16:58 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 2118

Máy chủ tìm kiếm : 32

Khách viếng thăm : 2086


Hôm nayHôm nay : 79573

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3526463

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55680352

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Mẹ con người hát quan họ

Chủ nhật - 04/04/2021 22:23


Nhạc sĩ Ngọc Lương (giữa) say sưa bên cây đàn.

Nhiều năm ít thấy NSND Thúy Cải hát quan họ trên sóng phát thanh, truyền hình hẳn nhiều người sẽ tò mò giờ người nghệ sĩ vang bóng một thời ấy đang ở đâu và làm gì? Cũng mang trong mình những thắc mắc ấy, qua một số nghệ sĩ quan họ, tôi được biết bà cùng người bạn đời của mình đã trở về quê nhà ở chân núi Bất Lự (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) sống an nhàn tuổi già.

Thế rồi khi duyên đến, trong một ngày miền Bắc bước vào những ngày xuân tiết trời se se lạnh, mưa phùn lất phất bay, tôi đã tìm về để gặp bà trong niềm háo hức, mong chờ. Và vẫn với khuôn mặt ấy, giọng nói ấy, ánh mắt ấy, nghệ sĩ Thúy Cải không khác mấy so với trong trí nhớ của tôi hồi nhỏ, cái hồi mà tôi thường xuyên nghe và xem bà hát trên loa phát thanh cũng như vô tuyến truyền hình. Bà nhẹ nhàng, tình cảm, gần gũi tiếp tôi trong căn nhà khang trang mới xây lại trên đất của tổ tiên để lại. Ngồi đối diện với tôi trông bà trẻ hơn so với tuổi 68 của mình.

Khi tôi và bà say sưa với câu chuyện thì tôi để ý chốc lát lại có một người đàn ông đi qua đi lại. Người đó là chồng bà, người đàn ông lặng lẽ, âm thầm trong cuộc đời của người nghệ sĩ nổi tiếng. Công việc của ông cũng lặng lẽ, âm thầm như thế khi phụ trách âm thanh, ánh sáng trong Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh, nơi bà làm Trưởng đoàn suốt nhiều năm. Nhưng cũng phải nói rằng đây là công việc rất quan trọng trong tiết mục trên sân khấu và ông cũng là người rất quan trọng trong cuộc đời của nghệ sĩ Thúy Cải.

Đôi mắt nhìn về xa xăm, ánh lên niềm tự hào, bà khẳng định: “Nếu không có ông ấy ở đằng sau làm hậu phương, trông nom con cái, vun vén công việc của hai bên bốn họ thì đã không có một Thúy Cải vang danh xa gần hôm nay”. Nghe đến đây tôi càng thêm trân trọng, quý mến ông vì tôi hiểu làm chồng của một người vợ nổi tiếng quả thực không dễ dàng một chút nào.

Dẫn tôi đi trên con đường làng quanh co, đậm chất nông thôn Bắc bộ, nghệ sĩ Thúy Cải bảo, nghỉ hưu rồi về quê là thích nhất. Nơi đây có họ hàng, làng xóm và những người thân thiết đã gắn bó suốt nhiều năm qua. Con người mà, đến lúc “chùn chân, mỏi gối” phải tìm về nguồn cội, đó như một lẽ thường tình của đại đa số người Việt.

Thực ra nói là “ở ẩn”, là “an nhàn tuổi già” cũng đúng mà cũng chưa đúng vì hiện nay nghệ sĩ Thúy Cải vẫn tham gia vun trồng cho những “mầm non quan họ” quê nhà tại chùa Phật Tích vào mỗi chủ nhật hằng tuần. Bởi bà quan niệm rằng, theo thời gian và tuổi tác thì lớp nghệ sĩ quan họ sẽ già đi và nhiệm vụ cấp bách là phải đào tạo ra đội ngũ kế cận có đủ tâm huyết và tình yêu nghề.

Trong bài phát biểu cảm tưởng của bà trong dịp Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập và đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh Bắc Ninh (ngày 27-9-2019), bà vẫn không quên đau đáu: “Các bạn trẻ hãy vì nghệ thuật mà lao động, sáng tạo để xứng đáng với những giá trị văn hóa quan họ mà người xưa để lại, xứng với miền quê văn hiến mà mình đã sinh ra. Nay thế hệ đi trước đang bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” muốn vương vấn với quan họ mà “lực bất tòng tâm”. Tương lai trên con đường gìn giữ và phát triển dân ca quan họ nhờ cậy cả vào thế hệ hôm nay. Những mong các bạn hãy đem loại hình nghệ thuật hát dân ca quan họ Bắc Ninh hòa vào cuộc sống bằng tâm huyết thực sự và tài năng sáng tạo của thời đại mới…”.

NSND Thúy Cải trẻ trung trong bộ đồ quan họ.

Cũng thật tình cờ khi tôi trò chuyện cùng bà cũng là dịp đất nước chuẩn bị bước vào ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (ngày 23-5-2021), những ký ức về ngày bà làm việc tại nghị trường Quốc hội lại dội về trong bà.

Có thể nhiều người không biết ngoài biết đến là một nghệ sĩ quan họ, một lãnh đạo Đoàn Dân ca quan họ, bà còn là đại biểu Quốc hội khóa IX (1992-1997). Với tư cách là đại diện tiếng nói của cử tri tỉnh Hà Bắc khi ấy, bà đã có những phát biểu, tranh luận về đường hướng phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà cũng như sớm tìm lối đi cho dân ca quan họ được lan tỏa.

Ngày ấy, bà cùng nghệ sĩ Huyền Phin (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) là những nghệ sĩ hiếm hoi là đại biểu Quốc hội và là những nhân tố tích cực khuấy động phong trào văn nghệ vào những buổi tối sau giờ thảo luận căng thẳng trên nghị trường.

Nghệ sĩ Thúy Cải nhớ lại: “Khi ấy Chủ tịch Quốc hội là đồng chí Nông Đức Mạnh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là đồng chí Vũ Mão. Các bác đều là những người yêu thích dân ca và sôi nổi, nhiệt tình trong phong trào văn nghệ. Trong 5 năm làm đại biểu Quốc hội, tôi đã được học hỏi nhiều điều từ các bác lãnh đạo cũng như đại biểu tỉnh bạn để có cái nhìn sâu sắc, xuyên suốt về ngành văn hóa nghệ thuật nước nhà”.

Là người đào tạo, bồi dưỡng, dìu dắt nhiều thế hệ nghệ sĩ quan họ, NSND Thúy Cải cũng không quên truyền tình yêu và niềm say mê nghệ thuật cho chính những người thân trong gia đình mình, trong đó có cô con gái cả Ngọc Lương. Nhạc sĩ Ngọc Lương là một trong những hội viên trẻ nhất của Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh.

“Ái nữ” của nghệ sĩ Thúy Cải từng tốt nghiệp chuyên ngành đàn tam thập lục của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), có bằng Thạc sĩ quản lý văn hóa và hiện là thành viên Hội đồng nghệ thuật của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hằng năm, Phòng Nghệ thuật quần chúng, Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh, nơi nhạc sĩ Ngọc Lương là Trưởng phòng đã đứng ra tổ chức mở 4-5 lớp học hát dân ca quan họ tại cộng đồng cũng như hướng dẫn hoạt động trên 500 câu lạc bộ quan họ trên địa bàn tỉnh. Dù không học sáng tác nhưng Ngọc Lương đã tìm tòi, sáng tạo để sáng tác nhiều ca khúc dạt dào âm hưởng quan họ nhưng lại bay bổng phong cách trẻ trung, hiện đại, như: “Về Kinh Bắc”, “Người ơi thương nhớ”, “Trẩy hội xuân”…

Trong Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2014-2019 tại Đại hội Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2019-2024, đã khẳng định: “Nhạc sĩ Ngọc Lương có các ca khúc “Bắc Ninh thành phố bình minh”, “Bắc Ninh quê em đẹp lắm” và đặc biệt ca khúc “Ta tự hào có Bác” được Ban tổ chức Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015-2020 trao giải Khuyến khích”.

Chia sẻ về công việc sáng tác, nhạc sĩ Ngọc Lương cho biết: “Cũng như bao nhạc sĩ viết về Bắc Ninh, tình yêu với âm nhạc, quê hương đã thấm sâu vào con người tôi một cách tự nhiên và say đắm. Vì vậy, những ca khúc được viết lên không chỉ là tâm tình của tôi về mảnh đất, con người Bắc Ninh mà còn thể hiện cuộc sống đổi mới, phát triển nơi đây”.

Nhìn vào sự nối tiếp nhau để gìn giữ truyền thống nghệ thuật trong một gia đình của hai mẹ con nghệ sĩ Thúy Cải – Ngọc Lương càng khiến chúng ta tin rằng âm nhạc dân tộc vẫn như những mạch nguồn chảy xiết.

Ngô Khiêm

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp