16:33 EDT Thứ ba, 16/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1020

Máy chủ tìm kiếm : 44

Khách viếng thăm : 976


Hôm nayHôm nay : 176799

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2697162

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 54851051

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Khi nhà văn đem bản thảo xuống mồ

Thứ năm - 15/07/2021 20:19


Nhà văn Charles Dickens

Trước khi đại văn hào Charles Dickens tròn 23 tuổi và xuất bản tác phẩm đầu tay, Dickens đã nếm trải đủ thứ đắng cay của cuộc đời. Ông từng phải làm việc đến kiệt sức trong nhà máy, sống bên cạnh những phần tử dưới đáy xã hội Anh. Đồng thời, Charles Dickens cũng đã từng phải chứng kiến sự giả dối, lừa lọc trong giới tinh hoa, và đe doạ bởi những thế lực mà ông dám đứng lên chỉ trích. Cho dù thế nào đi nữa, Dickens vẫn ngẩng cao đầu đảm nhận trách nhiệm tiếng nói của lương tri đối với xã hội đương thời. Ấy thế nên, số lần ông thật sự trở nên hoảng sợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Vào một buổi chiều tháng 9-1860, Charles Dickens cho đốt một đống lửa thật to trên ngọn đồi sau nhà. Ông ném vào lửa toàn bộ số bản thảo, thư từ của mình trong suốt 20 năm vừa qua. Theo ước tính của nhà sử học Paul Lewis, tác giả cuốn chân dung “The Dickensian” về nhà văn, thì Charles Dickens đã thiêu huỷ hơn 10.000 trang giấy chỉ trong một buổi chiều. Charles viết vào nhật ký cá nhân trong khi đống tro vẫn còn nóng: “Khói từ ngọn lửa đen kín cả một vùng trời… Khi tôi ra khỏi nhà, trời vẫn còn nắng đẹp. Nhưng ngọn lửa lụn tàn cũng vừa lúc mây đen kéo đến. Tôi đoán rằng ông Trời đã đọc được những chữ của tôi…”.

Mộ của nhà văn Gogol tại Moskva.

Charles Dickens giải thích rằng, ông đem đốt giấy tờ vì sợ những gì sẽ xảy ra sau khi ông chết. Nhà văn sợ rằng, gia đình ông sẽ vì tranh giành bản thảo mà “tan đàn xẻ nghé”. Hoặc báo chí sẽ lấy thư từ riêng của ông mà đem xuyên tạc công khai. Paul Lewis và nhiều nhà sử học khác tin rằng, “thư từ riêng” mà Dickens nhắc tới là những bức thư giữa ông và một người bạn. Nhà văn công nhận trong thư lý do mà vợ chồng ông ly thân là vì ông có một cô nhân tình trẻ. Với một người luôn kêu gọi sự đạo đức, nhân từ, công bằng và chân thật từ xã hội, để cho mọi người biết được việc mình ngoại tình thật chẳng khác nào giết chết danh dự của nhà văn.

Nhà văn Nikolai Gogol

Đôi khi có một nhà văn sẽ trở thành tiếng nói của lịch sử tổ quốc mình. Nikolai Gogol là giọng nói của hai quốc gia: Ukraina và Nga. Những tác phẩm của ông như trường thi “Taras Bulba” và vở kịch “Quan thanh tra” được Gogol rút ra từ cả lịch sử lẫn xã hội đương thời rồi phủ lên một lớp sơn là nền văn hoá đậm chất Slavơ. Bộ tiểu thuyết “Những linh hồn chết” giống như sự kết tụ tất cả những tinh hoa của Gogol. Tác phẩm dự định có ba phần, nhưng chỉ qua phần một xuất bản năm 1841 độc giả đã có một cái nhìn toàn cảnh về xã hội Nga hoàng bước vào buổi xế chiều.

Thật đáng tiếc là người đọc trên thế giới sẽ không bao giờ có cơ hội biết tác phẩm sẽ kết thúc như thế nào. Vì lẽ, Gogol bất ngờ đem đốt bản thảo phần hai của “Những linh hồn chết”. Nhà văn V. V. Gippus viết trong cuốn tiểu sử của Gogol: “Vào đêm 11-2-1852, nhà văn buộc một cái nơ vào tập bản thảo mà ông đã gò lưng viết suốt 11 năm nay. Gogol đặt cuốn sổ vào bếp lò và dùng nến châm lửa đốt. Một người hầu thấy cảnh này đã van xin chủ mình dừng lại, nhưng nhà văn chỉ bảo anh ta cầu nguyện Chúa. Tập bản thảo mãi mà vẫn không cháy. Gogol đành phải tách từng tờ ra để dễ bắt lửa. Chỉ khi còn lại một đống tro tàn ông mới ôm hôn anh người hầu và nằm lên tràng kỷ mà khóc”.

Không ai biết rõ vì sao Gogol lại đốt bản thảo. Một lý giải được nhiều người chấp nhận là gần cuối cuộc đời mình, đại văn hào trở thành một người sùng đạo. Ông tìm được một người bạn là cha xứ Matvey Konstantinovsky. Gogol viết trong nhật ký: “Mình cảm thấy bất mãn với những tác phẩm đầu tay của mình vì chúng chế giễu Cơ Đốc Giáo và nhà thờ”. Rất có thể vì lòng sùng đạo và bị Konstantinovsky thuyết phục mà nhà văn đã đem đốt bản thảo (?!)

Vậy nhưng có phải Gogol thực sự muốn thiêu huỷ phần hai của “Những linh hồn chết”?! Buổi sáng sau cái đêm đốt bản thảo, người nhà và bạn bè Gogol đều nghe thấy ông nói: “Không biết đêm qua có thứ ma quỷ gì nhập vào tôi. Tôi đã định đốt một số thứ giấy tờ từ lâu mà đến lúc châm lửa lại cho nhầm vào lò tập bản thảo. Tôi muốn để nó lại cho bạn bè để họ nhớ lấy tôi sau khi chết!”. Đúng chín ngày sau đó đại văn hào trút hơi thở cuối cùng.

Nhà văn Franz Kafka

Khác với Gogol, sự thiên tài của Franz Kafka không được nhiều người công nhận khi ông còn sống. Đại văn hào chỉ cho xuất bản hai tuyển tập truyện ngắn và một số tác phẩm khác đăng rải rác trên báo chí. Phải nhiều năm sau khi ông chết, giới phê bình mới giật mình nhận ra Kafka là người đã mở đường và định hình chủ nghĩa triết học - văn học hiện đại. Người ta tự hỏi vì sao Kafka không nổi tiếng hơn khi còn sống? Một trong những nguyên nhân là quyết định cuối đời của ông.

Franz Kafka là bạn thân của nhà văn, nhà triết học, nhà phê bình văn hoá Max Brod. Hai người gặp nhau khi Brod còn là chủ bút một tờ tạp chí văn học mà Franz Kafka cộng tác. Trong lúc hấp hối, Kafka trăng trối với bạn mình rằng: “Tất cả những thứ mà tôi để lại như nhật ký, bản thảo, thư từ, tranh phác thảo đều phải được đem đốt hết!”. Brod đồng ý di nguyện của bạn, nhưng đến lúc thực hiện thì lại thôi. Ông đã sớm nhận ra nhân tài kiệt suất Kafka và mong muốn giữ lại một cái gì đó để các thế hệ sau nhớ đến nhà văn.

Max Brod là một người Do Thái. Sau khi Phát xít Đức chiếm Tiệp Khắc, chúng bèn cho đốt tất cả tác phẩm của Brod và những tác giả Do Thái khác. Nhà văn đành phải cùng vợ chạy trốn khỏi Tel Aviv để bảo vệ mạng sống. Họ chuyển đến sống tại Tel Aviv. Từ đó đến lúc cuối đời, Brod dành nhiều thời gian để biên tập lại bản thảo của Kafka. Trước khi mất vào năm 1968, Brod để lại di chúc cho thư ký và người tình Esther Hoffe rằng bà này sẽ tìm cách hoàn thành và xuất bản tiểu thuyết “Phiên Toà” do Kafka viết và Brod biên tập. Esther Hoffe hoàn toàn không làm thế. Bà bán bản nháp tác phẩm “Phiên Toà” cho một nhà sưu tầm tư với cái giá 2 triệu đô-la. Số giấy tờ còn lại của Kafka được bà ta cất giấu trong két sắt ngân hàng Thuỵ Sỹ.

Esther Hoffe mất năm 2007. Ngay sau đó Thư viện quốc gia Israel và các con của Hoffe đưa nhau ra toà để tranh quyền sở hữu số bản thảo. Thư viện quốc gia cuối cùng đã thắng kiện. Họ nhận được ba bản nháp khác nhau của tác phẩm “Chuẩn bị đám cưới vùng quê”, một quyển tập viết chữ Do Thái, hàng trăm bức thư từ cá nhân, tranh phác thảo và nhật ký của Kafka. Thư viện quốc gia Israel hiện đang số hoá số giấy tờ này để tất cả mọi người có cơ hội tiếp cận chúng.

Nhà thơ Byron

Người yêu thơ nước Anh nào có lẽ cũng biết đến tên tuổi Byron. George Gordon Noel Byron, nam tước Byron đời thứ 6, là người đã nhận “ngọn đuốc” của chủ nghĩa lãng mạn từ tay William Wordsworth và đưa nền thơ Anh Quốc lên một tầm cao mới. Ông đã sống như ông đã viết; đi khắp mọi ngóc ngách trên thế giới và nhảy vào biết bao cuộc phiêu lưu ít người dám mơ đến. Trong khi đó ông luôn giữ chặt những tư tưởng về tự do của chủ nghĩa lãng mạn bên mình. Byron mất năm 36 tuổi trong khi chiến đấu dành độc lập cho Hy Lạp từ tay đế chế Ottoman.

Bất kỳ ai gần gũi với Byron đều biết ông tự mình khám phá ra được bí mật của rất nhiều người. Họ sợ ông sẽ dùng ngòi bút sắc sảo của mình để viết về họ. Nếu nhật ký, hồi ký của Byron được xuất bản, rất có thể danh tiếng của vợ cũ, con gái và bạn bè ông sẽ tiêu tan chỉ sau một đêm.

Theo một bài báo đăng trên tờ New York Times của nhà báo Benita Eisler, sáu người bạn của Byron tập trung tại nhà của Giám đốc Nhà xuất bản John Murray vào thứ hai, ngày 17-5-1824. Họ tranh cãi với nhau mãi về việc thiêu huỷ số bản thảo. Suýt nữa đã xảy ra xô sát giữa John Com Hobhouse, một nghị sỹ trẻ đang lên và Thomas Moore, nhà thơ nổi tiếng đến từ Dublin, Ai len. John Murray phải can thiệp vào để mọi người đưa ra một quyết định cuối cùng.

Sáu người cùng John Murray và đứa con trai của ông ta đem hai tập bản thảo dầy cộp ra ngoài vườn đốt. Di sản còn lại của Byron trở thành tro bụi chỉ sau vài phút. Sau đó, báo chí Anh cũng đồn đoán nhiều về việc liệu cố nhà thơ có để lại bất kỳ thứ bản thảo gì không. Chỉ đến khi con trai của Murray tường thuật lại câu chuyện cho Benita Eisler, công chúng mới biết chuyện xảy ra. Các tờ báo đồng loạt đăng lại bài tường thuật sự kiện và đặt cho việc đốt bản thảo của Byron là “tội ác văn học lớn nhất trong lịch sử”.

Lê Công Hội (tổng hợp)

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp