05:21 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3962

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 3940


Hôm nayHôm nay : 201172

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2658565

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49604063

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Người chế lá cờ sắt trên đảo Song Tử Tây

Thứ năm - 01/07/2021 21:01

Về đích nông thôn mới từ năm 2016, thị trấn Quất Lâm (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đã thấy hình ảnh một đô thị biển đầy tiềm năng và sức sống cùng với niềm tin và hi vọng trên mỗi gương mặt người dân về một tương lai xán lạn của quê hương.

Cảnh quan, môi trường đô thị là một trong những tiêu chí nông thôn mới nâng cao mà Quất Lâm đạt được từ rất sớm. Thành công đó có sự chung sức đồng lòng của mỗi người dân, như cựu chiến binh, thương binh Nguyễn Đức Thông là một điển hình.

Ông cùng đồng đội đã hiến tặng địa phương nhiều cây xanh có giá trị làm đẹp cảnh quan, môi trường; trông nom, chăm chút cho nhiều công trình văn hóa; trao truyền niềm tự hào quê hương, giáo dục lịch sử, truyền thống cho thế hệ trẻ.

Có một chuyện mà nhiều người dân Quất Lâm biết và lấy làm tự hào, đó là lá cờ sắt trên đảo Song Tử Tây của cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông.

Vào tháng 4 năm 1975, Nguyễn Đức Thông là Hạ sĩ, mũi trưởng mũi 2, thuộc Phân đội 1, Trung đoàn Đặc công nước 126 (nay là Lữ đoàn 126), nhận nhiệm vụ phối thuộc cùng Trung đoàn 125 (sau này là Lữ đoàn 125 Hải quân) giải phóng đảo Song Tử Tây. Phân đội 1 được vinh dự giao trách nhiệm mở cửa đánh chiếm đầu cầu.

4 giờ 30 phút sáng ngày 14-4-1975, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất, mũi 2 do hạ sĩ Nguyễn Đức Thông chỉ huy được lệnh nổ súng mở màn chiến dịch. Nguyễn Đức Thông hạ lệnh cho chiến sĩ hỏa lực Lê Minh Đức nổ phát súng B41 diệt mục tiêu đài thông tin của địch.

Chiến sĩ Lê Minh Đức ngay phát súng đầu tiên đã tiêu diệt mục tiêu, anh liền chuyển hướng bắn một phát vào lô cốt nửa chìm nửa nổi của địch ở đầu cầu. Quân ta ào ạt tấn công. Địch bị bất ngờ, chống trả lẻ tẻ.

Ông Nguyễn Đức Thông cùng các Cựu chiến binh trong Hội đồng ngũ Hải quân.

Giữa lúc đội hình triển khai đánh khu trung tâm bỗng xuất hiện một ổ hỏa lực rất mạnh. Địch trong hầm bán âm giữa đảo nã đại liên ra như vãi đạn. Trước tình huống khá bất ngờ này, chiến sĩ Phạm Văn Hùng nhanh trí bắn B41 trong tư thế vận động, hỏa điểm tắt ngóm.

Mũi thọc sâu của mũi trưởng Nguyễn Đức Thông nhanh chóng chiếm lô cốt trung tâm và bắt sống đảo trưởng của địch. Khắp đảo vang rền tiếng súng trấn áp của ta và tiếng gọi đầu hàng. Sáng nhọ mặt người, trận đánh đã kết thúc.

Trong lúc quân ta bắt giữ tù binh và thu dọn chiến trường thì một chuyện hy hữu xảy ra. Trinh sát báo cáo từ mép nước có một vật thể lạ đang tiến lên, đạn nhọn bắn vào thì tóe lửa, nghi là xe tăng cá nhân…

Ban chỉ huy hội ý nhanh, ai cũng lấy làm lạ vì ngần đấy năm nhập ngũ chưa bao giờ nghe đến “xe tăng cá nhân”. Nhưng nếu không phải xe tăng tại sao lại nặng thế?

Trong ánh sáng lờ nhờ buổi sớm mai có thể thấy được vệt cát phía sau lút xuống kéo dài chừng 2 mét, rộng đến hơn 1 mét. Có đồng chí đề nghị dùng hỏa lực B41 tiêu diệt ngay không để địch ở ngoài nống.

Nghe đến đây ai nấy đều nghi hoặc. Điều nghiên đã kỹ lắm rồi chẳng nhẽ lại để sót địch vòng ngoài? Nếu thật vậy, trận này không khéo bị kỷ luật to chứ chẳng chơi…

Giữa lúc mọi người còn đang phân vân, chiến sĩ Trịnh Văn Cơ, người Thanh Hóa đứng bật lên nói: Tôi xin ra tiêu diệt mục tiêu này! Rồi chẳng chờ chỉ huy ra lệnh, anh xăm xăm đi về phía “vật thể lạ” nổ “đoàng, đoàng” hai phát AK rồi quay lại dõng dạc nói: Báo cáo mục tiêu đã bị tiêu diệt!

Mọi người dùng đủ tư thế “vận động chiến trường” tiếp cận mục tiêu, nhìn cho kỹ té ra là một con rùa biển khổng lồ. Các chiến sĩ lúc bấy giờ mới bá vai, bá cổ nhau cười sung sướng.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông nhớ lại: “Sau ngày giải phóng, chúng tôi phải chốt lại trên đảo chờ hơn một tháng nữa mới có người ra thay, trong thời gian ở đó có rất nhiều chuyện vui”. Vui nhất là không khí thắng lợi của khắp các chiến trường bay về cũng làm hởi lòng hởi dạ ngay cả binh sĩ Việt Nam Cộng hòa, trong thâm tâm họ cũng mong đất nước được thống nhất, chiến tranh chấm dứt.

Đảo trưởng Phi Hùng là con trai của một đại tá quân lực Việt Nam Cộng hòa, mới ra trường thì ra đảo, giữ đảo được hai tháng thì trở thành tù binh. Nói chung anh này tỏ ra rất hợp tác, thấy chiến sĩ ta bị thương cũng chủ động lấy thuốc kháng sinh và bông băng cá nhân ra cứu chữa.

Sau khi bị bắt, Phi Hùng cũng tư vấn cho bộ đội ta việc lưu giữ nước ngọt, khai thác rau xanh quanh đảo, duy trì trật tự trong hàng ngũ tù binh. Có không ít anh tù binh được tin tưởng cho ra biển đánh cá cùng bộ đội. Đảo giải phóng được mấy ngày, phía hải quân Việt Nam Cộng hòa cũng cho tàu ra định tái chiếm.

Chỉ huy trưởng của chiến dịch Giải phóng đảo Song Tử Tây là Thiếu tá Mai Năng (sau này là Thiếu tướng, AHLLVT, Tư lệnh Binh chủng Đặc công) đã rất nhanh trí ra lệnh cho bộ độ hạ các thân cây dừa xuống, ngụy trang giống như pháo hạng nặng khắp các nơi trọng yếu của đảo khiến kẻ địch hoang mang, không dám manh động.

Sau này còn biết thêm ngoài nguyên nhân đảo được phòng ngự chắc chắn thì trong đất liền địch cũng bị thất bại trên nhiều chiến trường nên cuối cùng đã từ bỏ ý định tái chiếm.

Một góc đảo Song Tử Tây hôm nay.

Lá cờ của Mặt trận giải phóng Miền Nam Việt Nam sau mấy ngày tung bay trên đảo Song Tử Tây lại bị các thuyền trưởng của Trung đoàn 125 hải quân “mượn lại” để đi đánh đảo khác. Không có lá cờ, mọi người cứ cảm giác trên đầu “thiêu thiếu” một cái gì đó.

Lúc đó Mũi trưởng Nguyễn Đức Thông liền lấy một miếng tôn sắt để vẽ cờ. Nhưng tìm đi tìm lại trong kho quân nhu của đảo không có sơn màu vàng, anh nảy ra một sáng kiến đục thủng ngôi sao ở giữa. Lá cờ treo lên, mọi người từ xa nhìn tới, cũng có cảm giác ngôi sao màu vàng giữa hai màu xanh, đỏ.

Nhưng như vậy đã là quá đủ đối với những người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam ngày đầu giữ đảo. Buổi chào cờ, hướng mắt lên lá cờ sắt mọi người như thấy được quê hương, thấy đất liền.

Sinh hoạt buổi đầu trên đảo khá yên bình. Tù binh được cho sinh hoạt trong khu giữa đảo, tất nhiên là có người gác phòng ngừa; bộ đội sinh hoạt trong các chốt chiến đấu bên ngoài. Thời điểm đó đảo Song Tử Tây phủ bạt ngàn những cây dại, đào lên có củ, lính ta gọi là “sâm Song Tử”, có thể hãm uống như nước chè, thấy mát trong người. Ngoài ra còn có phân chim cũng được coi là một đặc sản.

Các binh lính Việt Nam Cộng hòa cho biết những tảng phân chim lưu cữu hàng trăm năm như hóa thạch này khi mang về bờ tán nhỏ bón cho cây rất tốt. Các món ăn hàng ngày ngoài khẩu phần lương khô chiến sĩ ta cải thiện thêm từ biển đủ loại hải sản, từ rong biển cho đến trứng chim. Dù vậy, thiếu “chất xanh” của rau cũng khiến nhiều người cảm thấy cồn cào nhớ đất liền...

* * *

Năm 2004 tôi may mắn được ra và sống 2 ngày trên đảo Song Tử Tây, thời điểm đó, trên đảo có một sân bóng, một giếng nước lợ, dù vậy tắm giặt cũng thoải mái hơn so với tắm nước biển hay nước mưa.

Ký ức của tôi về hòn đảo này là những cây phong ba, bão táp cổ thụ; những con bò thiếu cỏ phải ăn hộp các tông; dãy nhà làm bằng gỗ dán của Mỹ rất dày tưởng như đạn AK cũng không thể xuyên thủng...

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông chăm sóc cây cảnh, tham gia xây dựng nông thôn mới ở quê hương.

Chia sẻ những trải nghiệm ấy với tôi, cựu chiến binh Nguyễn Đức Thông nhớ lại: “Giữa đảo hồi đó chưa có sân bóng. Nước đóng trong từng khoang cao su rất dày. Có anh lính từng nghịch dại lấy mũi dao xuyên vào đó, binh sĩ Việt Nam Cộng hòa liền kêu lên: nước đấy, nước ở đây còn quý hơn máu.

Thời trước giải phóng, bộ phận hậu cần của chế độ cũ cứ hai tháng chở nước ra một lần, có thể thấy họ tương đối phụ thuộc vào hậu cần. Trong khi bộ đội ta ở đâu là xanh đó, chẳng thế mà sau có câu “chó Sơn Ca, gà Song Tử”, bộ đội tăng gia rất nhiều, không những thừa ăn cho đảo mà còn tiếp tế cho các thuyền bè của dân tránh, trú bão… Đó cũng là một sự khác biệt giữa lính ta và lính chế độ cũ”.

Những ký ức về cuộc chiến đấu năm nào giờ đây lại được cựu chiến binh nhiều hoa tay Nguyễn Đức Thông tái hiện lại trên chính mảnh đất hương hỏa của mình. Ông đắp tượng, dựng phù điêu, tái hiện mô hình lá cờ sắt trên đảo Song Tử để con cháu nhớ mãi những ngày tháng gian khổ, hào hùng đầy đau thương mất mát của dân tộc. Bằng những việc làm tưởng như rất nhỏ ấy, ông đã góp phần xây dựng quê hương tiến lên nông thôn mới kiểu mẫu, ấm no, hạnh phúc.

Quất Lâm còn một góc khuất ít người biết đến, đó là quê hương của rất nhiều chiến sĩ đặc công nước gan dạ, kiên cường. Nơi đây cũng từng là một túi bom của không quân Mỹ trong Chiến tranh phá hoại. Phi công Mỹ thả bom không vào mục tiêu nào cả mà mục đích chỉ để cho nhẹ cánh trước khi bay trở về căn cứ.

Miền quê hiền hòa ấy đã bị đào xới hàng trăm, hàng ngàn lần đến mức không một mái nhà nguyên, một gác chuông nhà thờ thiếu mảnh bom. Nhưng cũng chính nơi đây đã sinh ra những người con trung dũng, kiên cường trong chiến đấu và lao động sản xuất.

Đông Hà

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp