23:59 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3853

Máy chủ tìm kiếm : 201

Khách viếng thăm : 3652


Hôm nayHôm nay : 191181

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4492480

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51437978

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Lư hương miếu làng

Thứ hai - 28/12/2020 08:10


Giữa trưa, lão Kình mặc độc chiếc quần xà lỏn, mình đen như thân cột nhà cháy, vừa đi vừa chửi đổng:

- Mẹ cha quân ăn cướp, ông mà bắt được thằng nào ông bẻ gãy cổ!

Ngày thường thì lão đã đi khắp làng, điểm dừng cuối cùng là quán nước nhà chắt Nhị để oang oang về cái việc đang làm lão tức sôi máu. Có nhiều chuyện, lão Kình còn day mãi, day đến khi người ta không còn muốn nghe nữa thì lão mới thôi. Ấy thế nên, cái chuyện động trời tối qua ở nhà lão, mà nghe chừng lão chưa xồn lên để ngồi tréo ngoe trên chiếc ghế tre bóng nước ở quán chắt Nhị, kể ra cũng là chuyện lạ!

Trời tháng sáu nóng như rang. Gió lào vắt kiệt nước khiến cây cối khô rộc, vàng rũ. Mồ hôi không kịp rịn trên vùng trán nhăn thúm của lão Kình. Từ đằng xa thấy bóng lão, Tư gù, kẻ hóng chuyện hơn ma xó của làng giãn căng da mặt, phấn khích:

- Em chào đại ca. Gớm, dạo này trông mặt mũi đại ca xuống sắc quá. Ôi dào, đại ca cứ đấm thẳng vào mặt đứa nào gây sự, tội gì phải nín nhịn để hao gầy tuổi xuân. Mà nói thật, người toàn năng như đại ca thì sợ chó gì bọn chúng. Em đây là em phục đại ca sát đất. Đi khắp thế gian không tìm được người văn võ song toàn như đại ca đâu!

Lão Kình dợm bước, nhưng rồi khựng lại. Đôi bàn tay to bè, cứng như thép bóp nghe đánh rắc chiếc bật lửa Huda nằm thóp trong túi quần. Hai vành tai lão ửng đỏ, cánh mũi giật giật. Tư gù nín thở, chờ đợi cơn nóng hơn lửa của gã trai bạt mạng một thời của làng Bình Hoà.

Khi Tư gù mới chập chững biết đi thì Lão Kình đã bôn ba tứ xứ. Lão học đủ thứ nghề, từ vẽ tranh truyền thần đến kĩ sư điện tử; từ nhảy tàu buôn hàng đến nhân viên kế toán; từ thầy giáo dạy võ đến bảo vệ trong khách sạn nhiều sao… Ở cương vị nào, lão Kình cũng đều xuất sắc hoàn thành. Lão là người thông minh, học nhanh, biết nhanh.

Nhưng, lão Kình như ngọn gió không chân, đến rồi đi ráo hoanh ráo hoảnh. Nơi lão làm việc lâu nhất cũng được chừng một năm. Lão luôn tự vỗ ngực, “thiên hạ đếch có thằng nào bì được ông”! Ấy thế nên, lão luôn cảm thấy nhục khi bị những kẻ mà theo lão là “đếch biết gì” sai việc. Khi có dịp, lão thường nói về những mối quen biết của lão, nào là Thứ trưởng A, Bộ trưởng Z… Nào là giám đốc nọ, tiến sĩ kia. Chốt một câu ráo hoảnh, lão là kẻ sa cơ, có vẫy vùng đến mấy cũng tay trắng, trắng tay!

Khi Tư gù le te biết gáy, lão Kình đã về vườn, sống cuộc đời “cá chậu chim lồng”. Ấy là lời của lão trong những ngày vô công, ngồi lê buôn chuyện ở quán nước nhà chắt Nhị. Trong câu chuyện của lão Kình, bao giờ cũng được chia làm ba phần rõ ràng như bài văn tả cảnh của học sinh cấp hai. Phần mở bài là hình ảnh rất đẹp của chàng trai rắn rỏi, thông minh, đa tài và giỏi võ nghệ. Chàng trai ấy có nhiều mơ ước, ôm ấp nhiều hoài bão. Phần thân và kết bài là cuộc sống đầy rẫy bất công đã vùi dập, chà đạp. Và rốt cục, lão đang sống những ngày cầm tù như chim lồng, cá chậu…

Trong đám người vô công rồi nghề nghểnh tai lên nghe lão kể, có kẻ đã thuộc lòng như dấu chỉ trong lòng bàn tay. Ấy thế nhưng, vẫn kiên nhẫn chờ đợi đến phần kết bài của câu chuyện để “bơm”, thêm mắm, muối.

Đại thể như là “Em phục đại ca sát đất. Đại ca đi nhiều biết nhiều, chứ đâu như lũ chân đất mắt toét, cả đời chưa ra khỏi đồng đất như tụi em. Mà em hỏi thực, mỗi tháng đại ca cầm chắc mấy chục củ trong tay mà sao tiêu pha có vẽ èo ọt quá! Nhìn phông màn của đại ca mà tụi em thấy xót…”.

Trong cánh “bơm” có hạng phải kể đến Tư gù. Hắn ít tuổi nhưng thâm. Lời Tư gù nói ngọt như mật. Nghe tới nghe lui kiểu gì cũng sang chảnh, cũng mướt mát như hắn là kẻ chân tình bậc nhất. Mỗi lời hắn nói, có cảm giác như những vòi bạch tuộc thò vào tận ngõ ngách của con người bộc trực, dễ nóng giận để làm nổi lên trận cuồng phong.

Với lão Kình, chỉ cần đặt phép so sánh giữa tài năng, khát vọng và hiện thực của lão là ngay lập tức lão nổi cơn điên. Máu từ tim dồn về đỏ ửng, hai vành tai giật giật, khuôn mắt thắt lại trông vô cùng đáng sợ. Lão Kình giữ nguyên trạng thái đó, khật khưỡng đi về nhà. Đó là nơi an toàn nhất để lão trút cơn giận giữ, trút nỗi ấm ức, trút bỏ những muộn phiền. Bao nhiêu thứ trở thành đĩa bay, bát bay, mâm bay, chậu bay…Tư gù và bao kẻ rỗi công đứng ngoài đấm lưng nhau, bịt miệng cười.

Nhưng, nghe chừng lần này Tư gù không hạ được lão Kình. Hắn thót người, nhìn không chớp vào từng thớ thịt trên khuôn mặt chằng ngang nhiều nếp nhăn của lão. Lần đầu tiên Tư gù nhận thấy, lão Kình đang dùng hết sức để khống chế cơn nóng giận. Mặt lão đỏ rần rồi thoắt xám lại, teo tái như miếng thịt trâu phơi lâu ngoài gió. Con người bộc trực, dễ nổi giận như lão thốt nhiên lúng túng như gà mắc tóc. Lão nói:

- Ôi dào, thằng nào láo toét, tớ đây nhất định không tha. Dưng mà, bữa nay chả có việc gì sất, tớ chửi là chửi con chó nhà ai thả rông, ỉa bậy. Thôi, vào quán nước ta làm chén cho ấm bụng, hí!

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Tư gù xịt nước miếng thành sợi qua hai kẽ răng khê vàng mùi thuốc. Hắn lủi nhanh như Thằn Lằn ngày mồng một mang theo sự kinh ngạc khôn tả. Kình phổi heo nhất định ăn phải bùa ngãi của kẻ nào rồi? Hay ít nhất cũng có bí mật động trời mà lão không dám hé răng.

*

Quả thật, lão Kình không ngờ cái lư hương trên bàn thờ gia tiên nhà lão lại bị khoắng ngay trước mũi lão. Cả cái làng Bình Hoà này, từ già đến trẻ không ai biết nhà lão có đồ cổ quý hiếm. Mà, ngay chính bản thân lão thôi, lão cũng không biết cái lư hương vứt lơ chơ lỏng chỏng dưới gầm giường, được vợ lão lau chùi qua quýt rồi bỏ lên bàn thờ lại có giá đến thế.

Vốn dĩ là người hay nghi hoặc, lại có sẵn tố chất của một luật sư hạng vỉa hè, lão Kình đóng cửa, chắp tay đi lại ra chiều đăm chiêu lắm.

Lão nhớ lại, đâu chừng mười năm về trước, khi lão đang còn vâm váp, sẵn máu anh hùng, lão tập hợp đám thanh niên yêu võ nghệ trong làng hì hục tập luyện. Những đêm trăng vằng vặc, cả bọn lầm lũi lên tấn, xuống thế say mê quên cả giờ giấc.

Trong đám đệ tử của lão, có một người tên Hàn. Anh ta lầm lì ít nói, môi thâm, mắt trắng. Mỗi khi có chuyện bất đồng với đồng môn, chỉ có lão Kình mới làm anh ta sợ. Không cần biết ai đúng ai sai, lão sẵn sàng giáng nắm đấm thẳng vào mặt đến phọt máu tươi. Vì thế, Hàn không bao giờ giám gầm ghè trước mặt lão.

Hàn lấy vợ sớm. Con người Hàn gian xảo, nghĩ gì khó ai biết, lại rất giỏi nắm bắt thời thế nên gia cảnh ngày ấy đã được xem là khá giả. Hàn theo lão Kình học võ là muốn có chút vốn liếng lận lưng. Bởi, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày thì ba trăm sáu mươi ngày là những chuyến Hàn đi xa, lên tận vùng dân tộc để lùng sục đồ cổ quý hiếm.

Một đêm mưa, Hàn hiện ra trước cửa nhà lão, bẩn thỉu và ướt đầm như vừa được móc từ dưới cống lên. Hắn mang theo một vật nặng bọc trong chiếc áo bông cũ. Giọng Hàn nghe rõ sự run rẩy, hoảng loạn:

- Thầy (hắn vẫn quen gọi lão Kình như thế) cứu em với…!

Trên đời, lão Kình người không sợ ma không sợ quỷ, nhưng lão sợ nhất là nước mắt đàn ông. Nhìn thấy anh chàng Hàn đầu gối run lẩy bẩy, nước mắt giàn giụa, lão thấy mủi lòng. Lão nói:

- Chuyện gì mà chú em kinh hãi thế?

Hàn đặt vật đang ôm trước ngực xuống nền đất, từ từ mở ra, mắt vẫn đầm đìa nước. Hắn đưa tay quyệt mặt, nói không thành lời:

- Em trót dại. Thầy g...iúp em với!

Chiếc lư hương bằng đồng màu xám đen, được chạm khắc tinh xảo hiện hữu trước mắt lão. Không dưng lão Kình nghe rợn gai ốc, lão thì thào:

- Mày chôm ở đâu thế? Mày khoắng ở đền bà Thánh Mẫu à! Thôi, chết rồi con ơi, đền ấy ngang trời dọc đất như tao mà còn phải chừa ra huống nữa là mày!

Anh chàng Hàn nghe lão Kình nói, mặt trở nên trắng bệch, hai đầu gối va vào nhau nghe rõ tiếng lộc cộc. Hàn nhân lúc lão Kình đang nhìn ngắm chiếc lư hương màu xám, bèn đi thụt lùi ra ngõ rồi lủi mất.

Không còn cách nào khác, lão Kình đút vội chiếc lư hương vào gầm giường, định bụng sáng mai mang sang trả lại cho cậu học trò quý hoá. Nhưng rồi, với bản tính xuề xoà, nóng giận nhưng chóng quên, lão không còn nhớ đến câu chuyện về chiếc lư hương nữa.

Một bận, lão đi ngang nhà anh chàng Hàn, tiện đường ghé vào thăm. Lão Kình chột dạ khi nhìn cỏ cây phủ đầy lối đi. Nhà cửa vắng hoe, dọc ngang bừa bộn quần áo, chén đũa, chăn màn… Sau chái bếp, một chiếc chuồng sắt được dựng lên.

Lão Kình tò mò, đi dấn thêm mấy bước. Lào thất kinh khi nhìn thấy Thi, người đàn bà đẹp nức tiếng một thời, vợ của Hàn đang xoã tóc, trần truồng với đôi mắt điên loạn. Hai bàn tay thon dài và hẵng còn rất đẹp của vợ Hàn bị xích vào cũi sắt. Với tư thế ngồi chồm hỗm trong chiếc cũi chật chội, đôi mắt điên loạn trắng dã của Thi vằn lên những vệt máu đỏ.

Hàn bất chợt lù lù hiện ra trong bộ dạng đói ngủ và chán chường đến tuyệt vọng. Hàn nói:

- Nó (Hàn chỉ vào vợ) la hét suốt cả đêm lẫn ngày khiến tôi như muốn phát điên theo!

Lão Kình chép miệng ngậm ngùi, trong lòng trào lên nỗi thương cảm:

- Cô ấy đẹp thế, thật không ngờ gia đình cậu lại lâm vào hoàn cảnh bi thương này!

Hàn cúi đầu. Khuôn mặt bủng vàng vì đói ăn, đói ngủ chợt thắt lại, ra chiều tiếc nuối:

- Cũng tại tôi hết. Nửa năm về trước, có kẻ đặt giá mười tỷ cho chiếc lư hương cổ màu đồng xám. Tôi nổi máu tham, lùng khắp chùa chiền, miếu mạo ở làng Bình Hoà để tìm thứ quý hiếm đó. Tôi đã mạo phạm đến chổ linh thiêng nên bị trừng phạt. Trời ơi, cứ thế này thì làm sao mà sống nổi…?

Hắn ôm đầu khóc tu tu. Cả gương mặt điển trai và rất thư sinh của Hàn nhoè nhoẹt thứ nước sánh đục như nước gạo. Lão Kình kinh hãi, không cả chào hỏi vắt chân lên cổ, chạy biến khỏi nhà Hàn.

Ngày hôm sau, cả người lão Kình như có sâu bò. Vừa nóng, vừa ngứa rát cháy tận da. Những đường máu nhỏ li ti nổi dưới hai bắp về của lão rồi chạy dần lên đến bụng. Lão Kình vừa đau vừa sợ. Lão nhớ đến câu chuyện của Hàn và chiếc lư hương bằng đồng dưới gầm giường nhà lão. Mồ hôi tứa ra như tắm, lão ngoắc vợ đến gần rồi thì thào điều gì không rõ.

Vợ lão không hiểu đầu cua tai nheo thế nào, nhưng, thấy lão mê man không dứt thì vội vã làm theo. Chiếc lư hương bằng đồng được lau chùi sạch sẽ, đặt trịnh trọng trên bàn thờ gia tiên nhà lão. Lão Kình dứt sốt, đi lại ăn uống ngon lành khi hết tuần hương. Từ đó trở đi, không thấy lão Kình phỉ báng thánh thần, ngày rằm mồng một thành kính thắp hương cúng vái. Chưa bao giờ Kình phổi heo giữ được bí mật. Nhưng, chuyện về chiếc lư hương bằng đồng, lão chưa từng kể với ai.

Ấy thế mà, sáng hôm nay, chiếc lư hương nhà lão đã không cánh mà bay. Nghĩ đi rồi nghĩ lại, lão không thể nghi ngờ cho ai ngoài thằng cha Hàn, người đã khiếp bảy vía khi thất kính với thánh thần.

Nhà lão Kình khuất lối, lại nuôi hai con chó dữ nên quanh năm suốt tháng, hầu như không có người ghé thăm. Vợ lão siêng năng, làm quần quật suốt ngày, hàng xóm láng giềng cũng chỉ đứng bên kia hàng rào, chỏ mồm nói vọi dăm bảy câu xã giao cho phải phép. Mà, lão lại nghèo rớt, bàn ghế mối mọt, bổ xiên bổ xẹo, có ma mới nghĩ tới có vật gì đáng giá.

Đích thị là thằng cha Hàn. Cái ngữ môi thâm mắt trắng ấy tham thâm phải biết! Lão Kình chắc như đinh đóng cột về kẻ đã lấy cắp vật thiêng trong gia đình nhà lão. Từ ngày thờ cúng chiếc lư hương bằng đồng, quả gia đình nhà lão vượt qua nhiều tai kiếp.

Kình phổi heo tính nóng như lửa, trái tai gai mắt là quất, không cần nhìn trước ngó sau. Ấy thế nhưng, lão lại thận trọng trong việc tìm ra kẻ đã dám qua mặt lấy cắp đồ vật trên bàn thờ gia tiên nhà lão.

Đường đến nhà Hàn có một lối đi tắt qua khu nghĩa địa. Hai bên là những ngôi mả mới còn vướng vất mùi tử thi. Phơ phất trong âm u cây cối, hình hài nhẹ bẫng lướt mềm trong gió. Kẻ không biết sợ như lão cũng thấy rờn rợn, hơi lạnh chạy dọc sống lưng. Lão chợt nghe lòng chùng xuống, thương cảm cho cuộc đời của lão, của Hàn, Tư gù và những người dân chân đất mắt toét ở làng Bình Hòa nước lẹ.

Trong vuông trời ẩm thấp, đục những tiếng thở dài, lão đã từng có khát vọng làm cánh chim bay vút giữa nền trời. Lão đã từng vùng vẫy để vượt qua khỏi dãy núi, sang cánh đồng đầy nắng ở bờ bên kia. Nhưng, rốt cuộc, lão mãi là chú chim bị nhốt trong vuông trời bé xíu, không công rỗi nghề, ngồi lê bàn chuyện thiên hạ.

Mấy ngày trước, lão Kình, Tư Gù và chủ quán chắt Nhị ngồi nhâm nhi rượu suông, bắn thuốc lào vặt. Hôm đó trời mưa tầm tả, cái lạnh đầu mùa hun hút khiến kẻ ngồi trong nhà cũng phải co ro. Tư Gù ghé miệng chai rót đầy ly rượu trước mặt lão Kình, chép miệng:

- Nói cho cùng, đời người ngắn như sợi dây khoai. Giàu cũng khổ, làm quan cũng khổ… Suy đi nghĩ lại, anh em mình là sướng nhất, bác Kình nhỉ?

Lão kình mặt đỏ rần, đắc chí gật gù. Lão trộm nghĩ, nhìn lên mình không bằng ai nhưng nhìn xuống lắm kẻ mơ ước được như lão. Ngày của lão được gắn đít, định vị trên chiếc ghế chân thấp chân cao của quán nước nhà chắt Nhị. Cứ mỗi cái bóng ngang qua là một câu chuyện. Hết chuyện trong làng trong nước thì đến chuyện bên Tây bên Tàu. Chuyện về dịch tả lợn châu Phi, về việc y học tìm ra cách khống chế tế bào ung thư. Bao giờ cũng thế, lão Kình ngửa cổ, dốc tuột ly rượu rồi nói:

- Giỏi, bây giờ lắm người có trí tuệ phi phàm thật đấy! Giá như tớ có tr ong tay tuổi trẻ, nhất định tớ sẽ làm được nhiều việc ra hồn.

Tư Gù giơ chén, đánh cái rộp vào đôi tay trắng, thon thon của lão Kình, cười nịnh bợ:

- Trong mắt em, đại ca là số một. Người ta một nghề không chín còn đại ca thì bách nghề. Ví như cái vụ thơ thẩn đó, nói của phải tội chứ các nhà thơ trong huyện trong tỉnh có mà xách dép cho đại ca. Đại ca chỉ có mỗi một tội là để chị nhà mình quản chặt quá, nên…

Tư Gù cười hề hề, bỏ lửng câu nói, quay qua nhìn thái độ của lão Kình. Đang hứng chí, lão Kình chợt khựng lại. Lão thò tay vào túi, chạm phải đáy túi rỗng, không một hào một cắc. Lão đứng lên phủi phủi bộ vét lượm của thằng cháu trên phố, nói:

- Ôi dào, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, mày lo nghĩ đếch gì lắm cho già người! Chắt Nhị đâu, lấy rượu cho thằng Tư uống thoải mái, hết bao nhiêu ghi vào sổ, bõ một lần mang tiền đến trả.

Lão Kình đi rồi, Tư Gù xì nước miếng qua kẽ răng, nói đổng: “Trên răng dưới răng mà còn sĩ ! Đúng là ngu hơn bò…”.

Lão Kình đứng trước ngôi nhà đầy lá rụng, cỏ cây um tùm của thằng cha Hàn mà dựng cả tóc gáy. Chiếc cũi sắt vẫn để chỗ cũ. Người đàn bà vợ Hàn không còn sức để phá phách, trần truồng nằm dí dưới nền chuồng ẩm ướt và hôi hám. Trong góc là một tô cơm lổn nhổn, đã sình nước.

Hàn tiếp lão Kình ở nhà trên. Bây giờ, trông hắn đã khá hơn nhiều. Mặt mũi trông béo tốt, có thần sắc. Hắn rót trà ra chén, giọng tỉnh queo:

- Thầy ạ, tôi vừa làm chuyến Mường Xén về, lời lãi khá lắm. Thầy không vướng bận việc nhà thì đi với tôi cho vui.

Lão Kình hất hàm hỏi :

- Thế còn cô ấy, cậu đi thì ai chăm?

Hàn vuốt vuốt cái cổ áo là phẳng phiu, đáp:

- Thì em cũng phải sống chứ thầy! Mà thầy xem, cô ấy bây giờ có thành người nữa đâu!

Lão Kình tái mặt. Trong cũi sắt, người vợ đáng thương của Hàn đang chổng mông lên trời, hai bàn tay với những móng tay dài nhọn hoắt bốc thức ăn đã bốc mùi từ chiếc chậu nhôm để trước mặt, ăn ngấu nghiến. Rồi, bất thần, đôi mắt trắng dã giận giữ nhìn xéo về phía lão Kình và Hàn ngồi. Đôi bàn tay gầy giơ móng vuốt buông thõng nắm cơm vừa bốc. Cả thân người đàn bà đổ xuống như một con sứa biển chết dạt vào bờ. Lão Kình kinh hãi chộp lấy vai Hàn:

- Cậu thả cô ấy ra!

Hàn thản nhiên gỡ tay lão Kình, giọng mềm như ru:

- Thầy ơi, cô ấy mà ra khỏi đó thì thầy trò mình chết là cái chắc. Mà, của đáng tội, ngữ ấy sống dai phải biết! Có thương thì thầy phải xót thương cho tôi, cái thằng tôi đang ngồi trước mặt thầy đây này!

Hàn giơ tay đấm đấm vào ngực. Hai bàn tay sạch sẽ, sáng loáng nhẫn vàng, đồng hồ vàng. Lão Kình máu nóng bốc lên mặt, thọi nắm đấm cực mạnh vào mặt Hàn:

- Đồ khốn nạn. Mày đã làm gì với vợ mày, hả thằng đốn mạt kia?

Hàn không phải tay vừa. Kẻ đi Nam về Bắc, gặp đủ loại người như hắn không dễ khuất phục. Hắn lạnh lùng chùi mép, rồi bất ngờ rút thanh côn giấu trong người quất thẳng vào đầu lão Kình. Do không đề phòng, lại ỷ vào uy của người có võ nghệ, lão Kình bị dính ngay một côn vào đầu, máu chảy lênh láng.

Lão Kình được y tá khâu năm mũi rồi khử trùng bằng thuốc đỏ. Lần đầu tiên trong đời, lão nằm không trên giường. Qua ô cửa sắp bung chốt, lão Kình thấy bóng người đàn bà tiều tuỵ, gầy đen đang xoan chân đạp lúa. Người đàn bà chỉ biết một xin mình, hai xin mình trước những cơn nóng tam bành của lão. Người đàn bà mà lão, kẻ vâm váp sức lực đã dựa hơn nửa đời người!

Lão Kình rịn nước mắt từ hai khóe mắt, sống mũi cay xè. Một khối ân hận dâng lên nghẹt tim lão.

Lão chợt nhận ra ngôi nhà của lão không khác gì chiếc cũi sắt sau chái bếp nhà Hàn.

Chiếc cũi sắt ám khói nhang ngày rằm, mồng một từ chiếc lư hương màu đồng xám!!!.

Truyện ngắn của Tống Phú Sa

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp