20:07 EDT Thứ tư, 17/04/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 1019

Máy chủ tìm kiếm : 32

Khách viếng thăm : 987


Hôm nayHôm nay : 94492

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 2799045

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 54952934

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Stalin từng mơ ước trở thành nhà văn?

Thứ tư - 07/10/2020 22:22


Đề tài về mối quan hệ giữa nhà văn và chính quyền bao giờ cũng quan trọng đối với văn học Nga. Còn đối với văn học Xô viết và các nhà văn Liên Xô từ những năm 30 đến 50 của thế kỷ trước, mối quan hệ với Stalin có ý nghĩa sống còn.

Nhiều nhà văn bị thất sủng, nhưng cũng có một số được lãnh tụ đặc biệt ưu ái. Bài trả lời phỏng vấn sau đây của nhà sử học Roy Medvedev, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1990-1991, nói về thái độ của Stalin và các lãnh tụ Liên Xô khác đối với văn học và nhà văn.

- Thưa ông, Stalin có một thư viện rất lớn. Lãnh tụ nói rằng ông đọc 500 trang mỗi ngày, gồm nhiều tài liệu, trong đó có tác phẩm văn học. Thời trẻ, Stalin làm thơ và đã được đăng. Sách có ý nghĩa như thế nào đối với ông ta?

+ Chính xác là 300-500 trang. Sách rất có ý nghĩa đối với Stalin. Ông mê đọc sách khi còn học ở chủng viện, năm 13-15 tuổi. Đối với ông, đó là một cách học tiếng Nga, ngoài ra, bản thân Stalin một thời cũng mơ ước trở thành nhà văn - và đã viết 15 bài thơ khá hay. Chúng được công bố trên các báo của Gruzia, sau đó được dịch và đăng trên tờ phụ trương của tạp chí “Tia lửa nhỏ”. Thời bấy giờ, Stalin đọc rất nhiều tác phẩm văn học Gruzia. Nhà văn yêu thích của ông là Aleksandr Kazbegi. Bí danh của Stalin, Koba, là tên một chiến sĩ đấu tranh cho nền độc lập Gruzia trong một cuốn tiểu thuyết của Aleksandr Kazbegi.

Nhà sử học Nga Roy Medvedev.

Khi giới lãnh đạo Liên Xô chuyển về điện Kremlin, Stalin, Kamenev, Trotsky và những người khác bắt đầu thành lập thư viện. Sách được thu thập từ các thư viện lớn của các nhà quý tộc và thương nhân chạy trốn khỏi nước Nga. Stalin thành lập thư viện đầu tiên gồm 10.000 cuốn sách, sau đó tăng lên 20.000. Trong số này, ít nhất 1/5 là sách văn học.

Hồi học ở chủng viện, Stalin đọc nhiều tác phẩm văn học cách mạng. Nhà văn yêu thích của ông là Victor Hugo. Thời Nội chiến, Stalin không đọc sách vì không có thời gian. Nhưng vào đầu những năm hai mươi, khi cuộc sống dần dần hồi sinh, Stalin được cấp một căn hộ riêng ở Kremlin và hai biệt thự ở ngoại ô Moskva và ông bắt đầu thành lập một thư viện lớn.

- Điều gì ẩn giấu phía sau thái độ thiên vị của Stalin đối với văn học và nhà văn?

+ Stalin quan niệm thế này: Trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người, phải có một thủ lĩnh. Trong chính trị, Stalin chính là thủ lĩnh, trong sinh lý học - Pavlov, trong sinh học - Michurin và Lysenko. Ông tư duy theo đẳng cấp: trong văn học phải có một nhà văn chủ chốt, tiếp theo là các nhà văn hạng nhất và hạng nhì, còn nhà văn hạng ba ông không quan tâm.

Nhà văn số một đầu tiên của Liên Xô là Gorky. Khi Gorky qua đời, Stalin biến Sholokhov thành nhà văn số một. Stalin công khai coi Mayakovsky là nhà thơ số một, ông viết: "Mayakovsky đã và vẫn là nhà thơ xuất sắc nhất, tài năng nhất của thời đại Xô viết".

Sholokhov được Stalin ưu ái nhiều hơn những người khác. Tập 1 và 2 tiểu thuyết "Sông Đông êm đềm" ra mắt độc giả và được mọi người hết sức ngưỡng mộ, còn tập 3 bị Fadeev và Parfenov trì hoãn xuất bản. Họ nói rằng đó là một cuốn tiểu thuyết phản cách mạng, rằng Sholokhov đang “trở cờ”, ca ngợi quân bạch vệ trong cuộc đấu tranh chống lại hồng quân. “Sông Đông êm đềm” bị giữ lại ở nhà in một năm rưỡi và Sholokhov đến gặp Stalin. Stalin đọc và hiểu rằng cuốn sách không có lợi cho những người Bolshevik, nhưng ông ta cần Sholokhov. Ông đề nghị Sholokhov viết về tập thể hóa và nhà văn đã thực hiện đề nghị này, đổi lại, Stalin cho phép ông xuất bản trọn bộ “Sông Đông êm đềm”. Sholokhov muốn gì được nấy, tự do hoàn toàn.

- Theo ông, thái độ của Stalin đối với các nhà văn và văn học mang tính công cụ, hay còn một chút rung động nào đó sót lại ở một người từng mơ ước trở thành nhà văn?

+ Tôi cho rằng chủ yếu là công cụ. Tất nhiên, có một chút rung động nào đó còn sót lại từ thời trẻ... Stalin thường giao nhiệm vụ cho các nhà văn. Ông ta nói thẳng với Aleksey Tolstoy: "Cần phải viết một cuốn tiểu thuyết về Pyotr Đại đế". Tiểu thuyết “Bánh mì” của Aleksey Tolstoy được viết theo chỉ thị của Stalin.

Tất nhiên, Stalin là một diễn viên tuyệt vời. Một lần, trong một cuộc họp, các nhà văn hỏi: "Thưa đồng chí Iosif Vissarionovich, hiện nay nên viết gì?". Theo thói quen, Stalin im lặng đi bách bộ trong phòng làm việc, rồi quay sang các nhà văn và nói: "Hãy viết sự thật!". Ông ta biết nói những điều to tát, khiến những người có mặt rất ấn tượng. Tại các phiên họp của Hội đồng Giải thưởng Stalin, Stalin đích thân đề cử một số tác phẩm nào đó cho giải thưởng mang tên mình:

- Tại sao các anh lại trao giải nhì cho trường ca “Vasily Tyorkin” của Tvardovsky?

Và các thành viên hiểu rằng trường ca tuyệt vời này xứng đáng nhận giải nhất, mặc dù trong đó Stalin không lần nào được nhắc đến và không có Đảng Cộng sản. "Tướng nhà văn", Chủ tịch Hội Nhà văn Fadeev từng bị khiển trách vì điều đó và buộc phải viết lại "Đội cận vệ trẻ". Nhưng "Vasily Tyorkin" không bị ra điều kiện như vậy, Stalin rất thích trường ca này.

Stalin yêu mến Tvardovsky ngay từ trường ca đầu tiên "Xứ sở của kiến". Khi các nhà văn lần đầu tiên được tặng huân chương, Tvardovsky chỉ mới 25 tuổi. Hơn nữa, ông ta là con địa chủ và không có tên trong danh sách này. Nhưng Stalin đã đọc "Xứ sở của kiến" và rất thích. Tvardovsky cắt bỏ những đoạn viết về tiêu diệt giai cấp địa chủ.

Stalin hỏi:

- Tại sao ở đây không có Tvardovsky?

Tất cả đều im lặng.

- Tôi nghĩ rằng Tvardovsky xứng đánh được trao Huân chương Lenin...

Khi nhận huân chương, Tvardovsky vô cùng ngạc nhiên, hóa ra, ông là người đầu tiên trong danh sách các nhà thơ. Như vậy, Stalin đã bổ nhiệm Tvardovsky làm nhà thơ số một của đất nước sau Mayakovsky.

Trong số các nhà văn, Stalin ưu ái Simonov hơn cả và đối xử với ông ta rất tốt. Simonov không phải là nhà thơ và nhà viết kịch số một, nhưng dù sao, ông là người khá tài năng và rất dễ dàng, nhanh chóng thực hiện các nguyện vọng của Stalin.

Stalin không thích Demyan Bednyi. Sau cách mạng, Bednyi là vị tướng văn học quan trọng nhất, ông ta sống với các “lãnh tụ" trong điện Kremlin, nhưng không hiểu rằng ở đấy phải rất thận trọng. Một lần, Demyan Bednyi nói đâu đó rằng không nên cho Stalin đọc sách, vì ông ta để lại dấu vết những ngón tay mũm mĩm của mình trên trang sách. Có người bẩm báo với Stalin, lãnh tụ vô cùng tức giận. Kết quả là Bednyi bị hạ bệ, bị cách hết các chức vụ, tước đoạt mọi thứ, và đình chỉ xuất bản.

- Sau khi Stalin qua đời, thái độ của những người lãnh đạo đất nước đối với văn học thay đổi như thế nào?

+ Khruschyov vẫn giữ được sự quan tâm văn học như Stalin. Bản thân ông ta không thích đọc và không viết gì vì ít học, nhưng các thư ký đã đọc sách cho ông ta nghe. Chúng ta rất biết ơn Khruschyov vì ông đã đánh giá cao truyện vừa “Một ngày trong cuộc đời Ivan Denisovich” của Solzhenitsyn. Bộ Chính trị phản đối việc công bố tác phẩm này, nhưng ông nói rằng "một truyện vừa hay về người lao động”, cần được công bố.

Một lần, khi Khruschyov đi nghỉ ở miền Nam, ông ta mời các nhà văn đến gặp, trong đó có Erenburg và Tvardovsky. Mọi người đều uống chút rượu, không khí vui vẻ và Tvardovsky đọc trường ca châm biếm của mình "Tyorkin ở thế giới bên kia". Trường ca này được viết từ năm 1954, đã sửa chữa nhiều lần, nhưng vào thời điểm đó không thể xuất bản. Mọi người cùng cười và Khruschyov nói rằng có thể công bố trường ca này. Khruschyov vốn là người hay thay đổi ý kiến và có thể hủy bỏ quyết định của mình, vì vậy Adzhubey, con rể của Khruschyov, Tổng biên tập báo “Izvestia” đã ra lệnh đăng trường ca này trên tờ báo của mình ngay ngày hôm sau. Các nhân viên kiểm duyệt không thể ngăn cản điều này. Họ đề nghị Adzhubey bỏ một số dòng, nhưng Adzhubey và Tvardovsky không đồng ý. Lần tiếp theo, trường ca này được tái bản vào thời cải tổ, sau khi Tvardovsky đã qua đời.

Khruschyov đã phục hồi danh dự cho Erenburg, người bị thất sủng dưới thời Stalin. Khruschyov không mặn mà lắm với Erenburg, nhưng cần nhà văn để giao tiếp với các nhà hoạt động văn hóa châu Âu.

Khruschyov rất hay can thiệp vào công việc văn học. Ông thường tập hợp các nhà văn tại biệt thự của mình và diễn thuyết trước mặt họ. Sau đó, những bài diễn thuyết này được công bố trên báo “Sự thật”. Khruschyov bảo trợ một số nhà văn, đặc biệt là Sholokhov. Trong một chuyến công tác miền nam, Khruschyov ra lệnh hạ cánh tại làng Vyoshenskaya để gặp Sholokhov và người ta đã khẩn trương xây dựng một bãi đáp máy bay tại đây.

Brezhnev không yêu văn học và không đọc gì cả, nhưng rất thích điện ảnh. Người ta chiếu những bộ phim bị kiểm duyệt nghi vấn cho Brezhnev xem và ông ta thường tỏ ra khá đại lượng đối với chúng.

Andropov rất yêu văn học. Ông đọc rất nhiều và giống như Stalin và Lenin, có một trí nhớ tuyệt vời, thuộc lòng hàng trang sách. Andropov đánh giá cao các tiểu thuyết của Okudzhava. Gorbachyov không đọc sách văn học, Yeltsin cũng thờ ơ với văn học. Tôi không biết Putin có yêu văn học không. Ông ta đọc rất nhiều, nhưng chủ yếu là sách lịch sử và chính trị.

Trần Hậu

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp