13:31 EDT Thứ năm, 25/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1852

Máy chủ tìm kiếm : 50

Khách viếng thăm : 1802


Hôm nayHôm nay : 79573

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3509430

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55663319

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Hát về đồng đội

Chủ nhật - 28/02/2021 20:09


Nhạc sĩ Trương Quý Hải không chỉ được yêu mến qua những ca khúc trữ tình như “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa”, “Khoảnh khắc”, “Tự khúc ngày sinh”..., những năm gần đây tên tuổi anh gắn với những ca khúc da diết, sâu nặng hát về đồng đội như “Thư về với mẹ”; “Hát cho người còn sống”; “Về đây đồng đội ơi”; “Lũy đá bất tử”.

Trong bộ trang phục người lính với cây đàn guitar, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã không biết bao nhiêu lần thể hiện thật cảm động những ca khúc viết cho những người đồng đội ở mảnh đất Hà Giang nơi biên cương Tổ quốc...

Những ngày cuối tháng 2 này lại gợi nhớ trong tâm tưởng những người con đất Việt về cuộc chiến đấu, những mất mát hi sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc nước ta nổ ra từ tháng 2-1979. Trong đó, mặt trận ác liệt nhất, nhiều mất mát hi sinh nhất chính là Vị Xuyên.

Hiện nay, nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên là nơi an nghỉ của gần 2.000 liệt sĩ, trong đó có rất nhiều liệt sĩ vẫn chưa xác định được tên tuổi, quê quán. Và tại mặt trận Vị Xuyên, vẫn còn có rất nhiều liệt sĩ hi sinh mà chưa tìm được hài cốt, phần mộ chính là nỗi niềm đau đáu, day dứt của nhiều gia đình, đồng chí, đồng đội, trong đó có người nhạc sĩ, cựu binh Trương Quý Hải.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải.

Tôi có may mắn được gặp nhạc sĩ Trương Quý Hải trong chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt mang tên “Lũy đá bất tử” do Cục Truyền thông CAND phối hợp với Công an tỉnh Hà Giang và một số đơn vị tổ chức vào tháng 7-2019 ngay tại nghĩa trang Vị Xuyên. Trong chương trình, nhạc sĩ Trương Quý Hải đã trình bày ca khúc “Lũy đá bất tử” - cũng chính là ca khúc được trân trọng chọn làm tên gọi của chương trình tri ân các anh hùng liệt sĩ nhân dịp 27-7.

Hôm ấy trời Hà Giang có mưa, sân khấu lại được làm ngoài trời nên không khí của buổi giao lưu vô cùng xúc động, linh thiêng với các màn trình diễn nghệ thuật và chia sẻ của các nhân chứng lịch sử. Bài hát “Lũy đá bất tử” của nhạc sĩ Trương Quý Hải được anh trình diễn trong khung cảnh ấy đã tạo nên dấu ấn cảm xúc không thể nào quên đối với những ai có mặt trong buổi tối hôm đó.

Trong những năm tháng mặt trận Vị Xuyên nóng bỏng, ác liệt nhất, câu chuyện về anh hùng liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh vẫn kiên cường chiến đấu ngay cả khi bị thương đã khiến bao người cảm phục.

Hình ảnh liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh đã bất khuất hi sinh khi trong tay vẫn ôm khẩu súng có khắc dòng chữ: “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử” đã lan tỏa khắp mặt trận. Dòng chữ “Sống bám đá đánh giặc/ Chết hóa đá bất tử” được truyền tai nhau và dường như đã trở thành một thứ “vũ khí tinh thần”, một khẩu hiệu sắt đá của những người lính đang ngày đêm chiến đấu. Nhưng phải đến 30 năm sau, nhạc sĩ Trương Quý Hải mới hoàn thành xong bài hát này.

Lời bài hát: “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử/ Lời thề tuổi xuân, nước Nam hào khí vọng vang/ Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử/ Thành lũy đôi mươi, bờ cõi non sông đời đời...” thực sự như một bản hùng ca, như một lời thề sắt son với Tổ quốc, với non sông, với lịch sử nên đã gây được ấn tượng và sự xúc động mạnh mẽ đối với công chúng, những người lính và đặc biệt là cựu chiến binh từng sống, chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải đã trân trọng ghi vào tác giả phần lời là “Nguyễn Viết Ninh và đồng đội” như để tỏ lòng biết ơn sâu nặng trước tấm gương chiến đấu, hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Viết Ninh và những đồng đội tuổi 20 đã ngã xuống cho cuộc sống bình yên hôm nay.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể rằng, anh bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi nhập ngũ, thấy anh là người được học về âm nhạc, cho nên cấp trên đã giao cho anh làm công tác “tuyên văn”, nhiệm vụ là sáng tác ca khúc.

Nhưng cho đến khi được chuyển từ anh “lính tuyên văn” sang làm công tác chôn cất tử sĩ tại mặt trận Hà Giang, anh vẫn chưa viết được bài hát nào. Ở tổ chôn cất tử sĩ, anh không còn nhớ đã bế trên tay bao nhiêu xác đồng đội, trải qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc.

Có một lần, khi tìm trên người đồng đội để có thêm thông tin về người đã hi sinh, anh đã tìm thấy trong túi áo của liệt sĩ có 3 chữ “Mẹ kính yêu!” ghi trên vỏ bao thuốc lá Sa Pa với màu mực xanh thấm máu. Tự dưng anh cảm thấy như có một luồng điện chạy qua mình. Chàng trai tuổi 20 Trương Quý Hải nghĩ về mẹ mình, nghĩ về người mẹ của đồng đội mà anh không biết mặt sẽ vĩnh viễn không gặp lại con.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải (giữa) và các cựu chiến binh trong một chuyến đi lưu diễn tại Hà Giang.

Vậy là đêm ấy, Trương Quý Hải đã ngồi viết tiếp bức thư ấy bằng những câu hát đầy xúc động: "Thư về với mẹ còn đượm nồng khói đất chiến hào/ Thư về với mẹ thấm máu đào bạn con vừa hy sinh/ Thư về với mẹ, lời nguyện thề vì đất nước trong lòng/ Thư về với mẹ, non sông sạch bóng thù, con sẽ về mẹ ơi!...”.

Khi bài hát ấy được cất lên, anh em thương binh đã đặt tên cho nó là “Thư về với mẹ” và đây chính là dấu ấn rõ nét nhất, mở đầu cho dòng ca khúc “Hát về đồng đội” của Trương Quý Hải kéo dài cho đến tận hôm nay...

Sau khi giải ngũ, Trương Quý Hải đã nhập học trường Đại học Mỏ - Địa chất, ngôi trường mà anh đã có giấy báo trúng tuyển từ trước khi nhập ngũ. Nhưng dường như những năm tháng quân ngũ với nhiều mất mát, hi sinh của đồng chí, đồng đội vẫn luôn ám ảnh Trương Quý Hải.

Anh cùng các đồng chí, đồng đội được trở về với gia đình, sống những năm tháng đất nước bình yên nhưng trong lòng không khi nào thôi xót xa, day dứt, ám ảnh phải làm được điều gì đó để an ủi anh linh đồng chí, đồng đội của mình - những người đã hi sinh cả tuổi thanh xuân, nằm lại nơi biên cương Tổ quốc mãi mãi khi tuổi đời còn rất trẻ.

Chính những lần quay trở về thăm lại chiến trường xưa mà không biết phải thắp nhang cho đồng đội ở đâu thì mới gặp được đông đủ các đồng chí, đồng đội đã hi sinh. Vì thế, anh và những người bạn tâm huyết của mình đã nảy ra ý tưởng xây dựng một đài tưởng niệm trên cao điểm 468 - cũng là một trong những cao điểm ác liệt nhất, nhiều mất mát hi sinh nhất - để làm nơi cho anh linh các anh hùng liệt sĩ cùng về đây quần tụ. Đến năm 2014 thì đài tưởng niệm này đã được hoàn thành.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể rằng: “Trong dịp làm lễ 100 ngày Đài tưởng niệm, do công việc bận nên anh không thể lên dự được và trong lòng cứ cảm thấy bồn chồn không yên. Đêm hôm đó, anh đặt bút viết ca khúc “Về đây đồng đội ơi” như lời nhắn nhủ yêu thương đến những người đồng đội của tôi còn nằm lại đâu đó trên chiến trường, như lời anh em còn sống gọi những người đã nằm xuống.

Lần đầu tiên anh ôm đàn trước cao điểm 468 và hát: “Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào/ Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình/ Quân dân nồng ấm nghĩa tình/ Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi/ Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười/ Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa/ Biên cương hình bóng quê nhà…”. Khi vừa dứt lời bài hát thì cũng là lúc Vị Xuyên đổ mưa. Dường như đồng đội đã nghe thấy lời anh hát, đã thấu hiểu nỗi lòng của những người còn sống...

Đến Vị Xuyên, lên cao điểm 468 hôm nay, trong mùi khói hương trầm mặc lẫn giữa mây núi yên bình, thật khó hình dung về một mặt trận khốc liệt, bất khuất và đau thương năm nào nếu không được nghe câu chuyện của những người lính - những chứng nhân lịch sử một thời kể lại. Càng xúc động hơn khi lắng nghe những ca khúc của nhạc sĩ Trương Quý Hải hát về đồng đội mình.

Anh không chỉ hát cho những người đã nằm xuống, mà còn “Hát cho những người còn sống” hôm nay: “Biên cương đã sạch bóng thù/ Đồng đội ơi còn sống về đi/ Trở về mái ấm quê hương/ Tiện đường ghé thăm nhà tôi/ Nhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng/ Tôi biển cát trắng, tôi xóm bên sông/ Mẹ hay nước mắt cha thường lặng lẽ/ Em tôi ngoan lắm trăng non tóc thề/ Thay tôi tạ lỗi cha mẹ, đạo làm con chữ hiếu dở dang/ Nặng tình non nước lên đường, ngày về khói hương đoàn viên…”.

Nguyệt Hà

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp