05:32 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 4124

Máy chủ tìm kiếm : 263

Khách viếng thăm : 3861


Hôm nayHôm nay : 55716

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4548196

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51493694

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

NSND Ngô Y Linh: Âm vang nhịp trống thời gian

Thứ ba - 18/05/2021 08:06

Vũ điệu "Ni La - Cô gái đánh trống trận"

Tính đến nay đã tròn 60 năm ngày ra đời vở kịch lừng danh "Ni La - Cô gái đánh trống trận" (Kịch Nga do Ngô Y Linh dàn dựng). Đây là vở diễn bảo vệ tốt nghiệp của lớp diễn viên đầu tiên của Trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam (1961). Vở kịch được coi là dấu son mới lạ và kỳ tích của nền sân khấu kịch nước nhà vào đầu thập niên 60 (TK 20). Đây là một tác phẩm xuất sắc về các chiến sĩ Hồng quân Liên xô trong thời kỳ chống phát xít Đức. Câu chuyện đầy hấp dẫn thông qua nhân vật Ni La, một cô gái Nga (do Nguyệt Ánh thủ vai) đã dấn thân vào hàng ngũ phát xít Đức. Cô hoạt động tình báo cho quân đội Xôviết.

Nhiệm vụ của Ni La phải tìm cách tiếp cận và hạ sát tên tướng Đức khét tiếng độc ác. Cô bị đồng đội nghi kỵ dè bỉu. Chiến sĩ Phê Đo (Hà Văn Trọng diễn xuất) cũng xa lánh người yêu của mình. Nhưng vì nhiệm vụ bí mật, Ni La cam chịu để thực hiện nhiệm vụ. Cuộc chiến đấu ngày một cam go và quân đội Hồng quân Liên xô ngày càng lớn mạnh. Ni La hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng đúng lúc quân Đức chạy tháo thân thì Ni La bị một tên gián điệp bắn chết. Cô gục ngã trước đoàn quân Xôviết đang tiến về phía trước.

NSND Ngô Y Linh thời trẻ.

Đạo diễn Ngô Y Linh đã đem lại luồng gió mới trên sân khấu nước nhà. Ông là một nghệ sĩ có biệt tài thiên bẩm về tư duy nghệ thuật tổng hợp. Sau khi tập kết từ miền Nam ra, Ngô Y Linh được cử đi Bắc Kinh học đạo diễn sân khấu (1954-1960). Khi về nước ông đã dạy học và dàn dựng vở "Ni La - Cô gái đánh trống trận" cho lớp học sinh khóa 1. Với tư duy hiện đại về ngôn ngữ sân khấu theo phong cách nghệ thuật Stalinapxki. Đó là tính tạo hình sống động về tính cách nhân vật. Ni La và những nhân vật khác trong vở kịch ngày đó đã được đạo diễn Ngô Y Linh diễn thị phạm cho các nghệ sĩ học theo. Từ động tác đến ánh mắt và gương mặt đều biểu lộ tâm trạng, cá tính nhân vật. Đó là những bài học sinh động cho những nghệ sĩ trẻ ngày ấy như Trọng Khôi, Doãn Hoàng Giang, Thế Anh, Đoàn Dũng, Hà Văn Trọng, Doãn Châu, Nguyệt Ánh, Bích Thu, Tú Mai...

Đặc biệt đạo diễn Ngô Y Linh còn có nhiều tài năng khác như viết kịch bản, thiết kế mỹ thuật và âm nhạc. Tôi có dịp gặp họa sĩ, NSND Doãn Châu, một trong những học trò cưng của thầy Ngô Y Linh, ông tâm sự: "Đạo diễn Ngô Y Linh đã dạy, khi thiết kế mỹ thuật sân khấu cần có sự đổi mới về phong cách nghệ thuật cho mỗi vở diễn, phù hợp với nội dung và tư tưởng kịch bản". NSND Doãn Châu còn nhớ như in những ngày đó hai thầy trò ông đã cặm cụi suốt đêm để thiết kế cho từng góc nhỏ trên sân khấu. Vở kịch "Ni La - Cô gái đánh trống trận" đã diễn tới 2.000 đêm diễn trên khắp đất nước trong những năm sau này. Đó là kỷ lục của đạo diễn Ngô Y Linh để lại mà chưa có kịch mục nào vượt qua.

Kiêu hùng tiếng trống Mê Linh

Đạo diễn Ngô Y Linh không trụ ở Hà Nội lâu. Đến năm 1964, ông trở lại chiến trường miền Nam. Trong thời gian này ông đã viết nhiều kịch bản phục vụ chiến đấu. Nhiều đoàn nghệ thuật quân giải phóng đã dàn dựng tác phẩm của ông với các bút danh Nguyễn Vũ, Đan Minh và Huỳnh Biếc. Lúc này ông chỉ đạo nghệ thuật đoàn kịch Cửu Long Giang (Mặt trận giải phóng). Khối lượng kịch bản của ông để lại có giá trị cao về đề tài cách mạng.

NSƯT Thanh Nga và NSƯT Thanh Sang trong vở “Tiếng trống Mê Linh”.

Nổi bật trong 20 kịch bản về các chiến sĩ, khán giả luôn nhớ đến các vở diễn như: "Đêm đen" (1963); "Đất nước mùa xuân" (1966); "Ngọn lửa" (1966); hay "Đâu có giặc là ta cứ đi" (1965); và "Diễn viên không chuyên nghiệp" (1967)... Tôi còn nhớ hầu hết kịch bản của ông còn được các đoàn kịch miền Bắc dàn dựng để phục vụ chiến đấu. Nhiều nghệ sĩ đã đánh giá cao kịch bản của Ngô Y Linh. Cố NSND Thế Anh đã từng nói: "Thầy tôi viết mạch lạc, dễ hiểu, khơi gợi sự sáng tạo cho người dàn dựng. Hướng mở này làm cho kịch bản sân khấu cách mạng của ông không bị lạc hậu theo thời gian".

Gần đây họa sĩ, NSND Doãn Châu còn cho biết thêm ngoài giảng dạy và sáng tác, NSND Ngô Y Linh vẫn tiếp tục dàn dựng nhiều kịch mục hấp dẫn. Hầu hết dấu ấn của ông đã để lại trên sân khấu giải phóng là nỗi khát khao thống nhất đất nước cùng niềm lạc quan tin yêu cuộc sống. Đặc biệt phong cách nghệ thuật xuất chúng của ông thêm một lần nữa bừng sáng qua vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh" (1976). Đây là kịch mục của Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga.

Giới chuyên môn đánh giá bản diễn "Tiếng trống Mê Linh" của đạo diễn Ngô Y Linh là tuyệt tác. Tính bi hùng của lịch sử khởi nghĩa giải phóng dân tộc của Hai Bà Trưng đã được tôn vinh qua vở diễn. Đó là câu chuyện xảy ra vào năm thứ 40 trước Công nguyên (thời kỳ nhà Đông Hán đô hộ nước ta). Vở kịch đã lấy tiếng trống đồng làm hồn thiêng sông núi và là biểu tượng tinh thần Việt tộc. Đó là chủ đề sâu sắc về tinh thần yêu nước, chiến đấu giành độc lập tự do của nhân dân.

Cảnh đặc sắc và gây chấn động trong vở "Tiếng trống Mê Linh" với màn tế sống Thi Sách. Tiếng trống đồng rền vang như sấm sét thể hiện tinh thần quật khởi của nghĩa quân. Nước mắt của nỗi đau dân tộc hòa quyện trong mối tang thương gia đình đã được ẩn sâu trong tâm hồn mọi người. Lòng quân không nao núng. Hai Bà Trưng đã lãnh đạo quân khởi nghĩa giành lại giang sơn trong tiếng trống thiêng liêng và binh đao rực lửa.

NSƯT Thanh Nga vai Trưng Trắc và NSƯT Thanh Sang vai Thi Sách đã đem lại không khí rạo rực bừng sôi trên sân khấu. Màu sắc bi tráng đã được đạo diễn Ngô Y Linh đem lại cảm xúc mãnh liệt qua những hợp âm của dàn trống trận. Lời hịch của Trưng Trắc vang dội trước khi xuất quân.

Lời lời linh thiêng: "Hãy nổi trống đồng cho con cháu ngàn sau tiếp nối hồn thiêng giống nòi bất khuất... Đất nước Nam độc lập muôn đời". Từng đoạn, cao trào được đạo diễn Ngô Y Linh đẩy lên cao trong tiếng trống đồng âm vang. Đây lại thêm một kỷ lục cho vở cải lương "Tiếng trống Mê Linh" với hàng trăm đêm diễn. Đồng thời vở cải lương cũng được phát sóng đầu tiên trên truyền hình sau ngày giải phóng (1978). Bản diễn này của đạo diễn Ngô Y Linh còn được nhiều đoàn cải lương trong nước và hải ngoại dàn dựng lại và diễn khắp nơi trên thế giới. Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, "Tiếng trống Mê Linh" được coi là mẫu mực hàng đầu trong nghệ thuật cải lương.

Những kỷ vật thân thương

Ít ai ngờ chỉ sau thời gian "Tiếng trống Mê Linh" phát sóng trên truyền hình cũng là lúc đạo diễn Ngô Y Linh lâm trọng bệnh bên sàn diễn. Ông ra đi nhanh chóng ở tuổi 49 trước sự tiếc thương vô bờ của anh em đồng nghiệp. "Tiếng trống Mê Linh" như một tượng đài nghệ thuật được dựng lên trước khi chia tay người nghệ sĩ tài hoa bậc nhất. Mọi người còn sửng sốt khi biết ông còn những kỷ vật được chính ông làm trong thời kỳ hoạt động cách mạng đầy gian khổ. Còn đó là những vỏ đạn bom mà ông đã từng cất công làm ra những đồ dùng cho gia đình ở chiến khu Nam bộ.

NSND Tất Bình (thứ ba từ phải sang) trong vai diễn và tác giả đầu tiên từ trái sang trong vai diễn (đang cúi) - vở kịch “Kim Đồng” (ban kịch thiếu niên Hà Nội) biểu diễn năm 1962. Ảnh tư liệu.

Từ bộ bàn ghế đến nồi chảo và dụng cụ nấu bếp đều do ông làm từ vỏ bom đạn và xác máy bay của giặc Mỹ thu được trong chiến đấu. Kể cả túi xách để cho vợ đi chợ hay chiếc mũ lưỡi trai cho con đội đi học ông đều làm bằng vải chống đạn. Không ít người xúc động khi nhìn thấy chiếc đèn và phin cà phê được làm bằng vỏ bom na-pan luôn được ông dùng vào mỗi đêm sáng tác. Tất cả được lưu giữ trong Bảo tàng TP Hồ Chí Minh như những vật báu. Và còn đó thành tựu những vở diễn và kịch bản cách mạng và NSND Ngô Y Linh đã để lại. Chúng đã trở thành di sản nghệ thuật cách mạng đỉnh cao. Ông được Nhà nước truy phong danh hiệu NSND đợt đầu tiên (năm 1984).

Vương Tâm

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp