20:18 EDT Thứ tư, 24/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1029

Máy chủ tìm kiếm : 30

Khách viếng thăm : 999


Hôm nayHôm nay : 73266

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3445893

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55599782

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Kỷ niệm không thể quên với nhạc sỹ Hoàng Vân

Thứ sáu - 19/03/2021 06:53


Tôi được ông chỉ bảo tận tình mỗi khi cần học hỏi bất cứ điều gì về sáng tác ca khúc nên có nhiều kỷ niệm không thể quên. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với Hoàng Vân là một ngày mùa hè năm 1966. Lúc này, tôi đang là một cậu sinh viên văn khoa, đã thuộc lòng và vẫn thường xuyên hát mấy bài khi đó rất nổi tiếng của ông: "Hò kéo pháo", "Những cánh buồm", "Tâm tình người thủy thủ", "Nhớ", "Quảng Bình quê ta ơi!"…

Được biết, nhà riêng của ông ở 14 phố Hàng Thùng (Hà Nội), từ nơi sơ tán tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), tôi về, tìm đến làm quen với ông. Nhiều nhạc sỹ cho tôi biết, Hoàng Vân rất "kiêu", có phong thái lạnh lùng, không dễ tiếp cận. Tôi vô cùng ngần ngại, đã định từ bỏ ý định.

Nhưng nhạc sỹ Lê Lôi (lúc đó là Phó Ban Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam) nói với tôi: "Đó là với nhiều người. Còn với cậu - một sinh viên văn học, trẻ, lại rất hâm mộ nhiều tác phẩm của cậu ấy thì có thể cậu ấy sẽ hào hứng tiếp". Thế là tôi yên tâm, mạnh dạn tìm gặp tác giả "Hò kéo pháo".

Cố nhạc sỹ Hoàng Vân.

Sau tiếng gõ cửa, tôi thấy một người đàn ông chừng ngoài 30 tuổi, to, cao, có gương mặt đẹp, phương phi, rất trí tuệ, ra mở hé cửa, chỉ đủ để thò cái đầu ra hỏi tôi: "Anh tìm ai?". Tôi nghĩ ngay đó chắc chắn là người mình cần gặp.

Quả là tôi thấy ngần ngại vì từ lối xưng hô đến cái cách chủ nhà không mở rộng cửa - tức không có ý muốn khách vào nhà - cho tôi cảm giác đúng như mọi người nhìn nhận về Hoàng Vân. Chỉ khi tôi nói rõ vì hâm mộ mà tìm đến thăm nhạc sỹ chứ không có việc gì, ông mới mở cửa rộng hơn và mời tôi vào nhà.

Khóa sinh viên chúng tôi (1964 -1968) phải đi sơ tán suốt. Lâu lâu nhớ nhà, tôi lại kiếm cớ xin về Hà Nội. Lần nào tôi cũng ghé thăm Hoàng Vân. Hồi đó, không có điện thoại nên không thể liện hệ trước. Nhiều lần, ông không có nhà. Ở ngoài cửa, bao giờ ông cũng treo một cuốn sổ nhỏ và cây bút chì để ai đến không gặp, có thể viết vài dòng nhắn lại.

Ở nơi sơ tán, bên cạnh nỗi nhớ một đôi mắt đen láy mỗi lần nhìn tôi cứ như xoáy vào tim, tôi còn rất nhớ Hoàng Vân - người nhạc sỹ tài ba mình rất đỗi ngưỡng mộ cả tác phẩm lẫn phong cách. Khi nói chuyện, ông hay luồn năm ngón tay vào mái tóc cắt ngắn rồi gật gù mỗi khi tâm đắc điều gì kèm từ "Rồi! Rồi!".

Tôi nhớ mãi những điều ông nói về âm nhạc, về sáng tác. Ông tỏ ra thông thái không chỉ âm nhạc mà còn mở rộng sang các lĩnh vực văn nghệ khác như văn, thơ, sân khấu, điện ảnh, hội họa. Thật dễ hiểu bởi ông từng viết nhạc cho nhiều bộ phim và vở kịch nói nổi tiếng khi ấy.

Tri thức của ông đa dạng và sâu sắc luôn lôi cuốn tôi khiến lần nào gặp ông xong, tôi cũng thấy thời gian quá ít ỏi. Trong số hiếm hoi nhạc sỹ có tri thức toàn diện về văn hóa (fon de culture) ở nước ta hiện nay, có thể nói Hoàng Vân đứng ở tốp đầu.

Một lần, tôi nói với ông: "Hoàng Vân là phép cộng của truyền thống và hiện đại, của dân gian và bác học, của cảm xúc được thăng hoa ở mức tối đa và trí tuệ trác việt. Nhưng không thể tách bạch được hai số hạng của phép cộng đó mà gắn chặt, nhuần nhuyễn để chỉ có thể cảm mà không thể đong, đếm".

Tôi cứ tưởng ông phải thú vị lắm với lời bình luận rất chân thành của mình. Nhưng ông đăm chiêu, mắt nheo lại, khẽ gật gù và nói: "Có đề cao mình quá không? Liệu có đạt được như vậy không?". Tôi khẳng định rằng ông hoàn toàn đúng như vậy. Nhạc sỹ Việt Nam đương đại, rất ít người đạt được điều này.

Rồi ông hỏi có điều gì trong các ca khúc của ông mà công chúng muốn đòi hỏi thêm. Ông yêu cầu tôi nói thoải mái. Tôi nói nhiều ca khúc của ông có thể nói là toàn bích. Nếu có gì gọi là nhược điểm thì chỉ ở chỗ: Ông công phu, khó tính với việc viết nên tác phẩm bao nhiêu thì khi viết xong lại dễ dãi trong việc đặt tên bấy nhiêu.

Tôi dẫn chứng: Cứ viết về đâu là ông gọi luôn tên nơi đó (hoặc "bài ca"): "Quảng Bình quê ta ơi!", "Bài ca Vĩnh Linh", "Bài ca giao thông vận tải", "Bài ca bên tay lái", "Bài ca pháo kích", "Bài ca người giáo viên nhân dân", "Bài ca trên nhịp cầu thương nghiệp"…

Tôi cũng nói với ông là ông hay kể lể dài dòng trong bài hát mà điều này là tối kỵ. Tuy nhiên, cách kể của ông lại rất có duyên. Kể một cách thú vị, dài dòng văn tự mà vẫn cuốn hút người nghe. Người ta thích cái lối kể lể của ông (Ví như các bài "Hò kéo pháo", "Bài ca người thợ lò", "Tình ca người thợ mỏ", "Nổi trống lên rừng núi ơi!", "Tình yêu của đất và nước"…).

Cố nhạc sỹ Hoàng Vân cùng vợ và 2 con.

Biết Hoàng Vân có thiện cảm với mình, tôi đặt vấn đề được đến học sáng tác ở ông sau khi đã có một số ca khúc được phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đang còn là sinh viên (ở buổi phát thanh binh vận do cố nhạc sỹ Trọng Loan phụ trách). Hoàng Vân nhận lời nhưng ra điều kiện: Hãy thử vài buổi xem tôi có tiếp thu được không đã.

Ông nói rằng biết sáng tác, thậm chí sáng tác hay là một chuyện. Học là chuyện khác. Không thiếu người đã có những ca khúc nổi tiếng mà không thể theo học lâu dài. Tôi hiểu ý ông nên đề nghị cách học là viết được bài nào đem đến cho ông sửa. Qua đó sẽ học được nhiều ở ông.

Với người xa lạ, Hoàng Vân thường rất xã giao, có thể nói là khách sáo. Chỉ khi thân thiết, gần gũi, ông mới chân thành vạch vòi, chỉ bảo những khiếm khuyết của họ. Tại nhà ông, tôi chứng kiến nhiều lần có những người sáng tác đến muốn ông góp ý để sửa chữa tác phẩm. Nhìn bản nhạc, ông hát ngay lên giai điệu rồi phán: "Được rồi. Không có gì cần sửa. Tìm người hát hay, bài sẽ hiệu quả hơn…".

Đại khái là ông cứ khen rất chung chung mang tính động viên. Nói cho xong để họ ra về. Rồi ông nói với tôi: "Tâm lý ai cũng thích khen. Đọc bài họ, mình biết họ không thể phát triển được trong nghề sáng tác nên chẳng mất gì mà nói như thế". Nhưng với học trò thực thụ, trong đó có tôi - tuy chỉ là "học mót" chứ không ngồi ghế trường nhạc, ông chê thẳng thừng và khoanh bút đỏ chi chít những chỗ cần sửa.

Tôi không sao quên lời ông dặn: "Viết xong một bài đừng có say sưa, yêu nó quá mà tung ra ngay. Hãy cứ để đó, vài tháng sau, có khi cả năm sau mang ra suy ngẫm thêm, hát đi hát lại, sẽ thấy có chỗ cần sửa". Và ông đã làm đúng như thế.

Ông kể rằng để viết ra một bài, không mất nhiều thời gian, có bài chỉ sau một vài giờ là xong. Nhưng hãy coi đó chỉ là phác thảo. Thời gian tu chỉnh, hoàn thiện mới đáng kể. Thảo nào mà các ca khúc của Hoàng Vân luôn hoàn chỉnh, chỉn chu từ những chi tiết nhỏ nhất, khó có thể thay đổi khác.

Hồi đó không có chuyện học sinh trả công thầy bằng phong bao như bây giờ. Thầy sẽ nhận lời dạy trò nếu trò thực sự đam mê và có năng khiếu, triển vọng. Đã nhận lời, thầy dạy vô tư, không chờ đợi bất cứ sự trả ơn nào ngoài lòng nhiệt tình học tập và cầu thị, chịu khó rèn luyện của trò.

Ở Thái Nguyên có đặc sản trà Tân Cương. Tôi thường mua về biếu Hoàng Vân. Những năm 60-70 của thế kỷ trước, phổ biến tình trạng "ngăn sông cấm chợ". Hành khách chỉ được mang tối đa 1 lạng. Mang nhiều hơn sẽ bị nhà chức trách tịch thu và lập biên bản, phạt tiền. Tôi vẫn mang quá số lượng quy định, nhưng đều trót lọt.

Duy có một lần, tôi mua hẳn nửa cân về để biếu Hoàng Vân. Thật rủi ro, hôm đó tôi bị "tóm". Phân trần thế nào, hai nhân viên kiểm soát cũng không tha. Thấy người nữ nhân viên đeo băng đỏ trông khá xinh xắn, tôi nghĩ chắc chị ta phải ưa thích âm nhạc, bèn nghĩ ra một kế.

Tôi đã khai: "Thưa anh, chị, em là sinh viên, chẳng biết buôn bán là gì. Em mua nhiều một chút để về biếu người thầy dạy nhạc của em là nhạc sỹ Hoàng Vân. Nhạc sỹ là tác giả nhiều bài hát nổi tiếng chắc anh và chị biết: "Hò kéo pháo", "Quảng Bình quê ta ơi!", "Nổi trống lên rừng núi ơi!"…

Tôi nói chưa hết câu, người nữ đã nói: "Biết rồi. Toàn những bài quá hay. Nhưng cậu nói thật chứ?" "Khổ quá, thầy của em thích trà Thái Nguyên lắm". Thế là chị ta nói người đàn ông "tha" cho tôi.

Kể lại chuyện này cho Hoàng Vân nghe, ông nói: "Các nhân viên đáng yêu làm sao! Có lẽ mình phải viết một bài về ngành thuế mới được". Sau đó, tôi quên khuấy, không hỏi ông có viết không? Tôi biếu ông cả gói nửa cân trà. Nhưng ông nói bà xã sẻ làm đôi, ông chỉ nhận một nửa, nhất định không chịu nhận cả. Tôi nhớ mãi chi tiết này.

Còn rất nhiều kỷ niệm của tôi với Hoàng Vân mà tôi không thể kể hết. Khi viết những dòng chữ này, Hoàng Vân đã vĩnh biệt chúng ta được hơn 3 năm. Nhưng ông vẫn mãi còn đó, luôn hiện hữu trong thế giới tinh thần của mỗi người yêu thích âm nhạc. Tác phẩm của ông là bất diệt cùng năm tháng. Thời gian chỉ càng tôn thêm giá trị vĩnh hằng trong các trước tác của ông.

Nguyễn Đình San

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp