21:32 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3080

Máy chủ tìm kiếm : 57

Khách viếng thăm : 3023


Hôm nayHôm nay : 207826

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4700306

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51645804

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Nhọc nhằn nghề nuôi thú

Thứ hai - 11/05/2020 08:17

Dù vắng bóng khách tham quan do Vườn thú đã đóng cửa nhiều ngày nay nhưng tất cả công nhân viên ở đây vẫn đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh và nuôi dưỡng, chăm sóc đàn động vật trên 700 cá thể. Đến vườn thú những ngày này, càng hiểu hơn lòng tận tụy với nghề, tình yêu thương dành cho động vật của những người làm công việc đặc thù này.

Đóng cửa vì dịch bệnh

8 giờ sáng, khi tôi theo chân anh Phạm Đình Mạnh - Trưởng phòng Kĩ thuật thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên (TNHH MTV) Vườn thú Hà Nội đi kiểm tra hoạt động của các khu chăn nuôi, công nhân viên các bộ phận đã vào nhịp làm việc. Đến đây đã nhiều lần nhưng với tôi, đây là lần đặc biệt nhất khi là vị khách duy nhất đến tham quan vườn thú dịp này. Anh Mạnh cho tôi biết, với hơn 40 năm duy trì hoạt động kể từ khi thành lập (năm 1976), đây là lần đầu tiên vườn thú phải tạm dừng đón khách trong thời gian dài.

Vẫn biết khi đóng cửa, vườn thú sẽ đối mặt với khó khăn. Nhưng vì sự an toàn của cả người và đàn động vật trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên ngay từ ngày 14-3, Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định đóng cửa vườn thú trước khi có Chỉ thị 05/CT-UBND của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.

Nhân viên Vườn thú Hà Nội phun thuốc sát trùng khu nuôi nhốt hươu cao cổ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Không mở cửa đón khách tham quan không có nghĩa là cán bộ nhân viên được nghỉ ngơi. Thay vào đó, cùng với khâu vệ sinh chuồng trại, họ phải phun thuốc sát trùng 3 lần/tuần, từ khu vực chăn nuôi, trưng bày động vật đến khu bán vé, khu đường dạo, văn phòng, hàng rào sát khu dân cư. Những ngày dịch bệnh thì việc chăm sóc, giám sát các con vật trong vườn thú cũng phải được tăng cường, không chủ quan, lơ là.

Chị Hà Thu Phương - Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi phát triển số 1 của Công ty TNHH MTV Vườn thú Hà Nội nói với tôi rằng việc chăm sóc đàn động vật đông đúc không hề đơn giản. Từ phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng đến chống nóng, chống rét đều phải được lên kế hoạch cho cả năm.

Nhân viên chăn nuôi ở đây hiểu rõ đặc điểm và tập tính từng loài nên rất kỳ công trong việc chăm sóc. Chẳng hạn, bầy ngựa vằn khi gặp thời tiết mưa ẩm thì dễ chướng bụng, đầy hơi, dẫn đến tử vong. Do vậy, bất kể ngày hay đêm khi trời mưa là nhân viên chăn nuôi phải có mặt để đưa chúng vào trong nhà. Hay, để chăm sóc được 3 con voi của vườn thú thì các nhân viên phải tất bật từ sáng tới chiều: 9h30 cho voi ăn cỏ, bổ sung thêm mía ngọt giàu năng lượng; 14h ăn cơm nắm đậu xanh trộn đường, “tráng miệng” bằng ngô, bí đỏ, chuối, dưa hấu; 16h30 lại ăn cỏ bữa chiều. Chị Phương bảo loài voi trọng lượng lớn nên thực đơn hằng ngày phải phong phú, tươi ngon và số lượng cũng phải “khổng lồ” thì mới đủ.

Sáng nào cũng vậy, chiếc xe bán tải của vườn thú hoạt động hết công suất khi liên tục chở cỏ, rau củ quả, thịt cá về đây phục vụ việc ăn uống cho đàn động vật trong cả một ngày. Khi tôi đến khu nuôi thú móng guốc, các tổ nhân viên đem xe cải tiến đến vận chuyển cỏ voi về các khu chăn nuôi. Chị nhân viên vóc người nhỏ bé thoăn thoắt vác những bó cỏ voi vừa to vừa dài quá đầu người xếp lên xe cải tiến, miệng xuýt xoa: “Hôm nay cỏ non quá, đàn linh dương, nai, ngựa ăn ngon lành cho mà xem”.

Chị bảo với tôi tùy từng loài mà cỏ voi được chế biến khác nhau. Voi có thể ăn cả cây cỏ dài, ngựa và linh dương phải chặt khúc, riêng hà mã ăn cỏ băm nhỏ. Bởi vậy, bên cạnh khu nuôi hà mã, máy băm cỏ đang hoạt động hết công suất để chuẩn bị bữa ăn cho 2 chú hà mã nặng cả tấn mỗi con đang đầm mình dưới hồ nước.

Chăm thú như chăm con mọn

Theo chân những người công nhân, tôi bước vào khu nuôi nhốt và trưng bày thú dữ. Một mùi tanh nồng rất đặc trưng của các loài thú dữ bốc lên. Dường như đã quá quen với thứ mùi này, những nhân viên nuôi thú dữ ngày nào cũng vào tận chuồng để chăm sóc hổ, báo, sư tử và đàn gấu. Đều đặn mỗi sáng, cứ 7h30 họ đã có mặt ở từng chuồng thú để gọi chúng dậy, quan sát hoạt động của từng con.

Bước ra từ chuồng sư tử, cẩn thận giẫm chân vào khay dung dịch sát trùng đặt ở ngay cửa chuồng, chị Trần Thị Ngọc - nhân viên chăm thú dữ nói với tôi: “Chăm hôm nay nghịch quá, nô đùa mãi mà không chán”. Chăm là con sư tử được chị chăm sóc từ lúc bé. Sáng nào thấy Chăm nô đùa tức là con vật khỏe mạnh bình thường. Hôm nào con vật có biểu hiện mệt thì chị Ngọc và cả tổ lại lo lắng không yên.

Năm nay 45 tuổi, chị Ngọc gắn bó với công việc nuôi thú đã 20 năm và được anh em gọi là “bảo mẫu của thú non”. Chị bảo với tôi, thú non cũng như đứa trẻ, cần được chăm sóc kĩ càng, cẩn thận. Ngày con sư tử Chăm bị mẹ bỏ không nuôi, chị đảm nhiệm việc nuôi bộ con vật đáng thương. Mỗi ngày đều đặn chị pha sữa bột vào bình cho Chăm bú, vuốt ve giống như cách sư tử mẹ vẫn thường liếm láp con. Rồi chị theo dõi con vật tiểu tiện ra sao, biết làm những động tác gì và ghi tỉ mỉ vào cuốn nhật ký.

Mỗi khi Chăm biết thực hiện một động tác mới, chị lâng lâng niềm vui như khi ở nhà thấy con mình biết lẫy, biết bò vậy. Khi Chăm biết ăn dặm, mặc dù đã thái nhỏ thịt nhưng chị Ngọc vẫn phải trông chừng suốt bữa ăn để Chăm khỏi hóc, bởi con vật vẫn giữ bản tính ăn tham, nuốt vội của loài. Rồi chị huấn luyện Chăm hình thành những phản xạ có điều kiện, khi gọi tên thì vào ăn, khi rung chuông thì vào trong hoặc ra khu trưng bày để chị quét dọn chuồng.

Nhân viên chăm sóc voi ở Vườn thú Hà Nội.

Bởi thế, Chăm gần gũi với “mẹ” Ngọc lắm, có những lúc nó nằm ghé đầu vào chân chị ra chiều nũng nịu, có lúc hiếu động chạy nhảy, đùa nghịch liên hồi. Bây giờ Chăm đã lớn, chị thường gọi con vật ra sát song sắt, xoa lưng và vuốt ve bộ bờm dũng mãnh của nó, trò chuyện như con.

Chị Ngọc bảo, chăm thú con đã khó, chăm thú có bầu lại càng phải cẩn thận và mềm mỏng. Ngoài việc cho con mẹ ăn thức ăn bổ dưỡng, uống vitamin, canxi cho thai phát triển khỏe mạnh thì còn phải theo dõi chặt chẽ hằâng ngày. Gần đến ngày sinh, chị phải chuẩn bị ổ để con vật làm quen. Khi con vật đẻ con, phải để tự nó sinh sản, chỉ quan sát từ xa, bằng không chúng sẽ tha con đi tìm chỗ ở mới hoặc bỏ con không nuôi nữa.

Thú đẻ con rất hung dữ, vì vậy mỗi khi muốn vào dọn chuồng và chăm sóc thú con, chị phải dụ con mẹ sang chuồng khác, chốt cửa cẩn thận. Trước khi chạm vào thú con, một động tác không được quên là phải xoa hai tay xuống nền chuồng để tay mình đồng nhất về mùi, không để con mẹ phát hiện ra mùi lạ mà bỏ con.

Chị Ngọc nói với tôi, những ngày dịch bệnh lan rộng, người với người thì giãn cách được, chứ việc phải vào từng chuồng để vệ sinh, xịt rửa, tiếp xúc trực tiếp với các con thú thì không thể tránh được. Bình thường 75 cán bộ nhân viên đội chăn nuôi phải nuôi dưỡng tới 700 cá thể động vật thuộc 77 loài đã là vất vả. Đợt này, nhân viên chia ca làm việc để thực hiện giãn cách xã hội, lượng người làm trong ngày ít đi trong khi khối lượng công việc tăng lên trong ngày dịch bệnh khiến tất cả các bộ phận chăm sóc thú phải gồng mình để đảm bảo công việc.

Nỗi lòng người nuôi thú dữ

Ở khu nuôi hổ, anh Nguyễn Quang Phúc - tổ trưởng tổ chăn nuôi thú dữ tranh thủ ngày không có khách tham quan để làm đồ chơi cho các con thú. Những chiếc lốp xe nối với nhau, máng gỗ, xích đu, cầu thang, sàn cao có mái che đều do bàn tay khéo léo của anh Phúc và anh chị em nuôi thú tự thiết kế và lắp đặt. Đồ chơi tạo cảnh quan sinh động cho vườn thú và đều phải đảm bảo an toàn cho các con vật. Anh Phúc và tổ chăn nuôi thú dữ còn kỳ công giấu thức ăn ở các vị trí bậc thang, máng gỗ, treo trên cột cao để các con vật phải vận động, leo trèo tìm thức ăn như bản tính của chúng ngoài tự nhiên.

Gắn bó với công việc quản lý, chăm sóc và thuần dưỡng thú dữ đã 26 năm nay, anh Phúc có nhiều kỷ niệm buồn vui cùng nghề. Cách đây mấy năm, con hổ Bình Dương bị một vết thương ở bàn chân, phải gây mê để khâu. Khi con vật tỉnh lại thì cả tổ thay nhau ở cạnh cũi con hổ nằm để theo dõi, chăm sóc suốt mấy tuần liền. Vì lưỡi hổ rất sắc, vết thương khi lên da non sẽ ngứa nên ai cũng lo lắng hổ liếm vào sẽ đứt chỉ. Ban ngày, anh Phúc phải mang cơm đến ăn bên cạnh con vật. Đêm đến, anh ngủ lại trong chuồng thú để trông chừng.

Chị Trần Thị Ngọc chia khẩu phần thịt cho các con thú.

Bình thường, đến bữa ăn, với khẩu phần ăn gồm 5kg thịt tảng và 1kg sườn, con Đông Dương xé ăn một loáng là hết. Vậy mà những hôm bị ốm, nó không thiết ăn uống gì. Anh Phúc phải thái nhỏ thịt, vừa đút từng miếng vừa dỗ dành và bơm từng chút nước vào miệng con vật. Anh bảo, con thú khi ốm không biết kêu, cứ nằm ỉu xìu nhìn thương lắm. Vì vậy nó ăn thêm được chút nào anh mừng chút đó. Sau vài tuần, con hổ được chăm sóc, uống thuốc nên khỏe dần, cả tổ mừng rơi nước mắt.

Nhìn vết sẹo trên tay đã mờ, anh Phúc bảo, việc thường xuyên tiếp xúc với thú dữ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Dù rất cẩn thận nhưng anh đã từng bị thương khi cho hổ ăn. Khi đã bước chân vào chuồng thú, anh chị em ở đây luôn ghi nhớ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, không đứng sát chấn song chuồng thú, cẩn thận khi kéo cửa thả thú làm vệ sinh khu trong và khu trưng bày. Thường xuyên kiểm tra chuồng, hệ thống cửa, song sắt xem có bị hỏng hóc thì phải kịp thời gia cố, sửa ngay. Bởi chỉ cần một chút bất cẩn là tai nạn có thể ập đến. Anh em luôn để mắt tới nhau khi đang làm việc, người này khóa cửa, người kia kiểm tra.

Công việc chăm sóc, huấn luyện thú vất vả, áp lực quanh năm suốt tháng. Những ngày lễ, tết, lượng người đến tham quan vườn thú rất đông khiến các tổ chăn nuôi phải liên tục giám sát để khách không cho các con vật ăn các thức ăn không phù hợp, không xả rác bừa bãi và không bị thú dữ tấn công. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến vườn thú phải đóng cửa, đồng lương của những công nhân áo xanh trong vườn thú ngày thường đã ít ỏi, giờ lại giảm thêm. Không ít người hết giờ làm ở vườn thú phải tranh thủ làm nhiều việc khác để có thêm thu nhập. Anh Phúc thường chạy xe ôm đưa đón học sinh hoặc đi giao hàng.

Nhưng, những ngày này học sinh nghỉ học, chẳng thể chạy xe, thu nhập giảm nên cuộc sống sinh hoạt gia đình anh Phúc phải tằn tiện hơn. Tuy vậy, chưa bao giờ anh cũng như nhiều nhân viên có ý định rời xa vườn thú, không chỉ vì trách nhiệm với công việc mà còn bởi tình yêu thương, gắn bó họ dành cho các con vật suốt bao năm nay. Họ cùng mong đến ngày dịch bệnh qua đi, vườn thú mở cửa trở lại và đón khách tham quan. Khi đó họ lại có dịp trình diễn nhiều màn huấn luyện thú và nhận được những tràng vỗ tay không ngớt của người xem. Đó là động lực, là niềm vui giúp họ trụ lại với nghề.

Huyền Châm

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp