13:51 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 3405

Máy chủ tìm kiếm : 67

Khách viếng thăm : 3338


Hôm nayHôm nay : 133721

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4626201

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51571699

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

“Ông trùm” bến Thượng Hải: Đế chế lụi tàn

Thứ ba - 15/09/2020 09:58

Bộ phận kháng Nhật theo Tưởng Giới Thạch về Trùng Khánh lập chính phủ mới, vừa kháng Nhật vừa chống Cộng Sản. Trung thành với Tưởng, Đỗ Nguyệt Sênh cũng rời Thượng Hải lui về Trùng Khánh - thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên.

Tại đó, Thiếu tướng cố vấn chính phủ Đỗ Nguyệt Sênh tiếp tục trở thành một Mạnh Thường Quân "nổi tiếng hào phóng", đứng đầu một số tổ chức từ thiện, cứu tế được Quốc Dân đảng lập ra trong vùng đặt chính phủ, mục đích để "làm màu" thu hút sự ủng hộ của dân chúng. Nhưng khi vừa tạm ổn, được sự đồng thuận của Tưởng Giới Thạch, Đỗ lại tiếp tục xây dựng nên những con đường ma tuý mới, lấy đó làm nguồn kinh tài quan trọng nuôi sống chính phủ của Tưởng.

Nhờ sự tổ chức và giúp đỡ về mặt kỹ thuật của Đỗ, hầu hết lực lượng quân đội trong các địa phương do Quốc dân đảng kiểm soát đều tham gia vào việc kinh doanh ma tuý. Nhiều đơn vị quân đội hầu như chỉ làm mỗi một việc là đi thu gom thuốc phiện thô từ các vùng núi rừng heo hút ở Tây và Nam Trung Quốc để làm nguyên liệu bào chế heroin.

Những nhà hoá học gốc Triều Châu giỏi nhất cũng theo ông chủ Đỗ Nguyệt Sênh về Tứ Xuyên tiếp tục sự nghiệp điều chế heroin. Đỗ thu gom hết, gửi về Thượng Hải, sang Hong Kong và từ đó xuất sang Mỹ.

Quân Quốc Dân đảng năm 1937.

Trong khi hai phe Quốc - Cộng không thể hợp tác, luôn hầm hè kình chống nhau thì càng ngày, quân đội Nhật Bản càng uy hiếp Trung Quốc dữ dội hơn. Quân đội Nhật Bản đã nhanh kiểm soát trung tâm lãnh thổ Trung Quốc.

Tháng 6/1938, Nhật chiếm toàn bộ miền Hoa Đông và Hoa Bắc, gia tăng đe dọa miền Hoa Trung và Hoa Nam. Đang trong chiến tranh loạn lạc, vùng lưu vực sông Hoàng Hà lại xảy ra lụt lội khủng khiếp. Cả hai phe Quốc dân và Cộng sản Trung Hoa đều tạm gác sự kình chống nhau để lo cứu tế, cứu trợ nạn nhân bão lụt, nhưng vẫn không lo xuể.

Trong khi đó, quân Nhật lợi dụng tình hình, đẩy mạnh các hoạt động quân sự nhằm tiến chiếm các thành phố lớn như Trịnh Châu (Hà Nam), Vũ Hán (Hồ Bắc), Nam Xương (Giang Tây) và Trường Sa (Hồ Nam), từ đó sẽ dễ dàng bao vây tiêu diệt thủ phủ Trùng Khánh (Tứ Xuyên), nơi Quốc Dân đảng lập chính phủ kháng chiến.

Để ngăn bước tiến như vũ bão của quân Nhật, Tưởng Giới Thạch đã đưa ra một quyết định hết sức sai lầm dẫn đến một đại thảm họa. Ông ta cho phá đê Nam sông Hoàng Hà ở Hoa Viên Khẩu, gần thành phố Trịnh Châu tỉnh Hà Nam, với hy vọng cơn đại hồng thủy sẽ ngăn bước quân Nhật. Đê Hoa Viên Khẩu bị Tưởng cho nổ tung hai đoạn vào ngày 5 và 7/6/1938.

Dòng chảy của sông Hoàng Hà bị bẻ lệch hàng trăm cây số về phía Nam. Hàng chục ngàn km2 làng mạc, đất nông nghiệp của các tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô lập tức bị nước lũ nhấn chìm và cuốn phăng mọi thứ. Có tới hàng chục triệu thường dân của ba tỉnh này bị lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, đói rét lầm than. Khoảng 800.000 nạn nhân bị nước cuốn, chết và mất tích.

Đại diện Nhật tại Hong Kong ký văn kiện đầu hàng.

Gác kháng Nhật, ngưng chống Cộng, Tưởng Giới Thạch vội điều động gần như toàn bộ quân đội mà ông ta còn kiểm soát được vào việc giúp dân chạy lũ và chống đói. Trong cơn khốn quẫn, bộ mặt tàn ác, đê tiện của Đỗ Nguyệt Sênh mới bộc lộ đầy đủ.

Theo yêu cầu của Đỗ Nguyệt Sênh, đội quân Chữ thập đỏ do Đỗ làm Chủ tịch Tổng hội Trung ương, một số đơn vị quân đội Quốc Dân đảng vẫn bỏ mặc dân chúng lầm than ở phía Đông, chỉ ráo riết quay ngược về phía Tây Nam săn lùng thu mua thuốc phiện. Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, Đỗ đã cho trưng dụng phương tiện cứu trợ của quân đội chuyển thuốc phiện sống và cả heroin từ các tỉnh Tây Nam về Thượng Hải mà không bị ai ngăn trở hay khám xét.

Không cam tâm nhìn binh sĩ tha hoá làm ngơ trước cảnh nhân dân khốn khổ, Hoàng Tường Phong, một viên tướng Quốc Dân đảng trong quân đoàn 60 Vân Nam dưới trướng Lư Hán đang hội quân với quân Cộng sản kháng Nhật ở Vũ Hán, và cũng đang chỉ huy quân sĩ giúp dân chạy lũ, đã cương quyết chống lại, cự tuyệt tất cả các yêu cầu điều quân trưng dụng của Đỗ.

Hoàng Tường Phong ra lệnh cho binh sĩ thuộc quyền: "Tất cả tập trung cứu dân chống lũ. Cho đến khi đê vỡ được vá, lũ lụt thôi hoành hành, quân sĩ tuyệt đối không được tham gia bất kỳ công tác nào khác, bất kể lệnh từ ai. Đơn vị nào trái lệnh, chỉ huy sẽ bị bắn ngay tại chỗ. Quân đội là đội ngũ cứu dân, tuyệt không thể làm thổ phỉ hại dân!".

Bị cự tuyệt bởi một cấp chỉ huy sư đoàn địa phương không mấy quyền lực, Đỗ Nguyệt Sênh điên lắm. Dù đồng cấp (cùng Thiếu tướng), nhưng trong thực tế Đỗ không nắm đơn vị quân đội nào, chủ yếu chỉ dựa oai Tưởng Giới Thạch, nhưng vì thế gã tự coi mình như lãnh chúa, sẵn sàng sai phái bất kỳ tướng lĩnh nào.

Đỗ đích thân tìm đến tướng doanh chỉ mặt Hoàng Tường Phong đay nghiến: "Việc này là ý của Tưởng thống chế. Tướng quân dám chống lệnh, định làm phản hay sao?". Xuất thân là cao đồ võ phái Vịnh Xuân quyền, Hoàng Tường Phong không phải là kẻ dễ bị bắt nạt. Ông thét vào mặt Đỗ: "Điều đó hãy để Tưởng Thống chế tự tuyên bố, chưa đến lượt Đỗ tiên sinh. Nếu không còn việc gì khác, mời ngài đi ra cho, chúng tôi đang bận".

Chó cậy chủ, những tên túc hạ đi theo Đỗ nghe Hoàng Tường Phong nói vậy đều đồng loạt rút súng xô tới. Hoàng Tường Phong nhanh như chớp rút gươm kê ngay vào cổ Đỗ Nguyệt Sênh và thét quân sĩ tước vũ khí, bắt giam tất cả tay chân của Đỗ. Đỗ vẫn không phục nên suýt nữa đã rơi đầu dưới gươm lệnh của viên tướng cương trực yêu dân. Tuy nhiên, may cho Đỗ, Tưởng Giới Thạch kịp thời phát hiện việc Đỗ Nguyệt Sênh đi tìm Hoàng Tường Phong giải quyết bất hòa, lại biết viên võ tướng vốn nóng nảy, chính trực, coi khinh quyền lực, e đụng độ sẽ sinh chuyện chẳng lành nên đã đích thân xuất hiện.

Không làm căng, Tưởng đã ra sức dàn hòa mối "hiểu lầm", đề nghị - thật ra là ra lệnh - cho Hoàng Tường Phong bỏ qua. Nhờ thế, Đỗ Nguyệt Sênh vẫn có cơ hội giữ lại đầu trên cổ.

Ngoài một phen sợ đến vỡ tim, Đỗ Nguyệt Sênh còn bị Hoàng Tường Phong đem đốt bỏ mất số thuốc phiện tịch thu được, không trả. Tưởng Giới Thạch cũng ngậm đắng nuốt cay, bởi không thể đứng ra nhận rằng có phần mình trong số ma túy buôn lậu đó, càng không thể thừa nhận với viên tướng ngang ngạnh rằng chính ông ta chủ trương, dung túng, tạo điều kiện cho tập đoàn Thanh Bang của Đỗ Nguyệt Sênh buôn lậu thuốc phiện.

Đỗ Nguyệt Sênh cay đắng nhận ra rằng với phe quân đội cứng rắn, nhất là khi ở ngoài đất Thượng Hải, quyền lực xã hội đen của Đỗ không có cửa địch lại. Đao búa tất nhiên không so nổi với súng máy và đại bác. Buồn bực và hoảng sợ, "tên vô lại ái quốc" rời Trùng Khánh, gác lại tất cả các chức vị xã hội do Tưởng phong, từ bỏ công cuộc kháng Nhật xuất phát từ "lòng yêu nước nồng nàn" mà ông ta từng nhiều lần tuyên bố. Toàn bộ công việc làm ăn Đỗ giao lại hết cho con trai lớn. Cuối năm 1938, Đỗ bỏ sang Hồng Kong, tạo dựng cơ hội mới.

Tội phạm chiến tranh Nhật Bản bị dẫn giải về trại Stanley, Hong Kong năm 1945.

Theo tính toán của Đỗ, cả cuộc kháng Nhật lẫn cuộc đối đầu Quốc - Cộng rồi cũng sẽ sớm kết thúc. Vạn nhất không như ý, số phận và quyền lực của Đỗ chưa chắc đã được bảo đảm, nếu cứ khư khư bám đất Thượng Hải. Hong Kong là nhượng địa của Anh, chiến tranh thế giới hầu như không ảnh hưởng đến nó. Quốc - Cộng, bên nào thắng, hiện trạng nhượng địa cũng không thay đổi, Đỗ cũng còn cơ hội dung thân để chết trong tuổi già.

Mang theo một đám tay chân tin cậy từ Thượng Hải, quy tụ thêm thành viên Thanh Bang hội tại Hong Kong, Đỗ gầy dựng lại một đế chế Thanh Bang mới tại nhượng địa. Đỗ tự coi mình là ông trùm đầu tiên thế hệ chữ Ngộ, làm lễ khai sơn môn tại Hong Kong vào giữa năm 1939.

Ở Thượng Hải, đường dây buôn lậu cũ vẫn hoạt động nhưng kín đáo hơn. Hàng hóa buôn bán giữa hai vùng tự do và vùng bị Nhật tạm chiếm vẫn được con trai trưởng của Đỗ điều hành lưu thông đều đặn. Dĩ nhiên, ma túy vẫn là nguồn lợi số một.

Thậm chí, dù đang chiến tranh với Nhật, cha con Đỗ vẫn thiết lập được một đường dây mua thuốc phiện sống từ Tứ Xuyên về Thượng Hải xuất sang Nhật, rồi lại mua heroin của Nhật đưa về Hong Kong, từ đó xuất sang Mỹ, kiếm một vốn 10 lời. Tưởng Giới Thạch không ngồi yên được, phải nhảy vào vừa kiểm soát vừa hỗ trợ. Tưởng ra lệnh cho 5 ngân hàng lớn của Trung Quốc tiếp vốn cho Đỗ buôn lậu, rót cho y tổng cộng 150 triệu nguyên vào năm 1942.

Đỗ gầy dựng thanh thế Thanh Bang thế hệ chữ Ngộ trên đất Hong Kong suốt gần 8 năm. Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, thấy phe Quốc Dân đảng chống Nhật của Tưởng mạnh lên, Đỗ lại quay lại Thượng Hải, hy vọng dựa uy thế của Tưởng để có thể khôi phục lại hào quang và những quyền lợi vương giả một thời.

Nhưng Đỗ đã lầm. Khi tình trạng hỗn loạn thời chiến (với Nhật) kết thúc, Tưởng Giới Thạch - trong vai trò người đứng đầu chính phủ - không thể tiếp tục mặn mà với các mối giao hảo giang hồ và những trò thu gom quyền lực bằng biện pháp vô chính phủ. Tưởng đã đồng ý cho con trai (với người vợ cả) là Tưởng Kinh Quốc phát động và lãnh đạo Ủy ban ban bài trừ ma túy Quốc gia.

Trẻ tuổi, có học, thượng tôn luật pháp, không bị ràng buộc bởi quan hệ bang phái, Tưởng Kinh Quốc đã cho tịch thu tài sản, bắt bỏ tù tên trùm buôn lậu ma túy lớn nhất Thượng Hải lúc bấy giờ. Không ai khác, đó chính là con trai của Đỗ Nguyệt Sênh. Nguồn ngân quỹ của Hội cứu tế, Hội Chữ thập đỏ, Hội ái hữu công nhân Thượng Hải, Xổ số quốc dân… bao nhiêu năm qua chảy trọn vào túi Đỗ cũng bị Tưởng Kinh Quốc cho điều tra. Nếu không vì đang lo loay hoay chống đỡ với sự trỗi dậy của Đảng Cộng Sản, hẳn ngành Tư pháp của chính phủ Tưởng đã sờ đến gáy Đỗ Nguyệt Sênh để cha con Đỗ có cơ hội đoàn tụ trong tù.

Đúng như Đỗ lo xa, không bao lâu Quốc Dân đảng bắt đầu mất dần lợi thế trước trước sự lớn mạnh và sự tấn công như vũ bão của Quân giải phóng Trung Quốc. Từng tiếp tay cho Tưởng tiêu diệt Cộng sản, Thanh Bang hội không còn đất sống khi lãnh địa Quốc Dân đảng teo tóp dần. Từ năm 1947, các băng nhóm tội phạm đã lục tục kéo sang tìm đất mới ở Hong Kong. Đỗ cũng không chờ đến lúc Quốc Dân đảng bị Hồng quân quét sạch để chạy theo sang Đài Loan, vội bỏ hẳn Thượng Hải cao chạy xa bay sang Hong Kong từ tháng 4/1949.

Đỗ Thị đường hoành tráng năm nào được Đỗ bán tống bán tháo lại cho Lãnh sự quán Mỹ với giá 450.000 USD. Đó là một số tiền cực lớn. Lúc đó, các nhà tài phiệt, các trùm đầu lĩnh bang hội đang cuống cuồng thu gom tài sản để tháo chạy nên không ai có và cũng chẳng ai dám bỏ ra một lượng tiền lớn như thế "thanh lý" giùm tài sản cho Đỗ.

Thanh Bang hội làm mưa làm gió Thượng Hải một thời đến đó xem như bị tuyệt diệt.

Nguyễn Hồng Lam

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp