16:38 EDT Thứ tư, 24/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 937

Máy chủ tìm kiếm : 33

Khách viếng thăm : 904


Hôm nayHôm nay : 73266

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 3436303

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 55590192

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Những người “chạy chợ” ở vùng biên

Thứ ba - 29/06/2021 04:00


Những hành trình mù sương

“Lái buôn hai sọt” là cái tên chung của họ, mà có khá nhiều phụ nữ làm cái nghề lắm gian nan trắc trở và cả những hiểm nguy. Những chuyến hàng ấy xuất phát từ chợ đêm Pleiku, trung tâm tỉnh Gia Lai. Ở khu vực chợ đêm này, từ tối đến sáng trong khuôn viên khu vực bến xe nội tỉnh, ở tuyến đường Nguyễn Thiện Thuật, cùng một số đoạn đường Hoàng Văn Thụ, Lê Lai (đoạn từ đường Trần Phú đến đường Hai Bà Trưng, TP Pleiku) lúc nào cũng đông đúc xe cộ và người mua, kẻ bán.

2h sáng, thời điểm chợ đêm nhộn nhịp nhất, rất nhiều người buôn bán nhỏ ở các huyện xa như Krông Pa, Ia Pa hay Kông Chro, Kbang, mà đặc biệt là ở các vùng biên giới như Ia Grai, Đức Cơ... mua hàng xong, chuẩn bị ra về. Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng ở huyện, họ phải đi từ khi mọi người mới đi ngủ và đi bán từ lúc trời còn mù sương.

Cái lạnh buốt của đêm không làm ngại bước dù họ trong đó có rất nhiều người là phụ nữ. Đi buôn rừng là mang hàng hóa đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh để trao đổi với người dân ở các buôn làng. Hoặc là thu mua những nông sản, phế liệu mà người dân không có đủ điều kiện mang ra trung tâm huyện bán.

Rời chợ khi mờ sáng.

Nói là hai sọt, nhưng thực chất thì mỗi chiếc xe chất đầy cơ man nào là hàng hóa, nhu yếu phẩm để phục vụ bà con buôn làng. Những nơi có dấu xe của những người “hai sọt” như thế này thường là các con đường làng bé xíu, lắm ổ voi ổ gà hay những chiếc cầu treo nhỏ hẹp... mà xe hàng lớn, ô tô không thể nào đi được. Ở đó, mỗi ngày chiếc xe máy cà tàng chở đa dạng các mặt hàng vẫn bon bon trên muôn nẻo đường heo hút.

2h30’, khi hạt mưa còn nặng trên những triền lá thấp của vùng cao nguyên, chị Vũ Thị Huệ (38 tuổi, ở Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) cùng chồng đã sẵn sàng một chuyến bán hàng tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. 2 chiếc sọt của chị chất đầy nào cá khô, rau quả, gia vị, những thực phẩm dùng ngay được, cả những thứ để lâu được cả tháng trời như mì tôm, gạo, nhu yếu phẩm và cả văn phòng phẩm như sách vở, bảng học sinh... các thứ dùng đó chị mang vào các bản làng ở những xã giáp biên giới là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh để bán lại cho người dân nghèo.

Những chuyến hàng của chị chở đến lại thêm những câu chuyện vui, những câu đùa hài hước, thông tin mới kịp thời cho những người dân, người dân vùng biên giới. Và tất nhiên, các chị có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ bản địa như người dân nơi này.

Chị Ngô Thị Liên và chiếc xe chở hàng của mình.

Làm bạn với mặt trời

Nhắc lại những chuyến băng rừng của mình, anh Phan Văn Lưu (57 tuổi, ở Chư Prông) dù đã giải nghệ nhưng nhớ lại: “Nghề đi buôn ở vùng biên kiểu này đã có từ lâu lắm rồi. Tính đến giờ tui đi buôn cũng đã ngót hai chục năm. Lúc đầu nghề này chỉ đàn ông, trai tráng có sức khỏe mới dám đi. Nhưng nay, vì đường đi có phần “dễ thở” hơn nên thu hút rất đông các chị em, phụ nữ trên địa bàn tham gia, tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo và những lo toan cho lũ trẻ thôi!”.

Chị Nguyễn Thị Minh (ở huyện Đức Cơ) có thâm niên hơn 8 năm trong nghề với biết bao buồn vui trắc trở của nghề cũng cho hay: “Những phụ nữ như tôi chỉ dám đi buôn ở những bản gần và đường dễ đi hơn thôi. Vì đã đi buôn thì phải chở có khi đến vài tạ hàng nên những nơi dốc cao, dốc thẳm, phụ nữ không dám đi. Và chỉ đi và về trong ngày để tiện chăm sóc con cái nữa”.

Chiếc xe máy cà tàng chở 2 sọt hàng nặng vài tạ thường là rau quả, thịt cá, mắm muối, gạo, dầu, nhu yếu phẩm, văn phòng phẩm, cả các loại vật dụng như xoong nồi, xô chậu... và không bao giờ quên bơm, keo, đồ vá săm và một chiếc gậy để phòng thân.

Nhiều người chạy chợ vùng biên để mang hàng hóa tới các buôn làng.

“Nhiều khi đường xấu nên ngã xe, hàng hóa đổ vung vãi, trời lại mưa gió, có những đoạn đường rừng không người nên phải nghỉ, rồi một mình cả tiếng đồng hồ để xếp lại hàng hóa. Có khi đi giữa đêm làm phận đàn bà bị các đối tượng chọc ghẹo, mình phải có sẵn vũ khí để chống cự, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Còn chuyện thủng săm, hư xe giữa đường là cơm bữa. Chính vì thế chị em ở đây ai cũng biết sửa xe máy cả”, chị Minh cười bộc bạch.

Những tai nạn thường hay xảy ra đối với dân đi buôn đường rừng, nhẹ thì gãy tay chân, nặng thì phải bỏ nghề. Và khi gặp phải chuyện không may thì nỗi khó khăn lại đè nặng lên vai những người ở lại. Những nơi đường sá rất hiểm trở, bụi đỏ mù đường mùa nắng thì cần phải cứng tay lái mới dám bén mảng đến. Còn mùa mưa thì không thể đến, bởi vì nước các khe, suối dâng cao đi lại rất nguy hiểm.

Chị Ngô Thị Liên đến từ huyện Chư Prông cho biết, đã 15 năm nay, chị gắn bó với chợ đêm để mang hàng lên khu vực các buôn làng gần cửa khẩu Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) bán cho bà con trên ấy. “Lúc đầu, gia đình ai cũng phản đối. Làm nghề này thân gái dặm trường vất vả lắm nên ai cũng khuyên phải tìm cái nghề nào ổn định hoặc mở một quầy tạp hóa. Nghề nào chẳng có sự vất vả riêng, theo mãi rồi cũng quen.

Những chuyến hàng được mua gom lại rồi chở về vùng biên.

Hơn 15 năm nay, tôi đã chạy xe trên hàng ngàn cây số nhưng đó là niềm vui mà chỉ có người làm công việc này mới cảm nhận hết được. Bà con trong đó còn nghèo lắm, lấy tiền đâu mà mua những thứ hàng cao cấp như ngoài phố. Mình mang vào bán những thứ thật cần thiết như cá khô, mắm muối, một vài loại thuốc thông dụng... để bà con dùng. Bà con quý mình lắm vì mình bán rẻ, lại biết bà con thiếu thốn những gì nên mang vào”, quàng vội tấm áo mưa đã bạc màu, chị cười rồi phóng vụt xe đi.

Mười mấy năm gắn bó với nghề, chị đã thuộc lòng từng chỗ cua trên đường vào các buôn làng ấy. Chừng ấy năm gắn bó với nghề này là chừng ấy đêm chị thức trắng cùng những buổi chợ như thế này. Mỗi ngày, người phụ nữ này đi xe máy khoảng hơn 100 km xuống chợ đêm lấy hàng, rồi đưa lên khu vực các buôn làng bán lại.

Những ngày thời tiết thuận lợi còn đỡ vất vả, những đêm trời mưa, một mình đi về với 2 sọt hàng nặng trĩu, không biết bao nhiêu lần chị ngã dúi dụi, xe hỏng, hàng hóa rơi vãi ngấm bùn đất. Kể về những nhọc nhằn bằng nụ cười ngượng nghịu, chị Liên tâm sự: “Cái giá của chừng ấy thời gian thức trắng đêm là tôi đã nuôi 3 đứa con ăn học, chỉ bằng chiếc xe 2 sọt này. Đứa lớn đã vào Đại học ở Đà Nẵng, mỗi tháng gửi khoảng 3 triệu, chưa kể nhiều thứ tiền khác cho mấy đứa kia nữa”.

Sọt hàng đem lại thu nhập nuôi sống cả gia đình.

Vì miếng cơm manh áo, những đoàn người đi buôn đường rừng vẫn chấp nhận mọi khó khăn. Nhọc nhằn như vậy có khi đến mươi, mười lăm năm, thậm chí cả cuộc đời cho những chuyến hàng đằng đắng tới vùng biên.

Đêm đường rừng mưa rơi rả rích, nhìn những con người cặm cụi mưu sinh bến những chuyến hàng, tôi hiểu, với họ lam lũ cũng vì đàn con nhỏ, đằng sau hàng ngàn số phận mưu sinh bằng nghề buôn đường rừng ở vùng biên đó là những đứa con được học hành đàng hoàng, được bước chân vào giảng đường đại học, là những cha mẹ già được chăm sóc vật chất chu đáo hơn.

Trong nắng gió và bụi đỏ bazan vùng biên cao nguyên, từng đoàn buôn vẫn nối đuôi nhau chạy về nhà sau một ngày băng rừng, vượt suối. Trên xe máy của họ mắc lỉnh kỉnh hàng hóa ngược trở ra phố thị để bán lại, đó là thành quả của ngày buôn. Sáng sớm mai họ lại xuyên màn đêm tất tưởi lên đường đi buôn bất chấp sự khó khăn, hiểm trở của đường đi đang chờ đợi trước mắt.
Tiêu Dao

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp