoa Anh đào nở. Từ vài ngày nay, trong những khu vườn nhà hàng xóm đằng sau căn hộ gia đình tôi định cư cũng có cả chục cây đang nở rộ. Đi xa hơn một chút, trong những vườn hoa, công viên, trường học, ven đê... chỗ nào mà chẳng có hoa Anh đào.

Tôi tặc lưỡi. Cũng chỉ là vấn đề tâm lý thôi mà! Chẳng qua hoa Anh đào đã may mắn được chọn làm Quốc hoa của một đất nước mà cả thế giới đều ngưỡng mộ…

Vậy mà khi chúng tôi mới chỉ qua cửa soát vé để vào bên trong khu vườn, tôi đã vô cùng sửng sốt. Nói đúng hơn thì đây là một rừng Anh đào rất lớn. Sau này tôi còn được biết ở Nhật Bản còn có đến hàng ngàn địa danh giống như khu rừng này.

Trước mắt tôi, những cây Anh đào không biết có tuổi đời là bao nhiêu năm nhưng gốc rễ sần sùi, đường kính chắc tới hai người ôm không xuể, tán lá xòe rộng, có cấu trúc tự nhiên, mềm mại và rất uyển chuyển. Những bông Anh đào phủ lên nhau tầng tầng lớp lớp, đến nỗi ánh nắng cũng chẳng dễ gì lọt qua được.

Có thể nói ở đây là nơi phô trình của hầu hết các loài Anh đào Nhật Bản. Có loại trắng muốt như hoa Lê, có loại màu vàng, tươi rói, lại có cả loại màu đỏ thắm hệt như Bích đào ở ta. Nhưng nhiều nhất vẫn là màu phớt hồng trùm kín, khiến cho du khách có cảm giác như đang đi dưới một mái vòm khổng lồ được lợp bằng những lớp hoa, đẹp tuyệt!

Tôi lập tức thay đổi ngay nhận thức về tầm vóc của hoa Anh đào. Loài hoa này nổi tiếng khắp thế giới bởi chính sự hùng vĩ của nó chứ không phải do vấn đề tâm lý như tôi đã tưởng. Anh đào đã thuyết phục được tuyệt đối du khách, đã làm ngỡ ngàng, sửng sốt bất cứ ai có cơ may được tới xứ sở này vào mùa hoa nở rộ. Buổi trưa, dưới những gốc Anh đào, từng tốp du khách ngồi quây quần chuẩn bị cho bữa ăn theo truyền thống của ngày lễ hội. Chúng tôi cũng chọn một thảm cỏ và mỗi người góp một vài thứ đồ ăn mang theo để có một bữa liên hoan khá thịnh soạn. Cái hưng phấn từ hoa Anh đào đến lạ, nó đã kích động mạnh mẽ lòng người, khiến mọi con người khi đã đến đây rồi thì không cần biết quen lạ, trong ngoài, ai ai cũng hồ hởi mời nhau những món ăn ngon nhất của mình.

Một người Nhật Bản đã nói với chúng tôi, chỉ chừng nửa tháng nữa, thảm cỏ xanh mượt này sẽ phủ kín một màu hồng phấn của những cánh hoa Anh đào. Giống hoa Anh đào còn có một đặc trưng rất khác biệt nữa, không giống bất cứ một loài hoa nào, đó là khi những cánh hoa rụng xuống, nó vẫn còn tươi nguyên sắc thắm như lúc đang đậu ở trên cành.

Ông ta bảo, sự bền vững của màu sắc trên những cánh hoa ấy đã được người Nhật Bản ví như tinh thần Võ sĩ đạo của chính người Nhật. Những Võ sĩ đạo Nhật Bản đã từng tự mổ bụng, hoặc tự moi cả gan mình, sẵn sàng ngã xuống khi tuổi đời còn đang lúc đầy xuân sắc để bảo vệ danh dự của tổ quốc mình và họ đã được lưu giữ mãi mãi như màu hoa Anh đào trong lòng mỗi người dân Nhật Bản…

*

Khi trên cành của những cây Anh đào đang bật ra từng chùm lộc vàng óng thì cũng là lúc báo hiệu sự ấm áp đã trở về. Tôi cũng khá thông thạo đường đi lối lại quanh khu vực gia đình tôi định cư rồi. Vậy là cứ mỗi sáng, tôi lại có "nhiệm vụ" đưa con bé đến trường mẫu giáo và sau mỗi buổi chiều tan học lại đến đón về. Hai ông cháu tôi đã từng gắn bó bên nhau bằng nhiều kỷ niệm trên con đường tới trường của con bé. Câu chuyện của hai mái tóc khác xa màu thời gian với nhau vậy mà không bao giờ ngớt. Có một lần, con bé chợt nhìn tôi bằng cặp mắt rất âu yếm.

- Ông nội ơi, con yêu ông nội ghê lắm cơ!

- Ông nội cũng yêu con ghê lắm! Vậy con có về Việt Nam ở với ông nội không?

- Có ạ.

Con bé thích lắm và cứ hẹn hò tôi suốt. Cái sự ngây thơ của con trẻ nghe mà thấy yêu thương vô bờ. Một lần khác, cũng trên đường đi học về, con bé bi bô nói với tôi rất thích bộ xếp hình có con trâu đi cày. Đó là những mảnh giấy cứng, nhỏ, nhiều hình thù, khi ghép vào nhau sẽ tạo thành bức tranh có con trâu và người nông dân đang cày ruộng. Chẳng biết nó đã nhìn thấy và nghe thấy ở đâu. Tôi đoán chắc là của con trẻ trong một gia đình người Việt nào đó cùng sống ở Tokyo. Vẫn cái giọng bi bô, con bé lại nói tiếp:

- Chỉ có ở Việt Nam mới có con trâu đi cày ruộng thôi phải không hở ông nội? Con thích bộ xếp hình có con trâu đi cày ghê lắm!

- Để khi nào về Việt Nam, ông nội tìm mua bộ xếp hình có con trâu đi cày cho con nhé!

- Vâng ạ! Con cảm ơn ông nội!

Tôi biết, không phải ngẫu nhiên mà con bé lại thích hình tượng con Trâu đi cày. Đó chính là hình ảnh quê hương đang dần hình thành trong lòng con bé thông qua những người lớn trong nhà.

- Nhưng ông nội có tiền để mua bộ xếp hình có con trâu đi cày không?

Con bé vẫn không quên lần nó đòi đi cho chim bồ câu ăn mà tôi đã nói không có tiền để mua vé. Tôi bật cười.

- Về Việt Nam ông nội lại có tiền mà!

Con bé nghe tôi nói thế, cười toe toét, giục tôi đi thật nhanh. Hai cái chân của nó chạy thoăn thoắt. Nó cũng đã thuộc làu con đường từ nhà tới trường rồi. Khi câu chuyện đang rất vui vẻ, chợt con bé nói:

- Ông nội ơi, con ứ về Việt Nam với ông nội nữa đâu!

- Sao vậy? Con không yêu ông nội nữa à? Tôi rất ngạc nhiên.

- Con có yêu ông nội. Dưng mà con không thích về Việt Nam nữa.

Tôi càng ngạc nhiên hơn.

- Sao vậy con?

- Con nghe các cô các chú nói với mẹ chẳng ai thích về Việt Nam như ông nội cả.

Con bé lại vuốt má tôi lần nữa.

- Ông nội ở lại với con nhé! Ông nội đừng về Việt Nam nữa nhé!

Chẳng là mẹ con bé đang làm việc trong một công ty tư vấn lao động người ngoại quốc ở Tokyo. Rất nhiều sinh viên Việt Nam học xong đã đến nhà chơi rồi nhờ tìm kiếm việc làm. Chắc là con bé đã nghe được những điều ấy từ cửa miệng của những nhà "Đông du học sĩ", rồi thổ lộ với tôi như vậy.

Tôi nghe đứa trẻ nói mà tự nhiên thấy đắng đót ngập cả cõi lòng...

Truyện ngắn của Thế Đức

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp