04:54 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3399

Máy chủ tìm kiếm : 30

Khách viếng thăm : 3369


Hôm nayHôm nay : 196087

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2653480

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49598978

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Lạc đà bay

Thứ năm - 22/04/2021 20:55


Người ta dồn những con lạc đà lại, một ngày làm việc rất dài và vô cùng mệt mỏi. Đây là tốp lạc đà thứ mười lăm, người quản lí nhìn tổng lượt và ước lượng khoảng gần một trăm con, có vẻ nhiều hơn ba tháng trước. Những con lạc đà hoang dại, và dơ bẩn trong con mắt của những người đang đảm nhận nhiệm vụ, chúng nhốn nháo cả lên trong cái chuồng rất rộng. Miệng chúng nhai trệu trạo, gần như lúc nào cũng như thế, và mũi thì phì phò trông không vừa mắt chút nào cả. Ngày mai, người ta sẽ lùa chúng ra khỏi chuồng. Tin tốt: Chúng sẽ là những con lạc đà được bay. Tin xấu: Chuyến bay đầu tiên và cũng là chuyến bay duy nhất trong đời.

Cái nắng gay gắt và không khí khô khốc, gió nóng phừng phừng thật sự chẳng dễ chịu chút nào. Lạc đà nhởn nhơ từng đàn ở đâu đó, rất nhiều. Việc chúng là nhai lá cây, hầu như mọi loại cây. Chúng thật là giống những đứa trẻ dễ ăn, cái hàm của chúng khỏe ghê gớm, đến cả cây gai chúng cũng ngấu nghiến ngon lành. Một điều đáng buồn là con người thì không thích điều đó, những con lạc đà bắt đầu có tội! Và cả việc sinh đẻ của chúng nữa, thật là một lỗi lầm to lớn. Đáng lẽ ra, chúng không nên ăn và đẻ quá nhiều!

Nhưng vùng đất này thì chỉ như dành riêng cho lạc đà, nên chúng sống cuộc sống mạnh mẽ và dữ dội hơn bao giờ hết, hơn tất cả các thời xa xôi của chúng. Những hoang mạc rộng lớn, những loài cây đa dạng và ngon lành. Không khí khô hơn mọi nơi nào khác, và lạc đà trở thành những kẻ thống lĩnh. Chúng đông, đông kinh khủng. Người ta thống kê có khoảng hơn triệu con lạc đà đang ngự trị trên hoang mạc này. Chúng đang làm cuộc xâm lăng!

Ông em kể, lạc đà được du nhập vào quê mình nhiều năm về trước. Thuở đó miền Trung và miền Tây chỉ toàn là hoang mạc và sa mạc, mấy nhà chức trách xem con lạc đà là một phương tiện chuyên chở hữu dụng và hợp lý nhất. Chúng được nhập ồ ạt từ Ấn Độ và Afghanistan, những con lạc đà với sức chống chịu nắng nóng cùng khả năng nhịn khát siêu hạng gắn chặt số mệnh của chúng vào vùng đất này buổi sơ khai. Những nhà thám hiểm dùng lạc đà cho các cuộc khám phá và vận chuyển qua các vùng sa mạc xa xôi; lạc đà được dùng trong công cuộc khai thác hoang mạc và xây dựng thuộc địa ở những nơi hẻo lánh. Ông cũng từng là một người du mục, gần nửa đời lắc lư trên lưng của những con lạc đà.

Những buổi hoàng hôn vàng rực, vàng rực, và vàng rực hơn trên nền những đụn cát bay. Bóng những con lạc đà, ngược nắng, sẫm đen, lững thững mang trên mình những bao tải hàng hóa và con người. Một bức tranh tuyệt đẹp, một cảnh hết sức đặc trưng cho cát, cho gió, cho sa mạc gió và cát bao la.

*

Em theo cha đến nơi này lúc em chỉ vừa bảy tuổi. Ký ức về chuyến dời nhà ấy đã không còn rõ ràng. Chỉ nhớ, hôm ấy có cát và cát. Nắng vàng rọi lên những tán cây xanh, cha quyết định chọn chỗ này làm nhà. Một chỗ ở lý tưởng nếu không kể đến gió cát từ đồi, không xa, con sông Dốc Cái chảy dài như một dòng sữa không biết nghỉ. Ven sông, đất đã có chủ cả. Nhà mọc lên nhanh như vẫn thấy ở những vùng trù phú, như vẫn thấy nấm mọc sau mưa.

Cha chọn những gốc cây to nhất ở phía tây dòng Dốc Cái, nơi đất ngọt. Cây Căng rừng thân dai chắc, tán cây chơ vơ nhưng phải mấy người mới ôm nổi thân chúng. Đất mới không chủ, cha đốn một cây Căng già, nó cúi mình khuất phục chủ nhân. Nhựa ứa như chảy máu, những nhánh cây xô nhau như run rẫy. Một phép nhân hóa buồn cười. Cây chỉ biết lớn.

Minh họa: Hà Trí Hiếu

Vài người đàn ông tỏ lòng mến kẻ mới bằng cách phụ giúp mấy chuyện vặt cùng với những tay thợ mà cha mướn ở xóm ven sông. Tiếng cưa đục kéo dài và râm rang hơn tuần lễ, ngôi nhà mọc lên từ xác đất. Mẹ em mừng, nấu một mâm cúng tươm tất để tạ ơn đất trời. Ngôi nhà nhỏ thơm mùi gỗ. Cuộc sống của gia đình em như một miền cát vừa được thổi che một miền cát cũ, lấp liếm không dấu vết. Cha nói, đất không bao giờ phụ lòng người. Đất nuôi sống mình, chừng nào nước còn chảy, cây còn xanh, đất còn mọc được cỏ thì người còn sống.

Mười một tuổi, em không tin vào sự sống miên viễn trên đất. Vì đất chết được, nước chết được, cây chết được thì loài người cũng đến hồi chấm dứt.

Chỉ có lạc đà là sống dữ dội quá, đài đưa tin trong những ngày qua.

*

Những chuyên gia môi trường, họ nhận ra số lượng của lạc đà đã quá lớn, và kêu gọi chính phủ cần phải ngăn chặn kịp thời, nghĩa là ngay lập tức!

Đây là một vùng đất của sự đa dạng sinh học, sự phong phú với rất nhiều loài động thực vật đặc trưng; còn lạc đà thì đang phá hủy điều đó. Lạc đà háu ăn kinh khủng, chúng ăn được hầu hết mọi loại cây mà chúng gặp. Một nỗi phiền phức vô cùng to lớn, chúng ăn trụi những lá xanh. Và nếu không vào cuộc kịp lúc, một vài loài thực vật độc đáo nơi này sẽ biến mất, mãi mãi…

Lạc đà thường đi theo đàn, những đàn lớn có thể lên đến hàng ngàn con. Chúng như những con châu chấu, như một đàn châu chấu, ăn và ăn và ăn và di chuyển để tiếp tục ăn. Đáng lẽ sẽ không có vấn đề gì cả nếu số lượng của chúng không nhiều đến thế, cứ khoảng tám đến mười năm thì số lượng lạc đà trên sa mạc lại tăng lên gấp đôi. Con non chỉ cần vài ba năm là đã có thể giao phối, và cứ như thế, lạc đà làm cho con người đau đầu.

Rất lâu trước đây, nhà chức trách cho xây dựng một đường tàu dài kéo xuyên qua cả sa mạc, dài hơn dòng Dốc Cái. Một hệ thống giao thông hết sức hiện đại và trực thăng bắt đầu dùng phổ biến trong việc vận chuyển; lúc ấy, lạc đà được thả vào tự nhiên, nhân đạo như để đền đáp những công lao của bao thế hệ chúng. Và điều đó đã dẫn đến những hệ lụy mà không ai có thể nghĩ tới: Vấn nạn về lạc đà!

Lạc đà, chúng hiền khô như cát. Nhưng khi quá nhiều cát cùng gió cuốn, cát sẽ bay mù trời. Ai dám nói rằng bão cát không hề nguy hiểm?

Nên lạc đà có tội!

Nên lạc đà cần… chết! Giải pháp duy nhất dù khó khăn, ít ra điều đó sẽ dễ dàng hơn là đối đầu với một trận bão cát không xa!

Nhưng lạc đà thì chẳng biết gì cả, chúng vẫn sống cuộc sống của lạc đà. Nói chung quy, mỗi loài vật đều sống với một mục đích cuối, đó chính là được di truyền, được tồn tại theo một cách đặc biệt ở các thế hệ tiếp theo, ở những mối mắc phức tạp loài người đặt tên với ba chữ: gen. Cuộc sống của lạc đà cũng thế, ăn uống để tồn tại và cuối cùng là giao phối.

Có người từng ước mình là một con chim, để chỉ sống cuộc sống của chim mà không cần phải lo nghĩ. Có người ước mình là một ngọn gió, để chỉ sống cuộc đời của gió, chỉ thổi, mà không cần phải lo nghĩ. Con người lo nghĩ vì con người biết suy nghĩ, loài vật thì chỉ hành động theo bản năng và kinh nghiệm của nhiều đời. Con người lo nghĩ và con người nguy hiểm, con người biết suy nghĩ nên con người là đấng vua quyền thống trị.

Sinh sôi.

Có con lạc đà ước mình là một con người? Không, lạc đà không biết suy nghĩ, chúng chỉ sống cuộc sống của lạc đà!

Lạc đà là loài guốc chẵn, đừng bận tâm về điều đó, nhưng hãy biết rằng guốc của chúng phá hoại nhà cửa và những cơ quan làm việc của con người.

Trong những lần tìm nước, chúng kéo từng đàn qua những khu nhà của người dân. Mỗi con lớn cao đến 2 mét, và dài đến 3 mét, chúng thực sự là những khối thịt di chuyển một cách ngu ngốc.

Lần giẫm guốc lên một xóm gần sát đồi Cát Qùy, chính quyền ở đó đã làm việc cật lực suốt mấy tuần liền. Báo chí búa xua đưa tin, chuyện lên tivi như cơm bữa. Việc vừa thu dọn lại mớ đổ vụn của nhà cửa và xóm làng, vừa trả lời những câu hỏi của cánh báo chí thường xuyên đến nổi làm mất luôn cả sự đau tiếc trong giọng nói, đó quả thực là những ngày bận rộn mà những nạn nhân của lạc đà gần đồi đã trải qua.

Họ kể, chúng tôi rơi vào một mớ hỗn độn. Tôi không biết người và lạc đà phe nào hỗn độn hơn, nhưng rõ ràng chúng tôi là người bị hại, rõ ràng! Chúng kéo xuống đây, làm bể cái bồn chứa nước mưa của cả xóm, vách nhà không chắc chắn là bị bung ngay. Cái cột kèo của chái bếp nhà tôi bị xiu một bên, mấy bụi cây trồng bị giẫm ra bả. Ai cũng ra sức la ó đuổi xua, chúng tôi không dám lại gần nên dùng gậy quất chúng từ xa. Chúng cuồng lên, và mọi chuyện xảy ra như đã thấy!

Lạc đà hiền khô như cát nhưng gió lại điên cuồng thổi, lạc đà dậm những móng của mình và xô nhau nghiêng ngả về mọi hướng. Bụi tung lên vàng trong nắng, tiếng xào đổ ngã, tiếng những khúc gỗ và cành cây gãy răng rắc. Lạc đà thở phì phò, sự sợ hãi đen trong đôi mắt chúng. Con nào cũng muốn chen vào giữa, nên chúng cứ quần tụ mãi trong một vòng tròn chẳng thoát, con người bao bên ngoài và kêu lên xa xót mỗi khi đồ đạc thêm lần nghiêng ngả. Cho đến khi lạc đà đi khuất, người ta vẫn còn giận dữ về những thứ vỡ vụn và xiêu vẹo, nằm chỏng chơ.

Đỉnh cao là trận “hành quân” đến dòng Dốc Cái, hàng ngàn con lạc đà trong chuyến đi tìm nước đã phá hủy mọi cơ sở hạ tầng, mọi nơi chúng đi qua. Không may, chiếc xe đạp của em bị đạp cho cong vòng bánh, mẹ tiếc hùi hụi!

Sự kiện sông Dốc Cái buộc chính phủ phải vào cuộc, cần chấm dứt sự rắc rối này!

*

Một sự sống mới được sinh ra, chen chúc thêm một miếng thở. Mẹ sinh em bé, đứa bé ngo ngoe khóc trong lòng mẹ. Em đưa tay vuốt mấy ngón chân bé xíu. Kêu trời, loài người ai cũng từng dễ thương cỡ này, bé nhỏ và vô hại biết mấy. Đứa bé chỉ biết khóc đòi sữa, mùa nắng, vú mẹ cũng khô dòng.

Đất chắc giống đực, không biết sinh. Một thiếu sót trong quy luật tự nhiên nên đất không bao giờ thỏa mãn nhu cầu của người. Một sinh linh ra đời, nhà thêm chật. Nên em từng theo bước cha đến một cùng đất mới, năm bảy tuổi. Những năm sau đó, em đón thêm nhiều hàng xóm nữa ở khắp mọi miền đất nước. Phía tây dòng Dốc Cái, rừng Căng lặng lẽ thu mình. Đất trơ xác, nhà mọc lên từ đó. Người ăn đất không biết no, chỉ thương những cây Căng quỳ chân khuất phục chủ mới. Đất lạt đi, xơ như nắm tro mẹ nấu bếp. Em không biết ngày đất chết còn bao lâu?

Họ giành nhau đất, lạc đà cũng sinh sôi như được mùa. Em nghĩ, đó chính xác là một cuộc thảm sát. Máu, và trốn chạy; gió cuốn, bụi bay mù trời. Những tiếng rống lên đầy đau đớn, và nằm xuống, bất lực, đôi mắt căng to.

Em ngồi bó giò, những âm thanh của súng nổ, nhỏ xíu vang lên ở xa xa. Phía tây, hai chiếc trực thăng đang quạt cánh, bé tí như hai hạt tiêu. Bay lên, rồi hạ thấp xuống khuất sau hàng cây. Và súng nổ, em bấm chặt những ngón tay vào nhau làm thành nắm đấm. Mái tóc xơ xác vì khét nắng, gió thổi bay lừ đừ. Em đưa tay lên dụi mắt, những cơn gió nóng hầm hập cuốn bụi bay bời bời. Và những tiếng súng vang lên, chạy đi đâu để thoát khỏi khi bao la là đất trống, rừng Căng không đủ dày.

Tiếng súng xa xăm. Cha ra ôm em vào lòng âu yếm, trẻ con không nên nghe đến những tiếng nổ mang hơi thở của thần chết, những viên đạn như lưỡi liềm của thần chết:

- Vào nhà con.

Đứa bé ngước nhìn cha, đôi mắt không thể nào diễn tả. Thì thầm, môi em khô nức như đã bị cắn nhay không ít lần: “Lạc đà đang chết…”.

Vẻ mặt của cha em trở nên lúng túng, ông biết rõ em yêu lạc đà như yêu mảnh đất quê hương này, như yêu một vẻ đặc trưng không thể nào thiếu được; bảo vệ sự sống của lạc đà như là bảo vệ “tâm hồn du mục” ở trong em. Phải nói làm sao cho em hiểu, rằng lạc đà đang vô tình giẫm phá và làm trụi những màu xanh, lạc đà đang hủy hoại vùng đất quê hương này, dù cho điều đó có là vô tình đi chăng nữa thì cũng phải ngăn chặn chúng. Con ngoan, con hãy hiểu, lạc đà cần về đúng với số lượng mà chúng nên thế, hoặc đúng hơn là, con biết đấy, vùng đất này cần điều như thế! Những con lạc đà sẽ phải bay lên Thiên đường…

*

Những giải pháp được đưa ra, hạn chế tối đa về sự tiêu hao tiền bạc. Và công cuộc “hệ thống” lại số lượng của lạc đà, bắt đầu!

Các tua du lịch dành cho những người đàn ông và những người phụ nữ mạnh mẽ, mang tên: “đi săn”. Mỗi thành viên tham gia vào cuộc săn sẽ được trang bị một đồng phục gồm quần và áo, nón theo phong cách cao bồi, súng ống cùng một số đạn dược vừa đủ. Người quản lí sẽ lái xe trên hoang mạc, “du khách” được ngắm cảnh bao la tuyệt mĩ của vùng khô hạn này.

Sau khi chạy vòng quanh, nếu bắt gặp một đàn lạc đà nào đó, xe sẽ dừng lại, “kẻ săn” sẽ bắt đầu trải nghiệm. Một giải pháp khôn ngoan, số người đăng kí tham gia dù không đông lắm nhưng đều đặn. Và cũng khá hiệu quả, mỗi chuyến đi săn sẽ hạ trung bình khoảng vài chục con. Quà mang về cho hành khách là những cái bướu của lạc đà mà họ vừa hạ được, nó dùng để nấu súp hoặc xông chữa bệnh cúm, rất hữu dụng.

Những lò mổ thịt lạc đà cũng được thành lập, những lò mổ di động. Chúng xử lí thịt lạc đà ngay tại chỗ, làm thức ăn cho thú cưng. Bên cạnh đó, con người cũng được khuyến khích ăn, nếu có thể. Tuy nhiên, phần lớn mọi người thường lắc đầu dù vẫn chưa một lần dùng thử, họ tưởng tượng chúng dai nhanh nhách, có thể còn mang một loại bệnh nào đấy không chừng. Tóm lại là họ không muốn ăn vì có rất ít người ăn, một lí do dù không mấy thuyết phục nhưng đúng kiểu tâm lí của con người!

Biện pháp “nhân đạo” nhất được sử dụng để giảm số lượng lạc đà, đó là dùng trực thăng để bắn hạ từng con một. Nhưng phải mất một khoảng chi phí khá cao, nên không khả thi cho lắm. Và dù cho có áp dụng mọi biện pháp trên, thì số lượng lạc đà vẫn không giảm được bao nhiêu cả. Nên phải có một cách làm khác, hiệu quả và triệt để hơn!

Cha nằm trong đội lái xe, ông là một tay lái rất cừ. Nhìn dáng ông nghiêng mình trên chiếc môtô địa hình, rồ ga, bụi tung mù phía sau tiếng máy gườm tăng tốc, cực oách.

Ông nhón mình lên khi phóng xe qua một mô đất, chống chân lúc vòng xe vào hướng khác, và rạp người băng hết tốc lực. Bụi và nắng làm phong độ như tuổi thanh niên, tiếng rồ máy làm ông trông thật khỏe khoắn. Nhưng, em lại ao ước được cưỡi lạc đà, con ông yêu lạc đà hơn là chiếc xe của cha nó. Còn công việc của ông hiện tại, là lùa những con lạc đà cho chúng vào – đúng – chỗ, gián tiếp “cất cánh” những chuyến bay! Những chuyến bay lên Thiên đường…

Gã quãn lí dừng xe lại, đám lạc đà đang đứng ở đằng xa. Với thao tác nhanh nhẹn và thành thục, mọi người mau chóng mang găng tay và đội mũ bảo hiểm. Chỉ trong vài phút đồng hồ, họ đã mang xuống hết thảy 6 chiếc môtô, từ trên xe tải mà gã quản lí chạy. Rồi xoay chìa khóa, đạp máy, rồ nẹt tăng tốc. Một buổi làm việc bắt đầu, công việc của người cha!

“Cánh phải, năm con đang tách đàn”, một người trong đội hét lên. Ngay lập tức, một thành viên khác đáp lại cũng với một tiếng hét: “Để tôi”. Gã chống chân, làm một cú vòng xe tuyệt đẹp, ngược lại phía sau đàn rồi tiến thẳng đến đám lạc đà cứng đầu ngu ngốc, nẹt xe, chiếc môtô rít lên làm lũ ấy hoảng sợ nép vào trong đàn. Chúng xô nhau, chen chúc vào nhau; âm thanh khiến chúng như bối rối, lúng túng, và cả sợ đừ ra nữa. Việc điều chỉnh cho chúng liên tục di chuyển, mà phải di chuyển theo đúng con đường đặt ra thì quả là một thách thức không hề nhỏ.

Đường đến chuồng của lạc đà còn xa tít tắp. Tên quản lí suốt buổi quát tháo và thúc giục. Nắng chang chác, khô khốc, gió nóng phừng phừng cùng với bụi tung mù lên từ phía sau cái đám lộn xộn kia, một công việc vất vả. Sáu người chạy môtô, thay phiên nhau uống nước từng chập. Lạc đà xô đuổi nhau, đầu chúng nghểnh nghểnh, mũi thở phì phò giữa hoang mạc nắng nóng.

Đến chiều, gã quản lí chốt lại cửa chuồng, hài lòng về kết quả đạt được trong ngày hôm nay. Sau đó, gã xoa tay, rủ rê mọi người đi uống bia để khì khà giây lát, một phần thưởng xứng đáng cho một ngày làm việc hiệu quả!

Bóng chiều sập xuống, vàng rực, vàng rực, vàng rực… Bóng những con lạc đà ngược nắng, sẫm đen. Nhưng nếu ghi lại trong một bức ảnh, sẽ không dễ gì để nhận dạng được những con lạc đà ấy. Vì sao ư? Những cái cột làm trụ, những khúc gỗ bắc ngang làm rào, dây chì, chúng đều đen lại và đâm vào bóng của lạc đà, trông thật lộn xộn như một mớ bùi nhùi!

Còn những con lạc đà, vẫn nhóp nhép xoay vòng vòm miệng, mũi phì phò, chậm chạp liếm lưỡi vào mấy khúc gỗ hàng rào làm từ Căng. Chúng đã thôi hoảng loạn. Và trở lại là những con vật hiền lành đến ngu ngốc, đến tội nghiệp. Chúng đang chờ, đúng hơn là người ta bắt chúng chờ. Đều đã có “vé” cả, cho chuyến bay vào ngày mai!

*

Những con lạc đà sẽ bay, trong vòng năm phút nữa!

Những con lạc đà đang bay, sẽ “phóng” khỏi máy bay trong vòng năm phút nữa!

Chuẩn bị đếm ngược, từ 10, 9, 8… Những con lạc đà đang ở giữa không trung, sẽ tiếp đất trong vòng chưa đầy năm phút nữa! Một kiểu tiếp đất con người chưa bao giờ thử, rơi tự do không dù!

Gió rít, tát vào da thịt. Lạc đà phi giữa không trung, đạp chân trên những tầng gió. Và những cú lượn vòng, nằm ngửa bụng lên trời, nếu ở trên mặt đất thì lạc đà sao làm được những điều như thế! Gió ở trên này không cuốn cát, lạc đà táp vào gió. Những chùm lông vàng bay như gợn sóng. Ai nói lạc đà không thể bay? Hãy nhìn lên bầu trời, những cái chấm đen đen trên nền xanh thắm, lạc đà đang bay!

Lạc đà là loài có đến ba mí mắt. Nhưng đừng bận tâm về điều đó, hãy hình dung về những gì mà lạc đà đang thấy, từ trên không trung.

Sa mạc chập chùng cát vàng, hoang mạc bao la vươn lên những loài cây của miền xích đạo. Vùng đồng bằng xa xanh thẳm. Những ngôi nhà san sát nhau, chen chúc, cao thấp nhấp nhô. Một góc nhìn khác, mới lạ hơn thường ngày. Những con đường tráng nhựa phẳng lì, một đoàn tàu đang chạy trên đường ray. Dòng sông Dốc Cái chảy dài với màu xanh của nước mát song song với những xóm nhà… Mọi thứ đều bé nhỏ, khi nhìn từ trên cao!

Lạc đà vẫn đang bay, đúng hơn là đang rơi…

Bao la cát nơi này sẽ “hứng” lấy lạc đà như mặt đất hứng một quả rụng. Ở đây chỉ có cát, gió, nắng, nóng… Và có quá nhanh để cảm thấy cơn đau? Hay chỉ trong một khắc, lạc đà sẽ hóa linh hồn!

Lạc đà đã ăn quá nhiều cây cỏ, đất chết khi không có màu xanh ở trên nó. Cái giá phải trả là chính da thịt lạc đà, chúng sẽ làm màu mỡ cho đất này, cho vùng hoang vu này. Sự hoang vu có hạn, khi đất bị ăn bớt ở một nơi nào đó, hoặc khi lạc đà lại tiếp tục sinh sôi...

*

Đứa bé hỏi cha của mình, trong những ngày mà ông được nghỉ, một kì nghỉ dài:

- Lạc đà thế nào rồi, cha?

Ông ngẫm nghĩ, người cha ngẫm nghĩ rất rất lâu:

- Đừng hỏi về chúng...

Ông có vẻ bực bội, nhưng khi trông thấy đôi mắt tròn đen láy của em, đôi mắt của sa mạc, ông lại dịu xuống và buộc mình phải trả lời cho đứa bé hiểu rõ:

- ... Không phải là tất cả, nhưng một phần nhiều trong số chúng đã có một chuyến bay, con yêu!

- Một chuyến bay?

- Phải, một chuyến bay... lên Thiên đường!

Những chiếc trực thăng không còn nổ những phát súng nữa, cũng không còn những cuộc “đi săn”, người dân hài lòng vì đã được sống yên ổn. Lạc đà đã trở về với đúng số lượng mà chúng nên phải thế, số lượng mà loài người quy định. Dòng sông Dốc Cái vẫn chảy như không màn đến những đổi thay của thời cuộc người – lạc đà. Nhưng cây sẽ lại xanh trong bao lâu nữa?

Em nhìn quanh, đất có còn bị xâm lăng? Khi sinh sôi là điều không thể nào tránh khỏi!

Truyện ngắn của Võ Đăng Khoa

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp