11:02 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3748

Máy chủ tìm kiếm : 22

Khách viếng thăm : 3726


Hôm nayHôm nay : 141341

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2598734

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 49544232

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Những tấm ảnh kể chuyện

Thứ hai - 29/03/2021 10:28


Chuyện bắt đầu cách nay gần 30 năm, một hôm ông Bùi Đình Sơn - giáo viên ở thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy mang đến cho ông tờ báo, trong đó có đăng tấm ảnh hai chiến sỹ giải phóng quân kèm theo lời nhắn: “Trong những năm chiến tranh chống Mỹ cứu nước, trên đường công tác, phóng viên chúng tôi đã bất ngờ gặp và ghi lại hình ảnh tự tin, vững vàng của hai chiến sỹ biệt động thành Quảng Trị trước lúc lên đường diệt ác trừ gian. Bao nhiêu năm trôi qua, ngoài tấm ảnh ghi chú tên hai đồng chí là H. và T. chúng tôi không còn tin tức gì về họ...”.

Ngay lập tức ông nhận ra mình và một đồng đồng khi đang chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Hai người cưỡi trên chiếc xe Honda 67 trông rất ngầu. Ông ngồi phía sau. Đó là vào năm 1968. Đến bây giờ tấm ảnh đã có hơn 50 năm, ai cũng biết người trong ảnh là ai nhưng ông vẫn chưa biết nghệ sỹ nhiếp ảnh nào đã ghi lại khoảnh khắc lộng lẫy ấy của ông. Ông nhờ tôi tìm giúp.

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang và nữ du kích Quảng Trị.

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang nhập ngũ vào Lực lượng Công an vũ trang năm 20 tuổi. Sau đó ông được cử đi học đặc công ở Sơn Tây và về hoạt động trong đội hình Ban An ninh Quảng Hà. Đơn vị của ông mang mật danh “Đại Bàng” chuyên “Ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” diệt ác, trừ gian, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở, phát động phong trào quần chúng đấu tranh cách mạng từ trong lòng địch. Ông nói rằng muốn hoàn thành nhiệm vụ không dễ vì những tên ác ôn, có nợ máu rất cảnh giác.

Ví như tên Nguyễn Thanh Tụng - Quận trưởng Hải Lăng làm việc ở Đông Hà nhưng tối về Huế ngủ; tên Tôn Thất Phong- Trưởng khu huấn luyện ở thị xã Quảng Trị thì tối xuống tàu ở cảng Cửa Việt ngủ. Vậy nên phải mất thời gian tìm hiểu tung tích và quy luật hoạt động của đối tượng để xây dựng kế hoạch tác chiến kỹ càng rồi mới thi hành nhiệm vụ.

Có nhiều cuộc trinh sát kéo dài hàng tháng trời, nằm hầm bí mật, nhịn đói nhịn khát do bị địch bao vây, có nhiều chiến sỹ bị thương không giải vây được đồng đội phải tự xử lý cho nhau tại chỗ. Các ông cũng phải luôn luôn thay hình, đổi dạng để hoạt động. Có khi vào đứng chung hàng ngũ với phía bên kia. Có khi giả làm là sỹ quan của chúng. Cũng có khi là anh chăn trâu...

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang nhớ như in tình tiết mỗi trận đánh ông tham gia. Chấn động nhất vẫn là lần ông đóng giả trung úy bảo an, tự tin đi vào thẳng phòng làm việc của tên Nguyễn Thanh Tụng - Quận trưởng Hải Lăng, đọc lệnh xử tử hình ngay tại chỗ. Cách mạng đánh giá giết được tên Tụng còn hơn giết 1 trung đoàn địch vì Nguyễn Thanh Tụng vốn là Bí thư Đảng ủy của xã Hải Lâm chiêu hồi, trở thành một tên ác ôn khét tiếng.

Tử hình tên Tụng xong, ông xách luôn chiếc cặp đựng tài liệu để trên bàn làm việc của hắn rồi ung dung đi ra ngoài. Chiếc cặp đã giúp ta bắt gọn toàn bộ mạng lưới mật vụ của địch cài trong hàng ngũ cơ sở cách mạng ở huyện Hải Lăng và nhiều nơi khác trong tỉnh Quảng Trị. Quân địch ở Quảng Hà nháo nhác truy tìm tung tích trung úy bảo an giết tên Tụng.

Một thời gian sau chúng dò tìm được manh mối về người cả gan giết tên Tụng là Trung úy an ninh cách mạng Nguyễn Xuân Giang, lệnh truy nã dán khắp mọi nơi với giải thưởng 3 triệu đồng “Truy nã Trung úy Giang - Việt cộng nằm vùng nguy hiểm”.

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang đã trở thành người khác với cái tên khác. Thấy trước nguy cơ bị lộ diện sẽ ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của ông, một hôm đồng chí chính trị viên nói rằng “Đồng chí đã bị lộ, nên lấy tên khác để tiếp tục hoạt động”.

Ông không ngần ngại lấy luôn tên vợ mình là Hà. Vị chính trị viên thêm chữ Việt ở trước, có nghĩa nước Việt, thành Việt Hà . Tên H. ghi trong mẫu tin nhắn của báo chính là Hà, cái tên thứ 2 của ông. Lúc này ông là Thị ủy viên, Phó trưởng Ban An ninh Thị xã Quảng Hà.

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang cũng đã từng đóng giả anh chăn trâu ngồi vơ vơ vẩn vẩn giữa đồng cỏ trên con đường từ Quảng Trị về Cửa Việt ngày này qua ngày khác để tìm hiểu hành tung của tên việt gian Tôn Thất Phong, Trưởng khu huấn luyện.

Sau đó, đóng vai đại úy thủy quân lục chiến quân đội Sài Gòn cùng hai chiến sĩ đặc công khác cầm “Sử vụ lệnh” giả vào tận sào huyệt tuyên bố bắt sống Tôn Thất Phong và 7 tên khác. Theo lệnh của trên, ông tiêu diệt 3 tên có nợ máu với nhân dân, 5 tên còn lại là tay sai nên được tha bổng cho trở về quê quán.
Anh hùng Nguyễn Xuân Giang (ngồi sau) năm 1968.

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang hoạt động ở Quảng Trị từ năm 1964 đến ngày đất nước thống nhất. Trong khoảng thời gian đó, ông là cánh chim đại bàng sải cánh bay giữa hai miền giới tuyến. Tôi đã đọc những dòng chữ nhoè màu mực trong cuốn nhật ký của ông và bắt gặp dòng tên của những người đồng đội của ông đã hy sinh trong chiến tranh, cả tên của những người lập chiến công xuất sắc được Đảng và Nhà nước ghi nhớ công trạng.

“Càng về già, tôi càng nhớ đồng đội cũ. Những ngày tháng ấy chúng tôi cùng chung gian khổ để sống và chiến đấu. Tôi thương đồng đội tôi. Chung khổ mà không được chung sướng. Anh em chẳng có lấy một ngày bình yên như tôi. Danh hiệu Anh hùng này là tôi nhận thay cho cả đồng đội của tôi đó. Không có anh em chung bước quân hành thì một mình tôi chẳng lập được công trạng gì” - ông bùi ngùi.

Anh hùng Nguyễn Xuân Giang ví đời ông là một khúc quân hành. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục công tác trong lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình cho đến năm 1994 với quân hàm Đại tá, Trưởng phòng Cảnh sát Công an tỉnh Quảng Bình. Bà Hà - vợ ông - vẫn ở Tân Thủy. Nhắc đến người vợ của mình, ông nói: “Đời bà ấy 10 ngàn ngày chờ đợi. Tôi đi tôi thỏa chí tang bồng. Bà ấy làm vợ tôi, bà ấy khổ...”.

20 tuổi ông Nguyễn Xuân Giang lên đường nhập ngũ. Người yêu của ông đi thanh niên xung phong. Năm 1963, sau 6 tháng học đặc công ở Sơn Tây, ông được phép về nhà cưới vợ trước khi nhận nhiệm vụ mới. Bà Hà lúc đó đang chiến đấu ở đường 10, một cung đường ác liệt bậc nhất ở Quảng Bình thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: “Chưa đi chưa biết đường 10/ Đi rồi mới biết sức người sức ta”.

Có lẽ do tình hình chiến tranh lúc đó quá căng thẳng nên đơn xin về nhà kết hôn của bà không được chỉ huy chấp thuận. Ông phải đề nghị Bí thư xã đoàn can thiệp... Hơi vừa bén, lửa vừa nồng, ông bà phải chia tay lên đường về đơn vị. Lại một chuỗi ngày biền biệt bặt tin nhau. Mãi đến gần 10 năm sau, năm 1972, Quảng Trị giải phóng, ông mới được cấp trên cho nghỉ tranh thủ.

Ngày 8 tháng 5 năm 1972, đúng ngày giỗ bố, ông về đến nhà. Mạ ông ngỡ có người lạ ghé qua: “Mời chú vô dùng cơm với gia đình luôn thể”. Ông khóc: “Mạ! Con đây! Thằng Giang của mạ về đây!”. Cả nhà ôm lấy ông khóc... cười.... Người vợ 10 năm chờ đợi của ông lặng lẽ buông bát, quay mặt đi chỗ khác... Đứa con gái đầu lòng của ông bà ra đời nhờ chuyến về tranh thủ ấy. Bây giờ thì người mẹ của ông đã 108 tuổi trời và con gái đầu của ông là một chiến sỹ Công an nhân dân.

Thực hiện lời hứa với Anh hùng Nguyễn Xuân Giang, tôi đã cố gắng liên lạc với một số nghệ sỹ nhiếp ảnh từng hoạt động trên chiến trường Quảng Trị những năm từ 1964 - 1972 thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, điện thoại và nhờ bạn bè hỏi giúp như Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính, Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng... nhưng chưa có kết quả.

Hy vọng khi bài viết này may mắn được đăng báo, sẽ có nghệ sỹ nhiếp ảnh nào tình cờ nhìn thấy những tấm ảnh thời trai của anh hùng Nguyễn Xuân Giang và lên tiếng... giúp ông thỏa mãn tâm nguyện khi về già.

Trương Thu Hiền

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp