16:10 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3580

Máy chủ tìm kiếm : 113

Khách viếng thăm : 3467


Hôm nayHôm nay : 156434

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4648914

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51594412

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Nhạc sĩ Dân Huyền: “Ấm lời Bác dạy, mát bàn tay con”

Thứ tư - 27/05/2020 08:24

Những lời dặn dò của Bác luôn được ông khắc ghi trong lòng để đến tận hôm nay, khi đã bước vào tuổi 82, người nhạc sĩ xứ Nghệ vẫn tự hào khi được sống và làm việc theo tấm gương của Người.

Bình dị và đắm say

Tháng 5 lại về. Đến thăm tư gia của nhạc sĩ Dân Huyền tại ngõ 192, đường Giải Phóng (Hà Nội), tôi vô cùng bất ngờ với lối sống giản dị của người nhạc sĩ già. Trong căn nhà, tất cả từ bộ bàn ghế đến chiếc rèm cửa đều rất bình dị, đơn sơ. Căn nhà nhỏ ở tầng 4 khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam của ông cũng đã rệu rã, cũ kỹ theo năm tháng. Thế nhưng, tâm hồn và sức sáng tạo của chủ nhân căn nhà ấy thì vẫn luôn trẻ trung, yêu đời.

Nhắc đến nhạc sĩ Dân Huyền là nói đến một người yêu tha thiết làn điệu dân ca. Khi còn là Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam, ông đã xông xáo đi khắp vùng miền để sưu tầm dân ca về phát sóng trên đài.

Hơn 20 năm nay, khi đã rời nhiệm sở, ông lại đứng ra thành lập Câu lạc bộ Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam để giúp những người yêu dân ca được thỏa mãn niềm đam mê của mình. Cả một đời cặm cụi với dân ca nhưng ông cho rằng điều đó là chưa đủ bởi dân ca ở nước mình còn rất phong phú, đa dạng và với “thân còm” như ông thì chưa thể làm được nhiều hơn thế.

Nhạc sĩ Dân Huyền.

Nhạc sĩ Dân Huyền là người hóm hỉnh, vui tính, hòa nhã, thân thiện và rất thích chơi chữ. Chẳng thế mà ngay chính cái bút danh Dân Huyền (Dân thêm dấu huyền) ông cũng đổi ngược từ tên khai sinh Phạm Ngọc Dần của mình. Ngoài ra, ông còn lấy bút danh Uyên Hồng trong một số bài viết, mà Uyên Hồng theo lối đọc lái lại là “Ông Huyền”. Có lẽ vì thế mà trong suốt nhiều năm được quen biết nhạc sĩ, tôi chưa bao giờ thấy ông xa lạ, khó gần, dường như giữa chúng tôi không hề có khoảng cách về tuổi tác.

Trong câu chuyện với tôi hôm nay, nhạc sĩ trầm ngâm chia sẻ về những kỷ niệm với Bác Hồ. Ông bảo, ông may mắn "có duyên" với Bác Hồ. Kỉ niệm sâu sắc nhất là ông đã viết báo, được Bác Hồ đọc và trao tặng huy hiệu của Người cho các nhân vật trong bài viết của mình. Ông cũng là người sáng tác ca khúc đầu tiên về lăng Bác Hồ... Trong niềm bồi hồi xúc động, ông nhớ về ngày 19/12/1963, Bác Hồ đến thăm Nhà máy Ô tô 1-5, nơi có phong trào “Ham học, ham làm”.

Nhạc sĩ Dân Huyền (ngồi thứ 8, từ phải sang) trong ảnh vinh dự được đón Bác Hồ tại Nhà máy Ô tô 1-5, đêm 19/12/1963.

Bác đã đến hỏi thăm từng người về công việc, rồi động viên mọi người cố gắng làm việc thật tốt. Dân Huyền lúc ấy mới 25 tuổi, khuôn mặt trắng trẻo, trẻ măng đã được Bác Hồ tiến đến bắt tay và hỏi thăm xuất xứ gia đình. Khi biết cùng quê, Bác ồ lên một tiếng rồi nói: “Đồng hương rồi, cháu cố gắng nhé!”.

Vốn là người thích làm thơ, ông đã làm riêng một bài để ghi nhớ sự kiện này với tựa đề “Nhớ Bác”: “Nhớ sao một tối trăng tròn/ Bác về trong tiếng máy giòn giữa ca/ Hỏi thăm thợ trẻ, thợ già/ Đếm từng chiếc máy, xem đà máy quay/ Nhắc ai buộc lại dây giày/ “Có an toàn mới có ngày công cao”/ Thợ già Bác chỉ vào râu:/ “Càng già càng học càng giàu sức trai”/ Thợ trẻ Bác vỗ vào vai:/ “Chăm làm ham học, chớ hoài tuổi xuân”/ Đã là giai cấp công nhân/ Tiên phong mọi mặt Kiệm, Cần, Chính, Liêm/ Bác nhắc: “Thêm mấy ngọn đèn/ Để lớp thêm sáng, học viên dễ nhìn”/ Ôi sao lời Bác ân tình/ Bác mang theo nắng Ba Đình vào đêm/ Ánh đèn bổ túc sáng thêm/ Từng trang kiến thức nhân lên vạn lần/ Nhớ câu “Ham học, chăm làm”/ Ấm lời Bác dạy, mát bàn tay con/ Bác đi vào những trang hồng/ Nối dòng lịch sử anh hùng đầy hoa/ Bác còn chắp cánh cho ta/ Và đang bắt nhịp bài ca Kết đoàn”.

Còn điều thứ ba cũng là một câu chuyện lý thú, đó là việc nhạc sĩ Dân Huyền đã viết 3 bài báo về 4 nhân vật trên Báo Thủ đô Hà Nội (nay là Báo Hà Nội Mới), đó đều là những nhân vật hết lòng vì công việc chung, không quản khó khăn vất vả và đạt được danh hiệu tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” của Nhà máy Ô tô 1-5. Sau đó, vào ngày 15/5/1966, ông vui mừng nhận được tin từ Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội báo tin từ Văn phòng Phủ Chủ tịch do ông Cù Văn Chước ký với nội dung truyền tải ý kiến của Bác Hồ về việc khen thưởng các nhân vật trong bài báo của ông.

Tự học theo gương Người

Không được đào tạo bài bản về âm nhạc thế nhưng xuất phát từ tình yêu và sự ngưỡng mộ tận trái tim mình, nhạc sĩ Dân Huyền đã sáng tác nhiều ca khúc hay về Bác Hồ, có thể kể đến như: “Bên lăng Bác Hồ”, “Khóm trúc Bác Hồ”, “Nhớ hội làng Sen”, “Bác để tình thương cho chúng con”, “Kim Liên - Xim Biếc”, “Về chùa Trầm nhớ Bác Hồ”, “Lắng tiếng quê hương”, “Khúc hát tâm tình”, “Người đảng viên số 1”...

Trong những ca khúc này, “Bên lăng Bác Hồ” qua tiếng hát của NSƯT Kiều Hưng là ca khúc được nhiều người biết đến nhất bởi nó ra đời khi lăng Bác mới khánh thành và cũng chất chứa biết bao nỗi niềm của nhạc sĩ khi lần đầu viếng lăng Bác.

Toàn bộ trang 4 báo Thủ Đô Hà Nội ngày 23/4/1966 của nhạc sĩ Dân Huyền đã được Bác Hồ đọc và trao Huy hiệu của Người cho nhân vật bài viết.

Mỗi ca khúc đều có một số phận, một nỗi niềm riêng của nhạc sĩ, thế nhưng hôm nay, trong một tâm trạng hồ hởi, phấn chấn, nhạc sĩ lại đong đầy ký ức với ca khúc có cái tên rất gần gũi “Người đảng viên số 1”.

Ông bảo, năm 1980 Đảng ta có chủ trương phát thẻ đảng cho các đảng viên. Sau buổi họp giao ban sáng ngày 28/12, ông cầm tấm thẻ đảng còn thơm màu mực mang số 0881147 cấp ngày 7/11/1980 hỏi Tổng Biên tập Trần Lâm: “Thẻ của em số to như thế này, những số nhỏ như 1, 2, 3... là của ai?”. Nhà báo Trần Lâm nói: “Các số ấy thuộc về các vị lãnh tụ, như Bác Hồ là số 1...”.

Từ đó số 1 cứ vương vấn trong suy nghĩ của ông và ông tự nhủ lòng cố gắng viết được bài hát về nội dung này. Thế rồi, ông nghĩ quê hương Bác Hồ nổi tiếng với ví dặm dân ca Nghệ Tĩnh và điều đó đã làm đà để ông viết ca khúc này.

Phần đầu bài hát, ông phát triển hát ví: “Mùa xuân chúm chím cánh hoa/ Sắc hồng nhớ lại cùng ta một người/ Nắng xuân cũng hát ngàn lời/ Bài ca thắm thiết về người đảng viên/ Những ngày gian khó triền miên/ Vững tay chèo lái viết nên thiên sử vàng”.

Phần hai, ông chuyển sang phát triển hát dặm và điều thú vị là vẫn chưa cho biết người đảng viên số 1 đó là ai. Câu “đố” ấy người nghe phải chờ đến cấu kết của toàn bài: “Người đảng viên số 1/ Tiếng nói dậy đất trời/ Luôn vì dân vì nước/ Gian khổ vẫn tươi cười/ Một tấm gương trung hiếu/ Từng lo cho mọi người/ Mong sướng vui cuộc đời/ Vì tương lai tươi sáng/ Người đảng viên số 1/ Là Bác Hồ kính yêu”.

Là người sáng tác âm nhạc rất sung sức trên nhiều đề tài thế nhưng nhạc sĩ Dân Huyền lại chưa từng được đào tạo một lớp âm nhạc bài bản nào. Có chăng, ông chỉ được học giáo lý âm nhạc Thánh ca trong lớp đàn ca nghi lễ ở nhà thờ giáo xứ xã Đoài, Nghệ An”, rồi học thầy học bạn ở Đoàn Văn công nhân dân Liên khu 4 với cây đàn violin do nhạc sĩ, NSND Đào Mộng Long làm trưởng đoàn. Khi về Đài Tiếng nói Việt Nam ông được bổ túc vài tháng nhạc lý ngắn ngủi cùng với các nhạc sĩ Mộng Lân, Vũ Thanh...

Tất cả những kiến thức để sáng tác ca khúc cũng như “khoác áo mới” cho dân ca đều có được do quá trình ông tự học, tự mày mò, nghiên cứu. Thế nhưng, sự tự học này của ông cũng có đôi chút thuận lợi là được làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, một “cái nôi” của âm nhạc, nơi được nhiều người gọi là Hội Nhạc sĩ Việt Nam thứ hai. Bởi thời ấy tại đây quy tụ rất nhiều nhạc sĩ tài năng, nhiệt huyết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với những đồng nghiệp, đàn em mới vào nghề như ông.

Công văn của Phủ Chủ tịch nói về việc Bác Hồ trao Huy hiệu của Người cho nhân vật trong bài viết của nhạc sĩ Dân Huyền.

Tinh thần tự học của nhạc sĩ Dân Huyền còn được thể hiện rõ qua việc ở tuổi 82, ngày ngày ông vẫn sáng tác nhạc, làm thơ, viết báo trên máy vi tính rồi chơi Facebook, dùng Gmail để kết nối, trao đổi với bạn bè gần xa.

Ông sử dụng thành thạo máy vi tính không kém một người trẻ nào. Ông bảo, trong nhà các con cháu đều làm về công nghệ thông tin, bí quá thì mình hỏi chúng, không thì cứ lọ mọ là ra hết. Cái chính là phải biết nguyên lý hoạt động. Không chỉ biết sử dụng đến độ thành thạo, có hôm máy tính dở chứng, bật màn hình toàn hiện lên chữ kiểu Arab, ông cũng xử lý được.

Ông bảo, mình phải làm một cuộc “đi tắt, đón đầu” để khỏi lạc hậu với thời cuộc. Với ông đó là một sự cố gắng, một nỗ lực phi thường bởi tuổi tác càng nhiều thêm, trong khi vốn tiếng Anh hạn chế, mắt nhìn cũng kém hơn. Với phương châm “Muốn biết thì hỏi, chưa giỏi thì học”, ông đã kiên trì học tin học bởi nó không chỉ giúp ứng dụng cho nghề nghiệp mà còn là niềm vui, làm hạn chế sự lão hóa của bộ óc.

Khi tôi đang gõ những dòng cuối này, đêm đã về khuya, một ngày mới đang chuẩn bị bắt đầu, trong tôi lại thoáng hình ảnh người nhạc sĩ già xứ Nghệ miên man theo những câu hát: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong/ Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng/ Về thăm Bác hôm nay bao niềm thương xao xuyến trong lòng/ Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông...” mà ông đã từng “rút ruột nhả tơ” cách đây 46 năm để giờ đây nó đã trở thành ca khúc quen thuộc mỗi dịp tháng 5 về.

Ngô Khiêm

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp