15:43 EDT Thứ ba, 23/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1077

Máy chủ tìm kiếm : 27

Khách viếng thăm : 1050


Hôm nayHôm nay : 78656

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3364798

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55518687

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Nam Trung bộ những ngày đại hạn

Chủ nhật - 31/05/2020 21:37

Nắng cháy và khô khát

Trong hành trình đi qua các tuyến giao thông QL1A, QL27, QL27C ở địa phận tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi tận mắt chứng kiến những cánh đồng khô cháy từ lâu lắm. Nhìn cảnh bề mặt ruộng đất nứt toác, vụn vỡ thành hình hàng triệu tổ ong, những đàn gia súc mệt mỏi bước đi từ thửa đất cằn cỗi này đến nương rẫy khô khốc khác không tìm thấy một bụi cỏ xanh, ai cũng xót lòng. Nỗi lo hiện hữu đầy ắp trên gương mặt rám nắng của những nông dân.

Chỉ tay về phía đàn cừu còn lại hơn 200 con đang dừng chân bên dưới những tán cây dại cũng đang héo úa những cành lá cuối cùng sau nhiều mùa chống chọi với nắng lửa, ông Pi Năng Minh, trú ở thôn Tham Dú, xã Phước Trung, huyện Bác Ái trăn trở: "Bói cả ngày trên cánh đồng này cũng không tìm ramột cọng cỏ tươi, nhưng sáng nào tôi cùng nhiều người chăn nuôi ở đây vẫn phải lùa những đàn bò, dê, cừu ra đồng đất, nương rẫychứ "trói chân" chúng nó trong chuồng thì nguy cơ suy kiệt sức khỏe càng cao".

Những công trình thủy lợi cạn kiệt, không có một giọt nước.

Bà Chamalé Thị Minh, trú ở thôn Rã Giữa, xã Phước Nhơn, huyện Bác Ái than thở: "Nước uống cho gia súc còn phải tìm kiếm, nạo vét từng vũng nhỏ, thì lấy đâu ra nước tưới cho cây trồng. Cả làng, cả xã đều trông chờ một cơn mưa, nhưng ngày nào cũng nắng nóng gay gắt, biết đến bao giờ cỏ cây mới có cơ may hồi sinh".

Xã Phước Trung là địa bàn có hồ chứa nước Phước Nhơn, Phước Trung và đập thủy lợi Ô Căm nhưng tất cả đều cạn kiệt nên nơi đây trở thành "tâm hạn" của huyện Bác Ái. Ông Nguyễn Ngọc Tuân, Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết, do thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng trên diện rộng, nên từ giữa tháng 5 đến nay Trung đoàn không quân 937 đảm nhận vận chuyển nước về Phước Trung mỗi ngày 25m3 để cung cấp cho 635 hộ gia đình.

Đứng bên cánh đồng ở xã Nhị Hà, huyện Thuận Nam đã bỏ hoang nhiều tháng qua chỉ vì nắng hạn, ông Nguyễn Luồng, một nông dân địa phương, chỉ tay ra phía con kênh khô khốc uốn lượn trên cánh đồng Chà Van, nói : "Khi nhà nước đầu tư xây lắp con kênh này, người dân ở đây kỳ vọng thoát khỏi cảnh khô hạn tái diễn thường niên. Nào ngờ hồ chứa nước Sông Biêu luôn trong tình trạng thiếu hụt, không đủ nguồn nước dẫn về kênh nên đồng khô, cỏ cháy là thực trạng không thể tránh khỏi".

Ông Quách Tấn Phong, cán bộ chuyên trách nông nghiệp xã Nhị Hà, cho biết trong số 1.200ha đất sản xuất nông nghiệp ở xã này, có 525ha đất trồng lúa đã phải tạm dừng hai vụ sản xuất chỉ vì thiếu nước. Dự báo hạn hán diễn biến nghiêm trọng và phức tạp nên năm ngoái chính quyền địa phương đã vận động và hướng dẫn người dân chủ động chuyển đổi 100ha đất trồng lúa sang trồng cây màu ngắn ngày, ưu tiên nguồn nước cho người và gia súc.

Đại hạn đã khiến cho huyện Ninh Sơn phải tạm dừng sản xuất 6.483ha cây trồng các loại, trong đó địa bàn hai xã Ma Nơi, Hòa Sơn đã trở thành "vùng trắng" vì toàn bộ đất đai đều phải bỏ hoang. Mỗi ngày, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Thuận phải điều xe vận chuyển nước sinh hoạt cung cấp cho 703 người dân ở 108 hộ gia đình trong thôn Tà Nôi, xã Ma Nới.

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới, dự báo : "800ha đất phải dừng sản xuất vụ hè - thu, nên 4.531 người dân ở 1.147 hộ gia đình trong xã này có nguy cơ thiếu đói trong năm nay".

Tại huyện Thuận Bắc, các hồ chứa Sông Trâu, Bà Râu, Ba Chi, Ma Trai đều xuống dưới mức nước chết. 787 giếng khoan, giếng đào ở địa bàn này gần như đã cạn kiệt vì nắng nóng mỗi ngày càng thêm gay gắt, trong đó người dân ở xã Công Hải phải trông chờ nguồn nước sạch do Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Ninh Thuận cung cấp từ cuối tháng 4-2020 đến nay.

Những đàn cừu mệt mỏi bước trên đồng cỏ khô cháy.

Trong quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đánh giá rủi ro thiên tai hạn hán, huyện Thuận Nam và huyện Thuận Bắc lên đến cấp độ 4. Theo UBND huyện Thuận Nam, nắng hạn kéo dài khiến mực nước tại các hồ chứa Tân Giang, Sông Biêu, Núi Một… tụt xuống còn dưới 10% dung tích thiết kế, một số hồ chứa khác đã xuống dưới mực nước chết.

Thiếu nước tưới nên huyện Thuận Nam phải tạm dừng sản xuất 1.800ha lúa và hơn 1.000ha cây màu, hơn 54.000 con cừu lâm cảnh thiếu nguồn thức ăn, nước uống. UBND huyện Thuận Nam đã phải đề xuất UBND tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ 11 tỷ đồng cho vùng "tâm hạn" đào ao, khoan giếng, bơm nước chống hạn, hỗ trợ thức ăn gia súc, hỗ trợ gạo cứu đói giáp hạt cho 18.924 người dân trong 4.680 gia đình.

Nằm trong "chảo lửa" Ninh Thuận nên nhiều ngày qua, người dân ở vùng hạ lưu hồ chứa nước Ông Kinh ở huyện Ninh Hải cũng phải tất bật đi tìm nguồn nước để cứu cánh cho những vườn cây nho, táo… bằng nhiều biện pháp. Tại thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải nhiều người dân thuê thợ kỹ thuật khoan giếng dưới độ sâu vài chục đến cả trăm mét mới tìm được nước, nhưng không có nhiều.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Trần Đồng Linh lo ngại: "Rất có thể mạch nước ngầm từ các giếng khoan cũng sẽ cạn kiệt nếu nắng hạn kéo dài thêm một tuần nữa, nên chính quyền địa phương khuyến cáo người dân ưu tiên nguồn nước cho người và gia súc trước khi tưới những vườn cây nho, táo; còn cây lúa và cây trồng ngắn ngày như ớt, hành, tỏi đều phải tạm dừng gieo trồng ngay từ đầu vụ sản xuất".

Loay hoay chống khát

Đi giữa đại hạn khốc liệt ở vùng đất cực Nam Trung bộ, chúng tôi cảm nhận nắng - nóng đang cháy khắp không gian mênh mông gió cát và những cánh đồng khô cằn, rạn nứt.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh cho biết, nhiều năm đối mặt với nắng nóng khốc liệt, nên từ cuối năm ngoái đến nay, Ninh Thuận đã chủ động triển khai nhiều biện pháp đối phó với hạn hán. Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận cùng các địa phương nỗ lực điều tiết nguồn nước từ một số hồ chứa để "giải cứu" hàng trăm hec-ta lúa ở vùng hạ lưu, tính toán phương án quản lý, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; người dân ở vùng khô hạn nghiêm trọng tập trung nạo vét sông, suối, đào ao, khoan giếng dưới lòng hồ chứa nước; các địa phương tạm dừng gieo trồng nhiều diện tích sản xuất lúa vụ hè - thu, chuyển đổi cây trồng chịu hạn ở những địa bàn trọng điểm, tập trung chăm sóc, bảo vệ và hạn chế thiệt hại cây trồng, vật nuôi đến mức thấp nhất.

Người dân mang can nhựa đi tìm nguồn nước uống

Đặc biệt là phải quyết tâm không để người dân thiếu nước sinh hoạt, thiếu đói, không để phát sinh dịch bệnh do hạn hán.Ngoài ra, trong 4 tháng qua, UBND tỉnh Ninh Thuận đã phân bổ 37 tỷ đồng đầu tư cho các hoạt động chống hạn ở các địa phương.

Dù rất nỗ lực nhưng thiên tai hạn hán cứ vây bám nên không tránh khỏi thiệt hại. Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, mùa mưa năm ngoái ở địa phương này kết thúc rất sớm, lượng mưa thấp trong khi đó hơn nửa năm qua nắng nóng kéo dài, khối lượng nước tích trữ tại các hồ chứa rất ít, nắng nóng diễn biến phức tạp đã dẫn đến hạn hán nghiêm trọng. 21 hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh này có tổng dung tích 194,49 triệu m3, thế nhưng đến ngày 24-5 chỉ còn 23,78 triệu m3 nước, chỉ đạt 12,31% so với thiết kế, trong số đó có 17 hồ chứa nước đang cạn kiệt, thậm chí một số hồ chứa đã khô trơ đáy.

Không có nguồn nước tưới nên vụ Đông Xuân, tỉnh Ninh Thuận tạm dừng gieo trồng 7.873ha, trong đó có hơn 4.556ha lúa và gần 3.317ha rau màu, đến vụ hè - thu sẽ phải tạm dừng gieo trồng 15.300 ha, trong đó có hơn 10.800ha lúa và gần 4.500ha rau màu các loại. Trong một tuần nữa nếu địa bàn Ninh Thuận không mưa, dự báo có khoảng 49.575 người dân ở 12.156 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt, hơn 110.000 con gia súc lâm cảnh "đói rơm, khát nước", nguy cơ suy kiệt sức khỏe và dịch bệnh có thể xảy ra.

Rất nhiều giải pháp đã được triển khai nhưng chỉ là đối phó tạm thời để giải quyết tình thế, còn giải pháp chiến lược lâu dài vẫn phải tập trung mọi nguồn lực quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi; chuyển đổi cây trồng - vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng nền nông nghiệp đặc hữu, đa canh kết hợp đầu tư điện mặt trời để thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Cả Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh đều khẳng định thời điểm này cần phải đẩy mạnh tiến độ thi công dự án hồ chứa nước Tân Mỹ ở huyện Bác Ái. Với dung tích thiết kế hơn 200 triệu m3 nước, lớn hơn tổng dung tích 21 hồ chứa nước hiện hữu trên địa bàn Ninh Thuận, hồ chứa nước Tân Mỹ thuộc nhóm A có tổng kinh phí đầu tư 5.951 tỷ đồng. Khi công trình thủy lợi này hoàn thành không chỉ đảm bảo nguồn nước tưới cho 20.000ha đất sản xuất nông nghiệp, mà còn cung cấp nước cho khu công nghiệp, khu đô thị vùng duyên hải Ninh Thuận và 10 hồ chứa nước nhỏ để bơm tưới chống hạn cho hơn 424ha. Giai đoạn 1 dự án đã hoàn thành, hệ thống kênh chính dẫn nước từ hồ chứa nước Tân Mỹ về phía hạ lưu dài 30km cũng đã xây lắp hoàn thành hơn 20 km, chủ đầu tư cùng các nhà thầu thi công dự án đang tập trung giai đoạn 2 với mục tiêu đến tháng 3-2021 đập chính sẽ tích nước để vận hành, khai thác…
Phan Văn Lương

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp