00:15 EDT Thứ bảy, 20/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1251

Máy chủ tìm kiếm : 28

Khách viếng thăm : 1223


Hôm nayHôm nay : 41329

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3065940

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55219829

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Nguyện ước cuối cùng của ông lão Biển Hồ

Thứ hai - 28/12/2020 20:29

Người có gần 300 đứa con

Mặc dù ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng “ông già Biển Hồ” vẫn tận tụy làm việc tốt, giúp người, giúp đời mà chẳng màng đến ơn huệ, ân nghĩa. Đối với ông, Biển Hồ chất chứa kỉ niệm bởi chính nơi ấy, ông đã lặn ngụp không biết bao lần dưới dòng nước xoáy để cứu vớt những người chết đuối thương tâm.

Ngồi trò chuyện với ông vào chiều cuối năm, cơn gió đông miền cao nguyên đủ lạnh để bàn tay gầy guộc từng bao lần cứu người chết đuối run run bưng ly nước chè ngọt lịm. Lão bảo, người ta viết về lão nhiều rồi, đừng viết những chuyện người chết đuối hay cuộc đời của lão nữa. Thì đúng! Báo chí và truyền hình đã viết khá nhiều bài về lão. Tên tuổi lão cũng đã vượt xa khỏi đồng đất cao nguyên này rồi, lan sang cả Lào, cả Campuchia rồi kia mà. Bởi người ta biết tiếng lão, mời lão sang tận Lào, sang tận Campuchia để giúp.

Không biết bao lần lão đã chèo thuyền ra giữa con nước để cứu người, vớt người như thế.

Lão là Quách Trọng Hoan, sinh năm 1941 ở xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai. Mấy mươi năm sống ở đất này, cuối cùng lão trở thành một ông già Tây Nguyên thực thụ, sống chết với đồng bào Tây Nguyên, gắn bó với họ như những người ruột thịt. Mặc dù tuổi cao sức yếu, con cái thành đạt nhưng ông với cái tên thân mật là “ông lão Biển Hồ” lại bỏ phố thị nhộn nhịp để sống cuộc đời ẩn dật, ngày ngày làm sạch môi trường. Lão nổi tiếng là người đã cứu sống nhiều người vô tình ngã xuống hay có ý định tự tử ở Biển Hồ, nơi có diện tích mặt nước đến 250 ha này.

Nhìn mênh mang ra lòng hồ Pleiku, lão Hoan vẫn nhớ ngày ấy, vào năm 1965, như những thanh niên trai tráng ở làng, lão lên đường nhập ngũ. Chiến đấu nhiều năm, bị thương rồi được đưa ra Bắc chữa trị. Vết thương bình phục, lão được cử đi học tại trường đoàn của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), rồi đi học Đại học Kinh tế kế hoạch. Thời điểm hoàn thành khóa học tại trường cũng là lúc chiến tranh kết thúc, lão Hoan lập gia đình rồi được phân công vào miền Nam công tác. Sau một thời gian dài công tác, người đàn ông này vẫn đau đáu nhớ về lời thề ngày xưa nên đã xin nghỉ việc, từ bỏ phố phường đông đúc để lên khu vực Biển Hồ dựng ngôi chòi nhỏ “ở ẩn”.

Ở đây, lão đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bi thương, nhiều người nghĩ quẩn mà gieo mình xuống lòng hồ tự sát hoặc bị đuối nước thương tâm, lão gom góp tiền để mua một chiếc thuyền nhằm cứu những người tìm cách quyên sinh hoặc tai nạn đuối nước. Lão bảo, mình cứu người vì cái tâm làm việc thiện chứ chẳng mong được đền đáp gì cả. Thật vậy, những người được cứu sống, có người quay lại cảm ơn nhưng cũng có nhiều người chẳng bao giờ gặp lại. Lão xem đó là chuyện bình thường, chỉ mong cứu được người, giúp đời là vui rồi.

Giữa hồ nước mênh mông này, việc cứu, vớt và tìm người đuối nước đã trở thành một việc làm gắn với cuộc đời lão ngay từ khi còn ở tuổi trung niên và mỗi khi có ai gọi, dù ở nơi xa xôi lão vẫn luôn sẵn sàng có mặt. Cứu người, vớt xác dường như đó là “nghề” định mệnh với lão, bởi nhiều vụ chết đuối, người nhà thuê thợ lặn tìm kiếm nhưng không được, phải đến khi có lão, xác mới được tìm thấy.

“Tôi cứu người theo tâm nguyện và lời thề trước đây của mình nên chẳng hy vọng ai báo đáp. Có những người quay về cảm ơn, có những người chẳng bao giờ trở lại nhưng tôi không quan trọng việc đó. Bản thân tôi cũng mong những người ấy đừng quay lại đây, mà hãy sống thật tốt để quên đi quá khứ đau buồn, làm lại cuộc đời mình và làm việc thiện giúp đỡ người khác. Như vậy là tôi cảm thấy yên lòng rồi!”, ông Hoan chia sẻ.

Nhiều năm qua, lão vẫn thầm lặng làm công việc không tên ấy. Có trường hợp người dân nhờ vớt xác, người thân còn trả công cho ông nhưng cũng có rất nhiều trường hợp thi thể nạn nhân không giấy tờ tùy thân trôi dạt ở vùng Biển Hồ, lão đưa lên và lo mai táng cho họ. Chính tự tay lão xây dựng nên ngôi đền nhỏ ngay cạnh Biển Hồ để cầu nguyện cho những người xấu số. Trên đó còn khắc sâu bài thơ đầy cảm động ông viết dành tặng cho linh hồn người đã khuất.

Chiều chiều, lão vẫn ra ngồi bên mép nước và chỉ mong mình được “thất nghiệp” mà thôi.

Con thuyền nhỏ của ông cũng lặng lẽ đặt ngay cạnh bờ hồ và số điện thoại ghi sẵn trên cửa kèm dòng chữ “Ai cần, gọi tôi”. Và dù tuổi cao nhưng "ông lão Biển Hồ" vẫn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào khi có người cần giúp đỡ. Khi nhận được tin có người tìm cách quyên sinh hay tai nạn đuối nước là ông tức tốc chạy bộ hoặc chèo thuyền đi cứu người.

Chiều đầu đông hoang hoải gió trên đại ngàn, lão Hoan ngồi trên chiếc ghế đá hướng ra phía Biển Hồ Pleiku bảo, hình như đó là cái nghiệp, cứ vận vào lão mãi không dứt. Số người lão cứu sống đã lên tới vài chục, số người chết đuối lão vớt được lên cũng đã cả trăm. Mỗi lần như thế, cứu được người còn sống thì lão mừng, khi không cứu được, lão khóc thầm. Lòng lão thắt lại mỗi khi lão cứu không kịp, hoặc khi thấy người thân của nạn nhân vật vã bên mép nước. Lão bất lực với chính bản thân mình, giận trời đất, giận mình.

Giờ, lão vẫn sống trong căn nhà nhỏ bên nước Biển Hồ, như đã mấy chục năm rồi. Lão có 4 người con đều thành đạt, vợ con ở trong thành phố. Dù ở đây lão sống một mình nhưng không cô đơn vì có quá nhiều người hằng ngày tìm đến. Lão khoe, lão có tới gần 300 người con nuôi. Nhiều đứa chán đời định tự tử, ông cứu rồi khuyên giải nên thành con nuôi, có đứa vì nghèo khó ông giúp đỡ mà gắn bó. Ông sống đơn sơ, bình dị, những đồng tiền dành dụm được ông để làm việc tình nghĩa.

Nhiều người trong vùng đồng bào thiểu số quá nghèo, ông giúp đỡ họ, có khi ông dành tiền lo vợ cho một đứa con nuôi mồ côi... Lão tìm thấy niềm vui trong những việc làm tình nghĩa ấy. Cũng vì thế mà đồng bao nơi đây thương và kính trọng lão. Đó là những người lão cứu sống, hay là những người vì cảm kích việc ân việc nghĩa mà nhận lão làm cha.

Nguyện ước cuối cùng

Nâng chén trà ấm trong buổi chiều mùa đông gió lạnh, lão nghẹn ngào kể về chuyện vừa cứu được một cô bé 15 tuổi gần đây, cũng ở Biển Hồ này. Trong lời lão, dường như có những điều xót xa. Lần nào, lão cũng khuyên người ta bỏ ý định dại dội tìm tới sự giải thoát kiểu đó, bởi sẽ khiến người ở lại chỉ thêm đau lòng. Lão không muốn thấy cảnh đó nữa, lão không muốn mình lại phải bận rộn với công việc như thế này nữa. Gần 40 năm ngụp lặn ở Biển Hồ này, lão đã phải chứng kiến biết bao đau đớn như thế.

Ở cái tuổi bát thập rồi, dù không còn sức khỏe như xưa nhưng lão vẫn còn đầy minh mẫn và tráng kiện. Cuối đời, lão chỉ mong những sáng chèo con thuyền nhỏ trên mặt nước hồ phẳng lặng lãng đãng sương kia, lão sẽ có được những giây phút thảnh thơi của tuổi già. Chứ không phải mỗi lần giong mái chèo là để làm cái công việc không mong muốn kia nữa.

Giờ, lão chỉ muốn an yên với tiếng kinh kệ, ngày ngày thắp hương niệm phật cầu cho bá tánh bình an, để lão yên lành làm một phật tử chí nguyện cho thỏa niềm ao ước. Tượng phật đã được dựng lên ngay trước căn nhà nhỏ của lão bên mép nước Biển Hồ, ngày ba bận lão thắp hương tụng niệm. Chậm nhưng âu cũng là cái số cái mệnh của lão. Lão cũng coi đó làm vui.

Nhiều người quý, thương lão như người thân của mình.

Trời chiều trở lạnh, lão móm mém cười, nụ cười hiền thoang thoảng nét từ bi. Lão ngồi lặng bên mép nước, mong con nước cứ êm đềm mãi như buổi chiều này. Đừng ai có chuyện gì để lão phải chống mái chèo ra giữa dòng nước nữa. Cuối đời rồi, lão chẳng còn mong gì hơn ngoài chuyện lão được “thất nghiệp”. Lão chỉ mong được điều đó thôi.

Đời người, thêm được là tốt. Lão nhận tình cảm ấy của mọi người, như cách lão trả ơn đời cho lời hứa khi còn chiến đấu trong kháng chiến năm nào. Và lão sống một đời thanh bạch như thế, rồi người cũng không phụ. Cả cuộc đời lão gắn liền với chiến đấu vì lẽ phải và làm việc thiện cứu người, giúp đời, tên lão được dân làng đặt cho một ngọn núi hùng vĩ ở Tây Nguyên - núi Chư Hoan, dù chỉ là cái tên dân dã không có trong địa giới hành chính.

Năm 2011, lão được vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó, nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. Sự công nhận ấy là một nguồn khích lệ vô cùng lớn, lão tự hào vì điều đó. Tâm nguyện giờ đây của lão là mong muốn chính quyền thành lập một đội cứu hộ ở Biển Hồ, để những khi có chuyện sẽ có người can ngăn kịp thời, bớt đi những sự việc đau lòng đã xảy ra như đã từng trước đó.

Tôi ngồi bên lão, nghe ngơ ngẩn trong gió đại ngàn những lời từ mênh mang gọi về. Tôi cũng mong lão không chộn rộn vì việc vớt người, cứu người đuối nước nữa. Cũng mong đừng ai dại dột trầm mình xuống hồ nữa, để lão được nghỉ ngơi. Trời chiều cao nguyên xanh và lộng gió, lão cặm cụi thắp nén hương thơm lên tượng phật, rồi thắp hương lên những am miếu nhỏ trong vườn nhà, nơi lão bao ngày qua vẫn làm thế.

Lão đã già, chỉ mong lão được bình yên...

Tiêu Dao - Minh Ngọc

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp