15:12 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Menu

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cậpĐang truy cập : 2592

Máy chủ tìm kiếm : 150

Khách viếng thăm : 2442


Hôm nayHôm nay : 107921

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 4409220

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 51354718

Trang nhất » TIN TỨC » TIN TRONG NGÀNH » NGƯỜI TỐT VIỆC TỐT

CAND

Tết này, con cố chịu đau...

Thứ tư - 03/03/2021 09:27

Bàn tay trái của cậu bé đang ghì chặt bàn tay phải, nơi có vết tiêm truyền vừa mới rút kim, còn dán lớp băng mỏng. Rồi một người đàn ông xuất hiện, vai đeo balo, tay xách túi, chân cũng không đi tất, cũng đi dép lê, áo khoác cũng mỏng và ướt gần hết đang bước vội vã về phía cậu bé. “Bố ơi con đây!”, cậu bé cố hết sức gọi to mặc dù cậu còn đang rất mệt, gương mặt xanh tái bỗng vui hẳn lên. “Xong thủ tục xuất viện rồi, bố con mình về quê thôi”, ông bố vừa nói vừa trùm lên đầu con chiếc túi nilon cho khỏi ướt, bế con lên và tất tả đi về phía cổng viện.

Dù là mưa rét, dù tết đã cận ngày, dù đường về còn xa, dù cậu bé còn mệt còn đau nhưng có một điều chắc chắn, là cậu sẽ có một cái tết trọn vẹn bên gia đình. Liệu từ giờ đến tối, thậm chí đến mai, có đứa trẻ nào được xuất viện về nhà như thế nữa, hay chúng sẽ phải ở lại đây chờ những ngày tết dần qua…

“Chả ăn tết cũng được, miễn là con khỏe”

Ngoài phố phường đang tấp nập mua sắm tết, còn ở khoa Thận - Lọc máu trên tầng 8 Bệnh viện Nhi Trung ương, tất cả y bác sĩ vẫn đang thăm khám, dặn dò, làm xét nghiệm cho các bệnh nhi. Tiến sĩ, bác sĩ Thái Thiên Nam - Phó trưởng Khoa bảo với tôi rằng, hầu như tết nào Khoa Thận cũng có bệnh nhi phải ở lại nên việc trực tết với anh và đồng nghiệp đã thành quen. Biết là trẻ con mong nhất, vui nhất trong ngày tết, nên dịp cận tết các bác sĩ đã cân nhắc xem trường hợp nào có thể về nhà. Gần chục bệnh nhi ăn tết với các bác sĩ năm nay đều là những trường hợp nặng phải điều trị tích cực. Tiếng khóc ngằn ngặt, tiếng rên rỉ đau đớn của bọn trẻ vẫn vang lên khiến anh và đồng nghiệp chẳng thể yên lòng.

Tiến sĩ, bác sĩ Thái Thiên Nam - Phó trưởng Khoa Thận - Lọc máu thăm khám cho bé Lê Bảo Lâm sáng 28 tết.

Trong phòng bệnh, bé Lê Bảo Lâm ở huyện Yên Định, Thanh Hóa đang ngồi thẫn thờ, gương mặt xanh xám. Mới 3 tuổi mà bé Lâm đã bị suy thận mãn giai đoạn cuối. Cách đây một tuần, khi thấy con nôn ói, đau đầu, co giật, chị Lê Thị Hương cho con đi khám tại Bệnh viện Sản nhi Thanh Hóa mới phát hiện ra bệnh của con. Đúng ngày cúng ông Công ông Táo, bé Lâm được chuyển ra Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng nguy kịch và phải điều trị lọc màng bụng liên tục.

Vừa khám cho bé Lâm, bác sĩ vừa nhẹ nhàng động viện: “Tết này mẹ yên tâm ở lại đây chăm con. Không có tết ở nhà thì đã có tết ở bệnh viện cùng các bác sĩ”. Chị Hương mếu máo: “Em chả cần ăn tết cũng được, chỉ cần con khỏe lại”. Tâm lý “không cần tết” có lẽ không phải của mình chị Hương mà của tất cả các ông bố, bà mẹ trong phòng bệnh ngày hôm ấy.

Bác sĩ Nam bảo đến ngày 30 tết, bệnh viện thưa vắng người, chỉ còn một vài bác sĩ nội trú và các chị điều dưỡng lặng lẽ đến từng giường bệnh để khám, bổ sung thuốc và truyền dịch... Thời khắc giao thừa trong viện lại càng buồn hơn. Bởi khi ấy, có những ông bố, bà mẹ vẫn còn đang bế đứa con đang đau, cơn sốt.

Ngày đầu năm, các bác sĩ mừng tuổi cho các bệnh nhi, mong các con đủ sức chiến thắng bệnh tật. Có bác sĩ còn ra hạn định: “Chỉ tết này ở viện thôi, tết năm sau nhất định phải về nhà”. 3 ngày tết, bệnh nhi và người thân được nhận suất ăn miễn phí của bệnh viện và các nhà tài trợ. Chiếc bánh chưng, khoanh giò, cái bánh cái kẹo sẽ khỏe lấp phần nào nỗi cô đơn, lo lắng thời điểm đầu năm mới.

“Mẹ cho con ra ngắm cây đào”

Một chậu đào, chậu quất, thêm câu đối, đèn lồng, bóng bay, đèn nháy, có cả rổ bánh chưng mô hình cho không khí thêm rộn ràng. Đó là không gian tết rực rỡ duy nhất ở hành lang mà khoa điều trị nào ở Bệnh viện Nhi Trung ương cũng trang trí từ sớm để mang tết về cho các bệnh nhi.

Ở Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp ngày thường có đến 40-50 bệnh nhân nhưng đến sáng 28 tết chỉ còn 5 bệnh nhi vẫn trong tình trạng nặng nên phải ở lại đón một năm mới trong cái lạnh và buồn của bệnh viện để được điều trị, theo dõi sát sao. Mấy mẹ con họ dọn đồ đạc về ở một phòng cho đỡ buồn tẻ, dành những giường bệnh trống để đón tiếp người bệnh mới rất có thể sẽ nhập viện trong ngày tết.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quỳnh Chi - Trưởng khoa bảo với tôi, những ngày tết, ngoài bác sĩ trực thì bác sĩ phụ trách điều trị cũng phải trực vòng ngoài. Tết nào chị cũng chỉ quẩn quanh ở Hà Nội để có thể nhận điện thoại và vào viện bất cứ lúc nào. Có khi càng những ngày tết, nhất là trong giờ phút giao thừa, càng nhiều bệnh nhi nhập viện trong tình trạng khẩn cấp. Bọn trẻ còn nhỏ lắm, các bác sĩ không thể lơ là và phải cố hết sức để các con được hưởng những thành tựu y học tiên tiến nhất và được sống tiếp trong cuộc đời này.

Gần 6 tháng tuổi, cái tết đầu tiên của bé Nguyễn Đình Phong ở Bắc Giang lại ở trong bệnh viện. Bé bị suy giảm miễn dịch, từ khi sinh ra đến giờ đau ốm triền miên. Có lẽ với mẹ con Phong thì ngày tết với ngày thường cũng chẳng khác gì nhau. Có khác chăng là khi các phòng bệnh thưa vắng, hành lang rộng thênh thang, Phong được mẹ đặt vào xe đẩy đi dọc hành lang và dừng lại bên cây đào, cây quất. Ánh mắt non nớt của bé cứ nhìn cây quất không rời. Thương con chưa biết thế nào là tết, lòng người mẹ thắt lại vì lo lắng và tủi thân trong thời khắc đặc biệt của năm.

Các bác sĩ dù đang bận bịu nhưng vẫn dừng lại cưng nựng em và động viên mẹ: “Tết này không ở nhà thì ở đây ăn tết với các bác sĩ, gắng lên để chăm con”. Người mẹ trẻ vừa đưa tay quệt vội nước mắt vừa khẽ gật đầu, nghẹn ngào chẳng nói được lời nào.

Ngay cạnh đó, cậu bé Khun Văn Dương, người dân tộc Khơ Mú, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cũng đang được mẹ bế ra ngắm cành đào tết. Dương 5 tuổi, bị ung thư ruột, đang trong đợt hóa trị thứ 4. Đã nửa năm nay, 2 mẹ con ở bệnh viện không về nhà. Từ khi có góc trang trí ở hành lang, Dương biết đang là ngày tết, cứ khóc đòi về nhà với bố và em gái.

Có lúc Dương thều thào: “Mẹ cho con ra ngắm cành đào”, chị Hòa Thị Tâm đành bế con ra đây. Dương nín khóc, đưa bàn tay quấn băng với lên cành đào đang bung nở hoa. Trong giây phút ngắn ngủi, gương mặt nhăn nhó vì đang lên cơn sốt của Dương dãn ra, cơn đau nhức do truyền hóa chất dường như tạm lắng xuống. Chị Tâm ôm chặt Dương trong vòng tay, áp má vào mái đầu trọc lốc của con, lặng yên.

Chị Trịnh Thị Lê (Thái Bình) gội đầu cho con gái trong phòng bệnh.

Kéo người con ra sát mép giường, bê chậu nước ấm đặt trên ghế, chị Trịnh Thị Lê dịu dàng: “Mẹ gội đầu cho con gái mẹ đón tết nhé”. Cơ thể cô Phạm Thị Ly (14 tuổi, ở huyện Đông Hưng, Thái Bình) vẫn đang run lên từng chập. Ly bị bệnh Lupus ban đỏ - một bệnh tự miễn dẫn đến nhiễm trùng đường hô hấp, kháng đông, hoại tử, tình trạng rất nguy kịch, phải cách ly ở Khoa Điều trị tích cực. Chỉ đến chiều 27 tết, Ly mới được chuyển lên Khoa Miễn dịch - Dị ứng - Khớp để tiếp tục điều trị. Em chưa thể ăn, chưa thể ngồi dậy và đi lại được. Mọi sinh hoạt đều một tay mẹ chăm sóc.

Từ tháng 9-2020, Ly phát bệnh, chị Lê phải nghỉ làm công nhân ở xưởng để đưa Ly đi chữa bệnh, chỉ mong sao con được đón tết ở nhà. Khi bác sĩ Chi vào khám, bảo tết này Ly phải ở lại đây điều trị, Ly buồn lắm, nước mắt cứ trào ra. Đây là lần đầu tiên Ly không được đón tết ở nhà. Ly tự nhủ sẽ cố gắng điều trị, để có thể ngồi dậy, chạy ra hành lang, chụp ảnh bên cây đào gửi cho bố...

“Bao giờ đến mùng 3 tết?”

“Mẹ ơi, bao giờ đến ngày mùng 3 tết?” - “Sắp đến ngày mùng 3 rồi, con cố gắng chịu đau nhé”. Đoạn hội thoại cứ lặp đi lặp lại ở hành lang bệnh viện. Cậu bé Lò Gia Huy ở huyện Than Uyên, Lai Châu mong đến ngày mùng 3 tết lắm, vì hôm qua cô bác sĩ nói rằng nếu Huy chịu khó điều trị, mùng 3 tết, Huy sẽ được về. Huy 6 tuổi, đang học lớp 1 nhưng vì bị suy thận nên số ngày ở viện điều trị nhiều hơn ở lớp.

Cậu bé này may mắn được xuất viện về nhà ngày 28 tết.

Chị Lò Thị Lanh – mẹ cậu bé bảo tết này con vẫn đang phải điều trị tích cực nên không thể về nhà. Đêm qua, Huy khóc nhiều vì nhớ em gái, nhớ bố. Trong lúc đau đớn nhất, mệt nhất, Huy vẫn chỉ nghĩ về ngày mùng 3, bởi với Huy và mẹ, tết bắt đầu từ ngày đó.

Cô bé Hồ Anh Thư 4 tuổi ở Khoa Ung bướu cũng luôn miệng hỏi mẹ bao giờ đến ngày mùng 3 tết, bởi sáng nay, trước khi về quê ở huyện Bố Trạch, Quảng Bình, bà ngoại bảo mùng 3 sẽ trở ra với mẹ con Thư. Phút chia tay, cả mẹ và bà ngoại đều ôm Thư khóc. Bởi họ biết tết này sẽ là cái tết đầy xa cách và lo âu.

Cách đây 1 tháng, từ Quảng Bình, chị Trần Thị Hiếu đưa con gái ra Hà Nội nhập Bệnh viện Nhi Trung ương và chết lặng khi biết con bị u nguyên bào thần kinh. Con đã truyền hóa chất 2 đợt và tiếp tục phải điều trị. Những khi con đau, con đòi về nhà, lòng chị Hiếu lại ngổn ngang trăm mối. Chị không còn nhớ ngày này là ngày tết nữa, mà có nhớ cũng đành buông xuôi...

Thái Hưng

Nguồn tin: cand.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

GIỚI THIỆU

GIỚI THIỆU TỈNH ĐIỆN BIÊN

Tổng quan về Điện Biên Thành phố Điện Biên Phủ. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN - XÃ HỘI 1. Diện tích tỉnh Điện Biên:  Diện tích tự nhiên: 9.541,25 km2 . 2. Vị trí địa lý Điện Biên là một tỉnh biên giới miền núi thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc, có tọa độ địa lý 20o54’ – 22o33’ vĩ độ...

WEBSITE LIÊN KẾT

 

THỦ TỤC HÀNH CHÍNH

Tiếp nhận phản ánh
vi phạm quy định về pccc
Công khai  kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm
Bộ Thủ Tục Hành Chính
TIÊU CHUẨN ISO 9001:2015
ĐĂNG KÝ - QL CƯ TRÚ
GAMES
thủ tục khắc dấu
HƯỚNG DẪN XNC
bien so xe
van ban qppl
ĐỐI TƯỢNG TRUY NÃ
hom thu
chuyên mục hỏi đáp